Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Ông Hồ Cương Quyết trò chuyện

Ông Hồ Cương Quyết bày tỏ cùng bạn đọc ở X-café:
"Ngày càng nhiều nhà đầu tư vào mua bãi biển. Các khu nghỉ mát khổng lồ hình thành trên bãi biển và khu vực xung quanh. Các cư dân và ngư dân bị cấm vào. Từ Sơn Trà đến Hội An là một chuỗi các bức tường, dây kẽm gai, tháp canh. Tôi đã thấy trên bức tường, dài hàng ki lô mét có ghi các ký tự Trung Quốc. Không gian để có thể thả neo cho các ngư dân càng ngày càng giảm. Họ bị đẩy ra xa bãi biển bởi những con "cá mập" bất động sản. Từ giữa tháng Năm đến cuối tháng Tám, tuần tra Trung Quốc cấm họ ra biển. Ngày càng nhiều nhân viên của khu nghỉ mát không cho họ lai vãng đến gần. Họ sống trong hòa bình nhưng tương lai sẽ ra sao? Năm nay, ngư dân Đà Nẵng đã phải bán tàu đánh cá loại lớn cho ngư dân Bình Định. Họ không thể hành nghề được nữa. Cả ngàn thanh niên của tỉnh Quảng Ngãi, con của các ngư dân, đã rời bỏ nghề nghiệp của ông cha vì quá nguy hiểm và quá cơ cực mà lại không được bảo vệ. Họ phải đi lên các vùng cao làm thuê cho trong các vườn chè, vườn cà phê. Trong khu vực đối diện với Hoàng Sa, nơi đánh cá quen thuộc của người dân miền Trung Việt Nam, chúng ta thấy ngày càng ít ngư dân Việt Nam. Trong khi đó, tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ngay gần bờ biển Việt Nam. Thời gian gần đây, những tàu này được nhìn thấy chỉ cách Lý Sơn khoảng 20 hải lý."



Đọc bản toàn bộ tiếng Pháp và câu hỏi, trả lời của ông Hồ Cương Quyết ở đây

Bản dịch của thành viên hdat (đã được ông Hồ Cương Quyết xem qua, sửa chữa và đồng ý):

1) Tôi xin lỗi, tôi không biết các ngư dân sống trước năm 1975 như thế nào . Tôi chỉ đi biển một lần trên một tàu đánh cá vào năm 1969 , từ Đà Nẵng, nơi tôi giảng dạy tiếng Pháp vào Sài Gòn. Chuyến đi 4 ngày dọc theo bờ biển cho tôi thấy sự hiện diện liên tục của các tàu tuần tra Mỹ với tình trạng khá căng thẳng. Ngược lại, điều làm tôi ngạc nhiên là chẳng có ai hỏi giấy tờ tôi. Quay lại nói về các ngư dân. Tôi có thể nói rằng thời gian này, hoạt động của họ được canh chừng chặt chẽ.

2) Về vụ thảm sát đã diễn ra tại làng chài Bình Châu, Huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi: tôi là người nói trong phim. Trên bãi biển này vào năm 1968, 40 người dân bị tàn sát bởi những người lính Hàn Quốc, đồng minh của Hoa Kỳ. Chúng ta không được quên rằng cùng năm đó, ở Mỹ Lai chỉ cách nơi này 10 km, lính Mỹ đã tàn sát 504 thường dân, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Vì vùng này là vùng hai bên đánh nhau quyết liệt. Mục đích của bộ phim của tôi đã không nói về các cuộc chiến, mà tôi muốn chuyển đến người xem rằng người Việt tại vùng này đã chịu nhiều đau khổ cho đất nước và đã họ trả giá đắt cho lòng yêu nước. Cũng như bây giờ họ còn phải trả giá đắt cho lòng yêu nước khi đi đánh cá ở Hoàng Sa. Những người đàn ông và phụ nữ này là những người có lòng tự hào và lòng dũng cảm.

