Ngô Nhân Dụng
Trong Ðèn Cù, nhà văn Trần Ðĩnh kể lại cuộc gặp gỡ giữa triết gia Trần Ðức Thảo và Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, chính Trần Ðức Thảo kể lại cho tác giả nghe. Trần Ðĩnh không nói chuyện xẩy ra vào năm nào, nhưng thời điểm chắc không quan trọng.
Một hôm Trần Ðức Thảo được thư ký của Lê Duẩn là Nguyễn Ðức Bình đến
đón, bằng xe hơi, trong khi nhà triết học đang sống trong cảnh nghèo
nàn, túng thiếu, bị cả bạn bè bỏ rơi vì đã tham dự nhóm Nhân Văn-Giai
Phẩm, viết những điều ngược lại với chủ trương văn hóa của Ðảng. Trước
khi về Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, Trần Ðức Thảo ở Pháp đã
nổi tiếng trong giới triết học châu Âu. Ông được Phạm Văn Ðồng đến
thăm, tại Paris ba lần, mời về “giúp nước.” Nhưng khi về chiến khu ở
Việt Bắc, Hồ Chí Minh bảo ông: “Chú đã học ở nước ngoài nhiều rồi, bây
giờ về học nhân dân.” Trần Ðức Thảo tham gia nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm,
báo Nhân Văn ra số 3 đăng các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của
ông. Vì vậy trong các đợt chỉnh huấn Trần Ðức Thảo cùng với Nguyễn Mạnh
Tường, Ðào Duy Anh, Trương Tửu, bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu
tố, cấm không cho dạy ở tại các trường Sư Phạm và Tổng Hợp Hà Nội nữa.
Nguyễn Ðức Bình nói ông tổng bí thư muốn đọc cho giáo sư nghe để xin
ông góp ý kiến về một bài đang viết: “Ðề cương về vấn đề con người.”
Ngồi trong phòng khách, chỉ có ba người, Lê Duẩn độc thoại được mấy phút
thì Nguyễn Ðức Bình nhắc Trần Ðức Thảo hãy ghi những lời ông tổng bí
thư nói. Trần Ðĩnh cho biết một thói quen của các quan chức, cán bộ là
khi nghe cấp trên nói gì thì họ cũng ghi chép chăm chú những lời vàng
ngọc, chứng tỏ lòng kính cẩn và trung thành. Thấy triết gia cứ ngồi im,
Bình chạy đi lấy giấy, bút đến đặt trước mặt. Triết gia vẫn không ghi
chép gì cả. Ông Nguyễn Ðức Bình này về sau lên làm ủy viên về văn hóa,
tư tưởng, chắc nhờ vào thái độ cung kính và tận trung như thế.
Khi Duẩn ngưng, Nguyễn Ðức Bình nhắc: “Tổng bí thư đã nói xong, xin
giáo sư góp ý kiến.” Trần Ðức Thảo ngơ ngác một lát, rồi thú thật: “Tôi
không hiểu gì cả.”
Ngay lập tức ông tổng bí thư chạy ra đằng sau Trần Ðức Thảo, hay tay
quàng ôm lấy ngực triết gia, xốc lên, dội xuống mấy lần, rồi “buông
thịch” xuống một cái cho ông giáo sư rơi xuống ghế ngồi. Lê Duẩn bỏ đi
vào phòng trong. Bình trách mắng ông giáo sư tại sao “nói không hiểu gì
cả,” rồi cũng đi vào. Trần Ðức Thảo còn một mình, không biết lối ra,
phải hỏi mấy người hầu trong nhà đường nào đi ra cổng, rồi về nhà mình.
Trần Ðức Thảo nói thật lòng. Ông không hiểu Lê Duẩn nói cái gì. Trần Ðĩnh hỏi tại sao không hiểu. Triết gia trả lời: “Khái niệm không chuẩn gì cả!”
Trần Ðức Thảo nói thật lòng. Ông không hiểu Lê Duẩn nói cái gì. Trần Ðĩnh hỏi tại sao không hiểu. Triết gia trả lời: “Khái niệm không chuẩn gì cả!”
Những người học triết trong các đại học lớn, huấn luyện có bài bản,
tập được thói quen khi bàn luận chuyện gì thì các danh từ và khái niệm
mình nêu ra phải có nghĩa rõ ràng, chuẩn mực. Nếu dùng một danh từ, một
khái niệm có sẵn, từng được mọi người sử dụng từ trước, thì phải hiểu
chúng theo tiêu chuẩn đã quen dùng. Cũng giống như khi bàn về một bài
toán đại số, trong môn này cả thế giới đã quen nói tới “số âm,” và “số
dương.” Nếu bây giờ anh lẫn lộn số âm với số dương, hoặc có lúc hiểu
theo nghĩa này, rồi sau đó lại hiểu theo nghĩa khác; thì các người đã
học đại số sẽ chịu chết, không ai hiểu anh ta nói gì cả.
