Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

VÕ THỊ THẮNG: có một nụ cười khác

VO THI THANG 02 
Ghi chép của Đào Hiếu

Tám giờ mười lăm phút sáng ngày 22/8/2014 chị Võ Thị Thắng, uỷ viên trung ương đảng CS Việt Nam, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từ trần tại TPHCM sau một thời gian dài bị bệnh nan y.

Với tư cách là “người nhà” của chị, tôi xin ghi lại đôi điều mà tôi từng được nghe chị kể cùng với những kỷ niệm nhỏ giữa tôi và chị như một sự bày tỏ lòng thương tiếc và yêu mến.

*

Trước đây tôi không từng hoạt động chung với chị vì hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng do sự sắp xếp ngẫu nhiên của xã hội mà sau này chúng tôi trở thành người nhà với nhau: chị làm dâu, còn tôi làm rể họ Trần.

Trong chuyến về quê chồng (Bình Định) tảo mộ, gia đình chị và tôi cùng đi trên một chiếc xe mười sáu chỗ của ngành du lịch. Suốt hai ngày đường, chúng tôi nghỉ lại nhiều nơi và đó là dịp mà chị đã kể lại những “biến cố đầy kịch tính” mà chị đã phải trải qua trong suốt thời gian làm Tổng Cục Trưởng. Những biến cố ấy có thể viết thành một cuốn sách dày, li kỳ hấp dẫn như phim hình sự Mỹ. Nhưng chị không dám viết, cũng không dám nhờ tôi viết dù tài liệu thì có rất nhiều. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó những tài liệu ấy sẽ được công bố, hoặc là cuốn sách ấy sẽ được viết ra, nhưng bây giờ thì không.

Bây giờ chỉ có ký họa.

Bây giờ chỉ vài đường nét bằng bút chì, bằng ngón tay nguệch ngoạc trên cát biển Qui Nhơn, bằng hòn than vẽ  trên bức tường cũ… phác thảo bi kịch của một người đàn bà có địa vị ngang hàng với bộ trưởng, một người từng gan lì truy sát địch hàng giờ với một khẩu súng rỉ sét, một nữ sinh trường Gia Long đã nghĩ ra được câu tuyên bố để đời. Rồi cuối cùng chiếc ghế Tổng Cục Trưởng mà người ta trao cho chị cũng bị đặt trên bốn trái mìn nổ chậm được làm bằng lòng đố kỵ, bằng thù oán cá nhân, bằng những mưu đồ ma quỷ.

Người con gái “anh hùng” ngày xưa chợt biến thành nhân viên CIA Mỹ với tập hồ sơ dày cộm.

Đó là những ngày cuối năm 1996. Nhiều nhân vật có tình cảm với Võ Thị Thắng trong Bộ Chính Trị đều rất bàng hoàng. Con chạch lại leo lên đẻ trên ngọn đa! Vậy mà người ta vẫn có đầy đủ những tài liệu về một con chạch như vậy!

Và nhiều kế hoạch “ám sát” đã được nghĩ đến: xông thằng vào cuộc họp quốc hội “bắt nóng”? Hay bắn tỉa? Bắn ở đâu?

Năm 1999 Tổng Cục Trưởng Võ Thị Thắng nhận được giấy mời sang Mỹ dự hội nghị về du lịch. OK. Sao không cho người bắn tỉa tại sân bay Los Angeles? Ngay khi đối tượng bước ra cổng phi trường là gởi một viên đạn vào đầu rồi đổ thừa cho CIA giết người diệt khẩu. Thật gọn nhẹ.

Kế hoạch lập tức được triển khai. Một anh chàng James Bond 007 mũi tẹt da vàng được chọn trong đám thân tín tại Mỹ để thực hiện Mission Impossible này. Và Mme Thắng không hề hay biết gì về âm mưu đó.

Mấy hôm sau chị lại nhận được một giấy mời của ngành du lịch Trung Quốc. Và, một cách ngẫu nhiên, chị đã chọn đi Trung Quốc.

Chàng James Bond ngồi ngáp ruồi ở sân bay Los Angeles.

Không giết được tên CIA Võ Thị Thắng ở Los thì sẽ bắt cóc hắn tại sân bay Nội Bài khi hắn ta trở về Việt Nam.

