Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Dân có thể hy vọng gì?

Thành Lân 

Quá thất vọng về cách hành xử của lãnh đạo Hải Phòng

Đoàn Văn Vươn một “anh hùng lấn biển” trong phút chốc trở thành tên tội phạm nguy hiểm. Điều ấy là quá hiển nhiên, không có bất cứ lý do gì để có thể biện minh cho hành động đặt mìn, nổ súng bắn bị thương tới 6 cán bộ công an, bộ đội nhằm chống vụ vụ cưỡng chế – chống người thi hành công vụ.
Ngày 10.1.2012, Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng đã khởi tố 4 anh em chú cháu ông vua đầm bãi bãi về tội giết người. Tội giết người cũng có nhiều khung, mức khác nhau. Trong trường hợp ông Vươn, dẫu không đến mức tử hình (vì không chết ai, người bị thương cũng không quá nặng) nhưng cũng không hề nhẹ. Bởi các lý do sau (đúng ra là các tội sau):
• Chống người thi hành công vụ.
• Phạm tội có tổ chức, manh động.
• Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; gây dư luận “xấu”.
Đã có có quá nhiều người băn khoăn, đi tìm hiểu động cơ thực sự của vụ nổ súng. Phân tích nào cũng thấy hợp lý cả. Là một nhà báo, theo dõi vụ việc từ đầu và đặt ra nghi vấn ngược dòng ngay từ đầu, tôi không đi sâu vào phân tích nữa mà chỉ bày tỏ sự thất vọng tràn trề với cách hành xử tệ hại của lãnh đạo huyện Tiên Lãng và cả TP.Hải Phòng.
1. Sự bất nhẫn của Chủ tịch UBND Tiên Lãng Lê Văn Hiền. Không nói đến tính pháp lý (đúng – sai) của vụ thu hồi 40 ha đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn và 13 hộ dân ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, chỉ riêng việc lấn biển thành công cũng đã là một hành động đáng biểu dương, đáng khuyến khích. Vì thế, phải luôn tạo mọi điều kiện cho người dân. Giả sử, trong trường hợp có những quy định bất cập hoặc người dân có những sơ sót, thậm chí chính quyền còn phải chủ động hướng dẫn người dân, giúp đỡ người dân hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý đối với nhà nước. Chứ không phải nuôi béo để thịt. Theo cách nói của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, là vừa “trái luật, vừa trái đạo lý”.
2. Giám đốc Công an TP.Hải Phòng Đỗ Hữu Ca ăn nói văng mạng. Tại cuộc gặp báo chí chiều 5.1, sau vụ nổ súng ít giờ đồng hồ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có hé lộ, khu đầm Rộc nói trên sẽ nằm trong diện tích xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng sau này. Còn trả lời phỏng vấn trên một số tờ báo ngày 8.1, Đại tá Đỗ Hữu Ca (Giám đốc CA Hải Phòng) tiết lộ, “nhiều khả năng biết trước khu vực rộng 500 ha này sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới nên Vươn cố gắng giữ lại để mong được đền bù cao. Nếu chỉ đứng ra thuê, nhà chức trách chỉ hỗ trợ phần nào kinh phí xây dựng về mặt kiến trúc trên mảnh đất đó”.
Đó chỉ là cách nói hàm hồ, dễ gây hiểu lầm cho đa số người dân và một số đồng chí lãnh đạo thiếu thông tin rằng một số người dân trong đó có Đoàn Văn Vươn cũng chỉ là loại cù nhầy nhằm trục lợi.
Thực tế, ngay từ những năm 2005, nhiều hộ trong số 13 hộ dân làm 100 ha đầm ở khu vực Cống Rộc (xã Vinh Quang) đã có đơn thư khiếu nại, và năm 2007 hai hộ trong đó có Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng ra TAND cùng cấp.
Tại thời điểm này, ý tưởng về một sân bay quốc tế mới thay thế cho sân bay Cát Bi (Hải Phòng) còn đang được bàn bạc để đặt đâu đó tít mãi tận huyện Thanh Miện (Hải Dương), cách đó hàng chục km.
