Tôn Phi
Ảnh minh họa.
DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY - NỀN DÂN CHỦ GẮN VỚI XÃ HỘI DÂN SỰ
- Nền dân chủ ở châu Âu gắn liền với việc nhà thờ và nhà vua thoái bộ
quyền lực. Trừ một số ít nước như Pháp trải qua tàn sát để có dân chủ,
hầu hết các nước châu Âu có sự chuyển hóa nhẹ nhàng nền phong kiến.
Trong cuộc nội chiến đạo giáo ở Pháp, người Công giáo đã tàn sát người
anh em Tin Lành. Đạo Tin lành bị trục xuất ra khỏi Công giáo và trở
thành hệ thống riêng. Nhờ phân hóa tôn giáo, quyền lực của Rô-ma giảm
đi, theo đó là nhà nước phong kiến. Giai cấp trung lưu Pháp tiếp cận với
các tư tưởng về tự do. Cách mạng 1789 thành công. Lực lượng dân chủ và
cộng hòa đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và cả Giáo hội Công giáo.
Sau khi tướng Đờ-gôn làm chính biến, nước Pháp mới thực sự có nền cộng
hòa.
Nước Anh ngày nay là thể chế dân chủ có vua, nền dân chủ Anh không
đến từ bạo lực. Vua và nữ hoàng phải thay đổi chính sách và giao lại
quyền cho người dân. Hiến pháp mới ra đời, người dân bầu quốc hội và thủ
tướng. Quốc hội lập pháp, thủ tướng hành pháp. Bên hoàng gia quyền làm
vua cha vẫn được bảo đảm truyền con nối. Cai trị nước Anh là những người
sáng suốt, không cố chấp. Đặc biệt là Nữ hoàng Elisabeth. Bà đã tự bỏ
bớt quyền lực của hoàng gia và nhận định thuần lý, tôn trọng quyền cơ
bản của các thuộc địa. Các thuộc địa Anh ít chiến tranh. Gan-đi tranh
đấu cho một Ấn Độ không cần tới xung đột vũ trang. Mã Lai, một thuộc địa
khác của Anh cũng nhanh chóng độc lập mà không có chiến tranh. Tất cả
các thuộc địa của Anh đều có độc lập sớm vì các miền đất Anh quản lí đều
đề cao luật pháp. Hồng Kông, cũng là vùng nước Anh cai trị nhưng có
thượng tôn luật pháp, dẫn đến kinh tế phát triển gấp bội so với Trung
Hoa đại lục. Cụ Hồ Chí Minh khi sang Hồng Kông vẫn được đối xử tốt. Luật
sư Francis Henry Loseby - một người Anh ở Hồng Kông được phép biện hộ
cho Hồ Chí Minh. Nếu Hồng Kông không là thuộc địa của Anh mà của một
nước nào khác như Ý hay Bồ Đào Nha thì không thể có chuyện này.
Việt Nam lớn hơn Bỉ về địa lý rất nhiều nhưng tinh thần dân chủ dân
Bỉ cao hơn dân ta rất nhiều. Động tới quyền của dân Bỉ là họ phản đối
ngay. Luật Bosman nổi tiếng và còn đang hiện hành trong bóng đá hiện đại
là nỗ lực của một người Bỉ. Cầu thủ Bosman qua Luc-xăm-bua chơi bóng
nhưng bị cản trở vì lí do ngoại kiều. Bosman cho rằng như thế là hiếp
đáp quyền làm người và kiện lên tòa án châu Âu, tiền đi kiện kêu gọi
đóng góp từ giới cầu thủ. Bosman người Bỉ thắng kiện, luật Bosman ra đời
cho phép cầu thủ tự do thi đấu ở châu Âu. Đó là hành động anh hùng của
giới bóng đá, của một người Bỉ. Tinh thần dân chủ đã tập dượt từ thế kỷ
18, trải qua 400 năm nên dân Bỉ đã thấm nhuần. Không phải chính quyền
nắm quyền lực mà là các tổ chức dân sự. Ở Bỉ có Hội bảo vệ người tiêu
dùng rất mạnh. Hãng nào quảng cáo không đúng, bị phát hiện sai phạm là
phải bồi thường cho khách hàng. Bất kỳ chuyện gì ức hiếp cá nhân cũng
được các tổ chức dân sự can thiệp. Chính phủ cũng phải lùi bước trước xã
hội dân sự. Có một lần một giáo sư người Bỉ gốc Việt tên là Nguyễn Đăng
Hưng đi xe bị bể bánh. Ông gọi điện thoại cho hiệp hội bảo vệ người
tiêu dùng. Hội viết thư yêu cầu sở quản lí cầu đường bồi thường vì người
dân đã đóng thuế thì không được có ổ gà. Chính quyền Bỉ đã trả hết số
tiền gồm tiền mua bánh mới và ba ngày lương cho giáo sư Hưng vì ông
không có xe đi làm.
