Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Cùng suy nghĩ thêm với Ngô Bảo Châu (Phần I)

Nguyễn Ngọc Già
Vào ngày 8/8/2010, ông Nguyễn Thiện Nhân với tư cách là Phó Thủ tướng Chính phủ đến tận nhà riêng để thăm và ngỏ lời mời GS. Ngô Bảo Châu về Việt Nam làm việc cùng những lời hứa hẹn ưu ái dành cho anh làm cho nhiều người suy nghĩ và có một số ý kiến chân tình khuyên Ngô Bảo Châu cần suy nghĩ chín chắn việc nên về hay không về, nổi lên trong đó là bài viết khá thuyết phục của tác giả Lê Diễn Đức khuyên Bảo Châu cần tránh xa loài sói, cáo đội lốt người đáng để suy nghĩ về những dẫn chứng thực tế việc những người cộng sản nói chung cũng như CSVN nói riêng hành xử với trí thức mà nói không quá tựa như công cụ hoặc chỉ xem họ là "trái chanh" để vắt. Đó là thực tế khó chối cãi trong lịch sử cộng sản thế giới và CSVN. Góp vào những ý kiến chân thành của những người quan tâm đến Việt Nam nói chung cũng như các nhà khoa học nói riêng, tôi xin phép có vài ý kiến.
I. Đồng ý với Lê Diễn Đức :
Những phân tích, dẫn chứng của tác giả Lê Diễn Đức khá đầy đủ để đưa ra kết luận: "Chế độ cộng sản: Đến cả bầu trời cũng bị giới hạn" chính xác đến không gì bàn cãi. Những người thuộc giới chuyên môn của Bảo Châu như: Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, hoặc trước Bảo Châu như: Trần Văn Hạo, Lê Dũng Tráng hoặc xa hơn nữa như Hoàng Xuân Sính, Phan Đình Diệu, Hoàng Tụy thì có lẽ không cần nói Bảo Châu cũng thừa biết, vì vậy tôi xin đưa ra thêm vài trường hợp những tài năng ở các lĩnh vực khác để Bảo Châu (nếu có đọc) thì cũng có thêm vài "tấm gương" mà suy nghĩ, ngoài ra tôi có tham vọng, ý kiến này không chỉ dành riêng cho Bảo Châu đọc mà tôi mong nó được đọc bởi tầng lớp trí thức, nhất là các trí thức trẻ đang có ý định quay về phụng sự đất nước.
Một Ngô Bảo Châu (nếu) bị lừa thì đau khổ như các bậc tiền bối trước đó, nhưng 100 Ngô Bảo Châu bị lừa thì là điều càng đáng tiếc và đau khổ hơn! Đau khổ cho cả dân tộc Việt Nam. Dưới đây là những hoàn cảnh buồn của một số tài năng:
- Phan Tường Vân, một Tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp tại đại học Harvard. Nhớ lại những năm đầu 90 thế kỷ trước, những người trong nghề quản lý kinh doanh ai cũng sững sờ khi biết ông phải hầu tòa với tội danh rất ô nhục: "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Người ta sững sờ vì ai có quen biết ông cũng đều công nhận ông là một người tài đức vẹn toàn cùng một trình độ học thuật kinh tế uyên thâm làm sao lại phải ra tòa như thế! Sau đó, mọi người đều vỡ lẽ: Ông bị lừa đảo! Ông bị lừa đảo không phải vì ông dốt (một Tiến sĩ Harvard hẳn hoi làm sao có thể nói là dốt, mà dốt về kinh tế - chuyên môn của ông - thì chẳng ai chịu nổi!), mà vì ông khá ngây thơ với những người CS. Thêm trường hợp nữa, Tiến Sĩ kỳ cựu Nguyễn Xuân Oánh (mà Sài gòn thời bấy giờ cũng gọi ông là Thẩm Oánh - chồng của nữ minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng) mà không ai không biết ông là Phó Thủ tướng chính quyền ông Thiệu, đã ở lại Sài gòn cũng chỉ vì yêu quê hương, nhưng CSVN cũng chỉ sử dụng ông như là một chuyên viên cố vấn mà dân trong giới đều biết rõ, ông nói thì cứ nói, họ có nghe không là quyền của họ, ông đã bất đắc chí nhiều năm và qua đời năm 2003 tại SG.
