Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Cuối năm bàn chuyện “đồng chí”...

Bùi Quang Minh 
Bằng bài viết này, bằng viết về mối quan tâm dang dở này với Nội dung Hội nghị TƯ 4 khóa XI đang họp hết sức khẩn trương… tôi khép lại Facebook năm 2011 của mình.
Chúc các bạn cùng gia đình một năm mới thật nhiều hạnh phúc, thật nhiều may mắn!
387491_2588896320720_1203931357_32284993_775508393_n.jpg
Vừa rồi, ngày 28-12-2011, “đồng chí” kỳ thủ cờ tướng Nguyễn Thanh Lèo, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đã bị Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đình chỉ sinh hoạt Đảng, trở về thành ông “công dân” sau vụ “đấu cờ” ăn tỷ, mỗi ván ăn thua lên tới hàng tỷ đồng và trở thành con nợ khoảng 22 tỷ đồng. Chắc chắn, ông Lèo sẽ sớm bị điều tra và truy tố theo quy định của luật pháp. Vụ việc làm ta nhớ lại vụ năm 2006, “đồng chí” Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc PMU 18, Bộ Giao thông Vận tải đã đánh bạc cùng các “đồng chí” khác dưới hình thức cá độ bóng đá mà số tiền lên tới 12 tỷ đồng, có những trận thi đấu cá độ hàng tỷ đồng. Và để chạy án, “đồng chí” Dũng đã tạm ứng số tiền lên đến 39.000 USD và 550 triệu đồng cho các cá nhân. Vậy là cái thời “người đồng chí” cùng nhau đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử, thương yêu lẫn nhau, hy sinh bản thân vì lý tưởng cách mạng cao đẹp đã xưa rồi Diễm ơi, và thay bằng cảnh không ít “đồng chí” bỗng bị phát hiện ra là đang "sát cánh nhau" thi đấu bên “bàn cờ”, “chiếu bạc”, chốn ăn chơi… như tin đã đưa. Tất nhiên, sau khi bị phát hiện, đồng chí Bùi Tiến Dũng cũng đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, chính thức bị xưng là “ông” để phục vụ điều tra, truy tố. Chỉ hai trường hợp “đồng chí” Dũng, “đồng chí” Lèo trong vòng 6 năm qua, chúng ta thấy được suy thoái đạo đức, lối sống của các “đồng chí” nhận trách nhiệm “công bộc”, đằng sau đồng tiền trang trải cho lối sống của họ là biết bao nhiêu tiền của thuộc về nhân dân. Đến một người bình thường cũng hiểu rằng, không thể nhờ vào những kẻ như ông Lèo, ông Dũng này... mà đạo đức, lối sống thấp hèn, mục ruỗng lại có thể thực thi được lý tưởng cao cả, ngang tầm, vượt trước thời đại! Ai gọi ông Lèo, ông Dũng...là đồng chí thì chỉ có thể là đồng lõa với họ! Người như ông Lèo, ông Dũng...không xứng đáng làm dân tin, không thể cất nhắc làm quản lý, lãnh đạo đất nước dù họ đã leo đến cấp nào, bởi thực chất qua lối sống đó - họ chỉ là những tên tội phạm tất yếu sẽ bị điểm mặt. này. Một cán bộ cao cấp Đảng nói với phóng viên báo Tuổi trẻ rằng: “Sự suy thoái của một con người như Bùi Tiến Dũng rất đáng suy ngẫm…
Bài viết này chỉ xin bàn thêm về từ “đồng chí” mà lâu nay chúng ta hay dùng.