Lê Duẩn không biết đã học đến đâu, trình độ tới cấp nào, nhưng lại
thích đóng vai một lý thuyết gia. Ông có nhu cầu chứng tỏ mình giỏi hơn
Hồ Chí Minh một bậc. Hồ Chí Minh đã tự nhận rằng mình không có lý thuyết
hay tư tưởng nào cả, chỉ có “phong cách” thôi. Vì, ông giải thích, tất
cả những gì đáng viết đã có Mao Trạch Ðông viết ra tất cả rồi, chỉ cần
học Mao là đủ. Lê Duẩn đã từng xưng tụng “Mao Trạch Ðông là Lê Nin của
thời đại Ba dòng thác cách mạng.” Nhưng Duẩn vẫn tự hào mình đã phát
kiến ra hiện tượng “Ba dòng thác cách mạng,” coi là mới mẻ lăm. Từ thập
niên 1960, phong trào cộng sản trên thế giới bắt đầu đặt vấn đề làm sao
cho chủ nghĩa cộng sản mang “tính con người,” tức là không chỉ chú trọng
đến “tính giai cấp” mà thôi. Chắc Lê Duẩn cũng muốn chứng tỏ mình có
suy nghĩ sâu xa về vấn đề căn bản này; muốn để lại một di sản “trước
thư, lập ngôn” cho con cháu sau này hãnh diện.
Tại sao Lê Duẩn lại mời Trần Ðức Thảo tới nghe trước các ý kiến mình
sắp hay đang viết? Rất có thể ông chỉ muốn nói cho vị giáo sư triết học
nghe xong rồi gật gù tán thưởng mấy câu, giống như đám thuộc hạ vẫn lúi
cúi ghi chép những lời vàng ngọc của ông. Ðược như vậy, ông cũng đủ
thỏa mãn, sẽ cho in tác phẩm về “vấn đề con người,” cho các đảng viên
học tập. Ðàn em của ông sẽ thì thầm với nhau, thả tin đồn rằng đồng chí
tổng bí thư đã cho giáo sư triết học Trần Ðức Thảo nghe trước rồi, “phục
lắm, phục lắm!” Như vậy cũng đáng hãnh diện!
Cũng có thể Lê Duẩn có ý sẽ nhờ một triết gia có bằng cấp và nổi
danh quốc tế chấp bút viết hộ mình, diễn tả những ý kiến của mình ra,
dùng ngôn ngữ mang mùi vị triết học. Các lãnh tụ cộng sản vẫn quen sai
người viết hộ như vậy; trừ Hồ Chí Minh phải tự viết tiểu sử mình, ký tên
Trần Dân Tiên, hoặc T. Lan. Mao Trạch Ðông chắc không nhờ ai chấp bút,
vì chính ông ta vốn có tài văn chương. Có thể đoán Lê Duẩn cũng mang ý
định “lập ngôn” theo gương Mao, Lenin, và Stalin; mong cũng được coi là
một lãnh tụ cộng sản thứ lớn.
Stalin đã viết cả bộ Lịch Sử Ðảng Cộng Sản, gồm nhiều tập sách mỏng
bàn về các vấn đề căn bản của chủ nghĩa cộng sản, như “Duy Vật Biện
Chứng” là gì, “Duy Vật Lịch Sử” là gì. Thời 17, 18 tuổi ở Sài Gòn tôi đã
đọc những tập sách này, do Nhà Xuất Bản Thợ Thuyền ở Pháp in. Ngay hồi
đó, tôi đã tự hỏi: Cái ông Stalin này lúc trẻ thì đấu tranh bí mật, tổ
chức cả việc ăn cướp lấy tiền hoạt động, rồi đi tù, khi lớn thì lo đối
phó với bên địch cũng như với các đồng chí. Làm sao ông ta có thời giờ
ngồi viết những cuốn sách triết lý như thế? Chắc hẳn khi đã có địa vị
ông mới sai một cán bộ tuyên huấn nào đó viết cho mình. Bởi vì đây là
những điều ABC trong chủ nghĩa Mác, ai cũng có thể viết được, miễn là có
tài diễn tả cho sáng sủa.