Mãi sáng 8.9.2009, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT (Bộ trưởng Hồ Nghĩ Dũng và 2 Thứ trưởng, trong đó có Thứ trưởng kiêm cục trưởng Hàng không Phạm Quý Tiêu), lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng mới đề xuất với Chính phủ phương án xây dựng sân bay cấp vùng duyên hải phía Bắc ở khu vực Tiên Lãng, thay thế cho sân bay Cát Bi sau năm 2025 và là sân bay hỗ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài. Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm cục trưởng Cục hàng không Phạm Quý Tiêu cho rằng, nếu Hải Phòng có 2 sân bay dân dụng là không ổn về mặt kinh tế. Và Hải Phòng vẫn có kế hoạch nâng cấp sân bay Cát Bi đến năm 2015 và 2025.
Mãi đến ngày 28.4.2011 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định 640/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vị trí Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng. Theo đó, vị trí quy hoạch cảng hàng không mới sẽ nằm ở 4 xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng của huyện Tiên Lãng. Tức là cho đến nay, sau khi có sự đồng ý này, Bộ GTVT mới bắt tay vào việc lập quy hoạch sân bay.
3. Đoàn Văn Vươn không phải là người tốt - Cách nói năng hằn học của cán bộ huyện Tiên Lãng. Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh nói với báo chí: “Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”.
“Không phải người tốt” trong trường hợp ông Chánh văn phòng Khánh đề cập, chỉ có thể là người xấu. Vì sao xấu, theo cách giải thích, vẫn của ông này: “Anh Vươn chẳng có công lao gì… Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”.
Khoan hãy nói chuyện “ăn không” như cách nói của cán bộ huyện Tiên Lãng, hay cách giải thích của người thân ông Vươn là “từ năm 2007 đến nay, đem sản đến xin nộp các ông ấy cũng không nhận”; thì cho đến trước vụ nổ súng, ông Vươn không phải là người tốt chỉ vì cái tội “đắp đê để thu lợi cá nhân, không đem lại lợi ích gì cho xã hội”?.
Vậy hóa ra, việc làm giàu không phải là có ích cho xã hội? Và hóa ra làm giàu bằng các biện pháp chính đáng, vẫn như cách nhìn nhận ấu trĩ mấy chục năm về trước cũng là việc làm xấu? Đó là cách chống chế không những đầy định sự định kiến, một chiều (nếu không nói là hằn học) của một công chức cấp huyện mà còn đi ngược lại lời kêu gọi xây dựng dân giàu nước mạnh của Đảng, Nhà nước.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Dân có giàu, nước mới mạnh. Nhận thức rõ điều này, từ Đại hội VI, Đảng và nhà nước đã thay đổi chính sách với kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân. Điều 16 Hiến pháp 1992 quy định “giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế”. Điều 21 Hiến pháp 1992 cũng quy định “ kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế và quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi ích cho quốc kế dân sinh”. Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản và thu nhập hợp pháp của kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Mặt khác, mọi thành phần kinh tế đều được đối xử bình đẳng như nhau.
Nhờ sự “cởi trói” này, kinh tế cá thể đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của cả nền kinh tế.
Vậy mà sau hơn 20 năm vẫn có những cái nhìn thiếu thiện cảm với những người làm giàu cho cá nhân mình bằng mồ hôi, tiền bạc của mình một cách chân chính.
Cách diễn giải đầy định kiến ấy, tất yếu dẫn đến cách hành xử như những gì đã diễn ra./
4. Cùng lúc Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thú nhận 2 trọng tội. Đầu tiên, ngày 11.1, ông em – Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm, úp mở: Tôi không biết chính xác ngôi nhà anh Đoàn Văn Quý sử dụng có nằm trong diện tích cưỡng chế hay không. Nhưng, từ ngôi nhà này các đối tượng đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế, là hiện trường vụ án nên bị đập bỏ…”.