DÂN CHỦ PHƯƠNG ĐÔNG - TẬP DƯỢT DÂN CHỦ
Dân chủ phương Đông và phương Tây khác nhau. Ở phương Tây, không ai
phải thần phục ai cả. Nhưng ở phương Đông, dân chủ phải gắn liền với một
minh quân. Hầu hết các nhà sáng lập chế độ ở châu Á đều là những nhà
độc tài.
Ở Singapo, Lý Quang Diệu cũng toàn trị trong thời gian dài nhưng
biết hành xử thượng tôn pháp luật. Trong khi ở miền Bắc Việt Nam, nhà
nước đóng cửa trường luật và xét xử trong phút chốc để lấy mạng người và
lấy đất trong cải cách ruộng đất 1954. Chính phủ Sing-ga-po còn khác
chính phủ Việt Nam ở chỗ họ không dùng giáo dục tuyên truyền cho đảng
riêng, dạy người dân có cái nhìn đa chiều về xã hội. Nhờ đó Sing-ga-po,
một làng cá đã trở thành cường quốc với dân trí cao. Còn ở Việt Nam,
thời lượng suy tôn lãnh tụ và ca ngợi chế độ trong sách giáo khoa lớn
làm học sinh bị nhồi sọ đến gần như không còn tư duy phản biện.
Về đối nội, Thiên hoàng Minh Trị của Nhật Bản là ông vua thành công
nhất ở châu Á. Ông nghe lời giới trí thức đưa ra những chính sách thân
phương Tây, học từ phương Tây. Nhờ điều này, Nhật Bản nhanh chóng có
công nghệ. Nguyễn Trường Tộ cũng sang Pháp về kể chuyện đèn không cần
dầu, “con trâu” ngoáy vào đít là chạy bon bon, nhưng bị vua và các quan
trong triều cho là lộng ngôn hoang tưởng.
Hiến pháp của Nhật là hiến pháp dân chủ. Nền giáo dục Nhật đào tạo
con người đại nghĩa và dân Nhật đi đâu cũng được thế giới tôn trọng.
Hiến pháp Việt Nam là do đảng Cộng sản viết để bảo vệ quyền lực của
mình, gây ra nhiều bất bình và đưa xã hội trở thành dối trá vì bóp méo
chân lý. Người Việt không tiếp xúc với chân lý nên ra nước ngoài bị phân
biệt đối xử vì văn hóa kém, hay trộm cắp và gian lận…
Thái Lan nằm kề Việt Nam nhưng may mắn hơn Việt Nam. Nhà vua
Bhumibol Adulyadej nhượng bộ cho người Anh những điều kiện để bảo đảm
nền hòa bình và mở mang đất nước. Vua Thái Bhumibol Adulyadej sáng suốt
hơn vua Tự Đức khi để tư bản nước ngoài và nội địa phát triển. Triều
đình Huế lại thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng cực đoan. Nhà Nguyễn
tàn sát các nhà truyền đạo phương Tây và hạch sách thương gia nước ngoài
làm họ phẫn nộ. Và dư luận quốc tế không ai bênh vực Việt Nam khi Pháp
và Tây Ban Nha đổ bộ vào.
Thái Lan tuy giữ được hòa bình nhưng Thái Lan không phát triển về
công nghệ. Vào thời điểm 1975, công nghệ của Băng-cốc thậm chí còn chưa
sánh kịp công nghệ của Sài Gòn. Còn công nghệ của Hà Nội thì chưa bằng
Băng-cốc. Nhưng sau 1965, Việt Nam tụt hậu so với Thái Lan về khoa học
kỹ thuật và dẫn đến thua kém về kinh tế. Nguyên nhân chính là do chế độ
bao cấp tồn tại quá lâu và văn hóa chính trị độc tài không tôn trọng
sáng kiến.
