Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

“Miệng quan trôn trẻ”

Lương Kháu Lão
PCT Đỗ Trung Thoại nói 'Dân bức xúc phá nhà ông Vươn'
PCT Đỗ Trung Thoại nói 'Dân bức xúc phá nhà ông Vươn'
Chỉ còn 5 ngày nữa, năm mới sẽ gõ cửa mọi nhà. Định khóa blog để chuẩn bị đón Tết nhưng hôm nay lại bị nhiều chuyện buộc cái đầu thích tư duy lại phải làm việc.
Chuyện buồn thứ nhất. Đi dự buổi họp mặt cuối năm của báo "Bạn Đường", tờ báo mà mình là một trong những người sáng lập. Đây là buổi họp cuối cùng vì theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về trật tự an toàn giao thông, báo Bạn Đường bị giải thể và trở thành phụ trương của Báo Giao thông vận tải của Bộ Giao thông vận tải. Mặc dầu các em các cháu vẫn cười vui, vẫn nâng lên đặt xuống, vẫn đi hát karaoke, nhưng có một nỗi buồn không dấu được trong ánh mắt mọi người.
Các cán bộ phóng viên báo Bạn Đường không phải là công chức, họ chỉ là viên chức và vì thế nguy cơ mất việc là nhãn tiền.
Chuyện buồn thứ hai. Trong lúc nhà nhà xum họp thì gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị li tán. Người sa vào vòng lao lí, người đang trốn lủi trong thời tiết giá lạnh, vợ con ông tuy được tại ngoại nhưng nhà đã bị phá mất rồi, không biết các sắp nhỏ sống ở đâu, ăn uống bằng gì.
Chuyện buồn thứ ba nảy sinh ngay khi đọc trên các cơ quan thông tin báo chí, ông Đỗ Trung Thoại Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hải Phòng xưng xưng nói người phá nhà của ông Vươn, ông Quý là “nhân dân”!!! Nhân dân bức xúc nên phá nhà ông Vươn!!! Ấy là ông Phó chủ tịch nghe cấp dưới báo cáo mà nói vậy chứ ông nào dám xuống thị sát hiện trường. Quan liêu và nói liều đến thế là cùng. Đúng là miệng quan trôn trẻ. Chuyện lạ của thế kỉ thứ 21! Lừa ai chứ lừa thế nào được nhân dân chính hiệu-nhân dân mà Nguyễn Khoa Điềm đã nói đến trong bài thơ chửi ông Nghị Phước khi phản đối Luật biểu tình vì dân trí thấp.
Sự thật một lũ đầu trâu mặt ngựa được Chủ tịch xã Lê Văn Liêm em của chủ tịch huyện Lê Văn Hiền cử ra canh giữ ngôi nhà thì “nhân dân” nào có thể phá được? Chính lũ đầu trâu mặt ngựa này phá chứ ai. Vậy mà viên Phó chủ tịch tỉnh lại dám nói nhân dân bức xúc nên phá nhà ông Vươn thì chả còn gì để nói nữa. Đừng đẻ bọn đầu trâu mặt ngựa tiếp tục phá hoại ao đầm mà ông Vươn bỏ bao công sức gây dựng nên theo kiểu hôi của dưới sự làm ngơ hay tiếp tay của chủ tịch xã Lê Văn Hiệp. Thành phố Hải Phòng đang tiếp tục đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa.
Tuy nhiên bên cạnh chuyện buồn đó cũng có chuyện vui để nói. Báo chí đã lên tiếng quyên góp giúp đỡ gia đình ông Vươn qua cơn hoạn nạn. Đấy mới là nhân dân chính hiệu, hỡi ông phó chủ tịch thành phố Hải Phòng.
Đài báo vừa đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, Hình ảnh cho thấy ông Anh nói nhỏ gì vào tai ông Dũng, chắc là nhắc nhở ông Dũng về chuyện sai lầm của Hải Phòng trong câu chuyện đất đai ở Tiên Lãng. Vì thế ngay trong chiều cùng ngày Thủ tướng đã chỉ thị Hải Phòng phải kiểm điểm đúng sai, quy trách nhiệm và báo cáo Thủ tướng.
Và thế là có thể lại có hy vọng. Hy vọng về một ông “Bao Công” sẽ phân xử công minh, trị kẻ có tội và cứu giúp dân lành.
Ngày xưa khi đi học chính trị, mình được các thầy nhồi vào đầu rằng cần phân biệt hai loại mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa ta và địch là mâu thuẫn đối kháng và phải giải quyết bằng chuyên chính vô sản, bằng bạo lực, bằng chiến tranh. Loại mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn nội bộ giữa nhân dân với nhân dân thì không xử lí bằng bạo lực mà bằng luật pháp, bằng tình và lí.
Trường hợp của Đoàn Văn Vươn không thể là mâu thuẫn đối kháng nhất là từ khi đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất và chỉ có một mình Đảng Cộng sản lãnh đạo mà là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và vì thế phải được giải quyết có lí có tình.
Trong khi Luật đất đai còn vô số điều khoản rối rắm mà Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phải trình Chính phủ sửa đổi tới 8 điều ngay khi nó được ban hành thì cũng không nên quá trách các cán bộ huyện xã mít đặc vận dụng sai trái đẩy phần thiệt thòi về phía người dân, đẩy họ vào “bước đường cùng ” và phải chống cự để tự bảo vệ cuộc sống của mình.
Tức là luật pháp còn khiếm khuyết thì càng phải giải quyết có lí có tình đúng như đề xuất của Tòa án để hai bên thương lượng. Nhưng chính quyền huyện Tiên Lãng mà đứng đầu là viên tri huyện Lê Văn Hiền đã lại sai lầm khi lừa ông Vươn vừa rút đơn kiện thì ra lệnh cưỡng chế. Tức là chính quyền đã tạo ra cái cớ để người nông dân mắc sai lầm. Chưa nói đến động cơ của huyện Tiên Lãng là nhóm lợi ích hay không. Và đó là tình tiết giảm nhẹ mà các luật sư sẽ dùng nó để bảo vệ công lí.
Thành phố Hải Phòng đã sai đừng sai thêm nữa. Hãy dũng cảm nhận ra cái sai mà sửa sai để lấy lại lòng tin của dân. Tốt nhất là hãy trả tự do cho gia đình ông Vươn về nhà ăn Tết, sau Tết sẽ tiếp tục phân giải đúng sai.
Đấy là cái lí và cái tình của người cộng sản nếu họ còn có trái tim của con người?
Thù hằn đánh nhau như Trung Quốc với Việt Nam, như Mỹ với Việt Nam rồi cũng đến lúc ngồi vào bàn đàm phán với nhau, rồi mười sáu chữ vàng, rồi bốn tốt…Bỏ tù nhau cả chục năm như Myanmar rồi cũng đến lúc trả lại tự do cùng nhau bắt tay xây dựng cuộc sống mới…Đấy là mâu thuẫn đối kháng đấy hỡi các nhà Mac xít Lê nin nit. Còn với ông Vươn, một người lính, một kĩ sư, một nông dân chân chất không thể là kẻ thù và không thể đối xử như với kẻ thù được. Tương tự như trường hợp người lãnh đạo nông dân ở Ô Khảm Trung Quốc chống chính quyền không những không bị bỏ tù mà lại vừa được cấp trên cử làm bí thư chi bộ. Đó là niềm hy vọng khi năm mới đang gõ cửa mọi nhà Việt Nam.
Lương Kháu Lão
_________________________