Tại cuộc họp báo do UBND TP.Hải Phòng tổ chức tối 12.1, ông anh ruột – Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền huỵch toẹt: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Nhưng vì đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế, nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà”.
Tham dự cuộc họp báo lúc đó còn có ông Bùi Quang Sản, GĐ sở TN-MT; Phạm Văn Phích, Phó chánh án TAND TP.Hải Phòng; Ông Vũ Sỹ Hưng, Phó trưởng phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.Hải Phòng. Chí ít cũng có 2 người cực kỳ am hiểu pháp luật là ông Phích và ông Hưng. Trong đó, nhiệm vụ của ông Hưng là ăn rồi đi bắt tội phạm.
Đáng lẽ, ngay khi nghe được câu thú tội này của ông Chủ tịch là ông cảnh sát Hưng lập tức rút ngay còng số 8 ra khóa lại mới phải.
Với câu nói này, cùng một lúc, ông huyện Hiền thú nhận 2 trọng tội:
Hủy hoại tài sản công dân. Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Tức là chưa có quyết định cưỡng chế vậy mà ông đã ra lệnh cho Tổ cưỡng chế phá (Và họ đã phá rất nhanh, ngôi nhà hai tầng trị giá vài trăm triệu đồng thành bình địa ngay sau vài tiếng đồng hồ).
Cố tình tiêu hủy hiện trường vụ án, gây cản trở, khó khăn cho công tác điều tra. Ngôi nhà (dù có không bị ông Huyện ra lệnh phá nhầm), khi xảy ra vụ án, lập tức trở thành hiện trường của vụ án. Hiện trường là một không gian nhất định, đó là nơi xảy ra quá trình gây án ( bao gồm: nơi chuẩn bị, tiến hành, che dấu hành vi phạm tội), nơi phát hiện ra dấu vết vật chứng liên quan tội phạm. Điều 150 BLTTHS quy định về khám nghiệm hiện trường nêu rõ: “Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường”.
Bảo vệ hiện trường là tiến hành các biện pháp ngăn ngừa những tác động làm thay đổi tình trạng hiện trường nói chung, dấu vết và vật chứng nói riêng cũng như ghi nhận những thông tin và thay đổi hiện trường có liên quan đến vụ việc xảy ra.
5. Phản ứng chậm chạp. Luộm thuộm, à uôm thành hệ thống. Sáng tạo của bạn là thảm họa của tôi (và ngược lại). Lẽ ra, chuyển bại thành thắng, lãnh đạo Hải Phòng thậm chí còn được tạo một cơ hội PR cá nhân, ghi điểm bản thân mười mươi. Sau khi xảy ra vụ việc, lập tức chỉ đạo ráo riết, quyết liệt theo kiểu: “Bất kỳ cá nhân nào sai phạm cũng bị xử lý. Sai đến đâu, xử đến đóa”.
Gọi mấy chú lên yêu cầu giải trình ngay, đem ra kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Thậm chí, nếu ngon cơ, về thẳng Cống Rộc họp dân, đối thoại với dân, lại “Ráo riết, quyết liệt…”. Rồi chỉ đạo Thanh tra Thành phố vào cuộc, Đoàn công tác liên ngành TN-MT, Tài chính…, tóm lại là đủ thành phần. Cứ nhẩn nha mà làm… Dân Việt vốn hay giận nhưng quên cũng mau.
Đằng này các bác lẩn như trạch. Rồi còn dám bảo “có nhiều việc khác quan trọng hơn”. 6 người dân bị bắt. 6 chiến sĩ công an suýt chết. Nguy cơ bất ổn lan rộng. Vậy mà còn việc nào quan trọng hơn?
Cuối cùng, sau cú sỉ vả “Mời cơm, miễn làm việc” đăng báo buổi sáng, buổi tối các bác tổ chức họp báo ngay tắp lự.
Nhưng vẫn à uôm. Ông Huyện Hiền khẳng định 40 ha giao cho nhà Vươn là đất bãi bồi chứ không phải đất nông nghiệp. Chỉ có đất nông nghiệp mới được giao 20 năm.