- Lãnh vực y tế: hoàn cảnh của Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cũng làm người dân tiếc thương về tài năng đức độ.
- Lãnh vực kiến trúc: Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ mà công trình "Dinh Độc lập" vẫn là công trình để đời của nhà Kiến Trúc tài năng này. Suốt những năm ở lại SG cho đến ngày qua đời, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ hầu như bị thui chột tài năng mà cả quãng thời gian dài 25 năm ( 1975 - 2000) ông không hề cho ra đời được bất kỳ một tác phẩm nào nữa.
- Lãnh vực pháp luật: hầu như nhắc đến lĩnh vực này, ai cũng nhớ về Nữ Luật Sư Ngô Bá Thành với câu nói nổi tiếng, đại ý: Dưới chế độ cộng sản giữa một rừng luật nhưng họ chỉ xài luật rừng. Ngoài ra còn có nữ luật sư Kiều Mộng Thu (mẹ của bà Mai Hồng Quỳ - đương kim hiệu trưởng trường Luật Tp.HCM hiện nay). Hoàn cảnh của bà cũng không khá hơn, sau 1975 bà trở thành "người thừa" cho đến lúc mãn phần, mặc dù những năm tháng đấu tranh cho nước nhà thống nhất, tên tuổi của bà trong những trận đối đầu với Chính quyền ông Thiệu không ai không biết, bà luôn là môt trong những người đi đầu trong các cuộc biểu tình như "Ngày ký giả ăn mày", ủng hộ tự do tôn giáo (do Ni sư Quỳnh Liên dẫn đầu - lúc đó các cuộc biểu tình xảy ra như cơm bữa tại Chùa Ấn Quang - đường Sư Vạn Hạnh Q.10).
- Lãnh vực báo chí thì không ai quên được Huỳnh Bá Thành với câu nói nổi tiếng: "Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!". Còn khá nhiều tên tuổi như : Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận... mà không thể kể ra hết được. Đấy là chưa dám kể qua các tên tuổi như: Pham Xuân Ẩn chẳng hạn (vì e rằng có người quy chụp ngay về tính chính trị).
- Về lãnh vực nghệ thuật: Đặng Thái Sơn là một tấm gương về cư xử đối với tài năng của CSVN. Xin đừng tưởng những gì người ta tung hô Thái Sơn trên các trang báo, đừng nghĩ danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân... là những gì êm ả, đẹp đẽ, phía sau đó là những cơ cực và tủi nhục mà nếu bạn có dịp trò chuyện cùng ông sẽ hiểu được những khốn khó và có phần bi tráng của một tài năng nghệ thuật. Ông hiện sinh sống tại Canada cùng mẹ là bà Thái Thị Liên. Bà Liên (cũng là một nghệ sĩ tài năng) đã phải gánh chịu những năm dài tủi nhục và đau đớn khi chồng bà (thi sĩ Đặng Đình Hưng) vào năm 1958, bị liên quan đến vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong lúc bà mang thai người con thứ ba - Đặng Thái Sơn. Lãnh vực nghệ thuật còn rất nhiều các tài năng nổi tiếng như:
+ các nhạc sĩ: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Thanh Sơn... mà mọi người trong giới đều biết họ khổ cực từ thể xác đến tinh thần như thế nào, trong đó như Từ Công Phụng, Vũ Thành An... buộc phải tìm cách thoát khỏi Sài Gòn. Tôi chỉ dẫn chứng các nhạc sĩ ở lại SG sau 1975, nhằm mục đích chứng minh cách hành xử của người CS đối với các nhạc sĩ đã ở lại vì "lỡ" tin vào "tính ưu việt" của "chế độ XHCN".
