Nguyễn Ngọc Già
Bản án dành cho ba Tù Nhân Lương Tâm: Bùi Thị Minh Hằng (3 năm), Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (2 năm), Nguyễn Văn Minh (2,5 năm) kết thúc ngày 26/8/2014 lúc 18 giờ 45 phút - thời điểm "twilight" trong ngày.
Ngoài nghĩa đen "chạng vạng" tương ứng trong tiếng Việt, từ tiếng Anh này còn mang nghĩa bóng - thoái trào. Đó là một điềm gở cho chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam hiện nay. Mê tín dị đoan lên ngôi "cửu ngũ" và trở thành "đức tin" chi phối mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực, do đó, ý nghĩa "lịm tắt dần" trở nên có giá trị như một lời cảnh cáo, dành cho người cộng sản.
Võ Thị Thắng
Trong "tiết xử thử" của những ngày thu, người cộng sản trang nghiêm và u sầu tiễn biệt người đồng chí của họ - bà Võ Thị Thắng.
"...Với Võ Thị Thắng: Khi nước nhà tao loạn, Võ Thị Thắng phận gái mà vẫn hiên ngang đứng lên cầm súng "sống vĩ đại chết vinh quang"!. Khi đất nước thanh bình, lý ra Võ Thị Thắng phải được cống hiến công sức mình cho đất nước trong môi trường thuận lợi nhưng không hẳn được như vậy! Thời nào cũng có kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhân nhưng Võ Thị Thắng vẫn lại hiên ngang ngẩng cao đầu: "Sống vĩ đại chết vinh quang"!..."
Với vài dòng chữ, ông Sang đã thành công, khi phác họa ra cuộc đời của "người đồng chí thân thương", dù trong đó phần cay đắng làm người dân chú ý và tò mò hơn.
Nói đến Võ Thị Thắng không thể không nhắc lại "dấu ấn" riêng bà, khi ám sát một viên chức trong chính quyền VNCH - ông Trần Văn Đỗ.
Không biết do trục trặc súng ống hay vì run rẩy trước việc giết người, bà Thắng đã không thể hoàn thành nhiệm vụ do đảng của bà giao phó, dù phát súng thứ ba được bóp cò như báo QĐND mô tả.
Tuy nhiên, từ thất bại, "Nụ Cười Chiến Thắng" đã chói lòa trong "vòng tử sinh" lúc bấy giờ, với phát ngôn trước tòa án VNCH: "Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?". Hình như Võ Thị Thắng xem việc ám sát là một việc làm "quang minh chính đại"(?).
Để từ đó xuất hiện trong chính trường nước CHXHCNVN bà Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch với oan án thấu trời - làm gián điệp cho CIA - theo ông Đào Hiếu viết trên trang nhà, trong tư cách người thân cật ruột với bà.
Mười tám năm qua, cho đến ngày Võ Thị Thắng quy tiên, sự thật vẫn chập choạng tựa những ánh hào quang chập chờn phủ quanh bà. Thời khắc nhá nhem - âm dương vẫn đang tranh nhau, kể ra cũng khó cho "những người con trung kiên" trả lại "tấm biển tiết liệt" cho " nữ đồng chí" vào lúc xuôi tay nhắm mắt(?).
Không chỉ vậy, ông Sang lại gây khó cho "Ông Tiên sống mãi", khi nâng người nữ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định năm xưa lên hàng "sống vĩ đại" - vốn dĩ Hồ Chí Minh độc quyền về "sự hùng vĩ và lớn lao" hơn trăm năm qua, kể từ ngày đất Nghệ An sinh ra vị "cha già dân tộc" suốt đời không màng lợi danh (!).
Riêng việc bà Thắng "chết vinh quang" trở nên thô ráp, khi đến nay, dù trên cương vị Chủ tịch nước - đại diện cả một quốc gia - ông Sang vẫn không chỉ ra được "...kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhân..." với đồng đội - người chịu hàm oan cũng tròm trèm 20 năm, gần bằng cái án nhận lãnh vì tội ám sát để góp công cho "đảng ta" gầy nên nghiệp lớn (!).
Dù bà Thắng mất đi, việc rửa oan vẫn rất cần thiết, khi "thằng bán tơ" được lôi ra ánh sáng, mới chứng minh nổi "đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng" như thế nào trước thân bằng quyến thuộc của bà và công luận. Ông Chủ tịch nước bỏ đi đâu danh tiếng "Cơ quan điều tra VN thuộc diện giỏi nhất thế giới" (?).
