Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Những điều không có trong cáo trạng

Nguyễn Bắc Truyển
Ngày 11/2/2014, đoàn người 21 người, bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền - xã hội và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đến thăm nhà bà Bùi Thị Kim Phượng tại ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Họ khởi hành từ chùa Quang Minh (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), khi đến ngã ba cầu Nông Trại giao lộ giữa hương lộ 67B và tỉnh lộ 849, hàng trăm cảnh sát, mật vụ, dân phòng... bủa vây đánh đập ngay khi họ dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT, họ còn tịch thu tư trang, tiền bạc mà không có bất kỳ biên bản nào được lập.

Nạn nhân trở thành bị cáo

Sự thật đó được bản kết luận điều tra và cáo trạng dàn dựng thành một vụ "gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ" . Sau gần 40 tiếng bị giam giữ trái pháp luật, hai nhà hoạt động nhân quyền - xã hội, bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và một tín đồ PGHH là ông Nguyễn Văn Minh tiếp tục bị giam giữ theo quyết định khởi tố của cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) để hoàn tất một vụ án "gây rối" kéo dài 2 tiếng 30 phút mà chính công an huyện Lấp Vò đã có kịch bản.
Nón bảo hiểm của bà Thúy Quỳnh bị tan tành dưới trận đòn của nhóm người xưng là "quần chúng bất bình" nhưng bà Quỳnh lại bị kết tội "gây rối". Bà Bùi Thị Minh Hằng bị đánh, bị còng tay rồi tiếp tục bị đánh bởi ngay chính người đã ký lệnh bắt và khởi tố vụ án là thượng tá Lê Hoàng Dũng - phó thủ trưởng cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Bà Hằng đã yêu cầu gia đình phải tìm cho được người này là ai? Có thể bà Hằng chưa biết người đánh bà chính là người đã ký lệnh bắt, nhưng tất cả những nạn nhân chứng kiến diễn biến vụ việc đều nhận dạng ra kẻ đã đánh bà Hằng sau khi bà bị còng và bị đẩy vào xe tù.

Khi thấy những người đi đầu bị chặn đánh, đang đi cuối đoàn xe, ông Nguyễn Văn Minh bỏ xe đi bộ lên phía trước. Cáo trạng buộc tội ông Minh đã tấn công cảnh sát giao thông "...nhảy xuống (xe) dùng tay phải đánh trúng tay phải ông Thái Hoàng Danh một cái...", nếu một vụ tấn công thật sự thì phải nhắm vào mặt vào ngực mà đánh chứ sao lại đánh một cái vào tay như đùa giỡn vậy? Trò vu khống này xem ra quá yếu chứng lý nên sau đó tội "chống người thi hành công vụ" chuyển qua thành tội "gây rối trật tự công cộng" cho đúng kịch bản hơn.
Trong một văn bản trả lời gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng, một cơ quan tham gia tố tụng cho rằng sự việc 21 người bị đánh là do 21 người tấn công CSG trước, người dân thấy bất bình nên giúp công an đánh trả lại. Một chứng cớ quan trọng như vậy nhưng không thấy được nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng để kết tội "chống người thi hành công vụ". 21 người với 8 người phụ nữ, 13 người đàn ông tay không tấc sắt. 21 người trong đó 01 tín hữu Công giáo, 01 Phật tử, 14 người là tu sỹ - cư sỹ PGHH và 5 nhà hoạt động nhân quyền - xã hội lại có thể tấn công hàng trăm người với gậy tre, dùi cui, cây 3 phân vuông... đang phục sẵn trên đường đi?
Vụ phục kích được phía cáo buộc chuẩn bị ít nhất 10 máy quay phim, có cả đài truyền hình tỉnh Đồng Tháp. Vậy chủ tọa phiên tòa sẽ trình chiếu công khai ngay tại tòa các thước phim này và thay vì cắt phần tiếng như đã chiếu trên truyền hình vào tháng 2/2014, nên để nguyên những lời "la lối lớn tiếng" xem các nạn nhân (nay là "bị cáo") nói gì khi họ bất ngờ bị chặn xe và bị đánh đập thì mới thuyết phục tội danh "gây rối".