+ các ca sĩ: Giang Tử (mới vừa định cư tại Mỹ đầu năm 2010 do con gái bảo lãnh), môt ca sĩ dòng nhạc mùi nổi tiếng trước 1975 cũng không sống nổi. Những năm ở lại SG, Giang Tử, (đúng nghĩa đen) đi hát rong kiếm tiền lo cho gia đình và luôn bị hắt hủi và phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức. Thử nghĩ xem, một ông già đã qua tuổi 67 còn ham hố gì để được đi Mỹ nếu không phải vì sống không nổi, tất nhiên, nếu bạn có điều kiện trò chuyện cùng ông sẽ thấy. Nguyễn Chánh Tín là một ví dụ nữa, nếu ai đã từng biết sau 1975, có lúc ông và vợ là nữ ca sĩ Bích Trâm đã phải đi bán rau muống để mưu sinh, ngoài ra còn có nữ ca sĩ Thanh Lan, bà khá nổi tiếng về nhiều lần vượt biên mới thoát (hình như 8 lần cả thảy). Lãnh vực ca sĩ thì còn rất nhiều, kể cả ca sĩ Lệ Thu cùng thời với Khánh Ly, bà hát rất hay bài "Hà nội niềm tin và hy vọng" đến nỗi ngay Phan Nhân (tác giả nhạc phẩm) phải kinh ngạc khi lần đầu nghe bà trình bày...
+ diễn viên điện ảnh: Đơn Dương, một gương mặt sáng giá với những vai diễn biểu cảm cao của điện ảnh Việt Nam sau 1975 (bị trừng phạt vì tham gia một bộ phim của Mỹ hình như có tên Green Dragon, sau đó anh cũng tìm đường xuất ngoại để tránh bị khủng bố và triệt đường sống).
Nói chung còn rất nhiều các hoàn cảnh đau thương, cơ cực, tủi nhục thân phận cũng như khổ đau thân xác mà rất nhiều giới phải gánh chịu hậu quả từ "sự lãnh đạo sáng suốt của đảng" mà tôi cũng chân thành và khách quan đưa ra cho Bảo Châu và mọi người xem để suy nghĩ thêm. Tôi chỉ dám dẫn ra những tên tuổi nổi tiếng mà hầu như từ tri thức, tài năng cá nhân làm nên, thời gian vài chục năm cũng phần nào chứng tỏ họ không dính dáng đến cái gọi là "thế lực thù địch" hay "bọn phản động chống phá cách mạng", đơn thuần họ chỉ là những nhà khoa học, kinh tế, quản lý, những nghệ sĩ... Cạnh đó, mới nhất về cách hành xử của CSVN nói chung và cá nhân ông Thiện Nhân (với tư cách Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GDDT) ứng xử với thầy Đỗ Việt Khoa cũng là một tấm gương còn khá mới mẻ cho những ai đang có ý định phụng sự quê hương suy nghĩ thêm. Tất nhiên, lá thư của Ngô Bảo Châu gởi cho quốc hội về vấn đề Bauxite mà không được hồi đáp cũng là một việc cần xem lại!
II. ... và một ý khác:
Nhìn bức ảnh ông Nhân đưa tay trái đặt lên đùi phải của Bảo Châu cùng với nụ cười, tôi (chắc tại già nên nghĩ lung tung) cứ thấy giả tạo sao đó! Tất nhiên đó là cách biểu đạt tỏ ra chân tình, thân thiện với Bảo Châu, Châu thì với tư thế hơi rụt rè, khép nép một chút. Nhìn hình ảnh này như thể cha con, chú cháu, anh em, chứ không nghĩ đó là một cuộc gặp công vụ. Tôi trộm nghĩ, dù là góc độ thăm viếng, đây vẫn là công vụ vì ông Nhân đến với tư cách Phó Thủ tướng, Bảo Châu tiếp ông với tư cách một Giáo sư, nội dung chính là mời Bảo Châu về VN làm việc. Nói nhiều về hình ảnh này để thấy:
+ Các quan chức Việt Nam hiện nay thiếu tính chuyên nghiệp trong các cuộc gặp gỡ mang tính đại chúng (không riêng ông Nhân, nếu mọi người có xem các video clip về cách gặp gỡ của các vị như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh... sẽ thấy rõ, đặc biệt ấn tượng với tôi là hình ảnh Nông Đức Mạnh ôm chặt, tựa má vào Phidel Castro khi ông ta qua thăm Cuba, hình ảnh này làm người dân cảm thấy ngượng ngùng, ái ngại và không nghĩ rằng đó là 2 nguyên thủ quốc gia gặp nhau trong một cuộc viếng thăm