Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Câu chuyện của Đô Đốc William McRaven, người chỉ huy hạ sát Bin Laden



Văn Giang/Người Việt (lược dịch từ TIME)

Một ngày giữa Tháng Bảy năm 2001, chỉ gần hai tháng trước khi cả thế giới nghe nói đến tên Osama bin Laden, Hải Quân Ðại Tá McRaven, khi đó 45 tuổi, chỉ huy một toán Hải Kích (SEAL) nhảy dù thực tập gần San Diego.


Ðô Ðốc William McRaven, người chỉ huy vụ đột kích hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden. (Hình: Win McNamee/Getty Images)


Tai nạn 
Các Hải Kích này rơi tự do từ phi cơ ở độ cao 10,000 feet (khoảng 3,048 m), chỉ mở dù khi gần đến đất để tránh khả năng bị phát giác khi thực sự nhảy vào vùng địch. Khi họ gần đến giai đoạn mở dù, một trong những quân nhân dưới quyền Ðại Tá McRaven dạt ngay vào phía dưới ông ta.
Ít giây sau, người này cho bung dù, đập mạnh vào McRaven với tốc độ hơn 100 miles/giờ (khoảng 160 km/giờ).
Ðại Tá McRaven kể cho tạp chí TIME hay: “Một phần dù quấn quanh một chân của tôi, một phần khác quấn chân bên kia, và khi dù mở, nó kéo tung người tôi ra.” Ông bị gãy lưng và xương chậu trong lần nhảy dù này.
Tám tuần sau đó, vụ tấn công của khủng bố “911” xảy ra. Ðại Tá McRaven và bốn toán Hải Kích dưới quyền ông đã khổ công luyện tập để có ngày đối phó với hoàn cảnh này, nhưng lúc đó ông chỉ có thể theo dõi tin tức từ giường bệnh. Liên Ðội 1 Hải Kích khởi sự cuộc săn lùng Osama bin Laden mà không có vị chỉ huy của họ; Ðại Tá McRaven thời gian ngắn sau đó từ chức chỉ huy.
Nhưng câu chuyện không chấm dứt nơi đây. Ðại Tá McRaven bình phục, quay trở lại phục vụ và từ từ lên đến cấp tướng. Bin Laden lẩn trốn và năm nay, một thập niên sau đó, định mạng đưa họ đối đầu nhau.
Geronimo EKIA”
Vẫn theo bài báo của TIME, khi tình báo Mỹ có đủ tin tức để coi như phần nào chắc chắn về nơi con mồi của họ đang ẩn náu, ông McRaven, lúc này đã là tướng ba sao, đứng đầu Liên Bộ Chỉ Huy Hành Quân Ðặc Nhiệm (JSOC), cơ quan điều hành các đơn vị biệt kích của Mỹ. Và do đó, hôm 29 Tháng Giêng năm nay, Ðô Ðốc McRaven là người được lệnh khởi sự soạn thảo kế hoạch tấn công bắt giữ hoặc hạ sát bin Laden. Vào ngày 1 Tháng Năm, sau khi được Tổng Thống Obama ra lệnh thi hành, cũng chính Ðô Ðốc McRaven chỉ huy cuộc đột kích bằng trực thăng vào nơi ẩn náu của bin Laden ở Abbottabad, sâu trong nội địa Pakistan. Ðêm đó, đích thân McRaven, qua đường dây truyền hình từ Jalalabad, Afghanistan, tường thuật trực tiếp về Tòa Bạch Ốc diễn tiến từng phút của cuộc hành quân cho Tổng Thống Obama.
TIME viết rằng: “Giọng ông ta cũng giống như của nhà báo lừng danh Walter Cronkite, hoàn toàn bình tĩnh,” theo lời Michael Leiter, người lúc đó là giám đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố của Mỹ.
Và khi chiếc trực thăng đi đầu bị rớt, khiến những người trong phòng thuyết trình hồi hộp cực điểm, Ðô Ðốc McRaven vẫn trầm tĩnh thông báo mọi sự xảy ra.
Vào phần cuối của cuộc tấn công, khi lính Hải Kích đi lùng từng phòng để kiếm bin Laden, Ðại Tá McRaven đột nhiên đứng dậy rời khỏi ghế của mình. Một sự im lặng nặng nề bao trùm căn phòng trong Tòa Bạch Ốc trong khi màn ảnh truyền hình vẫn chỉ thấy chiếc ghế trống của vị Ðô Ðốc. Nhưng rồi McRaven xuất hiện trở lại trên màn ảnh, ông loan báo: “Tôi muốn xác nhận rằng chúng ta đã có được báo cáo 'Geronimo EKIA' (kẻ địch bị hạ sát khi giao tranh - Enemy Killed in Action)”. Vẫn một giọng nói từ tốn!