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Người dân bất bình vì bị đổ tội

Người dân địa phương chứng kiến cảnh máy móc san phẳng ngôi nhà và diện tích đất của ông Vươn, nhiều người nói: "Các ông ấy nói thế oan cho dân chúng tôi quá".
Phát ngôn của ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về việc nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị san phẳng là “do nhân dân bất bình nên vào phá” lập tức tạo sự bất bình trong dư luận xã hội.
Sáng 18/1, phóng viên đã có mặt tại khu vực xảy ra vụ việc trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để nghe phản ánh của người dân. Bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm Kỳ bức xúc kể lại: "Ngay chiều 5.1, công an và một số lực lượng khác tiến hành đốt lều của nhà ông Vươn, khói ngập khu đầm. Hôm sau, họ lại đưa máy cẩu ra phá huỷ toàn bộ khu nhà, công an cũng có mặt ở đó. Các ông ấy nói thế oan cho dân chúng tôi quá".
Anh Nguyễn Bách Khải ở xóm Chùa Dưới bày tỏ: "Hôm đó, chúng tôi ra đê xem còn bị công an ngăn cấm, hỏi sao dân xuống được khu vực trang trại của ông Vươn. Nói dân phá nhà ông Vươn là nói nhắng. Các ông ấy nói thế là các ông ấy làm giảm lòng tin của dân vào chính quyền".
Rất nhiều người dân khác khi tiếp xúc với phóng viên cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước sự đổ tội của chính quyền cho họ. "Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến dân để làm đơn phản ứng việc này. Không thể để thế được. Đừng vừa làm sai, vừa la làng" - một người dân nói.
Trước đó như báo điện tử Vnexpress đã thông tin, Theo Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại, việc san phẳng căn nhà gia đình ông Vươn sau vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng không phải bởi lực lượng của huyện mà do "nhân dân bất bình nên vào phá".
Ông Thoại cho biết, thành phố đang chỉ đạo các đơn vị cấp dưới xử lý vụ việc, trong đó tập trung rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục về các quyết định giao, thu hồi và tổ chức cưỡng chế đất của huyện Tiên Lãng. "Giữa tuần này việc rà soát sẽ xong, Hải Phòng sẽ có báo cáo chính thức", ông Thoại nói.
Tuy chưa có kết quả rà soát cuối cùng, song vị Phó chủ tịch Hải Phòng vẫn khẳng định, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng được "hầu hết các hộ dân chấp hành". Với trường hợp gia đình ông Đoàn Văn Vươn, hộ này sau khi được giao đất năm 1993 đã "tự ý lấn chiếm" thêm 19,3 ha và bị phạt hành chính trước khi được huyện giao thêm diện tích này.
"Đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia trong quy định của Luật đất đai không phải đất sản xuất nông nghiệp để giao ổn định trong 20 năm. Vì thế, giao bao nhiêu năm là do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau", ông Thoại nói.
Trả lời việc vì sao phá nhà của gia đình ông Vươn dù ngôi nhà nằm ngoài diện tích cưỡng chế, ông Thoại cho rằng, khu vực đầm bãi ngoài đê, theo quy định của luật không phải là nơi quy hoạch khu dân cư, không cho phép xây nhà mà chỉ được làm nhà tạm, chòi canh.
"Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này", ông Thoại nói.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức 5 ngày trước, chính Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền lại cho biết, căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá do "đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp".
Cũng theo Phó chủ tịch Hải Phòng, UBND thành phố "sẵn sàng lắng nghe dư luận" nhưng việc trả lời cụ thể phải chờ sự thống nhất của "tập thể lãnh đạo".
Đánh giá về sự việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, đây là một sự việc đáng buồn. "Sự việc không còn nằm trong phạm vi Tiên Lãng nữa. Ai sai phải xử lý, bất kể cương vị nào", ông Doãn khẳng định.
Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Vụ nổ súng sáng 5/1 không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Mạnh Thắng - Mai Trang/Danviet

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"