Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Chỉ có đường mới hiểu, tiền đi đâu về đâu?


Lương Kháu Lão
Rất xin lỗi cố thi sĩ Xuân Quỳnh khi đã nhại ý thơ của chị khi viết về một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm, đang đánh dấu hỏi và đang phẫn nộ.
Khi đề xuất chủ trương thu lệ phí giao thông ở các thành phố lớn, Bộ Giao thông vận tải lí giải để góp phần khắc phục tình trạng ách tắc giao thông. Và ngay lúc đó đã có hàng trăm phản hồi cho rằng lí do ách tắc giao thông không thể giải quyết bằng sự có thêm tiền dù là hàng chục ngàn tỉ đồng từ tiền túi của người dân. Nên khi họp báo về chuyện lùm xùm này Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lại đưa ra một lí giải khác, đó là có thêm tiền để xây dựng các công trình giao thông. Nói thẳng thừng ra là Bộ đã hết tiền. Vậy có đúng là Bộ GTVT đã hết tiền và vì sao mà hết tiền nếu kiểm toán chặt chẽ số tiền mà Nhà nước đã dành cho giao thông và số lượng và chất lượng các con đường, các cây cầu ngành giao thông đã làm được trong những năm qua.

Còn nhớ trong một cuộc họp giao ban ở Bộ Giao thông vận tải đầu năm 2010, nguyên Bộ trưởng Bộ này là ông Hồ Nghĩa Dũng đã thông báo từ tháng sáu không còn tiền nữa nên các đơn vị thi công có thể cho công nhân “đi chơi”. Theo đó rất nhiều công trình đang xây dựng từ trung ương đến địa phương làm chủ đầu tư rơi vào tình trạng “treo”. Các con đường đang thi công dở dang là nỗi ám ảnh cho những người tham gia giao thông vì tắc đường kẹt xe triền miên, vì những ổ gà ổ voi, vì xình lầy và bụi phủ mờ mịt. Dân kêu trời nhưng trời đâu có thấu.
Vậy có phải vì thiếu tiền không mà nên nông nỗi này không?
Chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì đâu?
Trước hết tiền ngân sách dành cho xây dựng cở sở hạ tầng là rất lớn, nó chiếm phần lớn GDP quốc gia. Tiền vay ODA cũng hầu như chỉ dành cho giao thông. Tôi không thể có được một con số cụ thể là bao nhiêu ngàn tỉ đồng, bao nhiểu tỉ đô la vì là “bí mật quốc gia”nhưng không thể nói là thiếu tiền. Vậy tiền đi đâu về đâu?
 An Nhơn (VNExpress)
Ổ gà trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: An Nhơn (VNExpress)
Tất nhiên tiền dành cho giao thông không thể là vô hạn, không thể không để cho các mục tiêu dân sinh khác cũng quan trọng không kém nhưng tiền đã rơi vào tay những con người thuộc hai dạng thức sau đây:
Một là có tư duy kém cỏi từ trung ương đến địa phương. Ai đời tiền ít mà dầu tư thì quá dàn trải, chỗ nào cũng làm đường, địa phương nào cũng muốn hoành tráng. Thế nên khi hết tiền thì cả nước kêu khổ. Lỗi này thuộc về ai? Ông Bộ kế hoạch đầu tư hay Bộ Tài chính? Chính phủ hay Quốc hội? Tỉnh ủy hay Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố? Nếu là người có tầm nhìn xa thì họ-những người được nhân dân giao cho nhiệm vụ quản lí xã hội phải biết liệu cơm gắp mắm, nên làm cái gì trước làm cái gì sau không phải chỉ trong nhiệm kì năm năm, mười năm công tác của họ mà phải nghĩ đến tương lai cả trăm năm sau cho con cháu mai sau.
Mặt cầu Thăng Long (30/11/2011, Dân trí)
Mặt cầu Thăng Long (30/11/2011, Dân trí)
Xin dẫn ra đây một thí dụ. Giá như những năm 1990, chúng ta không đầu tư làm con đường Trường Sơn công nghiệp hóa mà dành tiền làm metro ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Mình thì đâu xảy ra nạn ách tắc giao thông như bây giờ hay làm đường đôi trên quốc lộ I thì đâu có nhiều tai nạn giao thông khủng khiếp như hôm nay.
