Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Những bản án được biết trước

Cánh Cò

A: Em "chỉ biết còn anh, còn em". B: Anh cũng biết "còn em, anh còn tồn tại".
Chưa bao giờ đất nước lại có những sự kiện nóng bỏng như hiện nay. Hai vấn đề tòa án và sở hữu đất đai liên tục nảy sinh những góc tối và danh sách nạn nhân của chúng đang ngày một dài hơn.
Hình ảnh bạo động trong việc cưỡng chiếm đất đã gây nhức nhối cho toàn xã hội. Tính chất bạo loạn hiển hiện rõ nét khi lực lượng hơn 100 người gồm công an, quân đội, dân phòng bao vây một căn hộ của người dân nhưng kết quả ngược lại với những điều từng xảy ra trước đây: 7 người về phía chính quyền bị thương nặng nhẹ. Phía bị cưỡng chế không ai hề hấn gì vì họ chủ động tấn công và rút lui sau khi vụ nổ súng xảy ra.
Báo chí lề trái lẫn lề phải cùng gặp nhau một điểm chung tại Tiên Lãng: Bênh người bị cưỡng chế, lên án kẻ ra lệnh và tiếp tục theo dõi điều tra. Đây là điều khá lạ lùng so với những gì thường xảy ra trước đây.
Thôi không nói thêm chi tiết vì tất cả đều biết nếu không có một công điện của Thủ tướng chính phủ số 57/CĐ-TTg ra ngày 11 tháng 1 về việc “đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Thủ tướng yêu cầu: “Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của các bộ, chiến sỹ công an và các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Công điện cũng ghi rõ “Bộ Công an, UBND các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội và nhân dân bị hy sinh, bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ.
Công điện này khiến người dân tỉnh ngộ: Bảo vệ lực lượng công an, quân đội quan trọng hơn bảo vệ luật pháp.
Dĩ nhiên trong bất cứ quốc gia nào thì việc tuân thủ luật pháp của mọi công dân phải đặt lên hàng đầu. Không cứ gì người dân, kẻ bảo vệ và thi hành luật pháp lại càng phải tuân thủ luật pháp hơn ai hết. Khi người dân phản ứng trước sự đàn áp của một cấp chính quyền thì việc đầu tiên chính phủ phải làm là ra văn bản yêu cầu điều tra xem xét vụ việc để trấn an dư luận.
Hai nội dung đi đôi với nhau trong một công điện sẽ có sức thuyết phục hơn, nhất là trong tình hình khá nguy ngập hiện nay. Nguy ngập đến nỗi báo chí quên cả sợ hãi để lên tiếng. Nguy ngập bởi một nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai tuyên bố là huyện Tiên Lãng hành xử vô luật pháp khi ra lệnh cưỡng chiếm đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Tiếc thay Thủ tướng không thấy vấn đề nguy ngập. Ông vẫn sống và làm việc trong… giấc mơ Xã hội chủ nghĩa. Giấc mơ ấy mặc dù đang được chứng minh là ảo tưởng nhưng không ai trong bộ chính trị dám nhận chân sự thật kể cả ông.
Sự thật đang xảy ra tại Tiên Lãng qua vở kịch sống mang tên Đoàn Văn Vươn. Với tiếng súng hoa cải, tiếng bom tự chế, hòa với tiếng rên xiết khóc than của nhiều gia đình tại Cống Rộc đang là cơn đau và nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Hình ảnh thật này đã làm công văn của Thủ tướng trở nên lạc điệu mặc dù cần thiết. Lạc điệu bởi nó chỉ đưa ra một vế cần bảo vệ mà khước từ vế thứ hai cũng đang rất cần sự quan tâm của Thủ tướng.
Khi người dân bị đẩy vào đường cùng phải chống lại cơ quan cưỡng chế bằng vũ khí thì đó là lúc chính quyền phải xem lại hệ thống của mình. Sự bất ổn của hệ thống làm người dân phản kháng chứ không phải sự phản kháng của họ gây bất ổn cho xã hội. Vụ Đoàn Văn Vươn rồi sẽ là vụ án kinh điển trong lịch sử đương đại khi các nhà viết sử muốn làm một luận chứng về sự sụp đổ của một nhà nước vốn đi lên bằng những vụ việc tương tự như những năm đầu của thế kỷ 20.
Đó là mặt trái và cũng là hậu quả của luật sở hữu đất đai.
Riêng về việc tuân thủ luật pháp của các công bộc nhà nước thì sao, đặc biệt là các tòa án Nhân dân các cấp?
Người dân thực sự không thể nào hiểu được tại sao Tòa án Nhân dân lại che chở và bênh vực cho cán bộ, công an thay vì bênh vực lẽ phải, bênh vực người dân thấp cổ bé họng.
Trong khi Tòa án liên tục xử các vụ vi phạm của công dân một cách khắc nghiệt dù tội danh của họ đôi lúc không đáng để bị phạt vạ như thế. Vụ án “Hai con vịt” có lẽ là điển hình cho cách kết án khá tuỳ tiện của hệ thống toà án Việt Nam nhất.
Lần về năm 2009, có nội dung sau Tòa án Nhân dân Huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng đã xử Trương Ngọc Quyền năm năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản.
