GS Nguyễn Văn Tuấn
Người đàn bà tuổi trung niên với mái tóc ngắn đã điểm sương nhìn
thẳng vào phía toà bằng một ánh mắt sáng ngời và sắc sảo, thần sắc toả
lên một thái độ cương nghị, không hề dao động. Bà là Bùi Thị Minh Hằng,
người vừa mới bị toà án Đồng Tháp tuyên án 3 năm tù giam vì tội danh
“gây cản trở giao thông”. Bà Minh Hằng lãnh mức án tối đa (vì theo luật
người bị tội này có mức án từ 3 tháng đến 3 năm). Tôi không quen bà Minh
Hằng và bất cứ ai trong nhóm bị án phạt, nhưng nhìn hình bà Minh Hằng
trước toà làm tôi nhớ đến những ánh mắt cương trực của Cù Huy Hà Vũ,
Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, v.v.
Tôi không biết có nơi nào trên thế giới có tội danh “gây cản trở
giao thông” và có mức án phạt nặng nề như ở VN. Theo cáo trạng, bà Minh
Hằng và Thuý Quỳnh “trực tiếp thực hiện hành vi gây rối bằng hình thức
la hét lớn tiếng, làm nhiều người dân đến xem và các các phương tiện
khác không lưu thông được, gây cản trở và ách tắc giao thông nghiêm
trọng trên 2 giờ”. Theo suy nghĩ bình thường, nếu đúng thế thì phải phạt
đám đông làm cản trở giao thông chứ. Chẳng lẽ nếu một tai nạn giao
thông làm cản trở giao thông cả 2 giờ đồng hồ thì nạn nhân cũng bị phạt
hay sao? Nếu tai nạn có người chết, chẳng lẽ phải phạt người quá cố? Nếu
cản trở giao thông mà cảnh sát không giải quyết được thì điều đó phản
ảnh nghiệp vụ của cảnh sát, chứ sao lại phạt người khác? Đúng là một tội
danh lạ lùng!
Ở Úc này theo tôi biết nếu có ai cố tình gây cản trở giao thông thì
chỉ bị cảnh sát phạt tiền, chứ không có chuyện bỏ tù người ta. Một đất
nước văn minh phải đối xử văn minh với người dân, chứ đụng một chút là
bỏ tù thì đó là hình thức đàn áp chứ không phải hành xử văn minh.
Trong thực tế, dù tội danh của bà Minh Hằng là “gây cản trở giao
thông”, nhưng người dân quan tâm thì nghĩ bà phạm một tội khác không nằm
trong bộ luật: tội chống Tàu. Bà Minh Hằng là một trong những người
tích cực chống sự xâm lăng của Tàu ở Biển Đông. Thật ra, cả nước VN, nếu
có một cuộc điều tra xã hội và hỏi “bạn có chống Tàu xâm lăng” thì tôi
nghĩ kết quả chắc phải là 99.9% nói “có”. Kể cả quan chức, quân đội và
cả công an VN cũng không ưa Tàu. Do đó, bà Minh Hằng chống Tàu xâm lăng
có thể xem như… mặc định. Nhưng thay vì đa số chúng ta chống Tàu một
cách thầm lặng, bà Minh Hằng chọn cách chống ra mặt, chống một cách tích
cực. Bà xuống đường cùng bà con phản đối Tàu cộng xâm lấn Biển Đông và
từng chấp nhận đi tù 3 ngày. Bà Minh Hằng hơn chúng ta là ở chỗ đó: dám
dấn thân. Bà Minh Hằng không phải là người nghèo, vô công rỗi việc, mà
có doanh nghiệp và thuộc vào thành phần khá giải. Do đó, tôi nghĩ tội
danh “gây cản trở giao thông” phải được diễn dịch là tội danh chống Tàu
xâm lăng.
Cái tội danh “chống Tàu xâm lăng” rất có lí. Còn nhớ Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải, một người Việt Nam yêu nước và can trường khác, cũng bị kết
tội “trốn thuế”. Nhưng thật ra, công chúng VN ai cũng nghĩ ông Điếu Cày
đi tù vì tội chống Tàu xâm lược. Ông Điếu Cày cũng như bà Minh Hằng chọn
cách thể hiện quan điểm của mình là xuống cường và đánh động lương tâm
của người dân, và ông đã và đang trả giá cho hành động yêu nước đó. Lịch
sử cho thấy những người đi tiên phong thường trả giá cho hành động tiền
phong của họ. Do đó, khoan hãy kết tội người ta, lịch sử sẽ giải oan
cho họ. Bài học Nelson Mandela vẫn còn đó.
Có toà án nào trên thế giới mà phạt tù những người yêu nước? Có thể
những người trong chính quyền không xem hành động của bà Minh Hằng là
yêu nước, nhưng nên nhớ rằng người ta có những cách yêu nước khác nhau.
