Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Hoàng Khương và chuyện đầu gà đít vịt

Mai Việt Tú 
Tác giả gửi tới Dân Luận

LỜI MỞ ĐẦU

Nhà báo Hoàng Khương bị công an bắt giam và truy tố vào vụ án tham nhũng của công an. Mặc dù đã nhiều người bình luận góp ý vào vụ án này, tôi thấy rất nhiều phê bình có tội hay không mà không nhìn vào bản chất đầu đuôi của vụ án mà nhà báo Hoàng Khương là nạn nhân hơn là kẻ phạm tội. Do đó tôi mạn phép đóng góp vài nhận xét thẳng thắn.
Khoa học xã hội tự nhiên ở môi trường Việt Nam đã khám phá ra những loài mới như cừu, bò và sâu; và bây giờ lại khám phá thêm một loài mới nữa. Nhà báo ở Việt Nam làm việc vất vả để kiếm sống nuôi gia đình như bao người làm việc khác. Xã hội hiện tại ở Việt Nam đã biến những nhà báo thành những một loài thú đầu gà đít vịt. Tổng biên tập lấy các hạt thóc lúa thức ăn từ tuyên giáo của ĐCSVN và cho những con gà ăn. Những con gà bắt buộc phải tiêu hóa những thức ăn đó và phải thải ra những tin vịt (không dám viết những gì mình nghĩ mà thậm chí còn không dám viết cả về sự thật) để phân phát cho mọi thành phần dân chúng trong xã hội tiêu thụ. Và một ngày nào đó có một trong những cơ quan quyền hành nhất tiêu thụ không nổi và phân đã dính vào cánh quạt.
Chúng ta hãy đi sâu vào sự phân tích để tìm hiểu bản chất của vấn đề.

BẢN CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

Cái nhà nước được nhìn như một thân thể hình thành do sự “khắn khít đồng tình” giữa ĐCSVN và chính phủ. Những bộ phận của cái thân thể nhà nước này có những lằn ranh giới phân chia theo mô hình từ trên xuống dưới. Mỗi bộ phận mặc dù thực thi những chỉ thị từ trên, nhưng trong thực tế hành động ở cấp thấp có thể tạo sự va chạm giữa các bộ phận với nhau. Hai trong số những bộ phận ấy là thông tin báo chí và công an và chưa kể cái bộ phận công cụ khác là tòa án.
Hoàn toàn bộ phận thông tin báo chí tại Việt Nam do nhà nước làm chủ và do đó những cán bộ cao cấp được bổ nhiệm như những cơ quan chính phủ khác. Bộ phận thông tin báo chí phải nhận những chỉ thị, tuyên huấn để thực hiện những điểm nhà nước đề ra. Quá trình kinh tế thị trường đã tăng năng suất do sự cạnh tranh với các báo chí truyền hình quốc doanh với nhau và nhà nước bớt “giúp đỡ tài chánh” như những thời bao cấp. Mặc dù tôi có nghe nói có báo chả có bao nhiêu người mua đọc mà còn cho không mà báo vẫn sống phây phây, chả biết tiền đâu ra. Có lẽ các báo này vẫn viết về mấy cái lý luận cùn cộng sản nên vẫn còn có nguồn “giúp đỡ tài chánh” trong khi các báo khác chuyển hướng đến những vấn đề sát với dân chúng hoặc đánh động với ba cái vụ lá cải, có lẽ đối với dân Việt Nam “kinh tế thị trường” sexy hơn “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐCSVN giao cho cơ quan báo chí là đánh tham nhũng “ở mức giám định” bởi vì những lãnh đạo cao cấp họ cũng biết rằng chính họ phải bảo vệ ăn chia lẫn nhau để cùng tồn tại nhưng họ cũng phải bảo vệ tính chính thống của chế độ để tồn tại, đây chính là trung điểm mà TBT Nguyễn Phú Trọng đề cặp úp mở huề tiền bởi vì dẹp sạch tham nhũng thì ĐCSVN cũng chết mà tham những nhiều quá thì ĐCSVN cũng chết. Do đó bản chất của sự quản trị đất nước tại Việt Nam là phải có tham nhũng. Và ai cũng biết những kiểu cách chỉnh đốn Đảng mà bản chất chỉ là những vá đắp để kéo về cái trung điểm và đưa đến kéo dài sự tụt hậu cho đất nước thay vì phải xóa bỏ cái “khắn khít đồng tình” giữa Đảng và chính phủ để đưa Đảng trở về vị trí chỉ làm chính sách chứ không được trực tiếp điều hành công việc của chính phủ. Bản chất của sự “khắn khít đồng tình” chính là sự xung đột quyền lợi mà các nước văn minh đã trải qua quá trình tranh đấu để loại bỏ.
Nhà báo (quốc doanh) bị kẹp trong “ở mức giám định” thì hiến pháp, luật pháp kể cả luật báo chí có ý nghĩa thực sự gì? Ý nghĩa chỉ là bề mặt nổi cho dân thấy tính chính thống của chế độ và nó cũng không kém quan trọng trong tình thế hiện tại. Và cái anh chị đầu gà đuôi vịt này trở thành người diễn kịch cho sự chính thống ấy. Hoàng Khương chính là nạn nhân của lỗi hệ thống (câu bất hủ của bác Nguyễn Văn An). Và tôi tin rằng báo Tuổi Trẻ muốn sống còn phải hết lòng bảo vệ cho đến cùng người nhân viên nạn nhân này mặc dù bộ phận công an đã gồng mình đi từ “còn đảng, còn mình” đến “còn mình, còn đảng” và có thể họ đã được lãnh đạo ĐCSVN bật đèn xanh cho phép bắt và truy tố Hoàng Khương. Báo Tuổi Trẻ phải giữ vững lập trường là vẫn trả lương cho Hoàng Khương như một người vẫn đang làm việc để chứng tỏ công an bắt ông ta trái pháp luật, hậu thuẩn ông ta bằng cách mướn và trả tiền cho luật sư giỏi nhất để bảo vệ ông ta và xử dụng lá bài tính chính thống của chế độ qua pháp luật nghiêm minh bời vì ở xã hội văn minh nhà báo chỉ bị tự nguyện đi tù nếu khi vụ án ra tòa chánh án bắt họ phải khai ra nguồn nhân chứng của vụ án và nhà báo từ chối để bảo vệ nhân chứng của họ có thể bị dính líu đến tù tội.
Cho dù Hoàng Khương có bị đưa ra tòa thì lương tâm của tòa án bắt buộc chánh án phải vứt vụ này ra khỏi tòa và chính người công an truy tố Hoàng Khương bị truy tố về tội contempt of court, tội làm giảm phẩm giá của tòa án trong tiến trình công lý. Vì vụ án dính tới công an, và nếu vì tính chính thống của chế độ thì thủ tướng phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập thường là đứng đầu bởi một vị thẩm phán hồi hưu có uy tín (người như luật sư Trần Lâm nếu sức khỏe cho phép).

KẾT LUẬN

Tôi muốn kết luận bằng bốn câu hát lối trước khi dzô sáu câu vọng cổ:
Trời hỡi, sao anh lại đi làm… báo!
Anh trả lời vì hoàn cảnh nó đẩy đưa.
Em không hiểu hoàn cảnh nào mà nó đẩy đưa anh
Anh làm báo mà sao anh bị… báo!
Chả thấy có anh thợ viết nào viết tác phẩm “Một ngày trong đời của Nguyễn Văn Gà” tương tự như cuốn “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” của văn hào Aleksandr Solzhenitsyn nhể!
Mai Việt Tú
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Ngày 6 tháng 1 năm 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"