Theo báo Pháp Luật TPHCM đưa tin thì “tối 28-9-2008, Quyền cùng bạn bè đang nhậu thì hết mồi. Nhớ ra nhà hàng xóm có một bầy vịt, Quyền sang xin bởi trước đó Quyền từng được nơi này cho một con vịt què. Lần này Quyền không những bị từ chối mà còn bị con trai của chủ vịt “mắng sốc”. Bực bội, Quyền về rủ Hưng, Long, Hà sang đánh “thằng nhỏ mà láo” cho bõ tức.
Cả bốn kéo nhau đến chòi vịt, chia thành hai nhóm đi vào. Nghe tiếng chó sủa, người coi vịt cầm đèn pin ra rọi. Trong đêm, Hưng cầm một hòn đá nhỏ chọi về phía người coi vịt. Người coi vịt hoảng, chạy tọt vào chòi, đóng cửa lại cùng con trai chủ vịt ở luôn trong đó. Chờ một lúc không thấy ai, Long bắt hai con vịt đưa cho Quyền rồi tất cả kéo về nhà làm thịt nhậu tiếp.” (*)
Nếu so bản án này với bản án xử công an dùng nhục hình tra tấn, ép cung người dân như bản tin sau đây của báo Công Lý(**) thì không ai có thể chịu nổi, ngoại trừ ông thẩm phán tòa án và gia đình của hai công an bị cáo:
Chiều 9-1-2012, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Trần Bá Tuấn và Nguyễn Đình Quyết, nguyên Điều tra viên của cơ quan CSĐT Công an Tp. Nha Trang 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “dùng nhục hình”, thời hạn thử thách 18 tháng.
Theo cáo trạng, sáng 28-11-2010, chủ nhà 9b đường Lãn Ông thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, báo Công an Tp. Nha Trang vụ mất 7 triệu đồng và 1.750 USD, nghi bà Trần Thị Lan, 41 tuổi; người giúp việc lấy cắp.
Tuấn và Quyết được lãnh đạo Đội hình sự phân công xác minh. Khoảng 10 giờ cùng ngày, Tuấn và Quyết đến nhà bà Lan trọ lục soát, phát hiện và lập biên bản thu giữ một số quần áo tư trang, mỹ phẩm. Bà Lan lập tức bị đưa về trụ sở Công an Tp. Nha Trang.
Từ trưa 28 đến chiều 29-11-2011, Tuấn, Quyết và 3 người khác, mặc thường phục, chưa xác định được danh tính, nhiều lần thay nhau đánh đập, tra khảo bằng dùi cui, roi điện, ép bà Lan nhận có lấy cắp tiền và buộc khai nơi cất giấu.
Chính kết quả bản án đã nói lên tất cả và không cần phải bình luận gì thêm. Có điều cũng nên “khen” cho “quan” tòa vì hình như vẫn còn chút lương tâm nên đã yêu cầu hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại là… ba triệu đồng. Số tiền này nếu về Hà Nội bà Lan có thể ăn được... ba tô phở bò Kobe.
Một việc đáng ghi nhận là giống như bức công điện của Thủ tướng Dũng yêu cầu bảo vệ cho người thi hành công vụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây đã đưa ra lời khuyên đối với lực lượng luật sư Việt Nam. Ông Sang yêu cầu luật sư cần phải trau dồi nghề nghiệp hơn nữa.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “luật sư phải công tâm không chỉ bảo vệ lợi ích của thân chủ mà phải bảo vệ sự công minh của pháp luật, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.
Trong rất nhiều vụ án người cần được nhắc nhở là Thẩm phán chứ không phải là các luật sư. Đội ngũ luật sư Việt Nam hôm nay là những người có học, được đào tạo chính quy và hơn ai hết họ là người tuân thủ luật pháp rất nghiêm vì nếu không mảnh bằng của họ sẽ bị tịch thu, cuộc chơi kể như kết thúc.
Nhưng các Thẩm phán thì không.
Họ là ai? Đôi khi sự xuất hiện của họ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Rất nhiều thẩm phán được tiến cử do đảng bộ mặc dù trên danh nghĩa họ được Bộ Tư pháp điều động, nhưng chỉ sau khi được đảng cơ cấu. Khả năng áp dụng luật vào từng vụ án của họ có thể nói mà không sợ nhầm là rất kém. Nhiều thẩm phán khi phát ngôn đã để lộ ra nhiều mặt bất cập về cả chuyên môn lẫn đạo đức.
Vụ mới nhất xử trung tá công an Nguyễn Văn Ninh 4 năm tù vì tội đánh chết công dân Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội là một thí dụ khác cho việc xử án theo chỉ đạo. Ai chỉ đạo chỉ là vấn đề thời gian khi cái ung nhọt trong ngành tòa án vỡ ra trước công luận.
Từ cái nhìn này không ai hy vọng một bản án có tính đột phá sẽ xảy ra cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Ngay từ bây giờ người ta có thể đoán ra mức án của họ: Nặng nhất 17 năm tù giam cộng với ba năm quản chế, và nhẹ nhất một năm tù treo với hai năm quản chế.
Tiền phạt? Gấp 10 lần phạt công an Khánh Hòa vì lực lượng cưỡng chế rất nhiều người đang cần ăn phở.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"