mang tính công vụ). Họ dường như không ý thức và không được trang bị về nghệ thuật giao tiếp tối thiểu, nhất là giao tiếp công vụ và với những người nổi tiếng. Lẽ ra các trợ lý, cố vấn cho họ, ngoài việc cố vấn về hình thức bên ngoài xuất hiện cũng nên trang bị cho họ cung cách ứng xử, hành vi giao tiếp sao cho thế giới nói chung và các nhân vật nổi tiếng nói riêng thấy được trình độ giao tiếp với lối ứng xử chân thành nhưng chừng mực, lịch lãm nhưng không lạnh lùng, giản dị mà không giả tạo. Thật là hồ đồ, khi phải nghĩ rằng, họ vẫn chưa có được tư duy, tác phong công nghiệp hiện đại cùng nếp sống thượng tôn luật pháp, duy lý khoa học mà vẫn "vương vấn, phảng phất" nét đặc trưng của một bác nông dân thật thà, chất phác và có phần hơi nông nổi trong cách thể hiện (!). Bất chấp việc gắn liền học vị, học hàm như "cử nhân", "thạc sĩ", "tiến sĩ", "giáo sư" trước tên tuổi, các vị chức sắc vẫn chưa thoát ra khỏi sự "chất phác, thiệt thà" của người nông dân. Dù người nông dân đáng được tri ân và trân trọng ở góc độ là người tạo ra hạt gạo, củ khoai cho xã hội, nhưng người nông dân không thể làm lãnh đạo, quản lý tốt cho đến khi họ được giáo dục đúng và đủ cùng với khả năng tiếp thu trọn vẹn các chuyên môn này. Điều này cho thấy, ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm GS. Ngô Bảo Châu vẫn ở tư thế "người nhà", tư cách "cha, anh" hoặc "bề trên và bầy tôi", chính hình thức không chuyên nghiệp, thậm chí có phần kém lịch lãm làm cho người dân chưa thấy Nhà nước đang trọng thị để "cầu nhân tài" cho đất nước.
+ các tài năng (thật sự) của Việt Nam thông thường lại khá khiêm cung (chắc sợ người khác đánh giá mình cao ngạo, kiêu căng hay sao đấy). Tôi đã từng vài lần nói chuyện với Trịnh Công Sơn lúc sinh thời, nếu ai đã từng nói chuyện với ông ngoài đời sẽ rất ngạc nhiên về tính giản dị và rất khiêm cung của ông. Ban đầu tôi nghĩ chắc tại ông ý tứ, nhưng qua một vài người quen, người ta cũng nhận xét khá giống tôi. Ông thường hay dùng chữ "Thôi kệ!" khi có ai đó cư xử kém lương thiện hoặc việc gì đó thiệt thòi với ông. Ngoài ra tôi cũng có hân hạnh tiếp chuyện với một vài nhân vật nổi tiếng (thật sự) khác mà không tiện nêu tên. Tôi nhận thấy, thông thường các tài năng (thật sự) Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục và khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, họ rất ngại khi nói về quyền lợi cá nhân mà theo tôi biết một số các tài năng trên do hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh gia đình, quan điểm, tính tình, giới tính, sự nhạy cảm, sự tinh tế ... nên họ dường như thiếu tính rõ ràng, sòng phẳng khi đòi hỏi quyền lợi, mà tôi cho là cần thiết trong việc giải quyết các tranh chấp (nếu xảy ra). Phải chăng tính tình của người Việt Nam ta khi bàn công chuyện với "bên ngoài" khá rõ ràng, minh bạch nhưng khi bàn công chuyện với "trong nhà" có vẻ vẫn còn mang hơi hướm "gia đình", "chín bỏ làm mười"?! Một nhược điểm nữa của các trí thức (thật sự) Việt Nam, đó là họ sẵn sàng dẹp bỏ tất cả để bảo vệ chân lý và tính khoa học khi cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương (quyết định tự giải tán của viện IDS là một ví dụ), họ thiếu tính "kỳ kèo, mặc cả" để làm sao có thể đạt được một mức độ trung dung hơn (chắc tại tôi là một tay buôn (nhưng không lậu) nên có suy nghĩ khác hơn một chút so với các nhà Khoa học?)