Một phương án mới được triển khai ngay lập tức: khi máy bay đáp xuống, xe con của Tổng Cục Du Lịch đến đón sếp thì sẽ có một xe mười sáu chỗ trờ tới, ép nó sát lề, chặn đầu. Khống chế tài xế, bắt cóc bà Tổng Cục Trưởng chạy ra khỏi phi trường, thẳng về nơi giam giữ.

Và mọi việc đã xảy ra y như kịch bản. Nhưng khi những kẻ bắt cóc mở cửa chiếc xe con của Tổng Cục Du Lịch thì chỉ nhìn thấy “bác tài” đang “há hốc mồm” vì kinh ngạc.

-Bà Thắng đâu?

-Xe khác đã đến đón rồi!

Sự thực chẳng hề có chiếc “xe khác” nào cả. Chỉ có phép lạ của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã làm cho chiếc va-li của Võ Thị Thắng lạc mất. Mme Thắng xuống máy bay nhưng không tìm thấy hành lý, đứng chờ ở cái vòng xoay cả tiếng đồng hồ. Tài xế chiếc xe con đến đón bấm điện thoại di động gọi nhưng tắt máy, anh ta tưởng sếp đã có người nhà đến đón nên chạy xe không về và bị những kẻ bắt cóc ép vô lề.

Mme Thắng tìm được hành lý thì đã quá trễ. Chị đành gọi một chiếc taxi.

*

VO THI THANG 01Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được.

Và bà Tổng Cục Trưởng đã nghĩ đến cái chết. Nhiều người trong Bộ chính trị không tin những hồ sơ ngụy tạo ấy nhưng cũng không “dám” bác bỏ. Chị gần như đơn độc. Chỉ trừ một người bạn giấu mặt. Một ân nhân của chị mà cho đến giờ này, khi sóng gió đã yên, khi một số tay chân của kẻ thù đã bị Bộ công an bắt, bị tòa án xét xử và khi chị đã nghỉ hưu… chị cũng không hề biết người đó là ai?

Trong những lúc lâm nguy nhất, người đó đã gọi điện cho chị, từ một trạm điện thoại công cộng, và báo cho chị hay rằng đang có một âm mưu như thế, như thế… rằng sự việc sẽ diễn ra như thế, như thế…

Nhưng đó cũng chỉ là những an ủi nhất thời. Tuy nhiều lần người ấy đã cứu chị thoát chết nhưng tại sao chị phải lâm vào tình thế ấy? Tại sao lại phải sợ hãi những kẻ đứng trong bóng tối? Tại sao kẻ trong sạch lại phải sợ bọn tội phạm? Tại sao một cán bộ cao cấp như chị lại phải sợ một thứ quyền lực đen nào đấy?

Và đã có lúc chị cầm một sợi dây thòng lọng. Chị cuộn nó lại, giấu trong túi xách, đến soi mặt mình trong gương. Một đêm mất ngủ. Và khóc. Một đêm ngồi trong góc tối của căn phòng nhìn chồng nhìn con và nhìn bức ảnh nổi tiếng của mình. Bức ảnh chụp chị đứng trước tòa án, giữa hai người quân cảnh đeo kính đen. Chị nhìn cái miệng cười của mình. Nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má. Bởi vì giờ đây chị không “được” đứng trước một tòa án để mà cười. Chị đang đứng trước một thế lực vô hình, chị đang bị rình rập, truy sát.

Ngày xưa chị nhìn thấy kẻ thù ngay trước mặt, chị bắn nó bằng một khẩu súng rỉ sét nhưng chị ở thế chủ động, chị là thợ săn còn kẻ địch là con mồi. Bây giờ thì chị không biết kẻ thù đang đứng chỗ nào, mặt mũi nó ra sao. Bây giờ chị có một khẩu K59 mới tinh nhưng chị sẽ bắn vào đâu? Bắn vào bóng tối? Vào hư vô?

Không ai trả lời những câu hỏi ấy và điều đó làm chị tuyệt vọng.

Sẽ phải treo sợi dây thòng lọng ở đâu? Trên xà nhà? Trước cửa? Hay trên một cành cây?

Không thể chết tầm thường được. Phải biến nó thành một lời cảnh tỉnh, một cáo trạng. Có lẽ chỗ tốt nhất là Hội trường Văn phòng Trung ương Đảng.

