Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Nhạt như… Táo quân và các hội đoàn

Nguyễn Thông
Đầu năm ai chẳng muốn nói chuyện vui. Mình cũng thế, chỉ muốn đem điều vui vẻ đến cho mọi người. Nhưng tuổi tác bây giờ khác trước, trí lự kém, nghĩ được cái gì không biên ra ngay là quên tiệt. Vui hay không vui, tùy sự cảm nhận của ai đó chứ mình chả ép.
Đêm giao thừa, dọn dẹp nhà cửa vừa xong, sắp mâm cơm cúng gia tiên ông bà xong, mình cũng tranh thủ coi tí Táo quân (gặp gỡ cuối năm). Cứ như bọn báo chí tuyên truyền dụ khị thì chương trình năm nay nhiều mới lạ lắm, thẳng thắn dũng cảm lắm, nhiều điều bức xúc từ lòng dân lắm… Rằng đạo diễn Đỗ Thanh Hải bật mí thế này, danh hài Quốc Khánh, Quang Thắng, Chí Trung tung tẩy thế kia, đầy những bất ngờ. Đại loại rất hay, đáng xem.
danluan00081.jpg
Nhưng như các cụ dạy, cái gì cũng phải tận mắt thấy tai nghe, đừng vội tin người. Táo quân VTV cũng thế. Xem xong, tràn đầy thất vọng. Thấy bị lừa. Thấy hụt hẫng. Chả là nhiều năm trước mình cũng từng xem Táo quân, có thiện cảm với nó, có cái để so sánh. Đâu riêng mình, nhiều người bảo, nó ngày càng nhạt. Và lần này thì nhạt như nước ốc. Nhạt đến mức nếu có dốc cả núi muối vào cũng không chữa nổi. Đã đành đào kép chỉ vài gương mặt ấy làm chi chả nhạt, chiêu trò dăm ba miếng cũ xì làm chi chả nhạt, nhưng lý do chính là nó đã hết hơi rồi, nó bị “tuyên giáo hóa” rồi, nó đầy giọng điệu VTV chính thống, nó mang hơi thở Trần Bình Minh ủy viên trung ương. Tức là nó uốn éo, phường tuồng. Tuy nhiên phường tuồng thứ thiệt còn làm người coi cười khóc, đau đớn, nghĩ suy chứ Táo của Trần Bình Minh chả khác sợi bánh canh Trảng Bàng, vừa vào miệng đã tọt ra trực tràng, không kịp để lại chút dinh dưỡng nào. Nhìn cái lung túng vụng về, cố rặn ra để diễn của mấy “danh hài” mà thương. Cảnh anh Quang Thắng phùng môi trợn mắt, cảnh cô Vân Dung giãy đành đạch trên ghế… như gióng lên tiếng chuông báo tử cho sân khấu hài xứ Bắc. Nhất là cảnh cuối, tất cả đứng giàn hàng ngang nghe anh Ngọc Hoàng Quốc Khánh dường như thay mặt ông trùm Đinh Thế Huynh lên lớp tuyên huấn sao mà chán ngấy. Cố lôi vào kịch bản chuyện này chuyện nọ nhưng vẫn lộ ra sự né tránh lộ liễu những bức xúc, nóng bỏng nhất đang diễn ra trong cuộc sống này. Chả thể tìm thấy ở Táo quân chuyện hàng triệu nông dân bị mất đất, bị bần cùng hóa trên ngay chính quê hương mình; chuyện khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu như hố đen trong vũ trụ, chuyện không ít người dân lương thiện chết oan ức bởi những kẻ vô lương, chuyện khối gã khua môi múa mép rao giảng điều này điều nọ chả khác gì thánh sống nhưng thực chất không bằng bức tượng đất nung… Không dám đi cùng đông đảo nhân dân, sợ sệt né tránh hiện thực sống động, nhắm mắt bịt tai trước lời kêu than của con người, phát ngôn như cái máy… thì nhạt là điều không tránh khỏi. Cứ đà này, ngôn ngữ dân gian chắc sẽ được bổ sung câu tục ngữ mới “nhạt như Táo quân”, các ông các bà nhỉ.
