Luật gia Phan Anh Cường
Sự kiện nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế ở khu đầm nuôi
trồng thủy sản xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng ngày 05/01/2012 đang thu
hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đáng tiếc là trên công luận đang
có những quan điểm chưa chuẩn xác về mặt pháp lý của một số luật gia,
nhà báo. Với bài viết này, Luật gia – nhà báo Phan Anh Cường (Hải Phòng)
sẽ phân tích 6 vấn đề về pháp lý hiện nay cần làm rõ…
1- Các quyết định giao đất cho Đoàn Văn Vươn có trái luật?
Ngày 04/10/1993 UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định 447/QĐ-UB giao 21
ha đất bãi bồi ven biển thuộc địa bàn hành chính xã Vinh Quang cho ông
Đoàn Văn Vươn - công dân xã Bắc Hưng để sử dụng vào mục đích nuôi trồng
và khai thác thủy sản có thời hạn 14 năm. Ngày 9/4/1997, tại Quyết định
số 220/QĐ-UB, UBND huyện lại giao bổ sung 19,3 ha tiếp giáp diện tích cũ
về phía biển. Thời hạn sử dụng cũng là 14 năm nhưng tính từ ngày
04/10/1993.
Trước hết, cần khẳng định, khu vực đầm vùng xã Vinh Quang, vào những
năm 1993-1994 không phải là đất nông nghiệp để giao cho nông dân sử dụng
ổn định lâu dài (20 năm). GS Đặng Hùng Võ đã có nhận định không chính
xác về vấn đề này. Quan điểm hiện nay của UBND huyện Tiên Lãng về vấn đề
này là phù hợp luật pháp. Tại thời điểm trên, khu vực này thuộc nhóm
đất mới bồi, chưa sử dụng.
Điều 29 Luật Đất đai 1987:
“1- Ở những nơi còn đất chưa sử dụng thì Uỷ ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể giao loại đất này cho các tổ
chức hoặc các hộ thành viên của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông
nghiệp, lâm nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối, nông
trường, lâm trường, trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, công nhân, viên
chức và nhân dân để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
2-Đối với đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt thì được giao theo chính sách giao đất, giao rừng để trồng trọt và chăn nuôi; đất giao cho mỗi tổ chức và cá nhân là căn cứ vào khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích.
3-Khi giao đất nói ở khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải xác định rõ mục đích và thời hạn sử dụng để người sử dụng đất yên tâm sản xuất, có thu hoạch thoả đáng so với công sức đã đầu tư đối với từng loại cây trồng và vật nuôi.
4- Đất được giao nói trong Điều này không tính vào mức đất làm kinh tế gia đình hoặc mức đất giao cho nông dân cá thể quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật này.”
2-Đối với đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt thì được giao theo chính sách giao đất, giao rừng để trồng trọt và chăn nuôi; đất giao cho mỗi tổ chức và cá nhân là căn cứ vào khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích.
3-Khi giao đất nói ở khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải xác định rõ mục đích và thời hạn sử dụng để người sử dụng đất yên tâm sản xuất, có thu hoạch thoả đáng so với công sức đã đầu tư đối với từng loại cây trồng và vật nuôi.
4- Đất được giao nói trong Điều này không tính vào mức đất làm kinh tế gia đình hoặc mức đất giao cho nông dân cá thể quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật này.”
Theo Luật Đất đai 1993 thì khu vực này thuộc nhóm đất mới bồi (Điều
50 Luật Đất đai 1993: “Việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do
Chính phủ quy định.”), đất chưa sử dụng (Điều 72 Luật Đất đai
1993). Như vậy, Luật 1987, Luật 1993 và tương tự như vậy là Luật 2003
cũng đều cho phép điều chỉnh nhóm đất này theo các quy định riêng của
Chính phủ. Đến lượt mình, tại Nghị định 64/1993 và các nghị định sửa
đổi, bổ sung sau đó như Nghị định 85/1999 và Nghị định 04/2000, Chính
phủ ủy quyền cho UBND cấp tỉnh. Cụ thể, khoản 3 Điều 5 Nghị định 64/1993
quy định: “3. Đối với đất trống, đồi núi trọc, đất khai hoang, lấn
biển thì hạn mức của hộ, cá nhân sử dụng do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương quyết định, căn cứ vào quỹ đất của địa phương
và khả năng sản xuất của họ, đảm bảo thực hiện chính sách khuyến khích,
tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng các loại đất này vào mục đích sản
xuất nông nghiệp.”