Tôi rất phục ông Võ Văn Kiệt nhưng không thể đồng ý với ông khi quyết định làm con đường đi qua toàn vùng rừng núi hầu như không có dân cư. Một lần đi con đường đó tôi phải vượt qua 300 km mới tìm được một chỗ nghỉ chân có quán cơm để ăn. Con đường được thi công khẩn trương vừa thiết kế vừa thi công cho dù đã thuê các nhà kĩ thuật Cuba làm tư vấn là chỗ tiêu tiền béo bở cho các nhà thầu và chủ đầu tư khi muốn cho ai làm đoạn nào thì làm chỉ cần lãnh đạo Bộ Giao thông ok là được. Được biết đến hôm nay vẫn chưa ai biết con đường làm hết bao nhiêu tiền chưa kể hàng năm mưa lũ làm sạt lở hàng chục vạn mét khối đất đá mà đơn vị quản lí phải san ủi để thông đường thông xe và ai có thể tính toán chính xác khối lượng đất đá để thanh quyết toán?
Nếu lập luận rằng con đường đó góp phần làm khởi săc kinh tế các vùng đân cư mà nó đi qua cũng không phải vì hơn mười năm đã trôi qua chả có ma dại nào đến đầu tư ở nơi khỉ ho cò gáy không có tài nguyên và không có dân cư suốt chiều dài con đường này. Còn lập luận rằng nó là con đường thần tốc nếu có chiến tranh xảy ra thì cũng rất lạc hậu vì bây giờ dùng máy bay nhanh hơn dùng xe tăng rất nhiều. Sự lãng phí là không thể tính hết khi khuất lấp bởi một kiểu tư duy duy ý chí như thế này.
Hai là có một thực tế khác không thể không nói đến là tư duy nhiệm kì và lợi ích nhóm đang chi phối việc phân cấp quản lí, việc chia chác kinh phí từ Trung ương cho các Bộ ngành và các địa phương.
Địa phương nào “biết điều” thì được cấp nhiều tiền để làm công trình này công trình nọ. Không phải trường hợp nào cũng phải thối lại 10% hay 20% vì như thế trắng trợn quá và dễ bị lộ, nhưng cũng không phải không có trường hợp các địa phương dùng “mỹ nhân kế“ để đi xin tiền ở Trung ương. Chỉ cần các chị Phó chủ tịch tỉnh xinh đẹp ởn ẻn đến các vị Bộ trưởng rằng tỉnh em khó khăn lắm mong nhờ anh chiếu cố là vị nào vị ấy siêu lòng ok ngay. Và tiền về đến địa phương là tha hồ tự tung tự tác. Gọi đơn vị thân quen người nhà, là sân sau đến nhận nhiệm vụ và tiền vào đường là 40 - 50 phần trăm thì chỉ có đường mới hiểu. Nếu có cuộc điều tra thì sẽ thấy bao nhiêu quan chức địa phương có tiền mua nhà cho con ở Hà Nội sẽ thấy tiền dự án thất thoát ra sao.
Như vậy thiếu tiền để làm các dự án trọng điểm hoàn toàn do các nhà quản lí gây ra. Bây giờ thiếu tiền lại nghĩ ra cách “móc túi” người dân bằng các khoản thu, các khoản lệ phí này khác rồi viện dẫn nước này nước khác cũng đã làm như vậy là không thể thuyết phục. Nếu lỗi để thiếu tiền do thất thoát từ khâu quản lí của nhà nước thì nhà nước phải lo tiền để bù lấp chứ không thể đổ lên đầu dân đen được. Đấy là chưa kể xin ông bộ trưởng Bộ Giao thông giải thích cho vụ cán bộ của ông cá độ bóng đá hàng chục ngàn đô la ở PMU18 trước đây và vụ đánh cờ người ăn tiền hàng tỉ đồng ở ngành giao thông tỉnh Sóc Trang mới đây thì tiền đó có phải là ăn ở đường mà ra không. Nếu không có các con sâu mọt như thế thì ngành giao thông đâu có thiếu tiền để làm cầu đường? Hay ông lại nói rằng vợ nó đi buôn giầu lắm hay chơi đề mà có chứ làm gì có chuyện thất thoát trong các công trình xây dựng giao thông. Bằng chứng đâu? Thế thì "bó tay.com" thôi thưa ông bộ trưởng.
Lương Kháu Lão

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"