Xích Tử
Hình minh họa: Mana Neyestani
Lâu nay các cơ quan thông tin Việt Nam rất chăm chú đưa tin về những
thay đổi chính sách ở Cuba, kể từ thời ông F. Castro vì bệnh tật già
yếu, bàn giao quyền lãnh đạo tối cao đất nước cho ông em R. Castro, cũng
với kiểu rất nhiều (chức vụ) trong một. Đó là những tin về chính trị,
từ Đại hội lần VI Đảng cộng sản Cuba, các cuộc họp Ban chấp hành trung
ương đảng sau đó, tin về những bước đi chính trị của đảng này chẳng hạn
tuyên bố vừa đẩy mạnh đổi mới kinh tế, vừa không chấp nhận đa đảng trong
phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 30/1/2012 của ông R.
Casrtro.
Đặc biệt phong phú và sốt dẻo là những tin về thay đổi chính sách
kinh tế của đảo quốc này. Theo đó, Cuba đã có những chủ trương mới về
ngoại tệ, về thương mại nội địa, về kinh tế tư nhân. Trong nhưng bản tin
này, báo chí Việt Nam thường dùng từ “cho phép”, rằng nhà nước
Cuba đã cho phép mở những cơ sở sản xuất tư nhân với số công nhân và
những ngành nghề hạn chế, cho phép người nông dân được bán nông sản cho
các hãng du lịch nội địa, cho phép người dân được mua bán nhà cửa, xe cộ
và những tài sản nhỏ khác...Giọng điệu của những bài báo/ bản tin này,
nhất là trên kênh truyền hình, thường rất hồ hởi như kiểu tìm ra được
người cùng hội cùng thuyền kèm theo những nhận xét rằng đó là sự “đổi mới” có tính chất ân huệ mà Đảng cộng sản và nhà nước Cuba dành cho nhân dân của họ.
Cách thức tuyên truyền như vậy cũng được áp dụng triệt để ở Việt Nam
từ năm 1986 đến nay, vừa tiếp tục khẳng định một cách cưỡng chế lòng tri
ân của nhân dân đối với đảng, rằng đảng “là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”,
vừa dành công mới rằng chỉ có đảng mới là người khởi xướng sự đổi mới,
biết cách đổi mới và lãnh đạo công cuộc đổi mới thành công.
Sự lập luận như vậy không đạt được sức thuyết phục lý trí ở mức sơ đẳng.
Trước hết, cái gọi là “đổi mới” hoặc “cải cách”, kể
cả những chương trình đặc thù ở Liên Xô như glasnost, perestroika trong
những năm 80 của thế kỷ trước, về thực chất, cũng chỉ là tiếp tục/ trở
lại những cái cũ vốn đã bị ngắt quãng do cuộc cách mạng vô sản và công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản theo mô hình học
thuyết cũ; cũng chỉ là từng bước trả lại cho xã hội sự vận động, phát
triển một cách tự nhiên của nó, giống như ở các nước không cộng sản.
Chẳng hạn, cái mà báo chí gọi là sự “cho phép” của nhà nước với nhân dân Cuba thực ra vốn là nhu cầu tự nhiên, là cái quyền bình thường của họ trước cách mạng. Sự “cho phép” đó cũng chỉ là phải trả lại thôi; không thể có chuyện “cho phép”,
ơn nghĩa gì ở đây cả. Đó là chưa nói khi trả lại như vậy, đảng và nhà
nước phải bồi thường những thiệt hại mà họ đã tạo ra khi đưa/buộc cả dân
tộc vào cuộc thí nghiệm bất thành. Mặt khác, trong logic của nó, khi
nhà nước trả lại cho dân những quyền thực hiện những hoạt động/quan hệ
xã hội bình thường nhưng lại xem đó như là sáng kiến riêng, là sự đổi
mới do mình nghĩ ra thì có nghĩa là trước đây nhà nước, theo học thuyết
của mình, đã đi ngược nhu cầu tự nhiên của nhân dân, và do đó họ không
đại diện gì cho xu thế phát triển của lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại
cả. Suy luận đó thậm chí thách thức tính chính thống về mặt chính trị
của đảng và nhà nước cộng sản, xét theo tiến trình phát triển tự nhiên
của toàn dân tộc, của xã hội trong xu thế và thể chế dân chủ và không
tính đến việc cướp/giữ chính quyền, giành quyền lãnh đạo bằng bạo lực
cách mạng và chiến tranh.
Tuy vậy, đảng cộng sản và nhà nước ở Việt Nam, Cuba vẫn giành quyền
lãnh đạo bằng bất cứ giá nào bằng cách đổi mới nhỏ giọt, cố điều hòa các
quan hệ/mâu thuẫn xã hội bằng sự tăng cường tính đe dọa của các công cụ
bạo lực, đẩy mạnh tuyên truyền để giành công và tạo không khí ban ơn
cho nhân dân bằng sự đổi mới đó; điều tiết hệ thống đặc quyền đặc lợi
cho các giai tầng/tổ chức xã hội, cho hệ thống nhân sự phục vụ trong cơ
cấu chính trị qui tụ chung quanh và phục tùng/sợ sệt đảng.
Chính trọng tình trạng ấy, các nhóm lợi ích về kinh tế - chính trị
được hình thành; tư bản đỏ và địa chủ đỏ lũng đoạn sự phát triển của đất
nước vượt trên lợi ích của nhân dân. Cũng trong bối cảnh nửa vời của sự
đi ngược qui luật lịch sử tự nhiên, đánh cắp những quyền tự nhiên của
nhân dân như vậy để rồi đổi mới theo cách có lợi cho mình, ban ơn từng
chút cho dân, kể cả dân chủ, mới có sự biến Đoàn Văn Vươn, mới có một
tình trạng pháp chế có tính hăm dọa diễn ra hàng ngày trên đất nước,
không giống ai, thông qua cái gọi là hình thức “cưỡng chế”, nhất là cưỡng chế đất đai, thông qua cái gọi là “Đội thi hành án”...Đó
cũng là do cái quyền sở hữu tự nhiên ngàn đời của nhân dân bị đánh cắp
để làm vật liệu cho thí nghiệm xã hội, đến khi trả lại thì chỉ nửa vời,
tạo điều kiện tích tụ lợi ích cho một nhóm nhỏ có quyền và đặc quyền,
dẫn đến những mâu thuẫn có tính cách mạng khác.
Hãy nhìn căn nhà của ông Vươn khi chưa bị phá; ở đấy có một chiếc
antenne truyền hình và chắc là có những em bé hàng đêm xem truyền hình,
với những chuyện tốt đẹp vô cùng. Chỉ qua một đêm cưỡng chế, căn nhà,
chiếc máy truyền hình, cột antenne, những bụi chuối bị đập nát; những
đứa con nhỏ của ông Vươn không còn chỗ để xem truyền hình với những điều
tốt đẹp vô cùng. Đó sẽ là di chứng độc hại cho nhiều thế hệ về sau.
Xích Tử