Mục tiêu chính của vụ án

Bản cáo trạng có đề nghị tịch thu tiêu hủy 05 băng-ron như "Đả đảo công an côn đồ bắt người trái pháp luật", "Yêu cầu xử lý công an côn đồ để làm gương cho dân", "Nhân dân không đóng thuế nuôi nhà nước côn đồ", "Đã đảo những tên công an đập phá bàn thờ Đức Huỳnh Giáo chủ" và "Cực lực lên án Công an, C.S khủng bố xúc phạm tôn giáo". Bản cáo trạng nói 03 trong số 05 băng-ron là của bà Bùi Thị Minh Hằng, nhưng trong lần làm việc với cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò vào tháng 6/2014, ông Võ Văn Thanh Liêm - Trụ trì chùa Quang Minh (PGHH) đã khẳng định tất cả 05 băng-ron đó là của ông.
Theo bản cáo trạng, chỉ là tình cờ CSGT tuần tra phát hiện đoàn người đi trên hương lộ 67B gồm 11 xe đang chạy ngược chiều dàn hàng ba xe trở lên. CSGT tuần tra giao thông thường xuyên mà có cả đài truyền hình đi cùng thì quả thật chỉ có ở tỉnh Đồng Tháp. Thật tế, từ khi 21 người rời khỏi chùa Quang Minh (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã có những "cái đuôi" bám theo đe dọa và yêu cầu đoàn xe phải quay về nếu không sẽ chịu hậu quả.
Tại sao phải phục kích đoàn người ngay tại ngã ba cầu Nông Trại (ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)? Đây là khu vực dân cư thưa thớt, chỉ có vài căn nhà trong bán kính 500m, xe lưu thông cũng không nhiều (vài xe 4 bánh trong thời gian 30 phút). Mặt đường hương lộ này dưới 4m, nối với tỉnh lộ 849 với mặt đường 6 m và nhiều dân cư sinh sống hơn, nhiều xe cộ qua lại, cách quốc lộ 80 không xa. Địa điểm phục kích quá lý tưởng để phe cáo buộc có thể huy động hàng trăm nhân chứng buộc tội trong khi đó "bị cáo" và các nạn nhân bị buộc phải im lặng.
Tại sao bà Hằng bị bắt? bà Hằng là một nhà hoạt động nhân quyền, bà luôn dành tình cảm cho những cộng đồng tôn giáo độc lập như đạo Dương Văn Mình, tín đồ PGHH, tín đồ Phật giáo tiểu thừa (miền Tây Nam bộ), tín đồ Tin Lành và Dân oan khắp 3 miền... Bà Hằng dành thời gian đến ủy lạo, động viên tinh thần mọi người, lên tiếng khi họ gặp sự đàn áp. Đó là "cái gai trong mắt" những kẻ đàn áp tôn giáo và cướp đất người dân.
Tại sao bà Thúy Quỳnh và ông Minh bị bắt mà không phải là tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm hay là cư sỹ Tô Văn Mãnh, cư sỹ Võ Văn Bửu...? bà Quỳnh là nhà hoạt động xã hội, khi bị đánh, bà Quỳnh đã phản đối mạnh mẽ về hành động của đám người tự xưng là "quần chúng bất bình". Cơ quan điều tra thì cần có ít nhất 02 người, dùng lời khai của họ để buộc tội "bị cáo" chính là bà Hằng. Họ đã đánh giá sai sự can đảm và chính trực của bà Quỳnh, khi được đề nghị là nên khai theo hướng buộc tội bà Hằng là người cầm đầu vụ "gây rối", bà Quỳnh sẽ được tự do ngay, bà đã từ chối và tuyệt thực phản đối.
Ông Minh có vẽ là người yếu nhất (về mặt đối phó với những cáo buộc), gia đình bên vợ đã có hai người đang bị cầm tù chỉ vì thành lập đạo tràng PGHH tại huyện An Phu (tỉnh An Giang). Ông Minh lại là lao động chính nuôi gia đình và lo cho cả bên vợ. Mắt xích này có thể dễ dàng thuyết phục với những lời hứa hẹn của điều tra viên nếu như và lời khai buộc tội chống lại bà Hằng. Nhưng chắc họ phải thất vọng lắm, theo lời bà Bùi Thị Diễm Thúy - vợ ông Minh, ông Minh nói sẽ bảo vệ sự thật đến cùng.
Trong thời gian điều tra, ông Minh nhiều lần bị tra tấn hòng buộc ông phải ký vào các biên bản điều tra với những lời khai sai sự thật, nhưng công an cũng không thể thực hiện được điều mà họ muốn. Chia tay vợ trong lần gặp đầu tiên sau sáu tháng bị bắt, ông Minh còn làm trò "múa lửa" cho vợ và hai con cười. Trước đó, cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò, cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Tháp đã không đồng ý cho luật sư vào gặp ông Minh để hoàn tất đơn mời luật sư bào chữa theo yêu cầu của gia đình, chỉ đến khi tòa án thụ lý vụ án thì luật sư mới được gặp ông Minh và bà Thúy Quỳnh.

