Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Bi kịch trí thức - Bi kịch dân tộc (Phần 1)

Liên Sơn

Lịch sử là những khúc quanh được lặp lại. Trong thời điểm hiện nay, khi đất nước có quá nhiều sự kiện diễn ra và đầy rẫy những tiêu cực về các mặt, khi mà tính độc lập và tự do còn gây ra nhiều tranh cãi, khi mà tính đúng – sai của chính quyền gắn với sự hoài nghi không dứt, thì chúng ta thử trở về tìm hiểu xem, cái gì đã đang và sẽ diễn ra đối với trí thức Việt. Tìm hiểu, luận giải cốt cũng để hình dung bi kịch của trí thức từ xưa đến nay chuyển biến ra sao, như thế nào? Hệ lụy lẫn con đường nào để thoát ra khỏi tấn bi kịch đó.

TRÍ THỨC LÀ GÌ?

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: Trí thức là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc […] phát triển cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Trí thức không phải là giai cấp riêng. Tri thức nói chung, thường nhạy cảm với cái mới, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng cách mạng, tiến bộ trong nhân dân, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển lịch sử, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay… [1]

Wikipedia cũng có một định nghĩa đáng chú ý: Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ.
Tầng lớp này có một vai trò lớn trong xã hội, họ “nghiên cứu, phân tích, và chỉ trích các cuộc tranh luận cũng như các hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội”. Và thông qua đó, “thái độ của họ có thể là ra mặt ủng hộ những dự định cải tổ hay chống chúng” ở phương diện chính phủ.
Giới trí thức đã tạo ra, hoặc đồng tình hoặc chỉ trích ý thức hệ.
Như vậy, dù ở định nghĩa nào đi chăng nữa thì ngoài tính đầu óc trong lao động thì tầng lớp trí thức buộc phải luôn ở trạng thái động, nhằm đảm bảo rằng họ đã – đang và sẽ “nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội” và xét theo đúng bản chất thì họ sẽ “đứng về phía những giá trị phổ quát, bất kể nó đang ở phía bên này hay bên kia” như tác giả Giáp Văn Dương từng nhận định. [2]
Chỉ có như vậy, tầng lớp trí thức mới thực sự trở thành “cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội”.
Còn ngược lại, những người chỉ đáp ứng được một trong hai điều kiện đó nên được gọi là cận-trí-thức (hay dân gian ví von là trí ngủ).