Tại sao chúng ta không nghĩ, Bảo Châu hãy đề xuất với ông Nhân cần có một giao kèo (contract) rõ ràng cho việc trở về làm việc tại Việt Nam mà trong đó nêu rất chi tiết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích... của đôi bên, kể cả một cơ chế về nghiên cứu, quản lý, đãi ngộ nhân tài... hoàn toàn mới do chính Bảo Châu đề xuất? Thiết nghĩ, Bảo Châu đã làm giáo sư cho nhiều trường đại học tại các nước trên thế giới, chắc hẳn có những giao kèo cụ thể? Riêng đối với Việt Nam, có lẽ Bảo Châu cần một giao kèo mang tính quốc tế do một công ty luật quốc tế soạn thảo và thay mặt Châu đứng ra điều đình, thương lượng, thỏa thuận với Nhà nước Việt Nam?
Làm điều này giải quyết được:
- Giữa Bảo Châu và Nhà nước Việt Nam là mối quan hệ công việc trước tiên, không lẫn lộn, chồng lấn giữa tình và lý nhằm để sau này nếu có "trục trặc" gì đó, cứ theo giao kèo mà thực hiện. Giao kèo có thể ký với nhau 1 năm, sau hạn 1 năm có thể ngồi bàn bạc thảo luận thêm bớt các nội dung để đảm bảo đạt được sự đồng thuận cho những năm kế tiếp, sao cho công việc và sự cống hiến, phát huy hết tài năng của Bảo Châu đạt mức độ cao nhất có thể. Rút kinh nghiệm từ giao kèo 1 năm, giả sử trong tình huống không hay, Bảo Châu có thể rút lui ra đi trong bình an và vui vẻ, còn nếu tốt hơn thì đó chính là cơ sở để tiếp tục giao kèo dài hơn trong 2 năm, 5 năm v.v... Ngoài ra giao kèo này chính là con đường "danh chính ngôn thuận" giúp Bảo Châu phụng sự quê nhà mà các quyền lợi cá nhân vẫn được bảo đảm, chúng ta cứ nghĩ giống như huấn luyện viên Calisto hay Weigeng khi ký giao kèo để làm huấn luyện viên bóng đá cho đội tuyển VN. Ngoài ra, Bảo Châu đã có quốc tịch Pháp, đó cũng là môt thuận lợi và "độ an toàn" cao hơn cho một sự an tâm về "sinh mạng chính trị" của anh. Dù sao, hiện trạng xã hội VN ngày nay đã hội nhập phần nào với thế giới cùng với một giao kèo quốc tế, có lẽ không quá lo những trò đấu tố, bôi nhọ, ném đá, vu khống v.v... đối với một người như Bảo Châu.
- Ngày nay, ông Nhân với tư cách là Phó Thủ Tướng đến mời Bảo Châu, (cứ coi như thật tình mong muốn một tài năng Việt Nam góp sức cho Tổ quốc), nhưng điều này không có gì để bảo đảm 5 năm nữa ông Nhân còn ở vị trí này để có thể "bảo vệ" Bảo Châu trước một thế lực nào đó (chỉ một ông thầy giáo Khoa mà ông Nhân còn chẳng làm được gì thì nói gì những cái to tát hơn), đặc biệt bảo vệ trước sự đố kỵ, ganh tỵ của các vị "viện sĩ", "Giáo sư", Tiến Sĩ"... là điều rất đáng để Bảo Châu suy nghĩ nhiều, nhất là với một người đúng nghĩa "tuổi trẻ tài cao" như Bảo Châu thì lang sói hay hùm beo bao quanh là điều khá kinh khủng đặt trong cái hoàn cảnh "Người Việt xấu xí" thì Bảo Châu chỉ có thể ứng phó một ngày nhưng không thể ứng phó cả đời, thêm vào đó suốt ngày cứ đi ứng phó "kiểu Việt Nam" thì đầu óc nào nữa để mà nghiên cứu, giảng dạy, suy nghĩ cho những phát kiến mới???!!! Chính giao kèo rõ ràng, chi tiết sẽ phần nào giúp Châu đỡ bớt gánh nặng của cái thứ "quyết định tập thể, trách nhiệm cá nhân" để rồi mọi cái thành công thì thuộc về "đảng ta", cái xấu xa hay thất bại là "tại" Châu(!) như câu đồng dao:
Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là tại thiên tài "đảng ta"(!)
