Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Tôi đã từng có thể bị bắt như Hoàng Khương

Độc giả Dân Luận gửi qua đường email.

Tin Hoàng Khương bị khởi tố, khám nhà, bắt giam hôm nay là tin đầu tiên năm mới gây xúc động ít nhiều trong giới anh em báo chí. Vài người treo status dẫn đường link như biểu hiện tức giận với hành động của công an thành phố HCM.
Mình chẳng biết ông Hoàng Khương là ai. Cũng có người nói, Hoàng Khương cũng không phải "sạch sẽ" gì lắm, rồi có người thì ca ngợi bảo rằng, dù có thế nào, Hoàng Khương cũng là một phóng viên đã đóng góp không ít bài vở tạo nên tiếng tốt cho Tuổi trẻ... Mấy thứ này mình không biết, không ý kiến gì hết.
Ở đây, chỉ thấy có một điều, cách tác nghiệp viết bài về cảnh sát giao thông nhận hối lộ bằng cách cài bẫy, vào vai A, B, C gì đó để đưa tiền cho những thằng cảnh sát tham lam rõ là không ổn. Nhớ lại hồi năm 2006, khi còn ở báo Thanh niên, cũng có tham gia một nhóm pv đi viết bài về nạn mãi lộ dọc quốc lộ từ Lào Cai về Hà Nội. Khi đó, tuyến đường này đúng là cũng có chuyện. Một hiệp hội vận tải, ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp chở hàng kêu khổ những toán cảnh sát giao thông quá tham ăn, đòi quá nhiều tiền các xe tải hạng nặng 5-10-15 tấn... chạy hàng xuôi ngược lên Lào Cai: chỗ thì lấy 500 k/lượt, chố thì 2-300 k. Không ai chịu nổi. Thời đó, xe, cộ, hàng hoá qua lại tuyến này đông đặc, cứ cách 5-7 phút lại thấy một xe tải lớn chay qua, thế thì tiền mãi lộ, cướp đường hàng ngày như thế, cứ nhân lên độ 100 xe, các chú thu biết đến bao nhiêu?

Hồi đó, cảnh sát tuyến huyện theo quy định cũng chỉ được làm ở huyện lộ, tỉnh lộ cũng nhảy ra quốc lộ hòng xơi món "làm luật" của cánh lái xe chạy đường trường. Chúng tôi được bố trí làm vài nhóm để đi theo, ngồi ca bin với các tài xế, lơ xe để ghi hình, chụp ảnh. Những người nhờ lên tiếng viết bài ngây ngô tưởng rằng, báo chí viết bài, đưa tin về các hiện tượng này thì nó sẽ giảm bớt. Nhưng họ đã nhầm, chuyện này tý nói sau. Quả như lời các doah nghiệp phản ánh, những chuyện chúng tôi chứng kiến, ghi lại hệt như họ đã nói. Dọc cả tuyến đường, chẳng chỗ nào là chỗ không đòi tiền trắng trợn. Thậm chí không đòi thì các lái xe cùng phải tự động dừng xe lại mà đưa, không thế thì cảnh sát sẽ đuổi theo đòi và đòi gửi thêm cả tiền xe chạy đuổi theo. Thú vị nhất là trạm ở Yên Bái, tay sĩ quan CSGT còn chằng thèm nhìn mặt mình, cứ đòi tờ 500 k nguyên, không chấp nhận 5 tờ 100. Nói rất to, khệnh khạng, hình rất gần nên lúc đó ghi rất nét, trở thành tư liệu chính trong các bài về sau. Về cơ bản chuyến đi thành công nhưng cũng có những điểm kém.
