Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Tôi không quan tâm đến chính trị

Người Buôn Gió
10415723_522624051182524_4366859770097575450_n.jpg
Hẳn các bạn nghe nhiều câu này từ bạn mình, người quen , thậm chí là gia đình mình nói ra. Nhiều khi bạn muốn làm rõ cho họ chính trị là gì, là những giá xăng, chất lượng y tế, là tham nhũng, gía điện nước...và cuối cùng thì bạn bất lực.
Bạn chưa hiểu cái mà họ nghĩ chính trị là gì, từ chính trị mà họ nói là một cụm từ chỉ cái không mang cái lợi ích đến ngay với họ. Đó mới là cái nghĩa họ hiểu về chính trị.
Vì họ hiểu từ chính trị là phải mang lại cái gì đó ngay lập tức, nên tuy họ nói không quan tâm đến chính trị mặt khác có cơ hội nào đó tiếp xúc với vấn đề chính trị sẽ biết bản chất họ ngay. Cứ thử cán bộ cấp cao nào đến thăm cơ quan, phường khối họ ở. Họ sẵn sàng chen để làm sao bắt tay được một cái, chụp ảnh được một cái. Họ làm thế vì chả bị thiệt gì, có khi là còn được oai với người khác. Họ không quan tâm đến chính trị, nhưng một cán bộ cấp cao nào mà họ có cơ hội làm quen, kết thân thì họ chả bỏ lỡ cơ hội.
Trong trường hợp có hai khối mâu thuẫn nhau trong xã hội. Một bên là Đảng cầm quyền, một bên là nhóm các người dân bao gồm sinh viên, trí thức, nông dân...Cán cân nghiêng sức mạnh nghiêng về bề Đảng. Những người không có cơ hội theo Đảng, nhưng chẳng dám theo đám đối nghịch yếu thế kia. Họ sẽ tuyên bố một cách lịch lãm và đầy thanh cao.
- Tôi không quan tâm đến chính trị.

Có nhà văn tôi gặp, tôi còn nhớ ông ta nói bỗ bã trước mấy người.
- Đm chính trị là bẩn thỉu, mình là người cầm bút, dây với mấy cái đó làm đéo gì.
Thế rồi có dịp, ông ấy nhảy tót lên đọc diễn văn, làm thơ chào mừng Tổng bí thư. Rồi ông ta viết bài sặc mùi chính trị là ca ngợi Đảng CSVN là thiên tài, dẫn dắt nhân dân ta từ chiến thắng này sang chiến thắng khác, ông ta tự hào là đứng dưới lá cờ của Đảng từ năm 72.
Sếp cũ của tôi mấy lần sai tôi mang quà đi biếu công an. Tuy cái ngành nghề sản xuất biển quảng cáo thì chả liên quan mẹ gì đến đội trưởng hình sự quận cả. Với sếp quen được quan chức có quyền là một vinh hạnh. Lần khác lại sai tôi mang quà đến biếu một vị sắp vào làm đại biểu quốc hộị. Sếp tôi cũng nói mình người làm ăn , quan tâm đến chính trị làm gì. Nhưng cứ có cơ hội mà quen các quan chức là sếp chả từ, mỗi lần được đi nhậu với quan chức nào, Sếp về kể lể hào hứng lắm. Nào bác ấy, cụ ấy bảo thế này, nói thế kia...đường lối sắp tới sẽ thế này, thế nọ.
Thằng bạn chơi từ lâu, mọi khi cũng phê phán chế độ. Bỗng nhiên ông bố xin cho vào làm biên chế, vào Đảng. Ngày nọ gặp, lên giọng kẻ cả. Ông đừng quan tâm đến chính trị , ông cứ lo cho vợ con ông đi, nhà nước người ta cũng khối việc lo, ông cứ dèm pha làm cái gì.
Cô người yêu cũ làm ở một cơ quan hành chính, hôm có việc cần tìm gặp để hỏi mượn số tài liệu. Cô trong bộ vét đen đầy uy nghiêm, hất hàm gọi thư ký mang tài liệu ra, sai thư ký đánh máy những đầu sách mượn, bắt ký nhận. Xong cô hỏi mượn làm gì, bảo về đọc nghiên cứu. Cô bảo, anh quan tâm đến chính trị làm gì. Lo mà làm ăn đi. Em bây giờ là đảng viên đấy.
Hú hồn, lúc ôm đống tài liệu tham khảo nội bộ về nhà. Mới thấy may, lỡ hồi đấy lấy nhau có khi mình bây giờ thành trùm dư luận viên mất. Cứ nghĩ chả may đời xô đẩy, làm dư luận viên, tuyên truyền viên ..viết bài xuyên tạc về người nông dân mất đất, những người đấu tranh chịu tù đầy mà lạnh gáy nghĩ đến phúc đức sau này.
Những người không quan tâm thực sự đến chính trị thì chả nói làm gì, họ có đam mê của họ hoặc cuộc sống của họ. Đảng hay nhà nước có mở phong trào gì họ cũng bàng quan, mời họ tham dự họ cáo từ vì cớ này cớ kia. Gặp quan chức to họ cũng né tránh như vậy, đấy mới thực sự là những người không quan tâm đến chính trị. Còn một số người mở mồm nói không quan tâm đến chính trị, thực ra họ nói câu đấy với phe yếu thôi, còn phe mạnh thì khi gặp họ chả nói vậy bao giờ.
