Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Tôi không hề bị quê hương từ chối

Phạm Thị Hoài thực hiện 
Phạm Thị Hoài: Chào anh Hoàng Ngọc Diêu, anh vừa được biết mình là một persona non grata với quê hương?
Hoàng Ngọc Diêu: Thưa chị, tôi vừa hoàn tất một cuộc du hành kéo dài 22 giờ đồng hồ. Trong đó có gần 9 giờ bay từ Sydney về sân bay Tân Sơn Nhất, gần 5 giờ bị giữ ở sân bay Tân Sơn Nhất và gần 9 giờ đồng hồ để bay ngược lại Sydney. Sự việc bắt đầu từ lúc 11 giờ 30 sáng ngày 11 tháng 1 và kết thúc vào 9 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 1 năm 2012. Tôi về Việt Nam lần này là để tham gia diễn thuyết một đề tài kỹ thuật chuyên ngành trong hội thảo kỹ thuật “Tetcon 2012” ở Trung tâm Thông tin Hợp tác Quốc tế Thông tấn tại TP.HCM ngày 13 tháng 1 năm 2012. Đây là một cuộc hội thảo hợp pháp, đã được Sở Thông tin Văn hoá và Ủy ban Nhân dân TPHCM cho phép. Tôi dự định sau đó sẽ tranh thủ thì giờ để ra Nha Trang thăm gia đình trong chuyến đi chớp nhoáng chỉ gói ghém trong 5 ngày này. Thế mà chuyến đi đành phải kết thúc bất ngờ ngay khi tôi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, và tôi đành phải quay về Úc với tâm trạng của một người “lưu vong chính thức”.
Phạm Thị Hoài: Lần về thăm Việt Nam gần đây nhất của anh là cuối năm 2009, đầu năm 2010. Điều gì đã xảy ra trong vòng 2 năm này?
Hoàng Ngọc Diêu: Có một số điều đã xảy ra dẫn đến việc tôi bị từ chối nhập cảnh.
Trước hết, vào đầu năm 2010, khi tôi còn đang thăm nhà ở Việt Nam, tôi nhận được một email của anh cả tôi là Hoàng Ngọc-Tuấn, qua đó anh ấy kêu gọi tôi trợ giúp diễn đàn Talawas về một số công việc kỹ thuật vì Talawas đã bị tấn công từ chối dịch vụ và bị tin tặc phá hoại liên tục trong một thời gian khá dài. Cũng trong khoảng thời gian đầu năm 2010, tôi nhận lời trợ giúp kỹ thuật cho diễn đàn x-cafevn.org. Kể từ đó, trong suốt mấy tháng đầu năm 2010, nhiều kẻ nặc danh, đặc biệt là một nhóm tin tặc với cái tên rất Tàu: “Sinh Tử Lệnh”, đã tung lên mạng hàng loạt những vụ việc bêu rếu, đơm đặt tên tuổi và “hoạt động” của tôi. Mặc dù ngay từ đầu, tôi đã xác minh mọi việc qua cuộc phỏng vấn từ đài RFA cũng như qua một bài viết gửi đăng trên diễn đàn TalawasTiền Vệ vào tháng 3 năm 2010, thế nhưng sau đó, suốt nhiều tuần lễ tôi nhận được hàng loạt các điện thư nặc danh có nội dung cực kỳ thiếu văn hoá, hăm dọa tôi, và điện thoại để bàn ở nhà tôi thường xuyên bị quấy nhiễu. Thế rồi những chuyện này dần dà cũng giảm xuống và chấm dứt.
Đến tháng 5 năm 2011, trên diễn đàn kỹ thuật HVAonline.net, nơi tôi sinh hoạt thường xuyên, đã nảy ra những thảo luận và phân tích các dạng mã độc (malware) và các hệ thống botnet dùng để tạo nguồn tấn công từ chối dịch vụ nhắm vào hàng loạt các trang mạng “lề trái” và cả Vietnamnet, một trang mạng tin tức chính thức của nhà nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian ấy, tôi lại nhận được khá nhiều những lời đe doạ (công khai trên mạng và riêng tư qua thư nặc danh), nhưng tôi cho rằng ấy là những phản ứng mang tính riêng lẻ và trẻ con, cho nên tôi không quan tâm.