Như vậy, ông Đoàn Văn Vươn được giao 40,3 ha đất, dù có vượt mức hạn
điền chung (2 năm), dù không theo thời hạn chung (20 năm) là không có gì
trái luật.
2- Cách tính thời hạn như thế nào?
UBND huyện Tiên Lãng tính thời hạn sử dụng đất căn cứ vào quyết định
giao đất. Cụ thể, cả với 21 ha và cả với 19,3 ha, thời hạn là 14 năm
tính từ 04/10/1993, tức hết hạn từ ngày 04/10/2007.
Chúng tôi đồng tình với GS Đặng Hùng Võ về việc lấy mốc bắt đầu tính
thời hạn phải tuân theo Điều 4 Nghị định 64/1993 chứ không thể theo thời
hạn ghi trong các quyết định giao đất. Với diện tích 21 ha phải lấy mốc
từ 15/10/1993 là ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực; Với 19,3 ha phải
lấy mốc từ ngày có quyết định giao đất là 9/4/1997.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là ông Đoàn Văn Vươn có hộ khẩu
thường trú tại xã Bắc Hưng cùng huyện Tiên Lãng, đã được giao đủ diện
tích trong hạn điền để sử dụng ổn định lâu dài (20 năm) theo Nghị định
64/1993 tại xã Bắc Hưng. Phần diện tích này cho đến nay chưa hề bị thu
hồi. Theo Điều 5 Nghị định 64/1993 thì mức hạn điền đất nông nghiệp tại
các tỉnh như Hải Phòng chỉ có tối đa là 2 ha. Do vậy, toàn bộ 40,3 ha
đất mà ông Vươn được giao tại xã Vinh Quang phải được xem là đất vượt
hạn mức. Mà đất vượt hạn mức thì thời hạn sử dụng theo khoản 2 Điều 67
Luật Đất đai 2003 quy định chỉ có 10 năm: “2. Thời hạn sử dụng đối với
diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức do được giao trước ngày 01 tháng
01 năm 1999 bằng một phần hai thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này,
sau đó phải chuyển sang thuê đất;”
Như vậy, theo chúng tôi, thời hạn sử dụng 21 ha đất là 10 năm, tính
từ ngày 15/10/1993, tức đến ngày 15/10/2003 là hết. Thời hạn sử dụng
19,3 ha cũng là 10 năm, tính từ ngày 9/4/1997, tức đến 9/4/2007 là hết.
Chú ý: GS Đặng Hùng Võ có viện dẫn đến Quyết định 773/1994-TTg ngày
21/12/1994 của Thủ tướng về “Chương trình khai thác, sử dụng
đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng
bằng” để khẳng định cần áp dụng cho trường hợp của ông
Đoàn Văn Vươn mức hạn điền theo Điều 13 là từ 2 đến 10 ha. Theo chúng
tôi, đòi hỏi này của GS Võ khá khiên cưỡng vì ngay tên gọi của Quyết
định trên đã thể hiện rằng việc giao đất ở đây chỉ thực hiện theo các dự
án trong khuôn khổ một Chương trình quốc gia. Các dự án phải được lập,
trình, thẩm định, phê duyệt trước khi đưa ra triển khai. Dự án nuôi
trồng thủy sản của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng tại khu vực
kế bên khu đầm của ông Vươn là một dự án nằm trong Chương trình này
nhưng đã bị đổ bể.