402295_2588679555301_1203931357_32284928_1333441736_n.jpg
34 người đầu tiên trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944 tại Cao Bằng
Theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt thì “Đồng chí có 2 nghĩa: 1- Những người cùng một chí nguyện; 2- Từ chỉ những người thuộc cùng một đoàn thể cách mạng.” Như vậy, làm đồng chí của nhau mang nghĩa cao đẹp, để tôn vinh nhau lên bởi cùng lý tưởng cách mạng, cùng chung một đoàn thể cách mạng. Hành động của họ có thêm nét ý nghĩa tích cực, dù cho bình dị, thiếu thốn mà vẫn hàm chứa tình đồng chí vô cùng quý giá, đúng như lời thơ của nhà thơ Chính Hữu làm năm 1948:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi, đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
1948
398698_2588692075614_1203931357_32284937_2041188341_n.jpg
Theo nghĩa nghiêm túc, trân trọng, các thành viên cùng tổ chức cùng thống nhất nhau về lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước gọi nhau là đồng chí thay cho nghĩa “cùng chung ý chí”. Nghĩa này vẫn được dùng gọi trong Đảng, Đoàn, lực lượng vũ trang và mở rộng ra là các cơ quan Nhà nước: đồng chí cán bộ, đồng chí phụ nữ, đồng chí thanh niên, đồng chí cựu chiến binh, đồng chí cửa hàng trưởng, đồng chí công nhân, đồng chí lái xe, đồng chí gác cổng… Và khi gọi như thế, người ta vẫn theo thói quen liên tưởng đến đội ngũ những người có phẩm chất, lý tưởng tốt đẹp hơn người bình thường, chỉ được xưng thông thường là ông hay bà hay quý vị khi hội họp. Bởi vậy, khi xác minh được thông tin vài “đồng chí” có hành vi đi ngược lại khái niệm “đồng chí” nói trên, tổ chức của các đồng chí có quan điểm nhất quán: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che cho mấy ông bà này” là điều dễ hiểu. Không thể, không bao giờ làm “đồng chí” với những kẻ thoái hóa, táng tận, sống phè phỡn trên đồng tiền, xương máu của nhân dân.
Trong quan hệ đối ngoại quốc tế, chúng ta cũng đã phải thay đổi việc dùng từ “đồng chí” trong nhiều trường hợp cho phù hợp với các cá nhân và tổ chức. Các bạn và tôi sẽ phân vân dùng hay không dùng từ “đồng chí” với những tên chính khách quen thuộc sau đây: Pol Pot, Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Fidel Castrô, Saddam Hussein, Mikhail Gorbachev, Raul Castro, Hugo Chavez, Muammar Gaddafi, Boris Yeltsin, Dmitry Medvedev… Sẽ là buồn cười nếu như bạn vừa gọi đồng chí với: Vladimir Putin và với Gennadi Zyuganov, với Kim Jong-Ill và với Lee Myung-bak, với Hồ Cẩm Đào và với Trần Thủy Biển… Rất khó làm đồng chí của cùng cả hai đối thủ chính trị sống mái với nhau như thế. Bạn đã gọi tên sự vật dựa theo tâm lý chứ không phải dựa theo phân định lý trí của thuật ngữ “đồng chí”. Trong một số trường hợp gọi như thế sẽ là sai bởi quan hệ đồng chí đã thay đổi, “đồng chí” đã biến chất - suy đồi, biến dạng về nhân cách, tổ chức đã thay đổi lý tưởng, đổi mới lý tưởng… Trong một chuyến thăm Việt Nam năm 2010 của Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev, phiên dịch của ông Nông Đức Mạnh đã hỏi Tổng thống LB Nga rằng: Liệu có thể gọi ông này là đồng chí được không? Đó là sự thận trọng hết sức cần thiết trong việc sử dụng từ “đồng chí”.
Như cách gọi dân dã, gọi theo tâm lý nghĩa tốt về người khác có thể chỉ còn đúng khi “đồng chí chưa bị lộ”. Dưới ánh sáng của sự thật rọi vào mọi ngõ ngách của đời sống, chỉ có duy nhất sự thật chúng ta mới biết được vị “công bộc” nào là xứng với danh xưng “đồng chí”. Và đương nhiên, “đồng chí” nào đã “bị lộ” thì phải cắt ngay cách gọi này và chuyển sang là “ông bị can”, “bà bị can” trong các vụ án. Đáng lẽ ra, làm “đồng chí” với nhau là cùng hy sinh vì lý tưởng, “vì dân - vì nước”. Nhưng gọi là “đồng chí” mà không làm theo đúng lý tưởng đó, hay không dám hy sinh quyền lợi cá nhân (chấp nhận lương thấp, chấp nhận bị săm soi, kiểm tra thường xuyên, chấp nhận sống liêm khiết… chẳng hạn) để lo cho việc