Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Từ Đồng Nọc Nạn tới Cống Rộc!

Nhà văn Sơn Nam trong quyển biên khảo “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” phần phụ lục có “Vụ án Nọc Nạn.”
Xin hãy cùng người viết xem lại cuồn phim của một trận đánh không cân sức giữa bọn cường hào ác bá dựa hơi thực dân Pháp với súng ống đầy đủ và gia đình người nông dân tay lắm chân bùn chỉ có dao, mác nhưng liều chết để bảo vệ phần đất của ông cha đã dày công khai khẩn.
Trước năm 1900, một nông phu đến khai phá rừng ở rạch Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, quận Giá Lai, tỉnh Bạc Liêu trên diện tích non 73 mẫu tây.
Đất khai phá phải trải qua hai ba năm đầu không có huê lợi vì cây cỏ còn nhiều, nào gốc cây, nào đất trũng quá thấp, nạn chuột bọ, heo rừng. Lúc bắt đầu khai phá thì vùng này hoang vu, thưa thớt dân cư, chẳng thấy ai đến tranh giành cả.
Sau khi ông nội rồi cha mất, Biện Toại là con trai lớn trong gia đình và các em canh tác trên đất của tổ phụ để lại.
Dè đâu năm 1917 xảy ra một biến cố: hương chức làng Phong Thạnh tiết lộ rằng phần đất của anh em Biện Toại, giáp ranh với phần đất của Nguyễn Thị Dương đã khai thác xong nhưng chưa có bằng khoán chính thức.
Bang Tắc, tên thật là Mã Ngân, Huê kiều giàu khét tiếng, rành luật lệ, làm giấy tờ mua đất, cho thêm bà Dương chút ít tiền để trong tờ bán đất ghi rằng “bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất mà anh em Biện Toại đang khai thác”.
Sau đó bang Tắc bán sở đất trên cho một bà rất có uy thế: bà Hà Thị Tr., mẹ vợ của người anh ông phủ H. Bà này mua xong, bèn đòi thâu địa tô trên phần đất mà anh em Biện Toàn đang canh tác.
Thảm trạng xảy ra vào sáng khoảng 7 giờ sángngày 16-2-1928. Hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn người lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng đong số lúa hiện ở trên phần đất của anh em BiệnToại.
Mười lăm phút sau, Nguyễn Thị Trọng, em của Biện Toại, đi ra, hướng về đống lúa. Cô Trọng phản đối bằng lời lẽ khẳng khái, trong đó có câu “Chết sống ở đây!”. Và yêu cầu khi đong lúa xong thì hương chức phải giao cho cô một giấy biên nhận ghi rõ bao nhiêu giạ.
Tournier trả lời rằng không có chuyện trao biên nhận. Rồi thì Tournier tát tai cô Trọng. Cô Trọng rút trong áo ra một cây dao nhỏ, loại dao có miếng sặt chận ở trước cán. Cò Tournier đập một báng súng khiến cô té xỉu. Cò Bouzou bèn tiếp tay, giựt cây dao của cô. Rồi thì lính mã tà trói cô Trọng để đó.
Từ trong xóm nhà, anh em Biện Toại chạy ra, mang theo nào là dao mác, gậy gộc. Tournier bảo một tên lính ra lịnh cho Mười Chức đừng dùng vũ khí. Mười Chức chạy đến quá gần, cò Tournier bèn bắn chỉ thiên một phát. Nhưng Mười Chức cứ tiến tới và tên cò lại nhắm ngay Mười Chức mà bắn.Tuy bị thương rất nặng, Mười Chức vẫn cầm mác gượng nhào tới, đâm trúng bụng tên Tournier, rồi cả hai đều ngã xuống.
Cò Bouzou rút súng lục, bắn làm bị thương nặng bốn người. Ngay buổi sáng hôm ấy, Mười Chức và vợ (tên Nghĩa) đều chết, người anh tên Nhẫn cũng chết. Nhịn anh của Mười Chức, Liễu (em gái của Mười Chức) đều bị thương nặng, được đưa tới nhà thương. Liễu còn sống. Ba ngày sau, Nhịn chết.