3- Điểm nút sự bất đồng quan điểm
Sau nhiều năm “đánh vật” với biển cả, Đoàn Văn Vươn cùng các chủ đầm
khác đã biến khu vực bãi bồi ven biển xã Vinh Quang từ đất thuộc nhóm
chưa sử dụng trở thành đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản. Do vậy, UBND
huyện Tiên Lãng vẫn muốn mang các quy định đối với nhóm đất chưa sử
dụng để điều chỉnh đối với khu đầm vùng Vinh Quang là không phù hợp pháp
luật. Đây là điểm nút sự bất đồng quan điểm giữa UBND huyện Tiên Lãng
với các chủ đầm.
+ UBND huyện quan niệm rằng:
Huyện giao đất cho các hộ có thời hạn; khi hết hạn thì huyện có quyền
thu hồi và không bồi thường. UBND huyện muốn thu hồi lại toàn bộ diện
tích đã giao, sau đó giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý. UBND xã Vinh
Quang sẽ trực tiếp giao hoặc tổ chức đấu thầu theo các quy định mới: Mỗi
hộ được thầu từ 1 hoặc 2 ha, tối đa là 5 ha và thời hạn tối đa là 5
năm. Các chủ đầm cũ dù được ưu tiên trong đấu thầu, tức là được lựa chọn
vị trí trong khu đầm cũ của mình nhưng diện tích tối đa là 5 ha, thời
hạn tối đa là 5 năm. Ngay từ ngày 01/12/2004 UBND huyện đã có bản Kế
hoạch số 58/2004 về quy định nói trên. Đặc biệt, ngày 17/10/2008 UBND
huyện ban hành Quyết định số 3756/QĐ- UB “Về việc ban hành quy định về
quản lý sử dụng đất, mặt nước, bãi bồi ven sông, ven biển sử dụng vào
mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiên Lãng” với những quy
định trái luật rõ ràng hơn.
+ Các chủ đầm thì muốn tiếp tục được sử
dụng toàn bộ diện tích hiện nay với thời hạn 20 năm như quy định trong
Luật Đất đai 2003.
Quan niệm của UBND huyện là bất hợp lý khi không tính đến công sức
đầu tư, khai hoang, lấn biển của các chủ đầm để biến khu vực này từ
hoang hóa trở thành đất nuôi trồng thủy sản. Đã là đất nuôi trồng thủy
sản thì khu vực này phải được quản lý theo các quy định của Luật Đất đai
2003 về đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản chứ không thể theo các quy
định riêng của thành phố hay của huyện, của xã.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 67 Luật Đất đai 2003 như trên đã dẫn: “Thời
hạn sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức do được giao
trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 bằng một phần hai thời hạn quy định tại
khoản 1 Điều này, sau đó phải chuyển sang thuê đất;” Tức là lẽ ra anh
Vươn được chuyển sang hình thức THUÊ ĐẤT từ năm 2003 với 21 ha và từ năm
2007 với 19,3 ha. Mấu chốt của vụ này nằm tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất
đai 2003:
“Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao
đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp
luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp
với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;”
Nếu UBND huyện muốn bảo vệ quyết định thu hồi thì phải chứng minh
việc anh Vươn đã vi phạm pháp luật và tại đây việc nuôi trồng thủy sản
không còn phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nếu anh Vươn, ông Luân cùng
các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây muốn giữ đầm thì cũng cần trưng ra
các chứng cứ rằng mình không vi phạm pháp luật đất đai.