chung, lại ngày đêm sống “vẩn đục”, tha hóa, tham ô, tham nhũng, sống phè phỡn trên lưng người khác, đi ngược với những điều cao cả đã tuyên bố. Chính kẻ đó hay tổ chức phải tự giác khai trừ nhau, tự thú, tự rút lui… đằng này để “bị lộ” rồi mới thấy khai trừ phục vụ điều tra, truy tố theo pháp luật – điều mà ở một nước pháp quyền đương nhiên phải làm vậy. Như vậy, trong các tổ chức (dù cho lý tưởng lạc hậu nhất hay tiên tiến nhất) những “đồng chí” và “kẻ phản đồng chí” đang chung sống với nhau là một thực tế. “Kẻ thù” (hay như cách gọi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là “những con sâu”) mà ngày một đông, không sao phát hiện và truy đuổi khỏi tổ chức thì sẽ làm tổ chức mất đi mọi sức mạnh. Tổ chức tụt hậu, biến chất đi và trở thành nơi “sâu mọt” lợi dụng, bao che. Tổ chức lẽ ra phải phóng đại vi phạm pháp luật, sa sút về đạo đức lối sống của “kẻ phản đồng chí” để răn đe “sâu mọt” còn nấp trong tổ chức, thì lại xuê xoa, xử lý nội bộ, giảm nhẹ tính nghiêm khắc, minh bạch trước toàn dân. Điều đó tạo điều kiện, người bên ngoài tổ chức cắt nghĩa rằng tổ chức đó đã bao che, vô cảm trước những kẻ lợi dụng tổ chức vơ vét, hưởng lợi cho bản thân. Tổ chức không còn uy tín, không còn được nhìn như là đang huy động mọi nguồn lực vì lý tưởng cao đẹp khi trốn tránh hay bất lực trước việc xử lý công khai, nghiêm khắc “sâu mọt” làm “mục ruỗng” tổ chức. Và nhân dân sớm muộn cũng sẽ buộc tổ chức tự đối mặt với “kẻ thù” bên trong ấy, vì nhân dân luôn cần một tương lai tốt đẹp hơn, tương lai có thể dự báo được là không thể sống chung với những kẻ núp bóng, ăn bám vào lý tưởng tốt đẹp, tiên phong.
Từ lúc còn sống, Bác Hồ đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng, mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Năm 1965, tại Hội nghị Bồi dưỡng chỉnh huấn do T.Ư triệu tập, Bác Hồ đã nói về căn bệnh chủ nghĩa cá nhân: “Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc thậm chí sa vào tội lỗi”. Hỡi ôi, những ông Nguyễn Thanh Lèo, Bùi Tiến Dũng,… sa vào chủ nghĩa cá nhân, phá phách từ lâu rồi mà đâu có dễ phát hiện?!.
373864_2588694835683_1203931357_32284940_725385158_n.jpg
Biệt thự của ông Nguyễn Thanh Lèo tại TP. Sóc Trăng
400971_2588697835758_1203931357_32284944_1732836213_n.jpg
Một trong số biệt thự của ông Bùi Tiến Dũng tại Hà Nội
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tháng 12/1986, Đảng đã nhận định một thực tế là: “Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của nhà nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền". Tất nhiên, cuộc đấu tranh giữa hai lối sống đó, tranh đấu giữa hai dòng trong - đục đó quyết liệt nhất là ở những “công bộc” giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước. Trong chuyên mục Nói và Làm trên báo Nhân Dân năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói về những tiêu cực (cần phải chấn chỉnh ngay, không chậm trễ) đang phát triển, len lỏi vào cả những nơi tôn nghiêm nhất. "Nó phá hoại kinh tế. Nó làm trật tự xã hội đảo lộn, làm xói mòn các giá trị đạo đức. Cuối cùng, nó phá hoại niềm tin mà ai đó đã nói rất đúng: mất niềm tin là mất tất cả lớn hơn cả mất cắp và mất cướp. Chống tiêu cực là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng”… Như vậy, ở cấp cao nhất, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là chống tiêu cực, chống thoái hóa, mất đi phẩm chất cách mạng ở những người đồng chí. Và càng những đại hội gần đây thực trạng này được nhắc đi nhắc lại và được đánh giá là vấn đề tầm vóc “sống còn”.
Trong tham luận của ông Vũ Quốc Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư. trước Đại hội Đảng X tháng 4/2006, đã nêu rõ “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên vẫn diễn ra rất nghiêm trọng”. Gần đây nhất, trong diễn văn khai mạc Hội nghị TƯ 4 khóa XI họp ngày 26/12/2011 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng".