Tóm lại, về phía gia đình Biện Toại thì có 4 người chết: ba đứa em ruột và một người em dâu là vợ Mười Chức đang mang thai. Về phía đối phương, chỉ có tên cò Tournier chết ngày 17, khi nằm ở nhà thương Bạc Liêu.
Bài vè Nọc Nạn kể lại với giọng trầm hùng là “Năm người đổi một thằng Tây” tức là kể luôn đứa con còn trong bụng mẹ.
Vụ án Nọc Nạn ra tòa. Lính mã tà thì cương quyết đổ tội cho đám anh em Biện Toại làm loạn. Nhưng gia đình Biện Toại bị áp bức quá lộ liễu. Họ là tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường nào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ vào đường cùng.
Biện Toại đã tranh đấu với rừng rậm để khai phá, làm lụng khổ nhọc, lại còn phải tranh đấu bọn người chỉ biết có đồng tiền, làm giàu bằng thủ đoạn sang đoạt. Mã Ngân cấu kết với một ông phủ, chủ quận dùng thủ đoạn nham hiễm để cướp đất, giựt lúa của gia đình Biện Toại. Tên chánh phạm của tấn kịch đẫm máu này chính là phủ H.
Gần trăm năm sau về Cống Rộc, Xã Vinh Quang, Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một vụ cướp trắng công lao, mồ hôi nước mắt của những người nghèo khó khai khẩn đất hoang gần biễn, gần 20 năm, thành một khu đầm nuôi thủy sản và vườn cây mà không chịu đền bù.
Người bị cướp trắng là gia đình Đoàn văn Vươn, sinh năm 1963, khá nghèo. Cái nhà xập xệ đang ở là tài sản duy nhất mà ông bố Ðoàn văn Thiển (đã mất 6 năm nay) để lại cho Vươn. Học hết cấp ba, Vươn học kỹ sư nông nghiệp. Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng Vươn sống khá hòa đồng và tình cảm với người dân xung quanh. Năm 1993, vợ chồng Vươn cùng em trai là Ðoàn văn Quý kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang…
Các trận bão những năm gần đây đánh vào miền Bắc đã làm cho các chủ đầm, ao, hồ nuôi thủy sản các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh sạt nghiệp vì tôm cá bị nước lụt cuốn trôi tất cả.
Trong hoàn cảnh khốn khó như vậy thì quan lại địa phương nói: gia đình đối tượng chây ỳ không chịu nộp thuế để có cớ lấy đất lại.
Khoảng 7 giờ 30 phút sáng 5-1, huyện Tiên Lãng kêu Vươn ra xã Vinh Quang để tống đạt quyết định cưỡng chế thu hồi đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản, Vươn đã không ký.
Ngay sau đó, công an, bộ đội huyện Tiên Lãng ra quân thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi sông Văn Úc, khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang
Gia đình Vươn đã chuẩn bị đối phó từ trước, rải bom xăng tự chế, xăng, rơm, bình gas kích nổ bằng kíp mìn khắp đường đi vào ngôi nhà.
Nhà của anh em Vươn chỉ có một lối vào, bao quanh là đầm nước và cây cối. Lúc công an, bộ đội tiến vào thì một quả mìn tự chế phát nổ hất văng 2 công an huyện Tiên Lãng. Tiếng mìn nỗ lẫn tiếng súng cứ bụp bụp vang bên tai. Nhưng cả vài nghìn người dân ở quanh khu vực xã Vinh Quang vẫn ùn ùn kéo nhau đến xem. Từ trong nhà súng bắn đạn hoa cải bắn ra, đạn tỏa ra thành 1 chùm giống như sao chổi, chùm đạn rộng khoảng 1m dài khoảng 3m, nổ rất to, làm Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cùng 5 quan công an và bộ đội bị trọng thương. Đến 12 giờ cùng ngày, hàng trăm công an và bộ đội đã được huy động chia làm 3 mũi bao vây ngôi nhà nơi gia đình Vươn đang cố thủ, phóng lựu đạn cay, rồi xông vào bên trong.