Hay bên nén nhang bùi ngùi của những người đồng chí, bà Võ Thị Thắng đành ngậm cười nơi chín suối, cùng gia quyến đang văng vẳng đâu đây lời an ủi: Trung Quốc nó đánh ta nhưng nó cùng là cộng sản, huống gì, những người lỡ tay hãm hại đồng chí Võ Thị Thắng, đều là Việt...cộng với nhau.
Bùi Thị Minh Hằng
Ánh Trăng Vằng Vặc vừa lâm vào tình trạng "Nguyệt Thực". Dù Nguyệt Thực toàn phần, hãy an tâm, bởi cũng chỉ là tạm thời.
Chị Hằng được biết đến từ những ngày xuống đường chống giặc Tàu cách đây ba năm.
Hình ảnh người đàn bà Việt Nam tuổi ngũ tuần cùng nhân dáng mặn mòi với hình ảnh xông xáo, ồn ã, nhiệt huyết, chân thành làm một số người "học cao" không dành thiện cảm cho chị. Cũng chắc bởi lẽ, vì chị không có bằng cấp đáng nể nào cả.
Chị là một người bình dân như hàng chục triệu thường dân khác. Chị sống đúng chính bản thân mình. Yêu - Ghét rõ rệt. Trắng - Đen phân minh.
Bùi Thị Minh Hằng khá giả với tàu bè đánh cá, cổ phần cây xăng, nhà hàng, sau nhiều năm chắt chiu vốn liếng từ việc đi lao động tận xứ sở của nhà độc tài Lê Nin.
Vì oan ức cá nhân, chị Hằng dần hiểu ra đấu tranh nhân quyền là cho chính mình, đấu tranh dân chủ là cho chính mình. Một cá nhân không thể làm gì được trong xã hội toàn trị hôm nay. Chị đến với cộng đồng dân oan và trở thành bạn của tất cả những ai cùng cảnh ngộ. Từ đó, như gặp "con nước lớn", "Cánh Hoa Thời Loạn" quyết dấn bước trên con đường đấu tranh chính trị như số phận ông Trời đã đặt để.
Minh Hằng không phải nữ sinh danh tiếng trường Gia Long như Võ Thị Thắng. Chị cũng may, không phải học những tư tưởng cao siêu mà vô bổ lại độc hại, như những người cùng sinh ra dưới thời cộng sản cai trị.
Mẹ và chị em ruột đối xử gần như không còn tình nghĩa với Bùi Thị Minh Hằng. Chị cũng thật gieo neo với hai đời chồng, cùng ba đứa trẻ. Một mình chị nuôi chúng lớn khôn, từ khả năng vén khéo và tháo vát của người Mẹ Việt Nam.
Chị không giả tạo. Nhiều lúc chị cộc cằn, bổng chảng và điên tiết theo cách của những người bình dân trước những quá quắt, côn đồ đến bất nhẫn do giới an ninh gây ra.
Chị không che giấu mâu thuẫn gia đình và số phận cá nhân đen đủi. Nhiều người thuộc "trường phái" "đỉnh cao trí tuệ", mỗi khi nhận lịnh từ nơi"rũ bùn đứng dậy sáng lòa" để bôi nhọ chị, thường mang những đau khổ cá nhân của chị ra bêu riếu. Chị không màng.
Không có ai dạy Minh Hằng cầm súng giết người, như bà Võ Thị Thắng được dạy. Chị cũng không học theo chị Út Tịch leo lên cây đái xuống cho bỏ ghét, khi bị chọc ghẹo "Đàn bà đái không qua ngọn cỏ" như ông Nguyễn Đình Thi mô tả trong "Người Mẹ Cầm Súng".
Minh Hằng thích hoa và trang điểm. Chị cũng thích ăn ngon và mặc đẹp. Điều thú vị, chị ăn ngon và mặc đẹp từ đồng tiền lương thiện do tự tay tạo ra. Lúc chị bị khủng bố mọi mặt, cả về kinh tế, chị vẫn không quên son phấn mỗi khi xuất hiện. Bạn bè khắp nơi biếu chị tiền. Chị không giấu. Chị cũng không quên làm sinh nhật cho con và ra tay đầu bếp đãi bạn, mỗi khi có dịp.
