Trần Huy Thuận
Kèo: – Tại sao tên cậu lại là Cột nhỉ?
Cột: – À, cái đó làm sao biết được, bởi cha mẹ đặt cho chứ có tự đặt được đâu. Vậy còn cậu, tại sao cậu lại tên là Kèo?
Kèo: – Cũng như cậu thôi, cha mẹ đặt thế nào thì mình chịu thế ấy.
Cột: – Thế sao bảo danh có thể mua được cơ mà? Mà tên cũng là danh
chứ là gì. Mấy anh hề chèo mỗi khi ra sân khấu thường hay hỏi: “Tôi ra
đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Trường hợp này, danh chính là tên
đúng không?
Kèo: – Đấy là danh khác. Danh mua bán được là danh khác, nó là thứ
gọi cùng với tên, xác định rõ vai trò của người có danh và làm tăng giá
trị của tên người đó. Ví dụ thủ trưởng ta tên là Mỗ, mọi người phải nói
“Báo cáo thủ trưởng Mỗ” chứ không thể nói cộc lốc “Báo cáo anh Mỗ” được.
Rồi đây, thủ trưởng đậu bằng tiến sĩ, ta còn phải “thưa tiến sĩ thủ
trưởng” hoặc “thưa thủ trưởng tiến sĩ”. Hiểu chửa?.. Mà này, tớ chỉ lấy
ví dụ để giảng nghĩa cho cậu hiểu thôi, chứ tớ không có hề định… ám chỉ
thủ trưởng ta mua bằng đâu nghe.
Cột: – Thế lúc ấy, lúc đã có danh là cái bằng tiến sĩ ấy, thời… không cần dùng đến cái tên do cha mẹ đặt cho nữa ư?
Kèo: – Thì cái danh lớn như thế, oai như thế mới cần nhắc đến, cần
khoe ra, chứ cái tên cộc lốc, ai cần nữa! Như tớ với cậu chả có danh gì,
mới gọi nhau bằng thằng Kèo thằng Cột thôi!
Cột: – Thế thì tớ hiểu rồi! Tên do cha mẹ đặt cho thì không mua bán
được. Ví như cái tên Kèo, Cột chúng mình thì bán cho chó nó cũng chả
mua, nữa chi người? Còn với danh mà là chức tước, học vị,.. thì khi cần
có thể mua bán được. Đúng không?
Kèo: – Đúng! Không chỉ mua bán được mà còn… cho mượn nữa cơ.
Cột: – Mượn danh?
Kèo: – Người có danh thì xưng “Nhân danh”. Người không có danh, thì
“mượn danh” người có danh, để hù dọa thiên hạ. Không hù dọa thì cũng
mượn danh để làm oai, để tự “đánh bóng” mình. Cao hơn nữa là tệ “núp
danh” để kiếm chác.
Cột: – Núp danh không chỉ để kiếm chác, mà còn để lừa bịp dẫn đến làm mất thanh danh, làm ô danh của người có danh nữa kia…
Kèo: – Đúng rồi! Tương tự như vậy, có kẻ cũng xưng “nhân danh’, nhưng
thực ra chỉ là “mượn danh” hoặc “núp danh” mà thôi. Chính bọn người này
mới nguy hiểm, bởi chúng thường “nhân danh” một cá nhân hay một tổ chức
để chống lại chính cá nhân hay tổ chức đó.
Cột: – Cái trò này thì còn thấy ở chuyện “mượn danh Nhân dân” và
“nhân danh Nhân dân” nữa cơ! Tức là MƯỢN DANH, NHÂN DANH NHÂN DÂN để
thực hiện ý đồ riêng của một người hay một nhóm người, một tổ chức,
không đại diện mà có khi còn chống lại nguyện vọng và lợi ích hợp pháp
của NHÂN DÂN. Điều đó mới thực nguy hiểm, đúng chứ?!
Kèo: – Đúng! Rất nguy hại!... Bởi Nhân dân là CHỦ NHÂN của Đất nước.
Cột: – Cũng nguy hại không kém, khi ai đó NHÂN DANH ĐẦY TỚ CỦA DÂN,
lại hạch sách, nhũng nhiếu, gây khó dễ, thậm chí còn chống lại lợi ích
chính đáng của NHÂN DÂN.