Tôi mong chờ chân thành Hội nghị TƯ 4 lần này sẽ tìm ra những giải pháp quyết liệt, đúng đắn hiệu quả nhất vấn nạn then chốt nhất – gắn chặt với sinh mệnh của Đảng. Tôi mong làm sao để các Đảng viên có thể gọi ngày một nhiều hơn hai tiếng “đồng chí” đúng với nghĩa tốt đẹp, cao cả của nó chứ không phải chỉ là một thói quen, một sự nhầm lẫn về ngôn từ. Thời gian không chờ đợi, cơ hội đến rồi đi qua tháng ngày, để lại khó khăn ngày một lớn cho Đảng và cho đất nước...
Còn với câu hỏi tại sao lại xuất hiện ngày một nhiều các đồng chí thoái hóa trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, tôi xin đăng lại cùng câu hỏi đó của tác giả An Bàng viết năm 2005 như sau:
* * *
"

Không có các đồng chí ấy, sao có đồng chí Hùng?

Đã có ai đọc báo Lao Động, số ra ngày 17-11-2004, có bài về “thoái hóa nhân cách” ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chưa?
Tóm tắt, theo bài báo:
Huyện Hải Lăng có đồng chí Văn Ngọc Hùng, Bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện, nổi tiếng hung dữ. Có thể liệt kê một số thành tích sau:
- Trong một cuộc nhậu, đồng chí Hùng đánh đồng chí Ánh, Phó bí thư thường trực huyện ủy
- Trong một cuộc ăn nhậu khác, đồng chí Hùng thúc tay vào ngực đồng chí Giạc, cán bộ UBND huyện,
- Trong một cuộc ăn nhậu khác nữa, đồng chí Hùng tát tai một cháu phục vụ trước mặt lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị,
- Trong một cuộc nhậu khác, khác nữa, đồng chí Hùng tát đồng chí Lê Thị Vinh, ủy viên thường trực huyện ủy,
- Trong một cuộc đánh bài tại trụ sở Huyện ủy Hải Lăng, đồng chí Hùng lấy súng dọa bắn vỡ đầu đồng chí Quang, cán bộ ban tổ chức huyện ủy.
Và, sau rất nhiều việc khác nữa, trải dài suốt thời gian tại chức, tức 4 năm, từ tháng 1-2001, đến tháng 5-2004, vào tháng 6-2004, đồng chí Hùng được đưa lên tỉnh làm việc, giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị.
*
Chuyện “đồng chí” đấu “đồng chí” là chuyện mà tổ chức nào cũng phải có, nếu theo nghĩa tích cực thì sẽ là một hình thức làm tổ chức phát triển.
Nhưng “đồng chí” tát “đồng chí” trong bàn nhậu, và luôn luôn là bàn nhậu như ở Hải Lăng kiểu này, thì lại thuộc về phạm trù đạo đức của tổ chức mất rồi.
Giờ thì ông Hùng đang bị tỉnh ủy Quảng Trị xét kỷ luật, với kết luận “đã có những sai phạm nghiêm trọng về đạo đức lối sống, lề lối làm việc”. Người ta chờ đợi xem ông có phải “về vườn” hẳn hay không, hay vẫn được ở lại Ủy ban để mà thúc chỏ, bạt tai thêm vài đồng chí nữa.
Nhưng đợi đến bây giờ mới xét kỷ luật, chẳng phải là quá muộn sao?
Chừng đấy năm, người dân nhìn vào làm sao còn tin được tổ chức Đảng là trong sạch, là vững mạnh, khi thấy tổ chức Đảng ở Hải Lăng thật đúng như hình ảnh người phụ nữ thấp cổ bé họng ở nông thôn, âm thầm chịu đòn của đồng chí Hùng suốt bốn năm trời âm ỉ. Và những đồng chí Ánh, đồng chí Giạc, đồng chí Vinh, đồng chí Quang chịu ăn đấm để đi lên, đến mình còn không bảo vệ được mình thì làm sao bảo vệ được cho dân?
Xét cho cùng, không có các “đồng chí” thì cũng chẳng có “đồng chí” Hùng. Đã đến lúc, những “đồng chí” nào hèn hạ quá hoặc hung bạo quá, Đảng đều nên xem lại có nên cho tiếp tục làm “đồng chí” nữa hay không?
(An Bàng, Người đại biểu nhân dân, 2005)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"