Chiến lược gia
Cuộc đời binh nghiệp của Ðô Ðốc McRaven từng gặp trắc trở vì bản tính cương trực và nếu không vì khả năng cá nhân xuất sắc thì đã coi như tàn lụi từ lâu rồi.
TIME ghi nhận, năm 1982, Hải Quân Mỹ thành lập một đơn vị đặc nhiệm, chuyên chống khủng bố, có tên là Toán Phát Triển Chiến Tranh Ðặc Biệt Hải Quân (còn được biết dưới tên DevGru hay SEAL TEAM 6), dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Trung Tá Richard Marcinko, một sĩ quan nhiều mưu lược nhưng nóng nảy, ưa văng tục chửi thề, bản tính nghênh ngang và không chịu tuân theo các quy luật của quân đội. Trung Tá Marcinko có trách nhiệm thành lập đơn vị này và có quyền chọn những người ông coi là xuất sắc nhất, trong số này có Trung Úy McRaven.
Marcinko có công thành lập một đơn vị mới, có vai trò quan trọng, được coi là ưu tú nhất trong các đơn vị ưu tú để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, nhưng lại gặp nhiều tai tiếng về đủ mọi mặt. Trung Úy McRaven được điều động về đơn vị mới, chỉ huy một trung đội trong đơn vị được coi là ước mơ của những người lính thích xông pha mạo hiểm.
Nhưng viên sĩ quan trẻ tuổi cấp thấp McRaven lại dám có thái độ cương trực bày tỏ sự không đồng ý về một số hành động của đơn vị trưởng mình. Và chỉ một năm sau, Marcinko đẩy ông ra khỏi đơn vị.
Ngày nay, McRaven gọi Marcinko là “người có sức thu hút” đáng được kể công là thành lập một đơn vị quan trọng ngay từ đầu. “Ông ta là sếp lớn, tôi chỉ là một trung úy trẻ. Có một số điều tôi nghĩ là không đúng trong lúc làm việc... và ông ta đẩy tôi ra.”
Nhiều sĩ quan trẻ trong Hải Quân Mỹ lúc đó ngưỡng mộ hành động can đảm của McRaven, nhưng phần lớn đều cho rằng đời binh nghiệp của ông coi như đã tàn.
Nhưng nhờ vào các báo cáo về khả năng xuất sắc trước đó, McRaven được chọn về chỉ huy một trung đội trong Liên Ðội Hải Kích Số 4. Từ đó, ông như diều gặp gió, tham gia nhiều chiến trận, lập nhiều chiến tích và thăng cấp nhanh chóng. Ða số các hoạt động nơi chiến trường của ông trước khi lên cấp tướng cho đến nay vẫn còn được giữ mật.
Không chỉ xuất sắc nơi chiến trường, McRaven cũng là một nhà tham mưu giỏi. Khi được đưa về học khóa tham mưu ở trường Naval Postgraduate School ở thành phố Monterey, tiểu bang California, ông viết một tiểu luận mang tên “Lý Thuyết Về Hành Quân Ðặc Biệt,” được Hải Quân Mỹ coi là “có ảnh hưởng không chỉ đến hành quân đặc biệt mà còn cho cả Bộ Quốc Phòng”.
Trong tiểu luận này, McRaven cho rằng chiến lược gia nổi tiếng lịch sử, Carl von Clausewitz, đã sai lầm. Ðô Ðốc McRaven chứng minh điều ngược lại, rằng một lực lượng nhỏ ở thế chủ động có thể đánh bại một lực lượng lớn phòng ngự kỹ càng.
Hồi Tháng Tư năm nay, một tháng trước khi có cuộc hành quân đột kích vào nơi ẩn náu của Osama bin Laden, Tổng Thống Obama đề cử Ðô Ðốc McRaven, và được Quốc Hội chấp thuận, cho ông thêm ngôi sao thứ tư, đồng thời bổ nhiệm ông vào chức vụ Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Hành Quân Ðặc Biệt Mỹ (US SOCOM) với tổng hành dinh đặt tại Tampa, Florida, có nhiệm vụ chỉ huy mọi đơn vị đặc biệt của Mỹ thuộc các quân binh chủng.
Nhiều người tin rằng đây sẽ không là nhiệm vụ chỉ huy sau cùng trong đời binh nghiệp của Ðô Ðốc McRaven.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"