Bùi Tín
Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam đang bị chiếu tướng từ nhiều phía. Từ
tổ chức Liên Hiệp Quốc, từ Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam là một
thành viên, từ chính quyền Hoa Kỳ, từ Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét việc
có chấp nhận để Việt Nam vào khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP và
có hủy quyết định không bán vũ khí sát thương choViệt Nam hay không? Từ
trong nội bộ đảng CS, khi một loạt 61 đảng viên trí thức có uy tín lên
tiếng đòi đảng từ bỏ nền cai trị độc đoán chuyên quyền, từ bỏ học thuyết
Mác - Lênin lỗi thời, thẳng tay diệt trừ tham nhũng, từ bỏ độc quyền
kinh tế quốc doanh tệ hại, công khai hóa cuộc họp Thành Đô. Từ nhân dân,
đòi hỏi chống bành trướng mạnh mẽ, chấm dứt bỏ tù công dân yêu nước
chống bành trướng, trả tự do cho các chiến sỹ dân chủ một cách sòng
phẳng, chấm dứt chơi trò «thả rồi lại bất, bắt rồi lại thả» làm vốn mặc
cả theo kiểu đèn cù. Những lời hứa với cử tri về «Luật biểu tình», «Luật
lập hội, trong đó có lập công đoàn tự do», về chống tham nhũng quyết
liệt không thể trì hoãn.
Bộ Chính trị 16 người ở Hà Nội đang nằm trong tình thế dầu sôi lửa
bỏng, thật sự là khốn khổ bối rối. Nước đến chân rồi. Trước hết vì họ
tham quá. Họ vừa muốn giữ ghế quyền lực lại muốn mỵ dân, vừa muốn tiếp
tục hưởng đặc lợi, lại vừa muốn tỏ ra biết điều, khôn ngoan, vừa muốn tỏ
ra thân thiết giữ cam kết keo sơn với ông đồng chí khổng lồ lại muốn tỏ
ra xiêu lòng với những lời hứa ngon lành ngay thật từ phương Tây. Giang
2 tay rộng ra 2 phía để bắt cá, có khi không được con nào. Cái trò đi
trên dây luôn mạo hiểm. Chỉ mất thăng bằng tý chút là lăn kềnh, đổ vỡ,
có khi nguy khốn.
Bộ Chính trị đang bị dồn vào thế phải lật hết tẩy ra. Nghĩa là phải
dứt khoát lựa chọn. Muốn gắn bó thật sự với phía này thì phải buông bỏ
phía bên kia. Không thể nói và làm trái ngược, đánh đố nhau, đánh lừa
nhau mãi được. Ôm đồm, quá tham, sẽ rơi hết sạch.
Vừa qua 2 thượng nghị sỹ Mỹ vào loại có thế lực nhất đã sang tận Hà
Nội để nói rõ rằng phía Hoa Kỳ nhận thấy tình hình đã chín để có thể
nhận Việt Nam gia nhập khối TPP và bán vũ khí sát thương cho Việt Nam,
từ đó nâng mối quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm cao mới. Cánh bảo thủ trong
lãnh đạo đừng tưởng bở, cho là họ cần ta hơn ta cần họ. Quà mang sang
không cho không. Hãy hiểu cho rõ điều này. Tuyên bố của TNS John McCain
(ngày 8/8) nói rõ: «Làm được bao nhiêu trong lĩnh vực này (tức nhận VN
vào TPP và bán vũ khí sát thương ) cũng như các mục tiêu thương mại và
an ninh, còn tùy thuộc nhiều vào hành động của VN về cải thiện nhân
quyền». Ông còn nhắc lại lời hứa của thủ tướng VN hồi đầu năm: «Dân chủ
là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại» và «đảng
phải giương cao ngọn cờ dân chủ»; Ông nói thêm: «Chúng tôi hy vọng Việt
Nam sẽ chuyển những lời đáng trân trọng như thế thành những hành động
mạnh mẽ, như thả các tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân
sự, và cuối cùng là làm cho rõ ràng trong luật pháp và chính sách là
quyền lực Nhà nước phải được giới hạn và các quyền làm người phổ cập như
tự do phát biểu, lập hội, tín ngưỡng, xuất bản, truy cập thông tin phải
được bảo vệ cho tất cả mọi công dân”.