Minh Hằng đẹp - Cái đẹp đậm đà theo nghĩa đen và đẹp cả từ tấm lòng đối với bạn cũng như quê hương của chị.
Minh Hằng không có uẩn khúc như bà Võ Thị Thắng mang trọng tội phản quốc, đến nỗi thà hy sinh danh dự để chú mục bảo vệ uy tín ĐCSVN - vốn dĩ "cái lai quần" của chị Út Tịch cũng không còn chỗ chứa.
Minh Hằng không có gì phải dằn vặt với bạn bè hay Đất Mẹ. Chị cũng không bận lòng bởi "quá nửa đời phiêu bạt" [*], chị chẳng có gì ân hận để "úp mặt vào sông quê" [*] mà sám hối (!).
Thích, chị bày hết tất cả những gì từ trong lòng và sẵn sàng xổ toẹt vào thói đạo đức giả. Chị không chất chứa. Không để bụng.
Minh Hằng lại là người biết lắng nghe lời ngay ý thẳng, có lẽ từ đó chị chưa bao giờ cô đơn, bởi rất nhiều người bạn chân thành luôn quan tâm và thương mến chị.
Từ buổi xử tội Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn, dù không có bất kỳ tấm ảnh nào, cho thấy cả ba người đứng trước những kẻ "kết án thuê", nhưng người quan sát vẫn cảm nhận được sự trưởng thành chính trị - tinh thần bất khuất - lòng tin về chân lý - sự chín chắn trong chiều sâu tâm hồn của chị và bạn hữu thật rõ rệt. Những tính chất đó sáng lấp lánh từ hình ảnh bầm dập của cả trăm người bạn do phía an ninh Cao Lãnh - Đồng Tháp ruồng bố và đàn áp khốc liệt. Tôi tin điều đó.
Rosa Parks
Người phụ nữ Mỹ da đen nổi tiếng khắp thế giới, khi dứt khoát không nhường chỗ trên xe buýt cho người da trắng theo yêu cầu của tài xế. Bà đã đưa lịch sử nhân quyền Mỹ quốc sang trang mới.
Năm 1955, Rosa Parks - ở tuổi 42 - quyết liệt bằng hành động giản đơn như thế, để chống lại sự phân biệt kỳ thị chủng tộc.
Từ hành động "cỏn con" đó, Rosa Parks trở thành nhà hoạt động nhân quyền và được quốc hội Mỹ tôn vinh là "mẹ đẻ của phong trào nhân quyền hiện đại". Bà được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20.
Nhà báo Huy Đức gọi Rosa Parks là "niềm tự hào của nước Mỹ" [2], khi viết bài tưởng niệm, ngày bà mất vào năm 2005, thọ 92 tuổi.
Nếu Rosa Parks xứng đáng vinh danh như thế, những tưởng Bùi Thị Minh Hằng còn vượt lên cả người phụ nữ Mỹ cùng xuất thân không học cao như chị. Thậm chí Rosa Parks có phần kém hơn Minh Hằng về sự sắc sảo và tài kinh doanh, cùng khả năng trong vai trò hoạt náo viên, thu hút đám đông.
Không những thế, Rosa Parks chỉ dừng lại ở lĩnh vực nhân quyền, đấu tranh cho cộng đồng người da màu lúc bấy giờ. Trong khi Bùi Thị Minh Hằng, ngoài vấn đề nhân quyền, chị trở thành biểu tượng tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm thời hiện đại.
Rosa Parks đấu tranh cho cộng đồng da màu tại Hoa Kỳ, Bùi Thị Minh Hằng đấu tranh cho cả dân tộc Việt Nam.
Bùi Thị Minh Hằng nói: Chúng tôi nằm xuống để đất nước này đứng lên - Một câu nói xuất thần và bất hủ, lúc chị sẵn sàng hy sinh thân mình để đấu tranh chống lại cường quyền.
Bùi Thị Minh Hằng - Một Phụ Nữ Việt Nam khả ái và khả kính. Chị xứng đáng được vinh danh, không chỉ trong quốc nội mà cả trên thế giới.
Nguyễn Ngọc Già
_______________
[*] Khúc hát sông quê - Nguyễn Trọng Tạo.