Cuộc gặp gỡ giữa Lê Duẩn và Trần Ðức Thảo được Trần Ðĩnh thuật lại
rất hay. Mỗi nhân vật đều linh hoạt, một vài nét đủ thấy sống động trước
mắt người đọc. Có lẽ Nguyễn Ðức Bình là người thất vọng nhất. Bao nhiêu
công xun xoe, săn đón, nhắc nhở của một anh thư ký muốn làm vừa lòng
ông chủ, tan ra mây khói. Trần Ðức Thảo thì đúng là một triết gia, quen
nghĩ gì thì nói thật. Người ngay thẳng như thế không có khả năng chen
chân vào chốn quan trường, trong khi chung quanh ông Lê Duẩn thì toàn
người người chỉ lăm le mong xin được một cái ghế.
Nhưng trong hoạt cảnh Trần Ðức Thảo gặp Lê Duẩn, con người đáng
thương nhất là ông tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc ông cũng tự
cho mình là một người thông minh lỗi lạc, vì đã quen sống giữa đám thuộc
hạ lúc nào cũng cúi đầu, xoa tay, miệng tìm lời xưng tụng. Trong đầu
ông chắc cũng nghĩ mình là một lãnh tụ vĩ đại, nói cái gì là hàng ngàn,
hàng vạn người hoan hô. Ông ta khinh thường Hồ Chí Minh, cho nên mới để
đàn em viết lời ca tụng, so sánh mình với Lê Nin; ông Hồ chưa bao giờ
được một đảng viên Cộng sản Việt Nam so sánh như vậy. Câu nói của Trần
Ðức Thảo: “Tôi không hiểu gì cả,” phải làm cho ông ngạc nhiên, sửng sốt!
Chính ông cũng không hiểu nổi trên đời làm sao lại có người dám nói như
vậy! Cho nên ông cảm thấy bị xúc phạm nặng nề; không khác gì nghe lời
một đứa trẻ nói: “Ðức vua không mặc quần!”
Phải kinh ngạc và nổi giận hết sức Lê Duẩn mới phản ứng một cách thô
bạo như lời ông Thảo kể lại cho Trần Ðĩnh nghe. Ôm lấy cái thân hình
mỏng teo của vị triết gia, giọng lên giọng xuống mấy lần rồi buông tay
ra, ông Lê Duẩn không thể nói một lời nào cả. Ông có thể nghĩ: Cái người
này đang sống ở trên mây, ở một hành tinh khác đây, còn nói gì cho hắn
hiểu được nữa? Vì đối với một người nắm quyền sinh sát suốt mấy chục
năm, bao lâu nay ai gặp cũng khúm núm, nói gì người ta cũng vâng dạ, làm
Lê Duẩn sao hiểu nổi trên đời lại có một “quái nhân” dám thản niên nói
thật rằng, “Tôi không hiểu gì cả!”
Bây giờ, trong đảng Cộng sản Việt Nam không biết còn ai nhớ ông Lê
Duẩn đã viết những cái gì hay không. Sự nghiệp của Trần Ðức Thảo trong
ngành triết học bị tan vỡ khi ông về nước, nghĩ rằng mình sẽ góp phần
phát triển thêm chủ nghĩa Marx. Năm 1973 ông còn cho xuất bản một cuốn
sách triết học về “Nguồn gốc của Ngôn ngữ và Ý Thức.” Cuốn sách được
dịch ngay sang tiếng Anh, tôi đã mượn bản tiếng Anh này từ thư viện của
Ðại Học McGill, Montréal, Canada, trong thời gian tôi đang viết cuốn Tìm
Thơ Trong Tiếng Nói cho nên muốn đọc thêm về nguồn gốc ngôn ngữ. Trong
cuốn sách đó Trần Ðức Thảo vẫn dùng quan điểm Mác xít, trong lúc ở thế
giới bên ngoài các nhà nghiên cứu cùng đề tài đó đã tìm ra nhiều khảo
hướng mới. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người nghiên cứu về đề tài này vẫn
có lúc phải nhắc tới các ý kiến của ông. Trần Ðức Thảo nhờ số tiền tác
quyền trả cho cuốn sách này mà mua được một cái tủ lạnh, ba tháng sau tủ
lạnh hư. Phùng Quán đã viết một bài rất hay kể chuyện cuộc sống đạm
bạc, thiếu thốn của ông ở Hà Nội.
Bây giờ ở Việt Nam nhiều người đã biết đến giá trị của ông. Năm 1997
bắt đầu in một vài tác phẩm của Trần Ðức Thảo. Năm Năm 2000 ông còn
được trao giải thưởng cùng một lúc với học giả Ðào Duy Anh, thi sĩ
Nguyễn Bính. Quan nhất thời, dân vạn đại. Những nhà văn hóa có giá trị
sẽ còn giúp ích cho đất nước và cho loài người mãi mãi.