Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

‘Trí thức chỉ có con đường dấn thân’


Ông Jean-Francois Sabouret
-
“Người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!” – TS. Jean-Francois Sabouret
Một học giả của Pháp chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Á cho BBC hay đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải tự thay đổi nếu muốn tránh các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 24/01/2012, Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret cho rằng Đảng Cộng sản cần có một lộ trình rõ ràng, hàng năm, để chủ động chuyển đổi theo hướng trả lại quyền lực cho nhân dân.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Thế Giới Châu Á, Institut des Mondes Asiatiques tại Paris cũng cho rằng đảng đang đứng trước sự lựa chọn nghiêm trọng hoặc là tiếp tục đóng cửa, không lắng nghe trí thức và các tầng lớp tiến bộ trong xã hội, hoặc cải cách toàn bộ để tránh sự đổ vỡ phức tạp, khó tránh khỏi.

Học giả người Pháp cũng lưu ý tới việc không riêng gì đảng cộng sản, mà theo quy luật chung, bất cứ ai “nắm quyền lực” quá lâu sẽ không tự giác “tự động” trao trả quyền lực cho nhân dân, điều được cho là một ngưỡng thách thức quan trọng đối với các lãnh đạo đảng và nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Bình luận về vai trò của trí thức trong quá trình biến đổi xã hội này, ông Sabouret cho rằng người trí thức “không có sự lựa chọn nào khác” ngoài dấn thân và tiếp tục dũng cảm lên tiếng vì lợi ích chung của xã hội, cộng đồng và nhân loại, dù là họ ở Pháp, ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu.
Nói về tương lai của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, ông Sabouret đánh giá:
“Một cách chính thức mà nói, đảng không thể nắm quyền mãi mãi được. Có nghĩa là những người nắm quyền trên cả nước từ năm 1975, ngày nay là con cháu của họ, bạn bè và đồng minh của họ đang muốn tiếp tục quyền lực lãnh đạo trong một số thời gian nữa.
“Nhưng chúng ta biết rằng những người nắm chính quyền ở Liên Xô năm 1917 chỉ có thể giữ được quyền lực trong vòng 70 năm. Còn những người nắm quyền lực ở Việt Nam từ năm 1975 tới nay, có thể còn độ 20-30 năm năm nữa, tùy vào những diễn biến cụ thể.
“Người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!”
TS. Jean-Francois Sabouret
“Nhưng cũng có thể là ngắn hơn là bởi vì những người lãnh đạo không thể làm gì thay đổi được trước xu thế của những thế hệ trẻ, những khát vọng dân chủ, khát vọng tự do, khát vọng về tự do phát ngôn, tự do tư tưởng, tư duy.”
‘Không thể đi ngược’
Chuyên gia về châu Á này cho rằng Đảng Cộng sản sẽ không thể ‘kháng lại được những khát vọng này’ vì ông ví những nhân tố nằm trong “tư duy” con người này như nhưng lực xã hội khó có thể cưỡng lại được:
“Bạn sẽ không thể cưỡng lại được chúng, bởi vì chúng là những cơn sóng thần (tsunami) đang ập tới ở trên biển. Tư duy con người là như thế, bạn đơn giản là không thể ngăn chặn được tư duy của con người.”
Học giả người Pháp cũng nhắc tới trường hợp của Miến Điện và Bắc Triều Tiên.
Ông cho rằng, những biến đổi đã xảy ra ở Miến Điện theo chiều hướng mới về cải tổ xã hội dân chủ, cởi mở, thậm chí sẽ có thể một ngày nào đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên, trong một thế giới khó lường như hiện nay.
“Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã mở cửa ít nhiều. Họ đã lựa chọn việc mở cửa từng bước có kiểm soát. Tôi không nói về chi tiết. Nhưng nay họ không thể đi ngược trở lại. Họ phải mở cửa. Nếu họ cứ giữ nguyên cánh cửa đóng như thế, tình thế sẽ trở nên nguy hiểm đối với họ.”
Bình luận về điều gì mà những người trí thức ở Việt Nam cần phải làm vì tương lai của đất nước, lợi ích của cộng đồng, sau khi điểm lại những nỗ lực trong lịch sử tranh đấu của trí thức Pháp và trí thức nói chung trên thế giới, ông tổng kết:
“Những người trí thức Việt Nam phải tranh đấu thôi. Họ phải đoàn kết lại. Họ phải xuất bản những tạp chí, những trang web mà tại đó họ phải phản biện, phải có đầu óc phê phán. Đương nhiên điều đó là không đơn giản.
“Nhưng người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!”
‘Tới lúc can đảm’
“Nếu những người cộng sản Liên Xô cũ đã hiểu quy luật về “tự do” và đã tiến hành “cải tổ”, “minh bạch” từ hớm hơn, thì có lẽ tới nay họ vẫn còn được nắm quyền lực”
TS. Jean-Francois Sabouret
Theo học giả này, đã đến lúc Việt Nam cần có những tiếng nói “can đảm” vì lợi ích chung là lựa chọn của cả quốc gia, dân tộc.
Ông nói:
“Cần phải có những người đứng lên và nói rằng đây là viễn kiến, tầm nhìn mà chúng tôi thấy phải có về Việt Nam. Chẳng hạn như một đất nước mở ra đối với nhiều đảng phái, với một nền dân chủ thực sự, với một đối lập được công nhận.
“Đó là một điều quan trọng đáng làm và những người trí thức Việt Nam phải lên tiếng. Không những chỉ khi họ ở nước ngoài vì điều đó dễ dàng. Mà ở trong nước, họ phải đoàn kết lại, xuất bản, thảo luận những tạp chí, sách vở, mở ra những hội thảo.”
Điểm qua một số bài học lịch sử gần đây, kể cả trường hợp các nước diễn ra phong trào Mùa Xuân Ả Rập, ông Sabouret tin rằng lúc đầu chính quyền sẽ “không hài lòng” nhưng sau đó sẽ có sự thay đổi nhân thức:
“Chính quyền sẽ hiểu ra rằng đó là một điều hữu ích, điều hay mà họ có thể sử dụng một cách nào đấy. Họ sẽ hiểu rằng tự do là điều tất cả mọi người đều quan tâm, đó là một quy luật.”
“Nếu những người cộng sản Liên Xô cũ đã hiểu quy luật về tự do và đã tiến hành Cải tổ (perestroika), và Minh bạch (Glasnost) từ sớm hơn, thì có lẽ tới nay họ vẫn còn được nắm quyền lực,” học giả Pháp nói với BBC.
Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret còn là Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Châu Á, Réseau Asie, thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học – CNRS của Pháp. Ông từng sang Việt Nam làm việc về nghiên cứu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"