Chị quyết định vào đó để chọn một vị trí thích hợp.

Thính phòng im phăng phắc. Sân khấu mờ ảo. Những dãy ghế quen thuộc cũng đang lặng thinh, nín thở, chờ xem người đàn bà quen mặt này sẽ làm gì. Chị bước lên sân khấu, ngước nhìn những phông màn, những giàn đèn và những sợi dây kéo. Chị đi một vòng, chậm rãi, thầm lặng. Rồi chị bước xuống những bậc cấp, tìm đến chiếc ghế mà chị vẫn thường ngồi trong các phiên họp Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chiếc ghế ôm chị vào lòng nó, cũng mềm mại, ấm áp như ngày nào. Chị ngửa cổ, tựa đầu vào lưng ghế. Và khóc.

Dường như chị có thiếp đi được một lúc cho đến khi chuông điện thoại reo. Chị mở túi xách, Chiếc điện thoại màu bordeaux đang sáng lên giữa những cuộn dây thòng lọng.

Đó là cuộc gọi của người vô danh, ân nhân giấu mặt của chị. Chị nhận ra giọng nói quen thuộc. Nó ấm áp và chậm rãi. Những lần trước, chị đã cố nghĩ xem đó là giọng của ai nhưng không biết được. Chị chỉ biết chắc người đó đã gọi cho chị theo lệnh của một đồng chí nào đó trong Bộ Chính Trị. Lần này giọng nói ấy chỉ là một câu đơn giản.

-Bộ công an đã bắt hết chúng rồi. Chúc mừng đồng chí.

Chị lặng người đi. Hội trường như sáng lên. Chị thọc tay vào túi xách, nắm chặt sợi dây thòng lọng.

Chị thấm nước mắt bằng chiếc khăn rằn của du kích Miền Nam mà chị đã chuẩn bị sẵn. Chị nhìn thẳng lên sân khấu và cười. Tiếc thay anh nhà báo người Nhật năm nào đã không có mặt để ghi lại nụ cười ấy. Nó vẫn đẹp. Và nếu được công bố với đầy đủ những tình huống đắng cay thì nụ cười trong buổi sáng cuối năm 2000 ở Hội trường này cũng sẽ trở thành một huyền thoại, và có khi còn nổi tiếng hơn cả nụ cười của mấy mươi năm về trước.

ĐÀO HIẾU

Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên blog của ông như sau:

HNC: Tôi cũng từng nghe nói về vụ Võ Thị Thắng thời tôi ở báo Thanh Niên, và hầu như các sếp báo Thanh Niên và sếp một số báo khác cũng biết vụ nầy sau khi một nhân vật ở trung ương bị bắt và một nhân vật ở TP HCM bị kỷ luật. Tay ở trung ương thì tôi không biết, nhưng tay ở HCM thì tôi không những biết mà còn quen. Ông ta là cộm cán của thành ủy, nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, nghe nói ông là người ngụy tạo ra hồ sơ Võ Thị Thắng là CIA. Hồi đó nghe nói động cơ của vụ việc là do thâm thù cá nhân gì đó của người nhà tay ở trung ương với bà Thắng, nhưng tôi thắc mắc không hiểu tại sao tay cộm cán ở HCM lại dính líu vào để tiếp tay hại người. Hồi đó tôi không nghĩ rằng có cái gì ghê gướm đứng đàng sau đó nữa. Những chuyện hại người như vậy tôi vẫn nghe thường xuyên từ kênh chính thức cũng như các kênh vĩa hè, và tôi cho đó là chuyện chẳng lạ gì trong chế độ cộng sản, vì tôi đọc quá nhiều chuyện động trời thời Stalin ở Liên Xô và thời Mao Trạch Đông ở Tàu cộng nên cũng chẳng mấy quan tâm. Đã đi theo một thể chế chính trị không minh bạch thì có thể trúng lớn, phất  nhanh lên cao, nhưng cũng phải chấp nhận rủi ro rất cao. Giống như đánh bạc, năm ăn năm thua vậy thôi.
Tuy nhiên đọc những gì của Đào Hiếu viết từ góc độ gia đình, mới cảm nhận được mức độ khốc liệt của chuyện ăn thua cờ bạc trên chính trường của chế độ nầy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"