Phe mạnh còn mang lợi lộc lại ngay, chứ phe yếu thì chỉ có phải san sẻ. Thế nên tốt nhất là thanh cao phán câu.
- Không quan tâm đến chính trị.
Khi Đảng, nhà nước phát động phong trào gì, họ được tham gia, họ rất hào hứng nhiệt tình. Nhất là những phong trào kiểu uống nước nhớ nguồn, mừng Phật Đản, mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, mừng ngày giải phóng đất nước. Họ không cho đấy là những trò chính trị, họ nói đó là con người thì phải nhớ ơn, phải mừng niềm vui chung của dân tộc , đất nước.
Nhưng nếu nhóm lẻ nào không phải nhà nước tổ chức xem, cứ thử kỷ niêm cho các liệt sĩ ngã xuống biên giới phía Bắc xem, mời họ thử xem. Họ sẽ lắc đầu một cách thanh tao, trang nhã.
- Tôi không quan tâm đến chính trị.
Hôm qua làm cái dòng trạng thái chê ca sĩ Tuấn Ngọc. Thực ra có hàng trăm ca sĩ đáng nghe, không nghe người này thì nghe người khác, hơi đâu mà đi chê một ca sĩ làm gì. Tuấn Ngọc là một dạng không quan tâm đến chính trị. Người ta nói anh ta là người đàng hoàng, thực sự không hề quan tâm đến chính trị, chỉ hát những bài về tinh yêu. Không nên đòi hỏi anh ấy phải có quan điểm chính trị.
Tất nhiên người ta nói đúng, và một người viết như mình, có bao nhiêu đề tài. Sao phải lôi Tuấn Ngọc ra làm gì.?
Thế này, thực ra mình chỉ muốn lọc danh sách bạn bè. Có vậy thôi. Chắc chắn 50% các bạn phản đối dòng trạng thái mình nói về Tuấn Ngọc sẽ chả quan tâm gì đến chính trị. Khi kiểm tra thì con số người phản đối có đến 80% không có một dòng nào trong FB họ nói đến vấn đề chính trị. 50% là chưa bao giờ like, còm, chia sẻ những gì mình viết.
Đây không phải là sự độc tài quan điểm, mà chỉ là sự tìm tòi cùng đồng cảm. FB là nơi giao lưu tìm sự đồng cảm, không có sự đồng cảm thì huỷ kết bạn, lấy chỗ cho người khác. Chả nói các bạn bênh Tuấn Ngọc là sai, đó là ý thích, quan điểm của mỗi người. Có bạn nói là âm nhạc không thể nào đánh giá được. Xin thưa chuyện đưa Tuấn Ngọc ra để tìm hiểu những người có quan điểm chính trị thế nào thôi.
FB mình lúc đầu có 5000 bạn, đó là hiện bên ngoài. Nhưng lúc kiểm tra thì có đến 5300 bạn bên trong. Mình đã huỷ kết bạn với hơn 1000 người. Chỉ có chục người hỏi lại tại sao. Còn lại họ hình như cũng chả biết là họ có kết bạn với mình không. Tất nhiên là có thể sai sót, nhưng 1000 người mà chỉ có hơn chục người bị nhầm thì đó là một sự sàng lọc cũng khá kết quả.
Lúc đầu mình vào các trang ca sĩ Hồ Ngọc Hiếu, Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng.... để tìm bạn chung rồi xem qua FB họ , để huỷ. Sau hết nạc thì vạc đến xương, mình đưa ra cái chuyện Tuấn Ngọc. Tất nhiên số người bênh, thích Tuấn Ngọc mà vẫn để ý chuyện chính trị, thậm chí còn tham gia nhiệt tình, giúp đỡ người đấu tranh tận tâm là có. Nhưng phần đông còn lại là họ chả quan tâm gì đến chính trị đã đành, thậm chí là còn chả quan tâm đến những chuyện chính trị mình viết, trừ khi đụng đến thần tượng của họ.
Thế nên đưa họ ra, để chỗ cho người muốn đọc, muốn còm vào thôi. Chuyện hát hay dở của Tuấn Ngọc chỉ là phương tiện.
Quay lại chuyện không quan tâm đến chính trị của một số người. Một nhà văn nổi tiếng trên thế giới đã nói. Khi anh im lặng trước bất công có nghĩa anh đứng về phía đàn áp.
Nói thế có thể đúng trong vài trường hợp. Ví dụ như trường hợp ngũ đai gia đình Maphia họp nhau. Trong đó có hai gia đình mâu thuẫn. Một người nói việc này để hai gia đình kia tự giải quyết, như thế là công bằng. Các gia đình khác đứng ngoài không quan tâm.
Lúc sau người trong gia đình có mâu thuẫn hỏi vị kia.
- Tôi tưởng ông bênh tôi, sao ông lại nói bàng quan vậy.?
Người kia nói.
- Tao nói thế là giúp mày, gia đình mày thực lực thừa sức xơi gọn nhà kia. Tao nói thế là các nhà còn lại đứng ngoài, mày tha hồ mà làm, còn muốn gì nữa.
Người trẻ tuổi trong gia đinh có mâu thuẫn kia chợt hiểu ra, ông ấy đã giúp mình rất nhiều.
Đôi khi sự bàng quan chính trị, cũng là một âm mưu tiếp tay cho kẻ mạnh như vậy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"