Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Phiên tòa và hành trình đi tìm công lý

Trịnh Kim Tiến

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một phiên tòa, nên cũng chưa hình dung ra được là phiên tòa sẽ như thế nào. Tôi cứ tưởng rằng ở một phiên tòa xét xử công khai thì ai cũng có thể vào dự, chỉ cần mang theo thẻ CMND, nhưng sự thật không phải vậy.
Hôm qua, chỉ có những người thân của tôi, những người bà con ruột thịt của bố tôi có quấn vòng tang trắng thì mới được bước vào bên trong cái cổng công lý cao vời vợi. Còn bạn bè, hàng xóm, hay những người dân quan tâm đến sự việc, thậm chí một nhân chứng tên Nguyễn Đức Minh đã từng lên làm việc với cơ quan công an về việc hành xử dã man của công an trực ban ngày hôm đó cũng không được vào bên trong tham dự phiên tòa, vì lý do không được triệu tập.
Lúc đứng ở trước cổng tòa án, tôi còn sợ rằng hai nhân chứng chính còn lại sẽ bỏ về, khi mà ông Bạch Chí Cường là một trong hai người chứng kiến toàn bộ sự việc lại không nhận được giấy thông báo triệu tập của Tòa án bị một số anh công an gác cổng cản trở việc vào Tòa, mặc dù lúc đó trong phòng xét xử đang đọc danh sách những người liên quan có tên của ông . Sau khi luật sư của gia đình tôi hỏi rõ vấn đề với Tòa, thư kí Tòa có xuống mời hai nhân chứng là ông Phạm Quang Hùng và ông Bạch Chí Cường vào tham gia phiên xử.
Thoạt tiên tôi thấy ngạc nhiên khi phiên tòa không sử dụng đến loa, mic có sẵn. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh với tôi thật lạ lẫm.
Tôi đem lên nộp cho thư kí Tòa một phần chứng cứ mới là lời của những người dân tại nơi xảy ra sự việc mà tôi ghi âm được ngay sau khi sự việc xảy ra.
Luật sư cùng gia đình tôi có yêu cầu tòa hoãn xử vì lý do vắng mặt ba nhân chứng khác - là những người dân tại bến xe Giáp Bát đã khai với cơ quan công an điều tra rằng họ thấy bố tôi chửi bới và ra tay đánh ông Ninh. Luật sư của tôi muốn Tòa triệu tập họ tham gia phiên xử để mọi thứ công khai minh bạch trong quá trình tranh tụng nhưng Tòa không chấp thuận vì lý do là lời khai của họ đã rất rõ ràng trên giấy tờ hồ sơ. Đồng thời tôi cũng đề nghị triệu tập thêm nhân chứng Nguyễn Đức Minh (người đầu tiên đề nghị đưa bố tôi đi bệnh viện khi thấy bố tôi bị đánh) nhưng cũng bị Tòa bác bỏ.
Phiên tòa diễn ra rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với những gì tôi và luật sư đã nghĩ. Tòa bỏ sót nhiều thứ, khiến luật sư của gia đình tôi không thể tranh luận đầy đủ. Khi chúng tôi yêu cầu đọc phần chứng cứ mới trước phiên xử, hội đồng xét xử cho rằng đã nộp lên đây thì để xem xét, không đồng ý cho tôi được đọc trong phiên tòa. Luật sư phải đề nghị để Tòa cho tôi được tóm tắt sơ qua. Tôi có cảm giác như phiên tòa đang được dẫn dắt một cách kì cục.
Tại phiên tòa tôi đã đưa ra ý kiến rất rõ ràng theo quan điểm của gia đình người bị hại:
”Chúng tôi không chấp nhận tội danh ”làm chết người trong khi thi hành công vụ“ đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh và những điểm mà cáo trạng nêu ra. Chúng tôi cho rằng hành động của ông ta là hành vi cố ý giết người, lạm dụng chức vụ và nghề nghiệp của mình để gây ra cái chết tức tưởi của bố tôi.