Theo thiển ý của tôi hiện nay Bảo Châu có 3 hướng chính để lựa chọn:
- Không về.
- Về.
- Về dạng thỉnh giảng theo từng vụ việc.
Điều khó khăn mà chúng ta hãy cùng suy nghĩ giúp cho Bảo Châu còn ở chỗ: có thể nói Bảo Châu đang "chơi với vua như đùa với hổ", mặc dù không chắc anh muốn, nhưng cái thế chẳng đặng đừng, tựa như khi ông Nhân đến thăm và tặng quà cho thầy Khoa thử hỏi làm sao thầy Khoa chối từ?
Thử nghĩ, trước lời mời của Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ Tướng, nếu chỉ đơn thuần nghĩ "đừng dây với hủi" như tác giả Lê Diễn Đức, liệu có ổn cho Châu và gia đình không? Chi bằng, chọn một phương thức hài hòa và nhẹ nhàng hơn vừa không làm ông Nhân "mất mặt", vừa dễ dàng cho Bảo Châu, bên cạnh đó, giả sử Bảo Châu từ chối (dù rất tế nhị và khéo léo) thì cũng dễ "sinh chuyện", ví dụ như: người ta có thể đánh giá "lòng yêu nước" của Châu, những lời ong tiếng ve có thể khó tránh khỏi, hoặc nặng hơn "Châu đang muốn gì?, nghĩ gì?, nó cỡ nào mà dám từ chối lời đề nghị của ta" v.v và v.v... Rõ ràng đây là những tình huống không thể không tính đến. Người xưa có dạy: "Không sợ đắc tội với người quân tử mà chỉ sợ đắc tội với kẻ tiểu nhân" là điều mà Bảo Châu phải suy nghĩ thêm. Trong trường hợp, công ty luật quốc tế do Bảo Châu chỉ định đàm phán không thành công với Nhà nước Việt Nam, Châu cũng không bị mang tiếng hay đánh giá về "tấm lòng đối với quê hương" (!) song song đó, Nhà nước Việt Nam (đại diện là ông Nhân) cũng không ngại chuyện "mất mặt".
Bảo Châu cống hiến tài năng cho quê hương là việc không của riêng Bảo Châu mà của cả đất nước, tuy nhiên anh nên xem xét kỹ về nguyện vọng của vợ, con và cha mẹ.
Riêng việc tặng nhà (nếu có), tôi nghĩ Bảo Châu cứ nhận. Có lẽ với thu nhập hàng năm của anh hiện nay, để tích lũy và mua một căn nhà chẳng là điều quá khó khăn. Chỉ cần việc tặng nhà theo đúng quy định luật pháp về việc tặng, cho tài sản có công chứng thì không có gì lo lắng quá. Nếu Châu dùng căn nhà đó như một chỗ lưu trú khi anh về VN hàng năm thì cũng ổn, bằng không, anh có thể chuyển đổi ra hiện kim để tạo ra một "Quỹ học bổng" hay "Quỹ tài năng" mang tên anh để giúp cho các sinh viên trẻ như các quỹ học bổng hiện nay thì càng có ý nghĩa hơn. Không sợ "dây với hủi" trong trường hợp nhận nhà. Chỉ cần trong sáng, rõ ràng, theo quy định pháp luật thì Bảo Châu không phải lo ngại lắm về việc nhận nhà.
Dù Châu quyết định ra sao, tôi vẫn tin anh đủ bản lĩnh để tìm ra đáp số cho "bài toán tối ưu" của mình.
Trước khi kết thúc bài viết , tôi có ghé qua vietnamnet đễ dẫn ra thông tin mới về Ngô Bảo Châu để những ai quan tâm đến Châu nói riêng và Việt Nam nói chung rộng đường tham khảo cũng như góp thêm tiếng nói cho một tài năng Việt Nam để sao cho Châu muốn làm gì thì làm trước tiên anh ấy phải sống khỏe mạnh, hạnh phúc và an toàn rồi hãy nói đến cống hiến.
Nguyễn Ngọc Già

Tham khảo:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"