Đến lượt người đứng đầu ngành quản lý đất đai ở địa phương – ông Bùi Quang Sản, GĐ sở TN-MT Hải Phòng. Chả kịp chuẩn bị, vội bấu ngay vào ông Huyện Hiền. Phải xem đây là loại đất gì? Huyện Tiên Lãng bảo là bãi bồi đương nhiên phải là bãi bồi, không phải đất nông nghiệp.
Chết chết, chả biết thi cử thế nào mà vẫn qua! Luật Đất đai 1993 có Mục 2 quy định Đất nông nghiệp gồm 13 Điều (từ Điều 70 đến Điều 82), trong đó đất bãi bồi được quy định tại Điều 79.
Chưa hết. Ông Sản giải thích: huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất cho công dân (Đoàn Văn Vương để nuôi trồng thủy sản thời điểm 4.10.1993 (thực tế, các quyết định ký trong năm 1994, 1997 – PV), trong khi luật đất đai 1993 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15.10.1993. Do đó quyết định giao đất này phải áp dụng theo Luật đất đai 1987 chứ không phải Luật đất đai 1993.
Chả biết mắt nhắm mắt mở thế nào, chứ rõ ràng Quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng cho ông Đoàn Văn Vươn thấy ghi rất rõ: Căn cứ theo Điều 24, Điều 48, Điều 79 Luật đất đai năm 1993.
Nắm lơ mơ, cái gì cũng trật lất, thế mà vẫn dám đoan chắc là mình đúng mới lạ.
Thế thì dân còn trông mong gì.
6. Án bỏ túi. Tại cuộc họp báo chiều tối 12.1, Phó chánh an TAND TP Hải Phòng Phạm Văn Phích lần đầu tiên thừa nhận sai sót tai hại của thẩm phán Ngô Văn Anh. Theo ông, TAND Hải Phòng thụ lý vụ ông Vươn và ông Luân khiếu kiện phúc thẩm việc UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất. Thẩm phán Ngô Văn Anh thụ lý vụ ông Vũ Văn Luân, thẩm phán Cao Thành Ngọc thụ án vụ ông Đoàn Văn Vươn. Chỉ có thẩm phán Ngô Văn Anh lập “biên bản thỏa thuận…” cho ông Vũ Văn Luân với UBND huyện Tiên Lãng, còn ông Vươn không có biên bản này. Nhưng do ông Vươn sau đó có đơn khiếu nại nên ông Ngô Văn Anh với tư cách là chánh tòa hành chính, đã nhận đơn của ông Vươn. Sau đó ông Ngô Văn Anh (dự định – PV) trả lời ông Luân, nhưng văn bản lại là trả lời ông Vươn.
Đây là 2 vụ kiện của hai người khác nhau, nhưng vụ án giống nhau, thẩm phán trả lời “nhầm” khiến người dân lầm tưởng? Theo ông Phó Chánh án, bản chất vụ việc vẫn không thay đổi nếu nếu có xử phúc thẩm thì cũng sẽ “tuyên như án sơ thẩm thôi”, tức là người dân vẫn thua.
=> Việc tuyên án phải căn cứ dựa vào kết quả điều tra công khai tại tòa (tranh tụng). Chưa cần biết oong đơ, ông đã có thể khẳng định “Y án”, thì chỉ có thể là “án bỏ túi”.
Mặc dù khẳng định thẩm phán Ngô Văn Anh lập biên bản thỏa thuận không sai nhưng ông Phích thừa nhận ông Anh đã phải làm bản kiểm điểm.
Lạ thật! Chả biết ra làm sao? Mới hôm trước Bà Chánh án Mai – cấp trên ông Phích đã khẳng định Thỏa thuận là sai. Thế mà hôm nay lại hóa đúng. Lạ thật. Không biết bà Chánh và ông Phó, ai to hơn ai?
Dân có thể hy vọng gì?
Bài viết riêng cho HB&Sam blog

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"