Thái Lan biến đổi sang quân chủ lập hiến có tổ chức bầu cử phổ
thông. Tuy nhiên nền dân chủ non trẻ phát xuất sau xung đột quân sự dữ
dội. Dân chủ là một văn hóa. Người dân chưa có thói quen hành xử theo
dân chủ nên nóng lòng bầu Yingluck nhưng lại không tôn trọng các quyết
định của bà, tìm mọi cách lật đổ bà, biểu tình triền miên mà không có
yêu sách chính đáng. Nền độc tài trở lại. Đảng đông nhất Thái Lan là
đảng Dân Chủ chưa có tinh thần tôn trọng trọng hiến pháp, xây dựng đất
nước. Việc quân đội Thái trở lại nắm chính quyền gây phản ứng. Mỹ cắt
viện trợ. Các tập đoàn kinh tế rút khỏi Thái Lan và suy thoái kinh tế
đến nay chưa phục hồi.
Philipin dân chủ hơn Thái Lan. Cũng có biểu tình như thời Mạc-cốc,
cũng có đảo chính, nhưng sau đó xã hội phục hồi và tôn trọng dân chủ.
Những quyết định của tống thống được quốc hội và nhân dân tôn trọng. Gần
đây, quyết định khởi kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế của tổng thống
được người Phi-lip-pin và thế giới ủng hộ mạnh mẽ. Benigno Aquino III là
một tổng thống quyết đoán, khích lệ được ý chí dân tộc và có triển vọng
được bầu làm lãnh tụ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trở lại Hàn Quốc thời điểm những năm1953, Phác Chánh Hy cũng là một
nhà độc tài như Kim Nhật Thành ở Triều Tiên, cũng gây ra nhiều vụ tàn
sát. Ông này bắt trí thức ở nước ngoài phản đối chính quyền về nước để
xử lý. Nhưng Phác Chánh Hy cũng dần dần xây dựng pháp chế dân chủ, lấy
giáo dục nhân văn là chính nên dần dần xã hội phát triển. Tầng lớp trung
lưu Hàn Quốc ngày càng giàu có và kéo được quyền lực về phía mình. Xã
hội Hàn Quốc được như ngày nay là nhờ nền dân chủ thấm sâu vào văn hóa
của người dân.
Tại Đài Loan, cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc cũng rất
độc tài, song về sau dần cho phép các đảng khác hoạt động. Quốc dân đảng
cai trị nhưng vẫn cho phép người bản địa lập đảng riêng, không giống
như Việt Nam khi chính phủ cộng sản gán tội danh phản động cho các đảng
mới thai nghén và bỏ tù lãnh tụ các phong trào dân chủ.
Ngày nay Đài Loan có những công ty vươn ra khắp thế giới, có đạo đức
kinh doanh và uy tín hơn hẳn các công ty đại lục. Nhiều công ty của Đài
Loan ở Việt Nam kiểm soát nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam.
GIẢI PHÁP DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM?
Muốn có dân chủ không chỉ có thể chế mà còn phải có văn hóa tập dượt
lâu dài. Nhiều nhà dân chủ ở Việt Nam không chỉ bị chính quyền bắt bớ
mà ngay cả chính người thân của họ cũng phản đối con đường dân chủ của
họ. Nếp nghĩ của người Việt Nam ghét phiền phức, nhiều khi thấy chuyện
bất bình cũng để yên cho qua. Cả một xã hội toàn những người không biết
hành động để đòi công lý nên dân chủ còn xa vời. Thế hệ trẻ phải được
giáo dục nhân văn, và được biết những quyền lợi của người dân là chính,
người lớn và nhà cầm quyền không được áp đặt tư tưởng. Phải để cho thế
hệ tương lai tiếp xúc các tư tưởng tiến bộ để đảm đang và xây dựng tổ
chức dân sự. Chỉ có xã hội dân sự mới đưa đất nước ra khỏi cảnh độc tài
kém tiến bộ.
Thế nhưng ở Việt Nam, các tổ chức mang tên có vẻ dân sự như Đoàn
thanh niên, Hội sinh viên hay Hội phụ nữ lại là con bài của đảng cầm
quyền. Vì vậy, người Việt phải nhanh chóng thay đổi các tổ chức này, nếu
cần thiết thì có thể lập các tổ chức khác tương đương.
Trong xu thế toàn cầu hóa, xã hội dân sự sẽ là xu thế bắt buộc của
thế giới. Hi vọng các tổ chức dân sự sẽ đi vào cuộc sống ở Việt Nam. Nhà
nước có thể thay đổi nhưng tổ chức dân sự phải được ngự trị lâu dài
trong xã hội để dân có thể dựa vào, đề kháng sự lạm dụng của tham nhũng,
tài phiệt, và các nhóm lợi ích.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.