Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Tự do ngôn luận và tin đồn

Nguyễn Văn Thạnh
Dân Luận: Liều thuốc cho tự do ngôn luận quá trớn là... tự do ngôn luận hơn nữa! Trên thực tế, việc tin đồn "gây hoang mang dư luận" ở Việt Nam chiếm ưu thế bởi vì hệ thống báo chí bị kiểm duyệt và bóp méo đến mức... người dân không còn tin vào chúng nữa, và họ chấp nhận tin vào nguồn tin vỉa hè hơn báo chí chính thống.
Mấy ngày qua, có một sự kiện: một số facebooker tung tin lên mạng là dịch Ebola đã đến Việt Nam, ngay sau đó bộ Y tế họp báo để bác bỏ thông tin trên, tiếp theo là cơ quan công an vào cuộc điều tra. Họ xác định được danh tính hai vợ chồng đưa tin và triệu tập đến cơ quan công an để làm việc. Sau đó hai vợ chồng này bị phạt hành chính vì hành vi tung tin đồn thất thiệt làm hoang mang dư luận.
Nhìn chung là cộng đồng mạng đồng tình với cách hành xử với cơ quan công an. Điển hình như lời bình sau trên báo Vietnamnet “Đúng nhà (là) nhàn dỗi (rỗi) sinh nông nổi... cảnh báo nhưng lai bịa chuyện là nhận được tin của bác sỹ trong bệnh viện, làm không ít người lo lắng toát mồ hôi. Phạt thật nặng”.
Thông tin vụ việc có thể theo dõi ở đây:
Nhiều người xem như sự việc đến đó là kết thúc. Tuy nhiên, tôi thấy sự việc không đơn giản. Sự việc là một thực hành cho một quyền mà lâu nay báo giới, chính quyền, những người tranh đấu cho quyền con người tốn nhiều giấy mực để tranh luận.

Chúng ta thử phân tích vài điều từ vụ việc này.
Như chúng ta biết, quyền tự do ngôn luận là một quyền căn bản của con người. Quyền này được cùng ghi trong hai văn bản quan trọng là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (điều 19).
Và chúng ta cũng biết rằng, con người tự do là con người có quyền làm bất cứ việc gì miễn không gây phương hại cho người khác. Có nghĩa là, con người tự do sẽ có quyền sử dụng các quyền của mình cho đến khi nào không gây phương hại cho người khác (vai trò của luật pháp là để đảm bảo điều không phương hại này). Điều này cũng được áp dụng cho quyền tự do ngôn luận. Luật pháp được thiết lập để bảo đảm mỗi cá nhân sử dụng quyền tự do ngôn luận nhưng không gây phương hại cho người khác. Người phạm luật là người đã gây ra phương hại cho người khác. Muốn kết tội một người phạm luật thì phải chứng minh được việc làm của họ đã gây phương hại gì, cho ai; đối tượng bị hại phải cụ thể rõ ràng, sự phương hại phải có khả năng nhận thấy, lượng định được. Đối tượng bị hại (hoặc đại diện) phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán xét, bồi thường thiệt hại.
Từ cơ sở lý luận trên, chúng ta quay lại câu chuyện đưa tin có dịch Ebola ở Việt Nam. Cơ quan chức năng kết luận là người đưa tin đã đưa tin đồn thất thiệt (tin không thật) và gây hoang mang trong xã hội.
Chúng ta thử phân tích:
1. Con người có quyền đưa tin không thật không? Tôi nghĩ nhiều người sẽ trả lời là không. Với họ, tin đưa là phải tin thật, tin không thật là phạm tội.
Với lý luận này chúng ta thấy sẽ có nhiều rắc rối xảy ra: bạn chỉ có thể đưa tin khi bạn chứng minh được nếu không bạn sẽ phạm tội. Như vậy có thể bạn sẽ im miệng khi thấy trên đường cảnh sát lạm quyền: đánh người, mãi lộ,…vì bạn không dễ để chứng minh nếu nhân viên công lực chối (giả sử trong trường hợp trên, chính quyền muốn bưng bít thông tin dịch, người đưa tin muốn chứng minh không phải là dễ). Tương tự như vậy với rất nhiều hiện tượng xã hội như: tham nhũng, chạy việc, nạn con ông cháu cha,…Nếu bạn thấy, bạn có tâm, bạn muốn viết bài để cảnh báo các vấn nạn trên mà cơ quan công an hỏi: “bằng chứng đâu?” thì bạn có đường chết. Còn nếu đợi đến khi có bằng chứng thì xã hội đã vô cùng nát. Chúng ta thấy nhiều sự kiện xã hội ban đầu xuất hiện dưới dạng tin đồn, rồi sau đó mới là sự thật. Xã hội sẽ như thế nào nếu hoàn toàn không có tin đồn?
