BS Huy
Nọc Nạn xưa.
Mấy ngày này bị đánh vỗ mặt quá,choáng không định thần ngồi viết được. Hết vụ Hoàng Khương đến Đoàn Văn Vươn… Đành rằng cái niềm tin của mình vào thể chế này đã xuống gần bằng không từ lâu rồi, nhưng không ngờ nó lại đẩy qua phía âm một cách mau lẹ vậy. Phát súng từ Đồng Nọc Nạn thời hiện đại đã đập cho mình một cú khá dội để tỉnh luôn mà rằng: “Hết thật rồi”.
Mãi hôm nay vào trang Bọ Lập thấy bài viết chi tiết về vụ án Đồng Nọc Nạn. Hồi còn đi học, vẫn được biết loáng thoáng qua sách vở rằng đây là vụ người nông dân bị chèn ép, bị cướp khống mảnh đất mà họ đổ bao mồ hôi lẫn máu để có được, tức nước vỡ bờ họ đã vùng đứng lên chống trả theo đúng như Marx dạy: “Đâu có áp bức, đấy có đấu tranh”. Ông Marx sai đâu không biết, nhưng câu này ông tuyệt đối đúng, vì người nông dân như Biện Toại chẳng cần biết tới ông Marx là ông nào, họ cũng quỳ lạy mẹ lần chót rồi lao ra đương đầu với súng đạn.
Giống như Biện Toại, anh Vươn cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để cải tạo lại vùng Cống Rộc, từ một bãi lầy ven biển luôn hứng chịu cơn thịnh nộ của thần biển, với bao mồ hôi, thậm chí một đứa con 8 tuổi của anh cũng đã vĩnh viễn nằm lại ở Cống Rộc. Rồi bao nhiều tiền của từ bán nhà, bán đất, rồi đi vay… để có được cơ ngơi ngày nay làm ngon mắt bọn cướp ngày.
Tiên Lãng - Nọc Nạn bây giờ
Bằng sự tham tàn bạo ngược, bằng sự tráo trở lật lọng, bọn quan phủ, quan huyện ngày nay đã giở trò định cướp khống thành quả lao động của gia đình anh. Người nông dân không tấc sắt phải đối đầu với hàng trăm cảnh sát cơ động, bộ đội biên phòng dẫn đầu bởi tên cò Tournier hiện đại. Họ phải làm gì? Chỉ có cái này, biết không? Câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi văng dao vào Bá Kiến. Đúng, chỉ có cái này. Khi tiếng nói của pháp luật đã tắt lịm trước bạo quyền, thì người nông dân chỉ còn con dao hay là súng hoa cải.
Ai đã đẩy họ vào con đường cùng? Tại sao một chế độ luôn nhân danh nhân dân, của dân, do dân mà giờ đây, công an chỉ có mỗi việc đi bắn nhau, đánh nhau với nhân dân?
Nhưng đọc tiếp vụ Đồng Nọc Nạn, tôi lại thấy tiếc cho anh Vươn. Giá như anh sinh ra hồi ấy, cách nay hơn 80 năm, thời Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ và bóc lột đến tận cùng xương tủy như trong Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo, thì khi ra tòa đại hình, anh đã gặp được một viên công tố Moreau công bình, những luật sư như Tricon và Zévaco…, và trên hết, viên chánh án De Rozario chủ trì phiên tòa chỉ biết thượng tôn pháp luật. Họ không đứng về phía kẻ bạo quyền. Họ đấy, họ đang cố xây dựng một chế độ độc tài, sự độc tài của tình người: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp (Non pas de la dectature de la forc du mousqueton, mais de la dictature du coeur).
Thật không may cho anh Vươn. Rồi đây khi ra tòa, chắc anh sẽ gặp những kiểm sát viên kiểu Viện trưởng Viện kiểm sát Cần Giuộc nhậu để gái chết đuối, anh sẽ gặp những thẩm phán kiểu phó văn phòng TAND Cà Mau nghỉ với vợ người khác. Họ sẽ bảo vệ ai? Chắc chắn là họ sẽ đứng về phía những tay quan phủ như Ngô Văn H. Và cơ may để được trắng án của anh, cũng như chỉ số niềm tin của tôi vào sự tồn tại của công lý trên xứ này, là gần như bằng không.
Tiếc cho anh, và tôi càng thấm thía hơn lời nói của một ai đó: “Độc lập mà không có tự do, không có hạnh phúc thì độc lập ấy có ích gì” để ước hộ anh rằng, anh sẽ được ra tòa trong phiên tòa Đồng Nọc Nạn năm xưa.