Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Bất đồng chính kiến?

Người Buôn Gió

Nước Vệ nói rằng ở nước họ không ai bị bắt vì bất đồng chính kiến.
Các nước khác chả ai tin, thật oan uổng cho Vệ. Vì sự thật đúng là như Vệ nói.
Nước Vệ từ thời lập quốc đến nay, trải qua 67 mùa xuân, bao lần bầu cử lần nào dân chúng cũng ủng hộ triều đình tuyệt đối. Người dân Vệ ai cũng đời đời ghi ơn công lao nhà Sản đã đổ xương máu của mọi người ra giành được triều đình về nhà Sản từ tay triều đình khác, ơn ấy dân chúng ghi lòng tạc da, dẫu thời thế đôi khi kém cơm, đói gạo cũng không vì thế mà có bụng khác.
Sứ thần nước nọ vốn tính đa nghi, hiếu sự hay thóc mách chuyện lạ lùng. Nghe thấy người Vệ nói ở đó không có ai bất đồng chính kiến, mới sinh bụng ngờ vực. Bèn nhân chuyến bang giao sang Vệ, đóng giả làm thương gia lân la quán chợ hỏi chuyện nhân tình, thế thái.
Bấy giờ là mùa đông, miền Bắc nước Vệ lạnh dữ dội. Sứ thần nghe trong quán rượu xì xầm chuyện xe ngựa bốc cháy nhiều. Mới đến gần bàn đám đó hỏi sao mà xe cộ, nhà cửa cháy nhiều thế. Người Vệ thấy khách lạ hỏi chuyện ai nấy đều lảng đi không trả lời, chủ quán vì không muốn làm khách ngoại quốc hiểu sai về người Vệ không cởi mở bèn chỉ cho khách đến gặp văn thư ở bộ Lại mà hỏi chuyện.
Văn thư bộ Lại nói rằng, đó là do nhà Sản được lòng trời, nên cháy nổ mới nhiều như vậy.
Khách há hốc mồm ngạc nhiên, xin hỏi rõ nguồn cơn.
Văn thư nói:
- Ông đi xa, biết rộng đọc nhiều. Há không biết là âm dương phải hài hòa, cân đối là điều tốt sao?
Khách gật đầu, văn thư nói:
- Bởi năm nay thời tiết lạnh giá, trời thương nước Vệ mới ban lửa xuống để cân bằng, mà lửa trời ban thì bí hiểm lạ thường. Cho nên chuyện nguyên nhân cháy cũng khác thường vậy thôi. Nơi khác thì cháy từ bếp ra, nước Vệ thì cháy từ ngoài đường cháy vào. Phải cháy lạ như vậy mới đúng là trời làm để nước Vệ bớt lạnh giữa mùa đông khắc nghiệt này.
Khách vốn không phải tay vừa, vì bản chất lắm chuyện mới hỏi vặn rằng:
- Biết đâu nước Vệ làm gì thất đức, động đến lòng trời thì sao. Ví như trời thời tiết lạnh giá thế này lại đem bắt người oan uổng, bất đồng chính kiến vào ngục tối giam cầm. Trời thương những người ấy lạnh lẽo mà làm lửa khác lạ như thế có ý nhắc nhở chăng?
Văn thư nghiêm mặt nói:
- Ở nước Vệ không có ai vì bất đồng chính kiến mà bị bắt cả, không tin tôi cấp giấy cho ông đi hỏi khắp nơi, muốn hỏi ai cũng được cho khách quan.
Nói rồi đóng triện, cấp giấy cho khách đi hỏi.
Khách cầm giấy ra chợ gặp một nho sinh, mời vào quán hỏi có biết ở nước Vệ có ai bất đồng chính kiến mà bị bắt không. Nho sinh nói:
- Nước Vệ không có ai làm bất đồng chính kiến cả, vì làm được như thế là điều rất khó. Muốn làm được điều ấy phải vượt qua nhiều hiểm nguy. Mà những hiểm nguy này được ghi rõ thành luật là bộ luật hình sự. Cho nên những người bất đồng chính kiến đều bị bắt bởi vi phạm luật hình trước khi kịp trở thành nhà bất đồng chính kiến.
Ngừng nhìn quanh rồi nói tiếp:
- Ví như một người có gì không đồng ý với triều đình, thì phải làm đơn nói rõ những điều mình không đồng tình. Dán kín thư không cho ai biết nội dung và gửi đến bộ phận tiếp đơn của nhà Sản.
Khách hỏi:
- Sao phải dấu kín, như thế ai biết là bất đồng chính kiến?
Nho sinh cười sằng sặc:
- Hay là ở chỗ ấy, ông bất đồng chính kiến thì phải không để ai biết ông là bất đồng. Này nhé ở Vệ có tội cấm tán phát, tuyên truyền tài liệu nói xấu nhà Sản. Nếu ông ấm thâm gửi đơn cớ đến thẳng bộ phận quản lý triều đình, không ai biết ngoài cái nơi nhân thì được gọi là ý kiến đóng góp đa chiều. Ông trở thành nhà bất đồng chính kiến không ai biết. Nhưng nếu ông phán tán cái tờ cớ của ông, trong đó nói nhà Sản phải thay đổi, làm thế này, thế kia vì thế nọ...rõ ràng là ông sẽ bị khép vào tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận phỉ báng triều đình. Thế là ông đi tù khi chưa kịp trở thành nhà bất đồng chính kiến là vậy. Đương nhiên nếu thế thì đúng nước Vệ bắt người tuyên truyền, phỉ báng triều đình chứ có bắt người bất đồng chính kiến đâu.
Khách hặc:
- Thế gửi đơn đến họ không trả lời sao?
Nho sinh:
- Thì lại gửi đơn tiếp, gửi năm này sang năm khác, tháng này sang tháng khác.
Khách:
- Cứ gửi liên miên thế thôi à?
Nho sinh:
- Thưa vâng, cứ gửi âm thầm như thế thôi, được trả lời hay không, đơn mình có được xem hay không tuyệt không được bức xúc. Có thế mới là người bất đồng chính kiến thật sự.
Khách hậm hực:
- Thế xin ngài đưa tôi đi chứng kiến một người bất đồng chứng kiến thật sự như ngài nói.
Nho sinh cười hô hố nói rằng:
- Nói từ nãy ông không hiểu, nếu mà ông biết người ấy là bất đồng chính kiến thì họ đâu còn là vậy nữa. Thậm chí đơn của họ gửi người ta cũng không thèm đọc xếp vào xó, cho nên chính triều đình cũng không biết có bất đồng chính kiến vì có ai đọc họ viết gì đâu mà biết.
Khách:
- Thế là sao?
Nho sinh:
- Thì nếu ông biết họ, thì họ đã bị bắt vì tôi liên tiếp gửi đơn thư khiếu nại sai sự thật, gây phiền hà cho cơ quan nhận đơn. Xét thấy hành vi chưa đủ đưa ra xét xử, nhưng vi phạm nhiều lần nên cho tập trung vào trải cải tạo để giáo dục.
Khách:
- Lại còn có chuyện thế nữa sao?
Nho sinh cười sằng sặc:
- Ấy thì ông chỉ gặp kẻ kém phẩm chất, cần phải giáo dục chứ đâu còn gặp nhà bất đồng chính kiến.
Khách nghe xong đầu óc ù ù như hàng trăm con ong, nghìn tiếng sấm trong đầu. Ngã lăn quay ra bất tỉnh.
Người Buôn Gió

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"