3) Đúng, tôi đã bị sốc mạnh và rất tức giận bởi lệnh cấm (phim) này, bởi các hình thức bạo lực đã được sử dụng, bởi thiếu những giải thích rõ ràng từ chính quyền, bởi vì nó hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của ngư dân miền Trung nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung và cuối cùng bởi vì nó chỉ là các trò chơi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và chính sách bành trướng của họ tại Biển Đông Nam Á, một chính sách đối xử với những người Việt Nam yêu nước như là những người phản lại chính Tổ quốc họ. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được vì nó là một hành động cố ý, chắc chắn được quyết định từ lãnh đạo cấp cao. Họ không dám làm công khai bởi vì họ biết rằng họ không có lý.

Thực ra, nếu chỉ có vấn đề thủ tục hành chánh, xin phép để chiếu phim, tại sao không có ai nói với tôi và hướng dẫn cho tôi làm những gì theo quy định ? Chẳng có ai cả, công an không, các cơ quan hành chánh hoặc cơ quan chính trị cũng không, không người nào dám tiếp chuyện tôi. Quyết định cấm chắc chắc mang màu sắc chính trị, từ một phía và không có chút nhân nhượng nào. Nó phản ánh một hố sâu rất lớn giữa các nhà lãnh đạo chính trị và người dân của họ, đặc biệt là trí thức. Lúc đầu tôi đã không dám tin điều đó, nên tôi đã gửi một lá thư cho những người tôi nghĩ là bạn bè, bao gồm cả Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, ôn tồn yêu cầu một lời giải thích và hy vọng bãi bỏ lện cấm bất công này.Tôi chẳng nhận được câu trả lời mà ngay cả lời mời để đến nói chuyện như bạn bè cũng không! Thật là buồn và xấu hổ ! (Tôi đính kèm đây lá thư tôi đã gửi cho các cơ quan của UBND TP HCM và một bài viết trong đó tôi chỉ có thể nói nguyện vọng tình cảm của mình) :
Ngôn ngữ không quan trọng khi chúng ta nói thật từ trái tim. Tôi chỉ nói những gì tôi thấy, những gì tôi nghĩ và mang tính chất cá nhân. Những gì tôi có thể nói về tình hình ngư dân đánh bắt ở khu vực ven biển Đà Nẵng là họ bị áp lực rất lớn. Tôi đã ở đó trong hai năm 1968-1969. Thứ nhất, chiến tranh xảy ở đây mỗi ngày. Sau đến, những người sống ở đây cũng nhận thức rằng chiến tranh gắn liền với khủng khiếp. Đà Nẵng là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của quân đội Mỹ ở Việt Nam, từ đây các máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay rải chất Dioxyn ... đã cất cánh. Mỗi đêm du kích bắn rốc két từ các làng xung quanh vào căn cứ. Chúng bay ngay trên nhà dân trong thành phố. Có sáng, khi tỉnh dậy tôi thấy mảnh vỡ từ trần nhà rơi trên màn ngủ do chấn động của những quả rốc két gây ra.

Các vụ cảnh sát hay quân đội lục soát hay bắt bớ xảy ra thường lệ. Mọi cử động, mọi di chuyển của người dân đều là đối tượng giám sát, nghi ngờ, đặc biệt nếu đối tượng là nông dân. Trong tình huống này, các ngư dân xuất hiện ở dọc bờ biển bên ngoài hàng rào kiểm soát đều được coi là đối tượng của những người lính gác biển và họ thường xuyên bị lục soát. Thực ra, có những người trong số họ tham gia kháng chiến và mang theo người những thứ không phải là cá ... Đôi khi tuần tra trên biển "tịch thu" một số lượng cá của họ. Đôi khi máy bay trực thăng Mỹ "chọc" các tàu đánh cá bằng cách bay xuống thật thấp làm chúng lắc lư đến như sắp bị lật. Ngư dân là những người quen đối phó với mọi nguy hiểm trên biển. Họ phải đối mặt với bão, nghề của họ thật cơ cực và đầy nguy hiểm. Và nhiều khi họ chỉ có một mình. Do vậy, họ thường rất nghèo, nhưng họ lại có đầy lòng tự hào. Họ không sợ nguy hiểm. Vì vậy mà những hành động này của lính gác bờ biển hay của hạm đội bên ngoài chỉ làm tăng lòng tức giận của họ và họ mong muốn đuổi những người lính nước ngoài đi. Họ cho rằng những người lính này đã mang khói lửa và chết chóc đến quốc gia của họ.