Nhớ ngày xưa khi được hỏi về ông Ngô Đình Diệm, cụ Hồ từng nói rằng “Ông
ấy là một người yêu nước, nhưng theo cách riêng của ông ấy”. Ít ra phải
có tấm lòng và cái nhìn rộng rãi như cụ Hồ chứ. Vậy mà ngày nay những
người biểu lộ lòng yêu nước của họ phải đi tù! Thật là một tình trạng
rất trớ trêu.
Mà, sự trớ trêu cũng có cái căn cơ của nó. Chúng ta còn nhớ ngày xưa
bọn thực dân Pháp chỉ một người của chúng bị sát hại, chúng cho quân
lính bố ráp cả làng. Chúng xem sinh mạng của quân lính chúng quan trọng
hơn sinh mạng của người Việt. Cái quan điểm trịch thượng đó đang được
lặp lại ở VN, nhưng lần này kẻ thực dân được thay đổi bằng người bạn 16
chữ vàng + 4 tốt. Chúng ta đang chứng kiến sinh mạng người Tàu quan
trọng hơn sinh mạng người Việt.
Để chuẩn bị cho chuyến đi của đặc phái viên của ngài tổng bí thư
đảng CSVN sang Tàu, viên phát ngôn ngoại giao VN với giọng văn thành
khẩn cho biết: “Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công
nhân TQ trong tháng 5 vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số
công nhân TQ bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này. […] Hội hữu
nghị Việt – Trung sẽ cử đoàn sang TQ thăm hỏi một số gia đình đại diện
cho những người bị nạn”. Đó là cái tấm lòng nhân đạo của Chính phủ VN
đối với người Tàu. Phải nói là quá cảm kích.
Còn người Việt chúng ta có được Chính phủ Tàu cộng đối xử như phía
VN đối xử với người Tàu. Bao nhiêu ngư dân Việt Nam đã chết dưới những
tên cướp biển đội lốt kiểm ngư Tàu cộng? Bao nhiêu ngư dân Việt Nam đã
bị thương tích dưới những tên cướp biển đội lốt kiểm ngư Tàu cộng? Bao
nhiêu gia đình ngư dân Việt Nam đã và đang lâm vào cảnh khốn đốn vì mất
tàu và nợ nần ngân hàng? Cũng đừng nên quên rằng cách đây không lâu hai
tên lưu manh Tàu bắt một thanh niên Việt và dập đầu đến chết — chúng
phạm tội NGAY TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM. Chẳng thấy ai bình luận gì vụ đó.
Chẳng có đại diện của Chính quyền Tàu cộng ghé thăm gia đình nạn nhân.
Lâu lâu có đại diện chính quyền VN đến thăm và chụp vài bức hình với ngư
dân như là photo-op.
Cái trớ trêu ở đây là như tác giả Trần Kinh Nghị tóm tắt chính xác:
“Kẻ cướp bỗng chốc biến thành nạn nhân và nạn nhân phải sang nhà kẻ cướp
để xin chia buồn và bồi thường thiệt hại!”
Trong vụ bạo loạn Tháng 5 vừa qua ở Bình Dương và Vũng Án, theo tôi
biết các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật và VN bị thiệt hại nhiều
nhất, chứ không phải doanh nghiệp Tàu. Ấy thế mà viên phát ngôn VN ưu ái
đặc biệt nhắc đến Tàu! Đã thế mà VN còn cho đặc phái viên sang Tàu để
“nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành
mạnh, ổn định lâu dài… trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình
hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp”. Ai làm phức
tạp tình hình ở Biển Đông? Tàu chứ ai. Thế là thêm một điều trớ trêu nữa
ở đây: kẻ gây hấn lại được nạn nhân đến xin khôi phục mối quan hệ!
Chống Tàu do đó là làm tổn hại đến mối quan hệ giữa 2 nước theo quan
điểm của nhà cầm quyền. Chả thế mà viên phát ngôn ngoại giao VN còn
nói: “Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc
và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng
các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân,
doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam”. Đọc phát biểu đó, có
lẽ chúng ta đã hiểu tại sao những người yêu nước như bà Bùi Thị Minh
Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, và Nguyễn Văn Minh, và trước đây là Điếu
Cày phải ngồi tù. Lí do đơn giản là họ đã đụng đến Tàu, cái nước mà báo
chí nhà nước chỉ dám nói là “nước lạ”. Cái thảm nạn và nhục nhã của dân
tộc là ở chỗ này. Chợt nhớ đến lời nói của cựu Bộ trưởng Ngoại giao
Nguyễn Cơ Thạch sau khi ông nghe kết quả Hội nghị Thành Đô: “Một thời
kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”.