Người Buôn Gió -
Ngày bé xem bộ phim có tên Người Nông Dân Nổi Dậy, nhân vật là
một chàng nông dân tên là Giắc Cu. Đêm bỗng dưng chả ngủ được, chuyện
xưa, chuyện nay cứ lẫn lộn trong đầu. Ngày trước tivi hay chiếu nhiều bộ
phim, vở kịch tả lại những cuộc nông dân khởi nghĩa nhiều lắm. Giờ chỉ
thấy toàn phim Trung Quốc có vua chúa đẹp trai, hào hoa, anh minh, tốt
bụng... mà thôi.
Xưa thời nhà Nguyễn, quan Nguyễn Công Trứ đi khai khẩn đất đồng chua
nước mặn. Công việc ấy được kể lại thành câu chuyện hay như huyền thoại.
Đó là mỗi vị đậu trạng nguyên được vua mời vào vườn thượng uyển cho
chọn một bông hoa sau đó vua cho đúc một bông hoa bằng vàng thật tặng
cho tân trạng nguyên. Công Trứ đỗ trạng nguyên vào vườn thượng uyển ngắm
nghía bao lâu rồi mới chọn bông hoa chuối. Vua căm lắm nhưng lệ đã thế
rồi, nghiến răng mà sai người đúc bông hoa chuối bằng vàng ban cho Trứ.
Trứ xin vua cho làm quan mạn Thái Bình, nơi đồng chua nước mặn, thuở
ấy còn hoang hóa, chỉ có dân đi biển cầm cự nơi đất ấy. Thoắt đã mấy
năm. Vua Nguyễn vẫn nhớ cái vụ hoa của tên tham quan Công Trứ hồi nọ,
bèn sai khâm sai đại thần mang thanh gươm tiền trảm hậu tấu với ý rằng
là cứ thấy lỗi thì chặt phăng đầu mang về đây.
May cho Trứ và cũng may cả cho triều đình. Tuy sai người đi với định
kiến không lành, nhưng vị khâm sai mà vua sai đi là người trung tín,
nhân nghĩa, có kiến thức. Khâm sai đi quan sát đồng ruộng, nhìn đê điều
ngăn mặn, mương tưới tiêu, lúa con gái xanh rì bát ngát, ruộng đồng
thẳng cánh cò bay. Đêm đó khâm sai ngồi uống rượu với Trứ bên thư phòng
giản dị, nghe Trứ tâm sự chuyện chặt từng bông hoa chuối vàng để mộ dân
khai điền, lập ruộng, đắp đê ngăn mặn, dẫn nước mương tưới ruộng đồng,
thau chua, rửa mặn, đóng kè... hàng núi công việc để có được nơi đủ điều
kiện để dân chúng an cư. lập nghiệp tạo nên một vựa lúa trù phú ở nơi
hoang hóa ngày xưa. Khâm sai đại thần chạnh lòng thấy thanh gươm vưa đưa
theo bọc trong vải nặng trĩu. Sau đó khâm sai đại thần về tâu vua rõ sự
việc. Vua Nguyễn vì thế mà hiểu lòng Trứ hơn.
Trở lại với kịch bản của Giắc Cu nông dân thời lơ tơ mơ nào đó. Chàng
nông dân đi khai khẩn vùng nước lợ hoang vu từ hồi còn trai trẻ. Cả
cuộc đời chàng gắn bó với vùng khai khẩn, lấy vợ, sinh con. Mồ hôi nước
mắt đổ ròng rã năm này qua năm khác ròng rã 30 năm gần hết cuộc đời,
nhìn lại cái trang trại cũng tàm tạm. Mọi vốn liếng và trăm nghìn lo
toan tính toán lấy ngắn, nuôi dài vượt quá bão tố, thiên tai nay cũng
đơm hoa, kết trái. Chàng nông dân tóc đã hoa tiêu cũng cảm ơn trời đất,
triều đình đã cho chàng được bỏ công sức và nhận lấy thành quả của mình
làm ra.