Không ngờ, việc giúp đỡ kỹ thuật cho trang Talawas, trang x-cafevn.org và những phân tích kỹ thuật của tôi về những loạt tấn công phá hoại bằng botnet của nhóm tin tặc “Sinh Tử Lệnh” lại trở thành những điểm chính của buổi thẩm vấn do bốn anh công an thực hiện từ 4 giờ 15 chiều cho đến 7 giờ 30 chiều vào ngày 11 tháng 1 năm 2012 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Suốt cuộc thẩm vấn chiều ngày 11 tháng 1 năm 2012, các anh công an luôn loay hoay buộc tôi phải công nhận rằng trang Talawas và trang x-cafevn.org là những trang có nội dung phản động, và họ yêu cầu tôi xác định tư tưởng về việc này. Về phần tôi, tôi khẳng định rằng Talawas và x-cafevn.org là những diễn đàn tự do ngôn luận. Tôi xác định rất rõ tôi là một chuyên viên kỹ thuật và đồng thời tôi là một người tuyệt đối tôn trọng quyền tự do ngôn luận, vì tôi tin đó là quyền tự do căn bản nhất của con người, loài sinh vật duy nhất biết nói trên trái đất này. Tôi không đứng về phe phái chính trị nào cả, tôi chỉ giúp đỡ những ai cần giúp đỡ về kỹ thuật, và tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những diễn đàn tự do ngôn luận. Nếu trên những diễn đàn ấy có ai đưa ra những ngôn luận thiếu giá trị, thiếu sự thật, thì hãy để cho công luận đánh giá và để cho những người khác tự do tranh luận. Khả năng chuyên môn của tôi thuộc lãnh vực kỹ thuật. Tôi không có đủ thẩm quyền cũng như khả năng chuyên môn để đánh giá những vấn đề thuộc về chính trị.
Vào khoảng 7 giờ 30 chiều 11 tháng 1 năm 2011, cuộc thẩm vấn chấm dứt, tôi được đưa ra khỏi phòng làm việc, và ngay tại cửa có hai anh công an chờ sẵn với hộ chiếu của tôi và một tấm “boarding pass” để tôi lên máy bay. Họ cho biết rằng tôi chỉ cần chờ chừng nửa giờ đồng hồ nữa là sẽ “boarding”. Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng tôi nằm trong tình trạng “persona non grata với quê hương” như trong câu hỏi đầu tiên của chị. Chỉ có điều, tôi không tin rằng đây là “persona non grata với quê hương” mà chỉ là “persona non grata với chính quyền”, bởi vì sau đó, suốt ngày 12 và 13 tháng 1 năm 2012, tôi nhận hàng trăm cú điện thoại, tin nhắn, điện thư, thông điệp (bằng nhiều cách) từ quê hương Việt Nam, qua đó các đồng nghiệp, bạn bè và độc giả gần xa đã bày tỏ sự thất vọng và bức xúc của họ về sự kiện tôi bị từ chối nhập cảnh.
Tôi không hề bị quê hương từ chối. Phải nói là tôi bị chính quyền từ chối rất sát ván. Sau khi bay về Sydney, tôi được tin ban tổ chức hội thảo “Tetcon 2012” đã nhận chỉ thị từ công an là phải xoá bỏ hoàn toàn tên tôi và các thông tin liên quan đến tôi trên bất kỳ phương tiện nào, từ trên trang web Tetcon.org cho đến trên tờ chương trình hội thảo. Điều này làm tôi thấy rõ rằng việc từ chối nhập cảnh đã được quyết định sẵn trước khi tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc thẩm vấn trong phòng làm việc của công an sân bay chiều ngày 11 tháng 1 năm 2012 chỉ là một màn thăm dò tâm lý và câu giờ để cho mấy anh công an bên ngoài có đủ thời gian làm các thủ tục đổi vé máy bay, tự ý chuyển hành lý của tôi sang chuyến bay về Úc, và lấy sẵn giấy “boarding pass”. Cũng xin lưu ý là điện thoại di động của tôi bị yêu cầu phải tắt hoàn toàn trong quá trình thẩm vấn. Có nghĩa là thậm chí họ không muốn tôi cho thân nhân đang đợi ngoài sân bay biết tình trạng của tôi.
Khi công an chỉ thị cho ban tổ chức hội nghị xoá bỏ hoàn toàn tên tôi trên mọi phương tiện, thì tôi nghiệm ra rằng chính quyền đã không cho tôi nhập cảnh vì họ không muốn tôi xuất hiện trước đám đông với chiếc microphone trên tay.