Tương tự như vậy với rất nhiều giả thuyết xã hội, nếu chỉ được nói khi có bằng chứng không chối cãi thì sẽ không bao giờ được nói ra. Làm sao Rousseau có bằng chứng không thể chối cãi là quyền lực đến từ dân thông qua ủy quyền chứ không phải đến từ thiên tử hay chúa trời trao vào tay vua?
Từ những lý luận trên, tôi cho rằng, con người có quyền nói những thông tin không có sự thật, miễn là không phương hại đến người khác. Nếu điều này không được thừa nhận thì sẽ hạn chế rất nhiều về quyền tự do ngôn luận, có thể biến cả xã hội câm miệng vì không ai dám nói ra điều gì vì sợ không thể chứng minh được nó là sự thật. Bạn có đồng ý điều này không?
2. Gây hoang mang xã hội, có phải là một phương hại cho người khác không?
Theo lý luận trên, sử dụng quyền tự do ngôn luận sẽ phạm luật nếu nó gây phương hại cho người khác, với điều kiện đối tượng bị hại phải cụ thể rõ ràng, sự phương hại phải có khả năng nhận thấy, lượng định được.
Theo tôi thấy, hiện chưa ai chứng minh là tin đồn trên đã gây phương hại cho ai và phương hại như thế nào.
Cơ quan công an thì cho rằng tin đồn làm xã hội hoang mang. Chúng ta có thể xem hoang mang có phải là một thiệt hại không? Nếu có thì ai đại diện cho cả xã hội để khởi kiện người tung tin đồn? Cách chứng minh thiệt hại từ hoang mang như thế nào và phương án bồi thường?... Vấn đề không đơn giản như ta tưởng.
Theo cá nhân tôi, không nên xem hoang mang là một thiệt hại - một vụ xâm hại - bởi lẽ sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả. Sẽ như thế nào nếu một người tranh đấu cho nền dân chủ cho rằng chính quyền hiện nay sai lầm cần phải thay đổi. Khi đó cơ quan chức năng rất có cơ sở để kết tội cho người này với tội trạng là gây hoang mang xã hội. Rất nguy hiểm cho sự tranh đấu cải tiến xã hội đúng không?
Từ những lý lẽ trên, hẳn nhiều người sẽ nói với tôi: nói như bạn thì hai vợ chồng tung tin đồn trên vô tội, khi đó nhiều người thoải mái tung tin đồ à? Xã hội sẽ loạn à?...
Tôi thấy, những thắc mắc đó là có lý. Làm sao giải quyết những mâu thuẫn trên?
Chìa khóa nằm ở quyền tự do ngôn luận và quan điểm người tự do là người có lý trí.
Hai vợ chồng facebooker có quyền đưa tin là Ebola có ở Việt Nam; bộ Y tế có quyền họp báo để phản bác thông tin trên và cuối cùng quyền lắng nghe ai thuộc về người dân.
Có thể nhiều người không đồng ý với giải pháp trên và vẫn khăng khăng đòi trừng phạt người tung tin đồn thất thiệt.
Như bạn thấy đấy, trên đời này không có giải pháp nào hoàn hảo cả, bạn ủng hộ việc trừng phạt hai facebooker đồng nghĩa với việc bạn đã tiếp tay cho chính quyền bịt miệng người dân khi cần.
Bạn biết không, hiểm họa xã hội nhiều khi đến từ những việc đơn giản như vậy (ủng hộ việc trừng phạt người đưa tin đồn), bởi lẽ, như tổng George Washington đã nói “một khi bị cướp đi quyền tự do ngôn luận, chúng ta sẽ trở nên câm lặng và ngu xuẩn, như những con cừu bị dẫn đến lò sát sinh”.
Hãy hết sức cẩn thận khi bạn ủng hộ chính quyền trừng phạt một ai đó, bởi lẽ chính quyền luôn mạnh hơn người dân. Những người bị trừng phạt có khi là người tốt, vì họ chấp nhận rủi ro để mang lại hạnh phúc cho xã hội, trong đó có bạn.
Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"