Mà chẳng phải chỉ có chương trình Táo quân nhạt, nhiều thứ cũng nhạt thếch kém gì. Tồn tại cũng như không. Đó là các hội đoàn nhan nhản trong đời sống xã hội này. Ông bà già có hội người cao tuổi, bọn trẻ thì hội thanh niên, nhà văn hội nhà văn, kịch sĩ hội sân khấu, đờn bà hội phụ nữ, nông phu hội nông dân, thợ thuyền có công đoàn, người nuôi cá tra có hội thủy sản… Nói tóm lại góp mặt đủ thứ hội bám vào cái bầu vú ngân sách nhà nước. Nói tóm lại trăm thứ hội nghễu nghện trên lưng còng nặng thuế khóa của dân. Dân nuôi hội nhưng khi dân gặp chuyện thì cấm thấy hội nào mở miệng. Thời này mà buôn bán mũ ni cho hội viên các thứ hội thì chẳng mấy mà giàu. Cứ thử đơn cử hội nhà văn. Ôi giời, dưới mắt nhiều người, nó là thứ hội danh giá, một đẳng cấp cao, trọng vọng. Ấy là chuyện ngày xưa thôi chứ bây giờ các ngài danh giá đó còn mải ăn chơi nhảy múa, đú đởn, làm điệu, ngoa ngôn phách lối, háo danh, kiếm tiền; hơi đâu mà lo bám hiện thực, mà nói tiếng nói của dân. Tôi đố ông bà nào vạch vòi tìm được một câu một chữ phản ảnh về vụ Tiên Lãng, bày tỏ thái độ của nhà văn, của cái hội này trước sự kiện động trời đó. Xin lỗi các nhà văn Trần Nhương, Văn Công Hùng, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập và vài vị văn sĩ khác, đành rằng các vị có lên tiếng, thậm chí dữ dội, nhưng chỉ với tư cách cá nhân thôi chứ chẳng phải danh nghĩa hội. Bởi hội của các vị còn mải tô hồng trang điểm cho đời, còn yêu đương đau khổ giận hờn, ngắm vầng trăng khuya, nhìn con cá lặn, ngửi hương hoa hàm tiếu lúc bình minh để biến chúng thành thơ văn nghệ thuật, nhằm nhò gì ba cái vụ Tiên Lãng lẻ tẻ. Anh Vươn mặc xác anh Vươn, tha cho không lên án là may, đừng đòi văn nghệ sĩ phải quan tâm nhé. Chúng tớ còn ối việc trọng đại phải làm, ối thứ phải ngợi ca, ối tình yêu quặn thắt còn phải xé ra bộc lộ. Nặng gánh quá, chủ tịch Hữu Thỉnh nhỉ.
Vô tình nhắc đến anh Vươn, cũng liên tưởng ngay có thứ hội liên quan đến anh ấy, mật thiết là đằng khác, hội nông dân. Lãnh tụ từng dạy nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng, còn gì vinh quang bằng. Ở xứ đến hơn 90% dân số là nông dân thì đương nhiên phải có hội nông dân để bảo vệ dân cày. Mình chả biết hội này đã bảo vệ được bao nhiêu nông dân suốt mấy chục năm qua nhưng trong vụ Tiên Lãng thì quả thật im re. Không tin cứ hỏi ông đương kim chủ tịch Nguyễn Quốc Cường.
Hội đoàn nhạt thếch vô duyên như thế nên mình lẩn thẩn suy rằng các chị vợ anh Vươn anh Quý cũng chả trông mong gì được ở hội phụ nữ, các cháu thơ dại đừng mong mỏi sự chia sẻ từ đội thiếu nhi, anh Vươn đừng nghĩ mình là cựu chiến binh nữa. Hội đoàn thấm nhuần tinh thần phật giáo cả rồi, sắc sắc không không, có đấy mà như không đấy, chỉ có đồng tiền người dân đóng thuế nuôi hội đoàn là hiển nhiên hiện thực mà thôi.
Điều an ủi duy nhất lúc giao thời Tân Mão - Canh Thìn là trung ương MTTQ có cử người về tận nơi Tiên Lãng tìm hiểu vụ việc. Có thể đây là việc nhớn đầy ý nghĩa cuối cùng mà ông Huỳnh Đảm làm trước khi nghỉ. Xin các ngài thủ lĩnh những hội thành viên MTTQ đừng xí phần nhận vơ thành tích này của ông Đảm mà tội nghiệp cho ông ấy.
27.1.2012
Nguyễn Thông

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"