Phiên tòa công khai (?)

Cả ba người bị bắt sẽ bị đưa ra xử vào ngày 26/8/2014 sắp tới đây, không một ai nhận tội hay xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, cáo trạng cũng đã nêu lên tình tiết này và gia đình cũng xác nhận đúng như thế. Tất cả đã sẵn sàng đối mặt với cả một hệ thống pháp lý đang tìm cách buộc tội họ và chấp nhận lấy cái chết để bảo vệ sự thật. Bà Hằng đã trải qua 4 lần tuyệt thực và lần sau cùng tuyệt thực 13 ngày (không ăn không uống).
Cáo trạng cũng nói rằng chứng cớ buộc tội dựa trên "đối chất" trong quá trình điều tra, tuy nhiên ngay trong ngày đối chất đầu tiên với bà Hằng, bà Hằng đã phản đối một "nhân chứng buộc tội" là tài xế. Cơ quan điều tra đưa người này vào trại giam để đối chất với bà Hằng với những lời cáo buộc vô căn cứ và hành vi làm chứng gian. Dự kiến bốn ngày đối chất đã không thực hiện được đối với bà Hằng chỉ sau một buổi đối chất. Năm người trong số muời tám người được thả vào ngày 12/2/2014 cũng đã có đơn gởi đến bộ Công an để tố cáo hành vi ép cung, ghi sai lời khai của điều tra viên (cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) khi họ bị triệu tập thẩm vấn vào tháng 3/2014. Cho đến nay các đơn này không ai giải quyết hay có văn bản phản hồi.
Mười tám "nhân chứng giải tội", nay chỉ còn mười bảy người, một người đã qua đời (anh Huỳnh Anh Trí - cựu tù nhân chính trị). Đến vào thời điểm này (trước phiên tòa bốn ngày) chỉ có mười người nhận được giấy triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng, trong khi đó các luật sư đã yêu cầu triệu tập tất cả nhân chứng có liên quan. Có hay không có giấy triệu tập, tất cả sẽ đến, đến để bảo vệ sự thật, đến để bảo vệ người công chính và đến để vạch mặt những kẻ "ngậm máu phun người", "ném đá giấu tay". Chỉ cần các nhân chứng đến và bị ngăn cản vào trong phiên tòa thì đó cũng là một chứng minh cho mọi người thấy được tính chính danh của phiên tòa và phiên tòa công KHAI, nó "bốc mùi" đến mức độ nào?
Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 26/8/2014 của tòa án tỉnh Đồng Tháp được công bố đây là một phiên tòa công khai, nhưng có một số nơi nhà cầm quyền đã đe dọa trực tiếp, hay nói xa nói gần, ngăn cản người dân muốn đến tham dự phiên tòa, đặc biệt là các tín đồ PGHH tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang…Có tín đồ PGHH bị bao vây nhà với hàng chục công an mật vụ. Ngay như các gia đình của ba "bị cáo" cũng chưa nhận được giấy mời đến tham dự phiên tòa với tư cách là thân nhân của "bị cáo".