Phạm Thị Hoài: Anh Nguyễn Hưng Quốc bị từ chối nhập cảnh hai lần, tháng 11.2005 và tháng 4.2009, bây giờ có thêm anh gia nhập chi nhánh Úc của “Câu lạc bộ những Việt kiều bị từ chối nhập cảnh Việt Nam”. Cả hai anh đều ở trong nhóm chủ trương trang Tiền Vệ…
Hoàng Ngọc Diêu: Thưa chị, đúng vậy. Tôi nghĩ Tiền Vệ cũng là một trong những lý do khiến tôi bị từ chối nhập cảnh, vì trong cuộc thẩm vấn ở sân bay Tân Sơn Nhất các anh công an có đưa ra mấy câu hỏi: “Anh đã tham gia vào trang mạng Tiền Vệ từ khi nào?”, “Anh giữ vai trò gì trong nhóm chủ trương Tiền Vệ?”, và “Ông Hoàng Ngọc-Tuấn có phải là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của trang mạng Tiền Vệ hay không?”
Tôi đã trả lời rằng tôi tham gia vào Tiền Vệ từ đầu, tức là từ năm 2002, với trách nhiệm của một chuyên viên kỹ thuật thiết kế và bảo mật cho trang mạng. Tôi cũng xác nhận rằng anh Hoàng Ngọc-Tuấn là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của trang mạng Tiền Vệ.
Phạm Thị Hoài: Vậy anh Hoàng Ngọc-Tuấn chắc phải đủ điều kiện trở thành thành viên Câu lạc bộ này?
Hoàng Ngọc Diêu: Thật ra anh Hoàng Ngọc-Tuấn là người đầu tiên của Tiền Vệ gia nhập chi nhánh Úc của “Câu lạc bộ những Việt kiều bị từ chối nhập cảnh Việt Nam”. Anh ấy đã bị từ chối nhập cảnh hai lần, tháng 7 năm 1992, và tháng 11 năm 1996. Cuối năm 2003, anh ấy xin visa về thăm gia đình thì được cấp, rồi được nhập cảnh, nhưng trong thời gian ở Việt Nam chỉ có 11 ngày, anh ấy đã bị công an các cấp khác nhau mời lên “làm việc” nhiều lần vì anh ấy đã tự ý truyền bá chủ nghĩa hậu hiện đại qua một cuộc phỏng vấn trên báo Thể thao & Văn hoá mặc dù khi nhập cảnh công an đã nói rõ anh ấy chỉ được phép thăm thân nhân và không được tiếp xúc với văn giới. Cuối năm 2006, anh ấy cùng vợ và các con về ăn Tết với bên ngoại, thì vẫn được nhập cảnh nhưng bị yêu cầu phải báo ngay cho công an biết số điện thoại di động anh ấy sử dụng ở Việt Nam. Trong mấy tuần lễ ở Việt Nam, anh ấy đã bị công an gọi vào điện thoại di động liên tục mỗi ngày rất nhiều lần để hỏi “anh đang ở đâu?”, “anh đang làm gì?”, “anh đang ngồi ở quán nào?, “đang nói chuyện với những ai?”… Rồi ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam, anh ấy bị công an mời lên để “làm việc”. Cuối năm vừa qua, vì có việc rất cần thiết trong gia đình, anh ấy có thử nhờ một đại lý du lịch xin visa để cùng vợ con về thăm bên ngoại, thì sau đó đại lý du lịch ấy cho biết rằng sứ quán nói “có thể cấp visa cho ông nhưng không bảo đảm là ông không bị cấm nhập cảnh”, tốt nhất là “ông không nên về Việt Nam vào lúc này”. Vì thế nên có lẽ anh Hoàng Ngọc-Tuấn sẽ còn là thành viên dài hạn của Câu lạc bộ này.
Phạm Thị Hoài: Nếu những trang mạng bị chính quyền Việt Nam coi là “phản động” khác bị tin tặc tấn công và cần đến sự giúp đỡ của anh, anh có sẵn lòng giúp đỡ, với cái giá là tiếp tục không được nhập cảnh Việt Nam?
Hoàng Ngọc Diêu: Như đã trả lời lúc nãy, tôi đã công khai xác định rất rõ, rất nhiều lần, ở nhiều nơi, rằng tôi là một chuyên viên kỹ thuật, đồng thời là một người tuyệt đối tôn trọng tự do ngôn luận. Tôi xin nhấn mạnh rằng việc tôn trọng tự do ngôn luận là một nguyên tắc mang tính lương tâm của bản thân tôi. Với khả năng kỹ thuật của mình, tôi nghĩ, tôi không những nên mà còn phải có trách nhiệm với việc bảo vệ tự do ngôn luận, bởi vì nếu chỉ nói mà không làm thì chẳng còn tí giá trị nào. Bởi vậy, xin trả lời một cách trực tiếp và chính xác rằng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ cái nguyên tắc ấy. Tôi sẵn lòng giúp đỡ kỹ thuật cho bất kỳ diễn đàn nào tôn trọng tự do ngôn luận, bất kể diễn đàn ấy thuộc khuynh hướng chính trị nào. Còn bất cứ diễn đàn nào chủ trương đàn áp tự do ngôn luận, thì tôi không bao giờ giúp, bất kể diễn đàn ấy thuộc về một đảng phái chính trị mang nhãn hiệu mỹ miều nào đó. Cái nguyên tắc này của bản thân tôi không phải là một nguyên tắc chính trị, mà là một nguyên tắc mang tính lương tâm. Tôi không thể tự phản bội cái nguyên tắc của lương tâm tôi, và tôi sẵn sàng trả giá để bảo vệ nó.