4- Lỗ hổng lớn trong giải quyết khiếu nại
Từ nhận thức về pháp luật không đúng của các cán bộ UBND huyện nên
mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài suốt từ năm 2004 đến nay không giải quyết
được. Xin đừng đổ trách nhiệm cho người dân. Đoàn Văn Vươn, Vũ Văn Luân
và đa số các chủ đầm đều là những sĩ quan quân đội trở về. Riêng Đoàn
Văn Vươn là kĩ sư nông nghiệp. Họ không có ý chống đối chính quyền. Họ
đã kiên trì theo đuổi các biện pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Cụ thể,
Đoàn Văn Vươn đã liên tục viết hàng loạt đơn gửi tất cả các cấp suốt năm
2004 đến sát ngày bị bắt. Đành rằng UBND huyện đã có tổ chức đối thoại 8
lần. Thế nhưng, tại các cuộc đối thoại, cán bộ huyện chỉ muốn áp đặt,
bắt buộc người dân thực hiện cái sai; phải bàn giao không điều kiện toàn
bộ đầm vùng. Để rồi, nếu muốn thì người dân lại phải làm đơn xin tham
gia đấu thầu với các quy định mới của chính quyền. Đoàn Văn Vươn đã
phải cậy nhờ tới tòa án. Tiếc rằng, Tòa án huyện cũng không am hiểu pháp
luật khi cho ra bản án bảo vệ quyết định sai trái của UBND huyện. Cậy
đến TAND TP thì thẩm phán lại vi phạm tố tụng hành chính khi lập ra cái
biên bản hòa giải không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị làm cho
người dân bị nhầm lẫn, rút đơn kháng cáo. Và, việc xét xử phúc thẩm bị
đình chỉ, cũng có nghĩa là bản án sơ thẩm có hiệu lực…
Trong quá trình gian nan khiếu kiện suốt 6 năm qua, tại sao chúng ta
không thấy bóng dáng của cơ quan quản lý chuyên ngành về đất đai cấp
trên? Đó là Sở TN-MT và cao hơn nữa là Bộ TN-MT, cho dù đơn từ của Đoàn
Văn Vươn gửi đến đó không ít.
5- Dấu hiệu anh bao che cho em
Điều đáng buồn cho các chủ đầm bắt đầu từ khi ông Lê Thanh Liêm (em
ruột chủ tịch huyện) ngồi vào ghế lãnh đạo xã Vinh Quang. Khi Dự án nuôi
trồng thủy sản công nghiệp của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP)
thất bại, năm 1999 họ rút đi, để lại diện tích mênh mông. Trong số này
có cả 80.000 m2 đất mà Tổng đội TNXP tự ý chiếm dụng của ông Nguyễn Văn
Phao, dù ông Phao liên tục có đơn nhưng không cơ quan nào giải quyết.
Sau khi Tổng đội TNXP “bỏ của chạy lấy người”, ông chủ tịch xã Lê Thanh
Liêm tự ý giao khu đất này cho “cánh hẩu” của mình là ông Bổng- nguyên
cán bộ địa chính xã và ông Nhuận- một người có hộ khẩu ngoài xã Vinh
Quang. Đặc biệt hơn, ông Liêm còn tự ý giao một diện tích lớn cho một
đại gia- chủ một doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng ở nội thành Hải
Phòng. Đó là ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Cty TNHH Sơn Trường, địa
chỉ tại Khu 6 phường Quán Toan, quận Hồng Bàng.
Điều đáng nói là khu vực bãi bồi này hoàn toàn không phải là đất công
ích 5% thuộc quyền quản lý của UBND xã theo Luật Đất đai. Như trên đã
phân tích, khu vực này, vào những năm 1993-1994 thuộc nhóm đất mới bồi
nên nó chịu sự quản lý theo các quy định riêng của UBND cấp tỉnh. Đến
nay, khu vực này phải được quản lý theo các quy định của Luật Đất đai
2003 về đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản chứ không thể theo các quy
định riêng của địa phương. Thế nhưng, ông anh Lê Văn Hiền- chủ tịch
huyện đã công khai ý định thu hồi đầm vùng của các hộ để rồi giao cho
ông em trực tiếp quản lý, trực tiếp giao cho ai thì giao như một ông vua
ở Vinh Quang. Ngày 17/10/2008, UBND huyện ban hành Quyết định số
3756/QĐ-UB “V/v ban hành quy định về quản lý sử dụng đất mặt
nước, bãi bồi ven sông, ven biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy
sản trên địa bàn huyện Tiên Lãng”. Theo Điều 6 của Bản quy
định trên, “Đối với khu vực bãi bồi ven biển diện tích đất, mặt
nước cho mỗi hộ gia đình, cá nhân thuê không quá 05 (năm) héc ta”.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2003 và các văn bản dưới luật không hề có quy
định về hạn mức cho thuê đất (chỉ có quy định về hạn mức giao đất).
Điều 7 của bản Quy định này giới hạn “thời hạn cho thuê đất tối đa
không quá 5 năm”. Trong khi đó, Điều 67 Luật Đất đai 2003 thì thời
hạn này là 20 năm.