Đi tìm sự thật

Từ 39 năm nay, các tín đồ PGHH tại miền Tây bị đàn áp tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, họ bị bắt, bị tra tấn, ép cung, ra tòa không được tranh tụng, không có luật sư, bị tra tấn... bị kết án rồi ở tù cho đến khi mãn hạn. Các tội danh như "gây rối trật tự công cộng", "chống người thi hành công vụ", "lợi dụng quyền tự do dân chủ"... được làm bình phong cho sự đàn áp. Nay thì điều đó khó có thể dấm dúi che đậy khi mà các tín đồ PGHH đã biết sử dụng truyền thông internet, vận dụng pháp luật quốc tế và quốc nội để chống lại sự đàn áp và bất công, cùng với sự ủng hộ của các tôn giáo khác.
Một vụ án cỏn con "gây rối" mà đích thân giám đốc công an tỉnh phải lên đài truyền hình hối thúc các cơ quan tố tụng phải nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử. Mãi hơn 5 tháng mới hoàn tất kết luận điều tra và phải chuyển từ cơ quan CSĐT huyện Lấp Vò sang cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Tháp. Kịch bản đàn áp tôn giáo lần này không thể nuốt trôi như những lần khác vì bị soi từ đầu vụ đến cuối vụ bởi dư luận trong và ngoài nước.
Ngày 28/7/2014, ông Heiner Bielefeldt - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ có chuyến thanh sát tại An Giang về vấn đề tự do Tôn giáo. Các báo cáo về việc đàn áp tôn giáo đã được gởi đến ông trước chuyến đi, trong đó có báo cáo việc 21 người bị đánh đập và 03 người bị truy tố. Những gì ông Heiner Bielefeldt chứng kiến trong chuyến đi cho thấy những vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt Nam là sự thật (báo cáo sơ bộ ngày 31/7/2014).
Những nơi ông muốn đến gặp gở các nhân chứng như chùa PGHH Quang Minh, đạo tràng PGHH ông Nguyễn Văn Trung, tư gia bà Bùi Thị Kim Phương đều bị công an bao vây giám sát chặt. Ngay cả con đường vào nhà bà Bùi Thị Kim Phượng (tỉnh lộ 852) cũng bị chặn hai đầu (với cự li khoảng 5 km), hai hiện trường tai nạn giao thông giả được dàn dựng nhằm ngăn cản đoàn xe của ông Heiner Bielefeldt đi vào.
Sẽ có bốn luật sư tham gia bào chữa cho các "bị cáo" tại phiên tòa sơ thẩm. Và nếu thật sự đúng là một phiên tòa công khai sẽ có vài đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam và tất cả 16 "nhân chứng giải tội" có mặt sẽ được vào bên trong phiên tòa tham dự. Phiên tòa xét xử người "gây rối" sẽ được soi sáng không phải là do những phán quyết của thẩm phán vì vốn nó được gọi là "phiên tòa bỏ túi", mà nó sẽ được soi sáng bởi những người đến với phiên tòa để tìm công lý cho những các "bị cáo".
Chúng ta hãy cùng nhau đến phiên tòa lịch sử để cùng làm chứng cho sự thật.
Nguyễn Bắc Truyển
24/8/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"