Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Vụ nhà ông Vươn: Lỗi tại Cụ Mác – Cụ Lê

Vợ chồng Bút Hết Mực
japanlaw.jpg
“Đền Bù THOẢ ĐÁNG nghĩa là Đền Bù ĐẦY ĐỦ” (“Just Compensation means Full Compensation”). Trang bìa bản tóm tắt “Luật đền bù của Nhật” bởi Giám đốc của “Cơ quan thu hồi đất và đền bù Nhật Bản” – Giáo sư Tsuyoshi Kotaka – Đại học luật Shinshu.

Chuyện nhà ông Đào Văn Vươn xảy ra vừa qua, trách nhiệm về tay ai?

Các chiến sĩ công an, bộ đội, những lực lượng chức năng vừa rồi tham gia cuộc cưỡng chế suy cho cùng cũng chỉ là lính, quan chỉ đâu thì đánh đấy.
Lỗi lớn nhất cũng không phải lỗi của ông Vươn, vì ông Vươn cũng chỉ là một con người bình thường đang cố bảo vệ mái ấm của mình, cuộc sống của gia đình mình, cố nén nỗi đau sau cái chết thương tâm của cô con gái 8 tuổi nhỏ bé, cố vớt vát lại những gì đã mất trước đó, cố bảo vệ mồ hôi, xương máu bao năm qua của những anh em mình,… trước cái quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà ông cho là bất công của chính quyền. Lỗi của ông là gì? Là việc ông phản kháng quá mạnh mẽ trước quyết định đó trước người thi hành công vụ, làm cho sự việc phải đi theo một hướng khác.
Lỗi lớn là ở chính quyền.
Tại sao? Vì chính quyền, cụ thể là trường hợp của ông Lê Văn Hiền – chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, vì muốn thu hồi mảnh đất của ông Vươn nên đã bất chấp sự công minh trong pháp luật, lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, mà cơ chế “nhiều khúc mắc” này lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ chủ nghĩa Mác Lê.
Chuyện nhà nước trưng thu đất của dân để dung vào mục đích công cộng là chuyện xảy ra hàng ngày và ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng ở các nước dân chủ thật sự thì chắc chưa có người dân nào phản ứng quyết liệt như ông Vươn.
Tôi còn nhớ câu chuyện về những người nông dân Nhật Bản được đăng trên tờ “Tin tức hằng ngày Mainichi” (Mainichi Daily News) vào khoảng năm 2003. Chẳng là chính phủ Nhật năm ấy muốn xây dựng thêm một tuyến đường cao tốc ở phía tây Tokyo nhưng vấp phải sự phản đối 6 người dân làng Ushinuma và họ không đồng ý nhượng lại đất. 6 người sau đó kiện lên Tòa án Tokyo và tòa đã ra quyết định cấm chính phủ Nhật Bản trong việc thu hồi (tước đoạt có đền bù) đất của 6 người dân làng.
Nếu chuyện này xảy ra ở Việt Nam thì với một chính sách hợp lòng dân như vậy, nhà nước ta đã có thể cưỡng chế đất và nhà của 6 người ấy để tiến hành thi công rồi. Nhưng tiếc thay, dưới chế độ dân chủ, nhà nước Nhật Bản chẳng thể thay đổi điều 29 trong Hiến Pháp của họ nếu như không có sự đồng ý của người dân – mà trong trường hợp này thì người dân lại chẳng tỏ vẻ khó chịu vì chính sách hợp lòng dân của chính phủ bị cản trở bởi một vài phần tử bất mãn.
Điều 29, Chương III Hiến Pháp Nhật Bản: “Quyền sở hữu tài sản là bất khả xâm phạm. Quyền tài sản được quy định bởi pháp luật và phù hợp với các phúc lợi công cộng.
Chỉ có thể công hữu tài sản tư khi đã có đền bù thỏa đáng.
Người dân Nhật Bản còn được bảo vệ kỹ hơn khi trong Luật Đo đạc đặc biệt khi thu hồi đất của Nhật (Đạo luật số 150 – ban hành năm 1961) quy định:
Mua bằng thương lượng: Nói chung, thu hồi đất cho các dự án công cộng không được thực hiện theo Luật Tước Đoạt Quyền Sở Hữu Đất Đai”, mà bằng thương lượng và đồng thuận (mutual negotiation) giữa các bên: người khởi xướng dự án, chủ đất, và các bên liên quan.
Các nhà làm luật Việt Nam nhìn vào vụ này chắc hẳn sẽ cười khẩy trước sự “non nớt” của các nhà làm luật nước bạn. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà người dân Nhật rất tin tưởng vào chính phủ của họ. Chính niềm tin này một phần đã giữ nước Nhật tiếp tục ổn định mặc dù nợ công đứng hàng thứ nhì thế giới; (200% GDP) – sau Zimbabwe (233%) và trên Hy Lạp (143%).