Các đời quan lại ai cũng cảm thông cho chàng nghị lực. Chàng là một
công dân tốt, lo toan chí thú làm ăn bằng mồ hôi, sức lực và kiến thức
của mình. Người dân nào cũng như thế thì quan chả mừng.
Thế nhưng quan thì vài năm đổi một lần. Quan trẻ sau này lên nhậm
chức, chỉ nhìn thấy thằng nông dân nào đó tóc pha sương bỗng nhiên sở
hữu cả khu trang trại đẹp như tranh, nào ao cá, cây ăn quả. Quan nghĩ cả
đất trời này thuộc về triều đình, mà quan lại là đại diện cho triêu
đình, không thể để một thằng nông dân sung túc hưởng lợi trên mảnh đất
phì nhiêu, màu mỡ của triều đình được. Quan tư chất thông minh, được đào
tạo bài bản ngón nghề cải tạo và đấu tranh giai cấp, lại được trang bị
bằng một mớ nghị định, luật...lằng nhằng chồng chéo mà quan muốn dùng
cái nào vào việc nào cũng có, thế là quan bảo Giắc Cu nông dân là nộp
lại đất ấy để quan dùng vào việc khác theo quyết định, thông tư, nghị
định số Lã Mã lệnh đại khái nói rằng:
- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do triều đình thống nhất quản lý,
nay để tiện việc quản lý căn cứ theo nghị định ngày lơ mơ, tháng lờ mờ,
năm ấm ớ thu hồi khoảnh nọ để giao cho người khác.
Nông dân cự lại, kêu rằng đất tôi khai hoang, cả đời người vợ chồng
con cái bỏ công sức vào đây. Cuộc sống máu thịt gắn liền, sao lại bảo
thu hồi là thế nào.
Quan đập bàn quát:
- Tao thu là thu cho triều đình, đất đai nào của mày, không có triều
đình đánh ngoại xâm thì mày có đất được không. Liệu mày có sống được
không mà đòi đất với đai. Đồ vô ơn!
Nông dân cãi:
- Nói thế nghe không được, triều nào thì triều cũng phải để đất cho
dân làm ăn. Cũng phải để cho dân có đường sống. Những người làm ăn lương
thiện, đổ mồ hồi, sôi nước mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để
nuôi thân tự thân mình nuôi mình. Triều đại nào mà dân chả phải tự nuôi
dân.
Quan nạt nộ:
- Mày định đi ngược đường lối, chinh sách đã đề ra à. Không nói nhiều, mai tao cho quân xuống tịch thu.
Nông dân về nhà, nhìn lúa đang nên, cây ăn quả giờ bắt đầu bén đất
trổ hoa, cá giờ cũng quen nước nhởn nhơ thả tăm trong ao... mấy chục năm
trước chàng đến đây chỉ có nước mặn xâm xấp rặt loài cây sú vẹt cho cò
đậu. Tưởng không bao giờ sống được trên đất này, thế mà qua mấy chục năm
cần cù, mẫn cán chàng cũng thắng được thiên nhiên để tạo nên cơ ngơi
này. Chàng thức trắng đêm nhìn cái tờ lệnh của quan có triện đỏ. Than
ôi, chỉ cái giấy này thôi, quan viết một nhoáng là xong mà đổi được cả
cuộc đời, cả cơ nghiệp mồ hồi, máu, nước mắt của chàng. Nông dân thấy
chua xót về phận của mình không được sống trong thời phong kiến hà khắc ở
nước nào đó xa xôi như Trứ, may ra Vua có cố chấp thì cũng biết nhận ra
sự thật, còn có tôi hiền như quan khâm sai trình lại cho vua rõ.
Chàng tính mai chấp hành lệnh quan, vợ chồng con cái dắt nhau ra
đường kiếm sống, làm lại từ đầu khi mà mái tóc đã pha sương. Bệnh tật do
những năm tháng dãi dầu mưa nắng trên đồng cộng với tuổi già, chàng dắt
díu gia đình phiêu bạt, rồi hôm nao qua đây nhìn thấy một khu sinh
thái, biệt thự ven biển của đại gia nào đó...
Chàng cứ nghĩ lan man chả mấy chốc gà đã gáy báo sáng...