Thanh Chung
Cách đây hơn chục năm, ở Hải phòng có một chiến sĩ công an bị
hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đám tang của anh đi qua phố nhà mình.
Đoàn người đi sau linh cữu anh kéo dài cả km. Nhiều người đi đường cũng
dừng lại bỏ mũ cúi đầu. Cả thành phố dường như sôi sục, đi đâu cũng nghe
bàn tán chuyện ngành công an quyết tâm truy bắt bằng được tên cướp gây
tội ác.
Bây giờ thì khác. Dân đọc báo thấy nhà ông tướng này bị đột nhập, nhà
ông giám đốc kia bị đặt bom lại tửng tưng như nghe tin cô ca sĩ này
nghi đang có bầu ở tuổi bốn hai, cô người mẫu kia bỏ ra vài chục triệu
thửa cho được chiếc ví đầm hàng hiệu.
Phản ứng tiêu cực là biểu hiện của sự “yếm thế” và mất lòng tin vào
chính quyền. Hiệu ứng đám đông chưa hẳn lúc nào cũng đúng, nhưng ít nhất
cũng làm cho những con người đang hoang mang kia vợi bớt đi nỗi sợ hãi
(dù là mơ hồ).
Giả sử gia đình anh Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng tin tưởng rằng họ sẽ
được đối xử công bằng trước pháp luật, liệu người đàn ông gần năm chục
tuổi đầu có đem cả gia đình mình và gia đình cậu em trai dấn thân vào
một cuộc “tỷ thí” không cân sức, biết chắc kết cục sẽ là những tháng năm
dài sau cánh cửa xà lim? Giả sử những người láng giềng của gia đình anh
Vươn tin tưởng rằng, sáu con người đang cố thủ trong nhà kia đúng là
“giang hồ Hải Phòng” như tờ báo Vnexpress đã gán cho họ, thì tại sao họ
không đứng về phía chính quyền để ngăn chặn bàn tay tội ác?
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm rồi, nhưng cơm no áo ấm vẫn là
niềm mơ ước ngoài tầm tay của trẻ con vùng sâu vùng xa. Dân mình bây giờ
chỉ mong “hòa bình, ổn định” để được “cun cút làm ăn”. Vậy thì xin các
ngài “quan tham” đừng dồn những người dân như gia đình anh Vươn vào chân
tường. Đừng biến một người từng được coi là “kỳ tài đất Tiên Lãng”
thành kẻ phạm pháp. Xin đừng có thêm những “anh Pha, chị Dậu”; đừng bắt
họ phải “Tức nước, vỡ bờ”.