Suy cho cùng, người dân Nhật có được quyền lợi lớn như thế một phần không nhỏ là nhờ họ KHÔNG CHỌN chủ nghĩa của bác Mác – bác Lê làm kim chỉ Nam như người dân Việt Nam. Nếu người dân Việt Nam được lựa chọn lại, họ có lựa chọn tiếp tục con đường của 2 bác hay không?
Việt Nam đã phải từ bỏ con đường chủ nghĩa Marx-Lenin để đi theo con đường thị trường tự do hay gọi là Kinh Tế Thị Trường theo định hướng XHCN. Và thực tế là hiện nay Việt Nam cũng đang thất bại ngay trên chính con đường này khi mà các doanh nghiệp nhà nước thì thất bại trong việc làm đầu tàu của nền kinh tế còn bất công XH, phân hóa giàu nghèo thì ngày càng tăng (ví dụ như Vinashin, Vinalines, EVN,… )
Chủ nghĩa Marx-Lenin được sinh ra để bảo vệ lợi ích của giai cấp công – nông, nhưng hiện nay ở Việt Nam thì nó đã trở thành công cụ để một số vị lãnh đạo trong Đảng lợi dụng sơ hở kiếm chác riêng. Một mặt, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cho các Đảng Viên quyền làm kinh tế, mặt khác chủ nghĩa Mác- Lê lại cho các vị lãnh đạo quyền quyết định đối với đất đai dưới cách gọi hoa mỹ “sở hữu toàn dân” và dân chủ tập trung.
Vậy ai sẽ là người bảo vệ những người nông dân? Những người nông dân tương tự như trường hợp ông Vươn đã bị bần cùng hóa khi miếng đất sinh nhai mà họ tốn công gây dựng bao năm bằng cả mồ hôi và xương máu bị tước đi mà không được phép kêu ca hay lên tiếng dù chỉ một lời với những đồng tiền đền bù bèo bọt trên danh nghĩa “nhà nước vì nhân dân”, có khi còn bị tước đoạt không một chút quyền lợi (cụ thể trường hợp của gia đình ông Vươn cùng các hộ gia đình có đầm thuỷ sản trong dự án thu hồi, giải toả). Và khi mà luật pháp Việt Nam thì do Đảng soạn ra và còn có đến 700 tờ báo khác cũng cùng nói tiếng nói của Đảng, của chính quyền.
Quân dân Việt Nam dưới ngọn cờ Chủ nghĩa Marx-Lenin đã đánh đuổi được ngoại xâm, thống nhất đất nước. Đó là lịch sử không ai có thể phủ nhận. Nhưng mỗi công cụ thường có thể dùng cho nhiều mục đích nhưng chỉ có thể thực hiện một mục đích một cách hoàn chỉnh. Chủ Nghĩa Marx – Lenin đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó là đoàn kết mọi tầng lớp trong chiến tranh. Nhưng Chủ Nghĩa Marx- Lenin đã thất bại trong việc giúp nhân dân Việt Nam xây dựng một đất nước “dân chủ, công bằng, giàu mạnh, xã hội, văn minh”, và hiện giờ một số con sâu trong bộ máy chính quyền đang lợi dụng cái chủ nghĩa này để làm lợi “không đúng nghĩa” cho chúng. Vậy thì lựa chọn tốt nhất người dân Việt Nam là gì? Tiếp tục hay dừng lại, chỉ chúng ta mới là người quyết định.
Suy cho cùng, chắc chẳn là chẳng có điều gì hoàn hảo cả, nó đúng trên giá trị lý thuyết nhưng chưa chắc đã “thịnh hành” và “đúng mốt” với thời cuộc.
Tôi có thể khẳng định Cụ Mác, cụ Lê rất tài, nhưng các cụ tính không bằng... hậu bối tính. Cụ Mác thì chỉ ra được rất cái sai của tụi “tư bản giãy chết”, còn cụ Lê thì đã chỉ ra được con đường cụ thể để giai cấp vô sản bật lại lũ tư sản ác ôn. Các cụ đã khơi dậy được tình “đồng chí” khăng khít của quân dân trong thời kỳ kháng chiến, NHƯNG các Cụ lại không lường được những cú “lách” và sự lợi dụng của những con sâu muốn tư lợi bản thân trong bộ máy chính quyền trong thời điểm này để bóc lột “giai cấp vô sản”. Sau khi tư tưởng của các Cụ đã phát huy hiệu quả và bây giờ là “phát huy hậu quả”. Hi vọng các cụ sống khôn, thác thiêng hãy soi tỏ cơ sự này…
References:
1. Compensation system of Japan – Tsuyoshi Kotaka.
Nguồn: http://www.hosyoukikou.jp/zisyukenkyu/CONTENTS/CompensationSystemOfJapan.pdf
2. Taking land: compulsory purchase and regulation in Asian-Pacific countries – Tsuyoshi Kotaka, David L. Callies

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"