Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Lê Phú Khải – Tôi nhiều lần từ chối vào Đảng Cộng sản

Phạm Thị Hoài thực hiện
Phạm Thị Hoài: Thưa ông Lê Phú Khải, là một công dân ngoài Đảng, ông trải nghiệm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào?
Lê Phú Khải: Trong suốt những năm dài sống trong một xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thấy mỗi khi Đảng nêu cao khẩu hiệu đoàn kết dân tộc, chiến đấu vì lợi ích dân tộc thì đường lối của Đảng đúng đắn, được nhân dân ủng hộ và Đảng thu được thắng lợi to lớn. Điện Biên Phủ là một dấu son của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Nhưng khi nào Đảng đề cao đấu tranh giai cấp, lấy mục tiêu xã hội chủ nghĩa làm tiêu chí cho mọi chính sách và hành động thì Đảng thất bại hoàn toàn, mất lòng dân và uy tín giảm sút. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, v.v… là những thí dụ điển hình về sự thất bại đó.
Phạm Thị Hoài: Nếu phải giải thích cho một người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông sẽ giải thích như thế nào?
Lê Phú Khải: Chị Hoài thân mến, người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như chị nói thì theo tôi hiểu chỉ có Việt kiều sinh ra và lớn lên ở những nước phi cộng sản và nhân dân bản địa ở những nước đó. Tôi sẽ nói với họ rằng chưa có nơi nào trên trái đất mà các mâu thuẫn chính trị lại phức tạp, đan xen, chồng lấn lên nhau như ở Việt Nam. Vì thế chỉ có người ở trong cuộc mới thấy hết sự phức tạp của nó. Một bà mẹ có hai người con, một theo Việt cộng, một lại theo Cộng hòa, vì thế ông Võ Văn Kiệt mới nói ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn. Vậy nên gọi ngày ấy là ngày Thống nhất Đất nước. Hiểu Việt Nam như thế thì người ta sẽ hiểu về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, người ta sẽ hiểu vì sao những trí thức lỗi lạc như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện… lại đi theo Đảng Cộng sản, chịu sự lãnh đạo của Đảng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lúc ở tuổi tám mươi có nói với tôi rằng: Đời Nguyễn Khắc Viện là đời một kẻ ngây thơ. Phần thơ là theo cụ Hồ đi kháng chiến giành độc lập, tôi giữ lại nó. Phần ngây là theo chủ nghĩa xã hội, tôi vứt nó đi! Nhưng nếu được sống lại, tôi vẫn đi theo con đường đó, vì tình thế lúc đó nó thế. Ý ông muốn nói tuổi trẻ là như thế.
Phạm Thị Hoài: Ông thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức thể hiện cụ thể qua những điều gì? Những điều đó có giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức hay không?
Lê Phú Khải: Theo tôi thì ở Việt Nam, trừ một số ít trí thức có tư duy độc lập còn thì không có đội ngũ trí thức đúng với tên gọi, đúng với nội hàm của nó. Cái gọi là tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa là những người do Đảng đào tạo nên để làm công chức cho Đảng. Vì thế Đảng nói gì họ nghe nấy, Đảng bảo sao họ làm vậy, vậy thôi. Họ có phản biện thì cũng trong phạm vi Đảng cho phép, vẫn là phản biện để “phò chính thống”, một đặc điểm truyền thống của trí thức phương Đông, đặc biệt là trí thức “trung quân”, trung với vua ở Trung Hoa và Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang đã chỉ ra. Phim Thủy Hử rất hay của Trung Hoa đang chiếu trên VTV2 mà tối nào tôi cũng phải dán mắt vào xem thì thủ lĩnh Tống Giang của Lương Sơn Bạc là một nhân vật “phò chính thống” tiêu biểu nhất. Đã đi làm giặc hùng cứ một phương, ngoài vùng kiểm soát của triều đình, mà vẫn thờ vua!
Phạm Thị Hoài: Bản thân ông có cần một sự lãnh đạo như thế cho mình không?
Lê Phú Khải: Không! Tôi không cần sự lãnh đạo đó! Nếu cần thì tôi đã phấn đấu vào Đảng và trở thành một đảng viên cộng sản. Nhiều lần người đứng đầu tổ chức đảng nơi tôi làm việc bảo tôi viết đơn xin vào Đảng nhưng tôi đều từ chối.
Phạm Thị Hoài: Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay có gắn với những nội dung tích cực hoặc cần thiết trong một lĩnh vực nào của đời sống?
Lê Phú Khải: Người cầm quyền chỉ ra lệnh cho đội ngũ công chức của mình, cái đội ngũ công chức mà chị Hoài gọi bằng cái tên sang trọng là “trí thức” đó. Đến nhà văn là người được xem là làm nghề tự do có tư cách trí thức cũng phải dồn vào trong một cái rọ, một tổ chức quốc doanh là Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn đi dự đại hội nhà văn bằng vé máy bay do Đảng cấp, lấy từ tiền thuế của dân, thì họ chỉ “muốn là con chim hót quanh Lăng (Hồ Chí Minh)” (Thơ Viễn Phương), làm sao trở thành chim báo bão được!
Phạm Thị Hoài: Theo ông, không có sự lãnh đạo đó, xã hội có rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng không?
Lê Phú Khải: Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này trong lúc hàn huyên. Tùy từng điều kiện lịch sử, xã hội của từng nước, khi thay đổi một tập đoàn lãnh đạo toàn trị sang một thể chế xã hội khác, có thể êm thấm, có thể rơi vào khủng hoảng. Riêng tôi nghĩ thì “Lịch sử thường đi những lối bất ngờ” như nhà thơ Tố Hữu đã có lần viết như thế.
Phạm Thị Hoài: Phủ nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng có đồng nghĩa với chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không?
Lê Phú Khải: Đương nhiên là chống. Vì Đảng Cộng sản là tổ chức đứng trên Nhà nước. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để, trực tiếp của Đảng, phủ nhận sự lãnh đạo đó tức là chống Nhà nước của Đảng!
Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Lê Phú Khải. Chúc ông và gia đình một năm mới bình an.
Lê Phú Khải: Chúc chị Hoài và bạn đọc pro&contra một năm mới may mắn.
________________
Thông tin về nhà báo Lê Phú Khải trên website Tiền Giang:
và website Văn chương Việt:
© 2012 pro&contra

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"