Phạm Thị Hoài: Tin tặc không chỉ khủng bố các trang mạng độc lập. Vụ đánh sập Vietnamnet gần đây cho thấy một bức tranh rất phức tạp về hacker. Theo tiết lộ từ phía chính quyền Việt Nam, ít nhất 1/3 các trang tin điện tử chính thống của Việt Nam đã bị tấn công và hầu hết không có giải pháp an toàn hữu hiệu. Nếu có lời mời từ phía một cơ quan thuộc chính quyền Việt Nam, anh có sẵn lòng góp sức giúp chính quyền này trong lĩnh vực chuyên môn của mình không? Có một “chuyên môn thuần túy”, phi chính trị không?
Hoàng Ngọc Diêu: Nếu như có một cơ quan thuộc chính quyền Việt Nam mời tôi trợ giúp kỹ thuật, thì tôi xin trả lời hết sức giản dị như thế này: Tôi sẵn sàng giúp đỡ, nếu trang mạng của quý vị chứng tỏ có sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Ngược lại, thì không.
Thật ra trong năm 2011, có ít nhất là hai nhóm kỹ thuật trợ giúp cho Vietnamnet đã liên hệ với tôi và nhờ tôi giúp ý kiến. Tôi đã sẵn sàng giúp họ trong giới hạn thông tin khá ít ỏi và hạn chế. Tôi đã giúp họ vì thấy rằng lúc ấy Vietnamnet đang có tờ Tuần Việt Nam là một tờ báo chứng tỏ đã có phần nào cởi mở về ngôn luận. Nếu họ tiếp tục mở rộng tự do ngôn luận, thì khi họ cần, tôi sẽ tiếp tục giúp, còn nếu họ khép lại, thì thôi.
Phạm Thị Hoài: Theo đánh giá của anh, công nghệ tin học của Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thế giới?
Hoàng Ngọc Diêu: Theo tôi thấy, công nghệ thông tin ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh, rất đáng kể từ khoảng 2002 đến 2006, nhưng sau đó bị chậm lại và trở nên cục bộ, tự phát và thiếu định hướng. Việt Nam có những con người hiếu học, cần cù và chịu khó, nhưng họ khó có thể phát triển vượt bậc vì còn thiếu điều kiện và vẫn bị những cái khung cơ chế và quy định kìm hãm. Cho đến nay, công nghệ thông tin Việt Nam vẫn chưa định hình cụ thể. Hầu hết chỉ là những phát triển nho nhỏ mang tính đối phó hoặc thăm dò. Vấn đề chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật đối với tài sản trí tuệ cũng như đối với tội phạm internet vẫn rất rời rạc và mơ hồ mặc dù những việc này đã được đề cập rất nhiều lần. Có quá nhiều doanh nghiệp cũng như các ban ngành trực thuộc chính phủ vội vã ôm chầm lấy các tiêu chuẩn ISO và làm đủ mọi cách để được “đạt tiêu chuẩn” nhưng việc thực hành và duy trì tiêu chuẩn thì lại thiếu thực tế ứng dụng. Nói chung, công nghệ thông tin Việt Nam lâm vào chỗ ra nhiều quy định, theo nhiều tiêu chuẩn, và vô tình tạo ra một bức tranh rối ren thiếu định hướng, thiếu sự khai triển vững chắc và lâu dài.
Nếu so với Trung Quốc ở mảng sản xuất và gia công sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin thì Việt Nam còn đi sau quá xa, hầu như là mờ mịt. Nếu so với Ấn Độ ở mảng gia công nhu liệu (software) thì cũng không khác mấy với so sánh ở trên với Trung Quốc. Công nghệ thông tin Viêt Nam đứng ở đâu? Tôi nghĩ công nghệ thông tin Việt Nam chưa đứng ở đâu cả, mặc dù có rất nhiều nỗ lực của những nhóm sinh hoạt, vì các nỗ lực ấy thường mang tính đơn lẻ, rời rạc và thiếu định hướng.