Rõ ràng ông McCain đã nói thẳng ra những điều kiện trên đây, để có đi
mới có lại. Ngay sau đó (10/8) khi gặp Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở
Miến Điện, Ngoại trưởng John Kerry lại nhấn mạnh: «Thành tích nhân quyền
của Việt Nam là vấn đề tranh cãi còn tồn đọng giữa 2 nước để tạo điều
kiện cho mối quan hệ được nở rộ». Quả bóng đang ở phía Việt Nam. Việt
Nam phải chứng minh bằng hành động.
Có một nhận định hơi vội là phía Hoa Kỳ có vẻ nghiêng về phía cánh
bảo thủ giáo điều trong Bộ Chính trị, trong cơ quan lãnh đạo của đảng
CS. Hoa Kỳ đang chờ, chưa nhóm nào trả lời thật rõ.
Thông điệp của phía Hoa Kỳ là gửi cho phía Việt Nam, cho toàn bộ 16
người trong Bộ Chính trị, cho cả 200 người trong Ban Chấp hành Trung
ương đảng, cho cả 500 đại biểu Quốc hội, cũng là gửi cho toàn thể nhân
dân Việt Nam. Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ đại hội
Đảng, luôn quyết định theo đa số. Hiện có vẻ chưa nhóm nào đạt đa số,
chưa dứt tình với đồng chí bành trướng vì «nặng nợ». Nhưng chỉ còn dăm
tuần lễ nữa thôi, không thể ấm ớ mãi, vì việc quyết định về gia nhập TPP
sẽ sớm ngả ngũ, Quốc hội Mỹ sẽ bàn chuyện Việt Nam vào kỳ cuối năm, sau
đó sẽ dồn nổ lực cho việc bầu cử. Thời gian thật cấp bách, không chờ
ai.
Để xem ngày lễ Quốc khánh 2/9/2014 tới, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang
sẽ ký lệnh trả tự do dưới dạng ân xá giảm án cho bao nhiêu tù chính
trị, tù lương tâm? Danh sách phía các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đưa
ra là 25 người cấp bách nhất, danh sách phía Hoa Kỳ, Liên Âu Bắc Âu,
Úc…đưa ra cũng ngang như vậy. Không thể chỉ vài ba, hay dăm sáu người,
kiểu nhỏ giọt. Bộ Chính trị có dám mạnh tay thả luôn 200 người, như Miến
Điện từng làm khá là sòng phẳng năm 2013 không?
Xin nhớ chưa bao giờ ở Thượng viện cũng như ở Hạ viện Mỹ các ông bà
nghị lại đòi phía Việt Nam phải tỏ ra thực tâm tôn trọng quyền làm người
của người dân nước mình đến vậy. Thêm nữa, dư luận trong và ngoài nước
sẽ xem xét kỹ trong kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, luật về biểu tình, về
lập hội, đặc biệt là lập công đoàn tự do ở các xí nghiệp có còn bị đẩy
lùi nữa hay không? Những điều luật mơ hồ, hết sức phi lý về an ninh, rất
bất công gây oan ức, lạm dụng có được hủy bỏ, sửa chữa hay không ?
Và một chỉ dấu nữa không kém phần hệ trọng là công luận trong và
ngoài nước sẽ quan sát kỹ xem việc chống tham nhũng có «quyết liệt» như
đã hứa hay vẫn giơ cao đánh khẽ, đánh kẻ thù nội xâm như phủi bụi, trong
khi ở bên Tàu họ đánh từ «siêu hổ đến ruồi nhặng», bắt giam 2 cựu ủy
viên thường vụ Bộ Chính trị - Chu Vĩnh Khang và Tăng Khánh Hồng - cùng
400 cán bộ và nhân viên phe cánh, điều tra tài sản của hàng vạn quan
chức cấp cao, trừng trị hàng loạt cán bộ ngành công an, một ngành bị tố
cáo là lạm quyền, tham nhũng, tàn bạo với dân có hệ thống, từ cao nhất
đến cơ sở.
Vậy thì trong thời gian sắp đến bất cứ ai hay nhóm nào trong Bộ Chính
trị, trong Ban Chấp hành Trung ương đảng, dù là tổng bí thư, chủ tịch
nước, thủ tướng hay chủ tịch quốc hội, nếu có những việc làm theo hướng
thực thi dân chủ, nhân quyền, thực hiện nền pháp trị nghiêm minh, ngay
thật làm đúng theo lời hứa, lời cam kết với Liên Hiệp Quốc, với Hội đồng
Nhân quyền, với cử tri nước mình, với nhân dân thì sẽ được ca ngợi, đề
cao và tin cậy.
