Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Bài học từ Hàn Quốc - Vươn lên từ đổ nát

Tới cuối thập kỷ 60, xã hội Hàn Quốc đã thay đổi tới tận gốc rễ bởi sự bất đồng về tư tưởng và đói nghèo. GDP bình quân đầu người thời bấy giờ chỉ có 85USD/năm. Phần lớn người dân thậm chí không đủ ăn. Kinh tế Hàn Quốc thời đó chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, trong khi khắp đất nước, lũ lụt và hạn hán liên tiếp hoành hành. Xã hội Hàn Quốc được nhận xét là một xã hội "thờ ơ, hỗn độn và vô vọng".
Sau trận lụt năm 1969, người dân phải tu sửa lại nhà cửa và đường sá mà không có sự trợ giúp của Chính phủ. Đến năm 1970, 80% người dân nông thôn vẫn phải sống trong nhà mái lá và 80% không có điện thắp sáng mà vẫn phải dùng đèn dầu. Mối lo lớn nhất của Chính phủ là làm sao thoát khỏi đói nghèo. Điều này làm Tổng thống Park suy nghĩ rất nhiều, làm sao tìm ra cách để giúp phát triển các vùng nông thôn. Park nhận ra rằng viện trợ của Chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình. Hơn thế nữa, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn.

Những ý tưởng này chính là nền tảng của Saemaul Undong.
Thực ra lúc đầu Saemaul Undong không phải là một dự án lớn. Sau ba năm đưa vào thực tế, Chính phủ nhận thấy nếu không có nỗ lực của người dân, Saemaul Undong sẽ thất bại. Saemaul Undong không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà còn là cả một cuộc cải tổ về ý thức dựa trên tinh thần. Về cơ bản, mục tiêu của Saemaul Undong là xây dựng một quốc gia thống nhất, hoà bình và kỷ cương cho tất cả mọi người. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chính phủ Hàn Quốc đã đề cao ba phẩm chất mấu chốt trong phong trào Saemaul Undong: cần cù, tự lực và hợp tác.
- Cần cù mang lại tính chân thật, không cho phép sự giả tạo và thói kiêu căng ngạo mạn.
- Tính tự lực giúp cho con người biết tự lực cánh sinh, nếu không sẽ phải chịu thiệt thòi "trâu chậm uống nước đục". Ai cũng có thể làm chủ được số phận của mình một khi họ hoàn toàn độc lập, không phải nhờ cậy đến bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.
- Hợp tác phải dựa trên mong muốn phát triển chung cả cộng đồng, và sự phát triển đó có được là nhờ nỗ lực tập thể "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Có thể thấy, ba nguyên tắc rường cột của Saemaul Undong cũng chính là hạt nhân của công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến và một quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng ở đây không chỉ bó hẹp ở ý nghĩa vật chất, nó còn bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả con cháu mai sau. Và mục tiêu của Saemaul Undong là xây dựng nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã góp phần vào sự tiến bộ chung của cả quốc gia.
Đã hơn 40 năm kể từ khi khẩu hiệu đó thôi thúc người dân Hàn quốc tiến đến thành công. Từ một đất nước mà GNP đầu người chưa đầy 100USD/năm trở thành một quốc gia với GNP đầu người ở mức 10.000USD/năm, điều thần kỳ này đã được hiện thực hóa bằng bàn tay và khối óc người của người dân Hàn quốc. Saemaul Undong đã trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng và ghi dấu ấn như một dấu son, một bước ngoặt lịch sử trên con đường phát triển của Hàn Quốc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"