Trận đánh chấm dứt. Phe “ta” đi nằm nhà thương. Còn phe “địch” chém vè vô rừng sú vẹt.
Công an Hải Phòng đã “khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ” với các dấu hiệu của những bản án nặng nề có thể tới tử hình gồm: chủ đầm Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Tịnh (em Vươn), Đoàn văn Vệ (cháu Vươn), Đoàn Xuân Quỳnh (con trai Vươn), Nguyễn thị Thương (vợ Vươn), Phạm thị Hiền (em dâu Vươn) và người trực tiếp nổ súng là Đoàn văn Quý, em trai Vươn, đang bỏ trốn.
Dư luận trong ngoài nước đã lên tiếng rằng: “Trong các vụ giải tỏa đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm.
Đất đai người dân đã cải tạo, đầu tư nuôi trồng suốt 20 năm trời, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Người bình thường, ai cũng muốn sống, không ai muốn tấn công để bị ngồi tù, để bị truy nã cả. Có bồi thường thỏa đáng chưa?”
Nhưng tại sao gia đình Vươn bị ví vào đường cùng, bị cướp đoạt trắng trợn mồ hôi nước mắt của mình một cách quyết liệt như vậy?
Vì khu vực rộng 500 ha này sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới, nên cường hào ác bá muốn đoạt lấy để khi tiến hành giải tỏa xây dựng sân bay sẽ được đền bù cao.
Năm 1928 tại đồng Nọc Nạng nổ ra cuộc quyết chiến đẫm máu giữa những người nông dân khẩn hoang, quyết tâm giữ lúa, giữ đất – anh em ông bà Mười Chức – chống lại những tên cướp lúa, giựt đất – bọn địa chủ, cường hào ác bá cấu kết với thực dân Pháp.
Năm 2012 nổ ra cuộc quyết chiến giữa những người dân nghèo Bắc Bộ đi khai phá và bọn cường quyền tham lam vô nhân tính tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng y như thế. Bọn tham quan ô lại thời nào cũng vậy. Như cọp là phải ăn thịt sống!
Báo chí thời thực dân Pháp đã khuyên nhủ nhà nước Phú Lang Sa rằng: “Muốn cho guồng máy cai trị đứng đắn thì phải sa thải những kẻ bất lương. Đuổi những tên bất lương ở cấp dưới cũng chưa đủ, phải đuổi những người ở cấp cao hơn mà bấy lâu đã được tin cậy. Nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo.
Vấn đề đất đai là chuyện nghiêm trọng. Người ta có thể xúc phạm bất cứ chuyện gì, nhưng nên tránh xúc phạm tới điền thổ.”
Còn bây giờ báo chí lề phải còn có ai can đảm đứng ra binh vực người bị áp bức thế cô như Phùng Gia Lộc, một nhà văn giáo làng, hơn hai mươi năm về trước đã từng làm trong bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” tố cáo bọn tham quan ô lại tỉnh Thanh Hóa của ông, cho người về cướp lấy lúa của dân đang đói xanh râu, dưới chiêu bài nộp thuế nông nghiệp dù người dân khốn cùng cố giấu trong quan tài vài cân thóc, dành cho đám tang của người mẹ sắp chết, để ngày tang ma có chén cơm đãi ăn người đi đưa đám.
Ông viết xong bài ký “đau lòng” này, rồi bỏ quê, làng Láng, xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa lên Hà Nội trốn.
Có người đã khuyên Phùng Gia Lộc qua hai câu thơ:
“Phùng Gia ơi hỡi Phùng Gia!
Viết lách như rứa bỏ cha có ngày!”
Do đó bạn đọc đừng buồn nếu vụ Cống Rộc này ra tòa thì sẽ chỉ là tiếng nói của một bên thôi, một bên có quyền và có súng!!!
đoàn xuân thu.
melbourne.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"