Ông Ninh không phải là một người dân bình thường, ông ta là một chiến sĩ CAND, được đào tạo và huấn luyện, có nghiệp vụ và có kĩ thuật chuyên ngành đủ để hiểu lực đánh của mình sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào, nhưng ông ta vẫn hành động bất chấp, trong khi bố tôi chỉ có một mình và hoàn toàn ko hề có vũ khí trong tay.
Hành động của ông ta vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ CAND.
Một điểm nữa để chứng minh hành vi của ông ta là cố ý khi ông ta cùng những người trực ban tại đồn Ca Thịnh Liệt ngày hôm đó đã cố tình cản trở việc được cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho bố tôi đi cấp cứu, giam giữ trái pháp luật bố tôi gần 6 tiếng.
Chúng tôi không biết bố tôi phạm tội gì và nghiêm trọng đến đâu mà họ không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bênh viện Bạch Mai.
Là những người bảo vệ pháp luật, hiểu biết luật pháp nhưng lại lợi dụng điều đó để gây ra cái chết cho bố tôi. Là những con người nhưng lại hành xử dã man, mất hết lương tri. Ông Ninh là người đánh, là người trực tiếp gây ra cái chết đó, còn những người trực ban và dân phòng cũng là những kẻ tiếp tay, đồng lõa cùng ông ta.
Gia đình chúng tôi đề nghị Tòa làm rõ thêm hành vi và trách nhiệm liên can của những người dân phòng tham gia ngày hôm đó. Bởi theo như trong cáo trạng thì họ ko có tham gia đánh đập bố tôi mà chỉ giúp ông Ninh khống chế bố tôi, nhưng trong biên bản khám nghiệm tử thi và gia đình tôi thấy, trên người bố tôi lại có những vết tích, vết thương xây sát, và những vết tụ máu. Vậy những vết tích này từ đâu mà ra? Chiếc áo bố tôi mặc trong ngày hôm đó tại sao lại bị đứt hết khuy áo và rách dài trước ngực?
Gia đình tôi đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả của gia đình ông Ninh là 500 triệu đồng để lo ma chay, tang phí và các chi phí trong khi bố tôi nằm viện và gia đình tôi không có thêm bất cứ yêu cầu gì về việc bồi thường dân sự. Nhưng việc này chỉ có giá trị giải quyết về mặt dân sự của một vụ án hình sự, còn ông Ninh phải chịu truy cứu hình sự trước pháp luật đúng người đúng tội. Việc đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả trên, không thể xem là một hình thức đền bù, bởi mạng sống của bố tôi là vô giá.
Bố tôi là một người khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, tự nhiên bị đánh chết một cách oan ức. Bà tôi mất đi một người con, mẹ tôi mất đi người chồng và chúng tôi mất đi người cha. Đó là nỗi đau không gì có thể lấy lại được.
Vì vậy tôi kính mong pháp luật công bằng, xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng những kẻ đã gây ra cái chết oan khất của bố tôi, để lấy lại công bằng cho bố tôi và củng cố niềm tin của gia đình chúng tôi vào pháp luật“.
Với vai trò là luật sư của gia đình người bị hại, luật sư của chúng tôi cũng phản đối tội danh mà viện kiểm sát đã đưa ra. Luật sư đề nghị truy tố đúng người đúng tội với tội danh “cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người“. Bản thân ông Ninh đã làm sai quy trình pháp luật ngay từ việc xử phạt hành chính bố tôi. Đồng thời, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của những người trực ban ngày hôm đó. Họ cũng đã xử lý sai luật, giữ người trái phép trong trường hợp của bố tôi. Ngoài ra, Ls còn đề nghị tòa làm rõ hành vi tham gia đánh đập bố tôi của những dân phòng ngày hôm đó. Cụ thể nhất là trường hợp của dân phòng Đặng Hoàng Anh. Tất cả đã được nêu rõ trong phần luận cứ của luật sư, nhưng Tòa cũng đã không để ý tới những phần luận cứ này.