Chúng ta hãy xem lại “Biên bản tạo điều kiện để các đương
sự thỏa thuận với nhau v/v giải quyết vụ án” do ông Ngô
Văn Anh – thẩm phán TAND TP Hải Phòng lập ngày 9/4/2010. Tại đây, “ông
vua” Lê Thanh Liêm đã bật mí: “Trong quá trình hoàn thiện về quản
lý, xã đã trực tiếp giao hơn 200 héc ta, quan điểm là để các hộ yên tâm
sản xuất kể cả những hộ không có hộ khẩu thường trú tại xã. Các quy
định về hạn điền, mức thu tài chính đều theo quy định của Nhà nước, quy
định của xã là thời hạn không quá 5 năm…”
Rõ ràng 200 ha đầm vùng này không phải là quỹ đất công ích 5% mà xã
được quyền quản lý. Vậy tại sao Chủ tịch xã Lê Thanh Liêm lại được “trực
tiếp” và lại được “giao” chứ không phải cho thuê?
6- Cần tách bạch 3 sự kiện “cưỡng chế”, “trấn áp tội phạm” và “phá nhà”
Trong ngày 5/1/2012 tại khu đầm của Đoàn Văn Vươn xảy ra 3 sự kiện.
Xét từ tính chất sự kiện lẫn thời gian xảy ra chúng ta dễ dàng phát hiện
có 3 sự kiện độc lập diễn ra:
+ Sự kiện “cưỡng chế”:
Quyết định thu hồi đất số 461 ngày 7/4/2009, như trên đã phân tích,
rõ ràng là trái pháp luật nên Quyết định cưỡng chế số 3308/QĐ-UB ngày
24/11/2011 để thi hành quyết định thu hồi đất cũng là trái pháp luật. Từ
đó kéo theo việc tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế vào sáng
5/1/2012 cũng không thể phù hợp pháp luật.
+ Sự kiện trấn áp tội phạm:
Sau khi Đoàn Văn Quý (em trai Vươn) nổ súng làm 6 cán bộ công an +
huyện đội Tiên Lãng bị thương thì bắt đầu sự kiện mới: Sự kiện trấn áp
tội phạm của Công an Thành phố Hải Phòng. Sự kiện này chấm dứt vào lúc
12 giờ ngày 5/1/2012 khi Công an TP đã làm chủ được tình hình tại ngôi
nhà của Đoàn Văn Quý nhưng chủ nhà đã bỏ trốn trước đó.
+ Sự kiện “phá nhà”:
Sự kiện này diễn ra vào chiều 5/1/2012 và sáng 06/1/2012
bằng máy ủi, máy xúc khi đoàn công tác của huyện và của công an TP đã
rút hết. Do vậy việc ông Lê Văn Hiền- Chủ tịch UBND huyện trả lời tại
cuộc họp báo ngày 12/1/2012 rằng “Vì đây là nơi ẩn nấp của tội phạm nên
Tổ công tác của huyện áp dụng các biện pháp phá” là không chính xác.
Ngày 17/1/2012 ông Đỗ Trung Thoại - PCT UBND TP Hải Phòng đổ vấy sang
“nhân dân bức xúc…” cũng là không đúng sự thật.
Thực tế thì ngay từ khi Đoàn công tác của huyện, của Công an Thành
phố rút đi thì UBND xã đã cho lực lượng công an xã đóng chốt 24/24 tại
trụ sở cũ của Tổng đội thanh niên xung phong- ngay tại vị trí trên con
đường độc đạo vào khu đầm của Đoàn Văn Vươn. Điểm chốt giữ của công an
xã vẫn tồn tại từ ngày 05/01/2012 đến nay. Không một người lạ mặt nào có
thể vào khu đầm này.
Do vậy, việc phá nhà thuộc trách nhiệm cá nhân ông Lê Văn Hiền- Chủ
tịch UBND huyện cùng người em ruột của ông là Lê Thanh Liêm- Chủ tịch
UBND xã Vinh Quang.
Luật gia PHAN ANH CƯỜNG (Hải Phòng)