Sau khi phía Trung Quốc đã tỏ ra tham lam ngạo mạn ngang nhiên đưa
giàn khoan lớn vào vùng biển nước ta, tàn sát ngư dân ta, hành động phi
pháp, bất nhân, lãnh đạo nước ta phải biểu thị lòng yêu nước thương dân
chống bành trướng, từ đó cảnh giác với thái độ lấn lướt gặm nhắm của họ,
không thể để họ cắm chốt sâu trên các địa bàn trọng yếu, hạn chế việc
họ đấu thầu, đầu tư, kinh doanh, buôn bán, lập nghiệp, mua chuộc các
quan chức tham nhũng địa phương trên đất nước ta, tất cả phải thành
chính sách đồng bộ từ trên xuống dưới của chính phủ bao gồm các mặt
chính trị, kinh tế, tài chính, đầu tư, thương mại, lao động. Cùng với
chính sách nội trị chống bành trướng như thế, chính sách ngoại giao cũng
phải mang xu thế chống bành trướng rõ rệt, quan trọng nhất là kết nhiều
bạn mới cùng chung ý chí chống bành trướng như Philippines, Nhật Bản,
Malaysia, Ấn Độ, Miến Điện, và đặc biệt là để ngỏ khả năng liên minh
chiến lược với Hoa Kỳ, cường quốc mũi nhọn đương đầu với sự trỗi dậy
hung hãn nguy hiểm của Trung Quốc.
Tất cả sự mong đợi ở thời điểm thử thách này là xem đa số Bộ Chính
trị có dám nắm chắc tay lái, bẻ ngoặt chuyển sang hướng mới, phóng mạnh
vào đại lộ dân chủ nhân quyền, cải cách toàn diện và đồng bộ cả hệ thống
cai trị đối nội và đối ngoại, chấm dứt thời kỳ đổi mới nửa vời, đổi mới
kinh tế chập chờn, đóng băng về chính trị, tự trói về ngoại giao, chống
tham nhũng hời hợt, tiêu phí biết bao của cải và thời gian của xã hội.
Xem nhóm nào thật sự vượt lên trong nước rút này.
Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi cuối năm, bao nhiêu việc cần làm để được
công luận thế giới cùng dư luận trong nước đánh giá là «được», là «tốt»,
là «đạt yêu cầu», chưa nói là «rất tốt”, là «vượt yêu cầu”, «là nêu
gương về tôn trọng nhân quyền cho người láng giềng phương Bắc» như TNS
McCain đã khuyến cáo. Hay lại bị dư luận quốc tế cũng như dư luận trong
nước chê là «nhỏ giọt», «miễn cưỡng», «chưa thật dứt tình với ông đồng
chí xấu bụng nham hiểm», «chỉ là thủ đoạn chiến thuật để mua thêm thời
gian», «về cơ bản vẫn thế»…Để phải xóa bài làm lại, chờ thêm một thời
gian nữa.
Xét cho cùng là lãnh đạo đảng CS lần này chọn ai, chọn quê hương
mình, Tổ quốc mình, nhân dân mình, đồng bào mình, hay là đặc quyền đặc
lợi cá nhân, chủ nghĩa cá nhân, quyền lợi phe nhóm gắn chặt với « ông
láng giềng tốt, ông bạn vàng tốt, ông đồng chí tốt, ông đối tác tốt» để
cam chịu làm tay sai ô nhục.
Sức mạnh quyết định không phải ở «nhóm bảo thủ» hay «nhóm cấp tiến»
trong Bộ Chính trị, vì họ rất giống nhau ở lòng tham quyền lực và tham
đặc lợi phe nhóm, rất giống nhau dính quá chặt với thế lực bành trướng,
cả 2 nhóm chỉ đua nhau nói dân chủ, nói pháp trị, nói nhân quyền nhưng
không làm.
Sức mạnh vô tận lâu bền của xu thể dân chủ và nhân quyền đích thật
nằm trong đại khối nhân dân, trong đại khối đảng viên CS và đoàn viên CS
ở cơ sở - không thuộc phe nhóm ăn chia nào - do hơn 20 tổ chức xã hội
dân sự như Văn đoàn Độc lập VN, Hội nhà báo độc lập VN, Hiệp hội dân oan
VN, Hội Phụ nữ nhân quyền, Phong trào Lao dộng Việt … cùng hàng loạt
blogger, Facebook lề trái làm vai trò tiên phong mở đường.
Đó mới thật là thế lực của hiện tại VN và tương lai VN, bạn bè chí
cốt với xu thế dân chủ và nhân quyền quốc tế đang nắm chắc tương lai của
thế giới này.