Đào Hùng, lúc đó là phóng viên báo Pháp Luật và Đời sống (nay đã về làm PR cho ngân hàng SHB) có lúc được giao máy quay, nhưng lóng ngóng làm hỏng hết cả. Có lúc đẩy chú xuống thùng xe để quay từ lỗ hổng trên xe, thằng cha CSGT ở Phú Thọ thấy xe đóng kín mít cứ đòi mở ra bằng được thì thấy Đào Hùng mặt tái xanh tái tử bước ra. Cả bọn phải nhanh mồm nói: thằng này nó đau bụng quá, bọn em cho nó ngồi trong thùng xe cho nó dễ chịu. CSGT chửi: mẹ, chúng mày để nó đấy thì nó chết ra, làm sao mà không có ý nghi ngờ chú Đào Hùng ngồi đó để quay phim nhưng bị phát hiện, sợ quá, tái mét mặt. Nhớ lại cũng buồn cười. Sau đó thì loạt bài đó ở Thanh niên, Lao động và một số báo.... cũng gây ầm ĩ một phen. Sở Công an từ Lào Cai đến Hà Nội rúng động. Tất cả các phòng cảnh sát giao thông, cán bộ, chiến sĩ liên quan phải báo cáo, kiểm điểm. Người ta còn định khởi tố vụ án này và những phóng viên tham gia vụ này cũng có thể bị xem xét, khởi tố vì hành vi đưa hối lộ như Hoàng Khương. Nhưng sau này, chắc là vì lo ngại, chuyện đó có đem ra xử, bung bét ra thì cũng xấu mặt ngành nên phía bộ Công an chỉ chỉ đạo công an các tỉnh liên kiểm điểm, xử lý nội bộ. Với lại, số tiền cao nhất đưa có 500 k, ở một trạm thôi, chẳng bõ bèn. Phúc tổ. Nhiều anh em phóng viên đi theo đoàn thở phào. Mà hình như cuối cùng, cũng chỉ có chú trung tá CSGT trên Yên Bái, cái chú cứ khăng khăng đòi tờ "Cứ phải một tờ xanh ra đây" đó bị cách chức, chuyển công tác chứ còn đa số các CSGt có tham gia trực chiến, được nhắc đến trong các bài cũng không hề hấn gì cả. Doanh nghiệp thì sau đó nghe nói còn bị hành tới bến, các xe nào liên quan chở phóng viên đi tác nghiệp vụ đó cũng bị truy sát mọi nơi: Hải Phòng, Quảng Ninh... nếu CSGT thấy biển xe đó thì nhớ xử lý giùm đồng nghiệp. Nên có nghe nói, các chú tài xế, lơ xe chở mình đi cũng đến khổ, có lúc phải bỏ nghề một thời gian.
Giờ nhân vụ Hoàng Khương, nghĩ lại cũng thấy cách làm hồi đó không ổn. Tiêu cực là một chuyện nhưng cách thức chống tiêu cực thế nào là một chuyện khác. Thanh tra Bộ Công an họ thường bắt các cảnh sát giao thông làm bậy bằng cách đóng giả ăn xin, xe ôm, bán báo... lân la gần các trạm CSGT bị cho là hay ăn tiền để ghi hình, ghi âm... cho chính xác đầy đủ. Đó đúng là cách tốt nhất, vừa có bằng chứng thuyết phục lại không khiến người đấu tranh có thể bị liên lụy một khi vụ việc được đưa ra xét xử. Nhưng thực sự là cách mất nhiều thời gian, công sức và hầu như phóng viên từ trước đến nay ở các báo ít áp dụng. Cách phổ biến là ngồi chung xe với tài xế, đóng vai lơ xe, tài xế chạy xuống đưa tiền, cài máy ghi âm, ghi hình, ghi lại số seri tiền... Cách khác là đưa máy ghi âm luôn cho tài xế lúc xuống đưa tiền thì ghi luôn. Cách này, chính là cách Hoàng Khương áp dụng, chúng tôi đã từng áp dụng trước đây, có thể nói là nếu viết bài, nó sẽ thể hiện sự dấn thân của phóng viên, thu hút độc giả... nhưng kỳ thực, nghĩ cho đúng thì đây quả là hạ sách. Cho nên mới dẫn đến việc như Hoàng Khương bị công an khởi tố là vì thế.