Một điều khiến tôi cùng gia đình không thể chấp nhận và vô cùng bức xúc, đó là thái độ không biết hối lỗi, ăn năn vì hành động đã gây ra cho bố tôi của ông Nguyễn Văn Ninh. Ông ta không hề xin lỗi gia đình tôi, ông ta cho rằng mình làm đúng chức trách, và chuyện xảy ra là điều không mong muốn. Cái cách ông ta bày tỏ chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình tôi trước tòa cứ như là một người không liên quan gì đến cái chết của bố tôi.
Khi Tòa hỏi đến những tấm bằng khen trong 36 năm công tác tại ngành công an thì ông ta thản nhiên trả lời rằng vì sắp về hưu nên ông ta không nhớ là đã để đâu mất rồi. Vậy mà những tấm bằng khen thất lạc trong nhiều năm công tác ấy lại trở thành một yếu tố để cấu thành việc giảm nhẹ tội trạng và xin khoan hồng của ông ta.
Sau khi chuông khoảng mười phút thì cũng là lúc Tòa quyết định kết thúc phiên xử buổi sáng để Tòa nghị án.
Vừa bức xúc và vừa thất vọng, lại nhen nhóm thêm hy vọng vào bản kết án trong buổi chiều, quay lại phía sau hàng ghế trong phiên xử thì thấy các anh công an đang lôi kéo một người bạn của tôi chỉ vì anh này giơ điện thoại lên chụp ảnh ông Ninh từ xa. Họ bắt anh phải xóa bức ảnh đó đi. Cũng bất ngờ, vì tự nhiên thấy mấy người bạn của mình đã ngồi ở hàng ghế dưới rồi, còn cảm động nữa chứ.
Hóa ra khi chuông reo hết giờ làm việc mọi người cố xin vào để được ở trong phiên xử mấy phút cuối cùng tôi. Đến buổi chiều với lý do là sự cố xe đưa phạm nhân từ Hòa Lò quay lại bị tắc đường, không như dự kiến 2h bắt đầu phiên xử, đến tận hơn 3h phiên xử mới tiếp tục diễn ra. Và Tòa nhận thấy hồ sơ cơ quan điều tra cùng viện kiểm sát đã rõ ràng đầy đủ nên tuyên án 4 năm tù giam đối với Nguyễn Văn Ninh, còn những người khác không phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự nào khác.
Thất vọng xen lẫn với phẫn uất là cảm giác của tôi trong suốt phiên tòa cho đến khi kêt thúc.
Nhưng lấn át tất cả những cảm xúc đó là sự xúc động và niềm tin vào sự thật khi tôi nhận ra rằng, giữa buổi sáng mùa đông lạnh lẽo đến tái da tái thịt, vậy mà mọi người vẫn bên cạnh tôi, cùng chờ đợi và ủng hộ tôi bên ngoài cánh cổng sắt của Tòa án khi không được tham dự phiên tòa. Tôi không biết nói sao để cám ơn tất cả bạn bè, những người quan tâm đến vụ việc của gia đình tôi ở khắp nơi.
Tôi nghĩ rằng, đường đi tìm lại công lý cho bố tôi chắc hẳn sẽ rất còn xa, nhưng tôi không hề run sợ vì tôi biết rằng,ở ngoài kia đang có rất nhiều người đứng bên tôi, ủng hộ tôi.
Tôi thấy mình có thêm sức mạnh và cảm thấy vô cùng ấm áp bởi cái tình người ấy. Cám ơn tất cả mọi người nhiều lắm.
Cả chặng đường dài từ tòa án về nhà, vừa cầm di ảnh bố vừa nghe tiếng gào khóc của người thân, tiếng khóc đau đớn của bà nội, nhìn đứa em gái nấc trong nghẹn ngào, tôi hiểu rằng mình không thể dừng lại khi công lý chưa được thực thi một cách hoàn chỉnh và đúng nghĩa của nó. Một mạng người không thể được đánh đổi bằng một bản án 4 năm tù. Nhất định, tôi sẽ không bỏ cuộc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"