Phạm Thị Hoài: Giới hacker Việt Nam nói chung đánh giá những hoạt động gây chú ý của đội quân hacker tự do mang tên Anonymous như thế nào? Anonymous có thể là một giải pháp tốt cho tiến trình minh bạch hóa một hệ thống tồn tại trên cơ sở bưng bít thông tin, như hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, không?
Hoàng Ngọc Diêu: Thưa chị, theo tôi biết, phần lớn giới hacker ở Việt Nam có vẻ hâm mộ nhóm hacker Anonymous trên căn bản kỹ thuật. Tuy nhiên, họ lại lo ngại về Anonymous vì những đồ đoán rằng Anonymous sẽ đánh sập và phá huỷ Facebook bất cứ lúc nào. Chuyện này cũng dễ hiểu, bởi vì Facebook vẫn không phải là ngoại lệ cho “cơn sốt Facebook” đối với Việt Nam. Ở góc độ hacking để bạch hoá thì tôi lại không thấy có những ý kiến cụ thể và đáng thuyết phục trong giới hacker để có thể đưa ra kết luận khả dĩ. Thật ra, nếu Anonymous thật sự sẽ phá huỷ Facebook thì họ hoàn toàn không giúp bạch hoá mà họ lại tàn phá phương tiện bạch hoá. Việc này còn tệ hại hơn cả tình trạng Facebook đang bị ngăn cản (theo chu kỳ và theo giờ trong ngày) đang xảy ra ở Việt Nam.
Với câu hỏi của chị về việc sử dụng biện pháp hacking (như nhóm Anonymous) để làm phương tiện bạch hoá thông tin đang bị bưng bít thì tôi xin có vài nhận định cá nhân như sau:
- Việc hacking ở góc độ thâm nhập để thâu thập thông tin ngoài ý muốn của khổ chủ là việc làm không còn mang tính vẹn toàn (integrity), thậm chí, ở mức độ nào đó nó là phi pháp và vi phạm đạo đức.
- Thông tin được thu thập từ hacking khó có tính đáng tin cậy (vì có thể bị chỉnh sửa, cắt xén, thêm bớt trước khi công bố), bởi vậy giá trị bạch hoá có thể không còn trọn vẹn và khả tín nữa (ngoại trừ nhóm hacker nào đó đã có đủ uy tín và thẩm quyền được công nhận khách quan rộng rãi thực hiện việc này).
- Thông tin được công bố từ hacking có thể bị liệt vào dạng “có thể nghi vấn” (questionable). Bởi thế, chính bản thân nó làm hỏng mất tinh thần của việc bạch hoá về những gì lẽ ra phải được công bố chính thức và khách quan.
Đó là chưa kể khi một chế độ đã có thừa mánh khoé để gây nhiễu thông tin, tung hoả mù, đánh tráo thông tin, thì họ dư sức ngụy tạo những thông tin phản chứng để đối phó với bất kỳ việc bạch hoá thông tin nào. Thậm chí họ sẵn sàng sử dụng bạo lực để triệt tiêu tự do ngôn luận, đặt tuyệt đại quần chúng nhân dân vào tình trạng dù biết rõ mà không dám nói ra, hay dù biết rõ mà vẫn phải nói theo chính quyền.
Bản thân tôi cho rằng, không cần hacking, ta vẫn có sẵn vô số thông tin khác để minh hoạ một bức tranh thật và sinh động của một chế độ nào đó ở thời đại này. Đối với tình trạng bưng bít quá dài lâu của một chế độ mà ai cũng đã thấy rõ, thì việc chứng minh chế độ ấy là bưng bít e không còn cần thiết.
Tôi không có chuyên môn về chính trị, nên chỉ quan sát và suy nghĩ về xã hội từ góc độ lương tâm của con người. Tôi nghĩ một chế độ cũng giống như một con người, nếu mình đã có bản chất tốt đẹp thì mình không có gì phải bưng bít, không sợ những lời phê bình, thậm chí mình còn lắng nghe những lời phê bình để được tiến bộ hơn. Một kẻ không tốt đẹp thì mới bưng bít, mới sợ nghe phê bình, mới ra sức tự khen mình và tìm cách bịt miệng những người khác. Bởi vậy nên tôi tin điều cần thiết nhất là tự do ngôn luận, và mọi người phải hết sức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình và của đồng loại. Một khi mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận thật sự để góp ý kiến vào việc thay đổi xã hội, thì khi ấy xã hội mới có đủ sức mạnh để thay đổi.
Phạm Thị Hoài: Cảm ơn anh Hoàng Ngọc Diêu.
© 2012 pro&contra

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"