Để minh họa cho tâm lý của họ, tôi kể với bạn một câu chuyện xảy ra với bản thân khi đang bơi ở bãi biển Mỹ Khê, gần đồi Sơn Trà - Đà Nẵng, vào một buổi sáng tháng 11 năm 1968. Là một người bơi lội khá, bất chấp những con sóng khá mạnh, tôi đã ra xa bờ đến cả trăm mét. Khi muốn quay trở lại bờ, tôi cảm thấy một luồng nước đẩy tôi ra xa thêm. Mặc những đập tay, đạp chân mạnh và nhanh hơn nhưng tôi bơi đi được rất ít. Lúc đó, một tàu đánh cá nhỏ đi qua cách tôi mấy chục mét. Tôi la hét rất lớn và vẫy tay. Chủ thuyền nhìn tôi nhưng sau đó quay mặt đi và tiếp tục con đường của mình, như thể ông không nghe thấy tiếng kêu của tôi, như thể là tôi không tồn tại. Ông ta không thể không biết tôi gặp khó khăn. Ông ta chắc chắn biết rõ khu vực này với các luồng nước mạnh. Nhưng đối với ông ta, tôi là một người lính Mỹ, và việc ông ta bỏ mặc số phận của tôi được coi là một cuộc chiến chống lại tôi. Tôi hiểu điều đó. May mà, tôi vẫn còn chút sức để tới được nơi chân chạm đất.

Ngày nay, trở về Mỹ Khê, tôi kéo lưới với ngư dân, nói đùa với họ. Họ vẫn còn nghèo nhưng không còn bom rơi xuống đầu họ và con cái của họ không còn bị chết bởi chiến tranh. Đấy mới là điều quan trọng.

Tuy nhiên phải nói rằng số phận của họ cũng chẳng phải vui vẻ gì, tương lai con cái họ cũng vậy. Ngày càng nhiều nhà đầu tư vào mua bãi biển. Các khu nghỉ mát khổng lồ hình thành trên bãi biển và khu vực xung quanh. Các cư dân và ngư dân bị cấm vào. Từ Sơn Trà đến Hội An là một chuỗi các bức tường, dây kẽm gai, tháp canh. Tôi đã thấy trên bức tường, dài hàng ki lô mét có ghi các ký tự Trung Quốc. Không gian để có thể thả neo cho các ngư dân càng ngày càng giảm. Họ bị đẩy ra xa bãi biển bởi những con "cá mập" bất động sản. Từ giữa tháng Năm đến cuối tháng Tám, tuần tra Trung Quốc cấm họ ra biển. Ngày càng nhiều nhân viên của khu nghỉ mát không cho họ lai vãng đến gần. Họ sống trong hòa bình nhưng tương lai sẽ ra sao? Năm nay, ngư dân Đà Nẵng đã phải bán tàu đánh cá loại lớn cho ngư dân Bình Định. Họ không thể hành nghề được nữa. Cả ngàn thanh niên của tỉnh Quảng Ngãi, con của các ngư dân, đã rời bỏ nghề nghiệp của ông cha vì quá nguy hiểm và quá cơ cực mà lại không được bảo vệ. Họ phải đi lên các vùng cao làm thuê cho trong các vườn chè, vườn cà phê. Trong khu vực đối diện với Hoàng Sa, nơi đánh cá quen thuộc của người dân miền Trung Việt Nam, chúng ta thấy ngày càng ít ngư dân Việt Nam. Trong khi đó, tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ngay gần bờ biển Việt Nam. Thời gian gần đây, những tàu này được nhìn thấy chỉ cách Lý Sơn khoảng 20 hải lý.

Nếu Nhà nước, chính quyền trung ương không có một chính sách hợp lý, toàn diện, minh bạch để giúp đỡ và bảo vệ các ngư dân, những người bất kể nguy hiểm thách thức tính mạng sẵn sàng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các vùng hải đảo, thì Việt Nam sẽ mất biển. Không còn biển, Việt nam không có tương lai.

Tôi gửi cho bạn hai bức ảnh để minh họa cho câu trả lời của tôi. Một từ google-maps và một tôi chụp trên đường đi dọc bờ biển từ Đà Nẵng đến Hội An:



 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"