Việc xét xử Hoàng Khương sau này thế nào thì khả năng xấu: ông này sẽ bị đi tù vài năm là rất có thể. Nhưng sau vụ án "điểm" này, chắc giới phóng viên cũng rút ra bài học, đừng dại gì mà chơi cái bài đó - về một mặt nào đó thì công an khi quyết định khởi tố một phóng viên vì hay viết bài bằng cách gài bẫy thế này đã đạt được mục đích. Ở những nước có quy định nghiêm ngặt bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực thì với những vụ thế này chắc phóng viên được bảo vệ, mặc dù họ không khuyến khích cách làm này. Ví dụ như là có những thằng cảnh sát giao thông mới vào nghề, nó cũng chưa thực sự tham ăn, sành sỏi như bọn đã làm lâu năm, nhưng ông là lái xe, ông cứ khăng khăng đưa tiền cho nó rồi ông chở quá tải... thì rõ là cách đó chỉ làm hư cán bộ, giống như giới bác sĩ vậy. Tiền lương chẳng đủ sống mà ngày ngày, chẳng đòi hỏi gì nhưng người ta cứ ấn tiền, đưa tiền cho mình thì ông có dần dần "mất nết" không? Chống tham nhũng đâu chỉ chống với người nhận tiền mà cần chống ở cả ý thức cứ như mặc định trong xã hội lâu nay, gặp thằng nào trong cơ quan công quyền, liên quan đến việc gì đó của mình, muốn nhanh thì cứ đưa tiền cái đã. Thế nên, có thực tế rất buồn cười là ở nhiều cơ sở tư nhân như phòng khám tư nhân, có nhiều người vẫn cứ thói quen đưa tiền cho bác sĩ, y tá mà không biết là, tư nhân thì bn tiền, phí nó gộp vào cái tiền phí khám chữa bệnh cao ngất của họ rồi. Cho nên, ở những vụ như mãi lộ, việc ông đóng vai làm lơ xe mà tự nhiên ông đưa tới cả chục triệu đồng cho người ta chẳng hạn rồi bảo là người ta tham quá, đòi tới 10 triệu thì cũng không được thuyết phục lắm nhỉ ? Bỏ cách này thôi, không lại có thêm Hoàng Khương thứ 2, thứ 3 nữa... chẳng hay ho gì. Nói chung là rất hiểm nguy, nguy hiểm. Được một vài bài nghe có vẻ nóng sốt, được độc giả comment khen ngợi, cơ quan chấm nhuận bút cao nhưng đến lúc chẳng may, nó quy cho tội đưa hối lộ, cãi được nó ở tòa khó lắm. Muốn làm, tìm cách khác, như sửa xe, vá xe, bán báo... gần trạm CSGT hoặc ngổi trên tầng 2-3 các nhà, quán cà phê chĩa tele xuống chụp, quay. Còn ở nơi đồng không, mông quạnh thì kêu lái xe, mấy anh kêu khổ thì mấy anh ghi hình, ghi âm cho rõ, đưa cho tôi, có thể tôi đăng.
Nhưng có điều, với vụ Hoàng Khương, mình cũng thấy lạ: Báo Tuổi trẻ sao hăng hái, nhanh chóng hợp tác với cơ quan chức năng để họ khởi tố phóng viên của mình đến thế mà chẳng có dòng nào trên báo để nói cho bạn đọc, cho đồng nghiệp hiểu? Nếu phóng viên có sai thì sai ở đâu? Sai như vậy liên quan đến ông nào trong tòa soạn, trong ban biên tập? Bởi vì, Hoàng Khương viết về mãi lộ đâu chỉ một lần, hình như có vài chục bài, bài nào cũng nhiều kỳ, cách tác nghiệp hầu như là như thế: cài bẫy, ghi âm... Thế thì ông tòa soạn, các ông trong ban biên tập chẳng đọc mãi, biết hết sao không ngăn cấm: bảo ông làm thế không được, ông xem làm cách khác đi. Trong bài viết của Hoàng Khương ghi rõ là tôi làm thế này, tôi làm thế kia... ông duyệt bài nó, ông thấy cách làm không ổn mà ông vẫn đăng bài, vẫn thưởng nhuận bút... thế mà nay phóng viên bị khởi tố, vào lao tù mà ông chẳng sao cả, vẫn rung đùi ngồi đấy, ăn nhậu... thì bị đồng nghiệp các báo nó chửi là phủi tay với phóng viên thì cũng chẳng oan lắm nhỉ?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"