BI KỊCH TRÍ THỨC VIỆT NAM

Xét trên quan điểm về trí thức như trên và trong sự giới hạn của bài viết. Xin bàn về bi kịch trí thức Việt Nam từ thời điểm giao thời giữa Nho và Âu học đến hiện nay. Thông qua việc đưa ra điểm chính về tính bi kịch mà trí thức Việt gặp phải trong từng thời kì.
Và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi bất ngờ khi nhận ra bi kịch lớp sau lại là sự lặp- lại ngẫu nhiên hoặc cố tình của bi kịch lớp trước.
Đầu tiên, trí thức Việt Nam rất nhạy cảm với thời cuộc, nhưng lại không thể thay đổi được thời cuộc chuyên chế - ngu Trung
Đây là thời điểm mở màn của tấm bi kịch của Trí thức Việt Nam và để lại di chứng cho đến ngày hôm nay. Nó bắt nguồn từ trong buổi giao thời giữa nền Nho học và Âu học, khi mà nền tư bản Tây Âu chuyển sang giai đoạn độc quyền, nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh làm tăng nhu cầu về thị trường tiêu thụ hàng hóa, nguồn cung nhiên liệu, nhân công và thuộc địa.
Trong khi đó, Việt Nam lúc này đang được trị vì bởi nhà Nguyễn với hệ thống tư tưởng Nho giáo. Pháp bắt đầu những trận đánh đầu tiên tại Đà Nẵng (1858). Trận đánh đó làm bừng tỉnh không ít sĩ phu, quan lại yêu nước. Làm nổi lên ý thức về nhu cầu canh tân nhằm tránh họa mất nước. Lớp tri thức này phần lớn là những người đã có điều kiện đi công cán nước ngoài, giúp họ nhìn thấy được thực tiễn sinh động của nền văn minh Tây Âu, điều đó càng thúc đẩy họ hăng hái, mạnh dạn đưa ra tư tưởng canh tân từ nội trị đến văn hóa, xã hội. Trong đó, nhấn mạnh đề xướng học tập, mô phỏng những kỹ nghệ, tổ chức xã hội của thế giới bên ngoài. Một trong những trí thức như vậy có thể kể đến là Nguyễn Trường Tộ.
Là một danh sĩ, lại là một người Công giáo nên ông được Pháp ưu ái chiêu dụ, cho xuất dương. Lại là phiên dịch cho Pháp, nên Nguyễn Trường Tộ, dù không thuộc hệ thống quan lại triều Nguyễn nhưng cũng sớm hiểu ra hiểm ý của Pháp, nhưng quan trọng hơn là, ông sớm nhận ra khuynh hướng vận động chung của thế giới lúc bấy giờ, nhất là việc các nước Tây Âu đang “bao chiếm suốt từ Tây Nam đến Đông Bắc […] không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó” [3]. Chính sự nắm bắt quan trọng như vậy, nên từ năm 1861 cho đến khi mất đi (1871), ông liên tục gửi cho triều đình Huế các bản điều trần và phúc trình thời sự. Từ “Bàn về hòa” (Hòa từ) năm 1861 cho đến “Việc nông chính” năm 1871. Có tổng thảy 58 bản điều trần đề xuất canh tân quốc gia ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tài chính, học thuật cho đến nội chính, ngoại giao. Tất cả những lần cố gắng “tấu” đó hoặc không nhận được phản hồi, hoặc sự phản hồi đó là sự nghi kỵ của vua, quan dù rằng ông đã hết sức “Trần tình”.
Sự chậm chạp, bảo thủ cực đoan của triều Nguyễn lẫn giáo điều Nho giáo để đẩy chủ quyền quốc gia đến tình thế bị xâm hại nghiêm trọng, nhất là khi Pháp cho tiến hành đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kì. Thế nhưng, mặc cho Nguyễn Trường Tộ hết lời khuyên can, thậm chí là bàn trực tiếp với Tự Đức (1871) về phương lược ngoại giao, quân sự, nhưng đổi lại là thái độ thờ ơ, dẫn đến những quyết định thiếu khôn ngoan, bị động. Từ việc hủy bỏ việc sứ bộ đi các nước đến việc gạt bỏ kế sách đánh úp Pháp để tịch lại sáu tỉnh Nam Kì.
Biết thì nói, nhưng nói lại không ai nghe, cơ nghiệp tổ tiên, cha ông mở cõi bị rơi vào tay nước ngoài ngay trước mắt khiến Nguyễn Trường Tộ qua đời trong uất hận tại quê nhà (Xã Đoài – Nghệ An) vào năm 1871: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận/ Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)”.[4]
Uất hận đó không phải là uất hận riêng cho việc mất nước mà uất hận cho chính cái thời thế đảo điên (mọi sự vận động trong khi nền chính trị quân chủ chuyên chế lại tìm cách đứng yên), khiến họ có cơ hội xuất dương để học tập, nhưng tước mất ở họ cơ hội được lắng nghe và áp dụng chính sách canh tân ấy trong nước. Lại thêm vua quan lại coi khinh Tây Âu với cách gọi miệt thị là bọn Bạch Quỷ, man di mọi rợ, tư tưởng nội hạ ngoại di (coi bên trong là văn minh, bên ngoài là mọi rợ) chiếm ngự triều đình Huế nên từ vua đến quan phần lớn đều giống như ở tính chất thủ cựu, chỉ chuộng tầm chương trích cú, tự cho mình hay, tiếp tục chính sách “bế quan tỏa cảng” với mớ chữ thánh hiền. Khiến cho những lời tấu đúng, điều trần xác thực tế lại trở nên “phi lý” trong tai vua và đám cựu thần đang “thủ cựu bài tân”.
Sự coi khinh đó, nghi kỵ đó không chỉ dành cho lớp người có yếu tố Công giáo như Nguyễn Trường Tộ mà ngay cả đối với những danh sĩ, chưa một lần xuất dương như Nguyễn Lộ Trạch cũng không ngoại lệ.
Nguyễn Lộ Trạch là một danh sĩ có kiến thức sâu, và tầm nhìn rộng đã nghiêng hẳn về con đường thực dụng. Chính vậy nên các Hội thi được tổ chức ông không tham gia, nhưng lại nhân đó mà dâng kế sách cho triều đình. Cụ thể, vào năm 1877, khi kỳ thi Hội ở Huế lấy chuyện “Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề thi, ông đã dâng bản “Thời vụ sách” vạch rõ kế hòa nghị của Pháp đồng thời khuyên triều đình “gấp lo tự cường tự trị” để cứu nước. Nhưng triều đình Huế tỏ không quan tâm. Đến 1882, ông lại một lần nữa nhắc nhở triều đình “phải biết tự cường, tự trị, đồng thời phải biết mật giao với các cường quốc thù địch của Pháp...” [5] nhưng lại bị vua Tự Đức phê “Ngôn hà quá cao” rồi thôi. Tháng 04 năm đó, ông tiếp tục dâng “Thời vụ sách” lần 2, nêu lên sách lược cứu nước gồm 5 điều, trong đó có việc luyện binh, mua sắm vũ khí; đưa con em ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây; mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu... Nhưng tiếp tục bị triều đình lờ đi.
Đến năm 1892, dưới triều Thành Thái, nhân kỳ thi Hội ông lại viết tiếp bài “Thiên hạ đại thế luận” bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của Tây phương và yêu cầu từ bỏ tệ qua liêu, thói hư danh, chấn chỉnh chính trị, pháp luật, giáo dục.
Những gì mà Nguyễn Lộ Trạch làm chính là biểu hiện của lớp trí thức có lòng yêu nước thương dân, họ sẵn sàng tiếp nhận luồng gió Tây Âu tuy xa nhưng đầy mới lạ, lại nhận ra đó là phương cách giữ nước. Những sách lược mà Nguyễn Lộ Trạch đưa ra là chính là phương cách mà Nhật Bản thời kỳ Tokugawa đã từng áp dụng, để đưa đến một cuộc Canh tân thành công vào thời kỳ Minh Trị. Thế nhưng triều đình phong kiến tại Việt Nam lúc bấy giờ lại không đủ cái “tầm” để nhìn ra điều đó, nên bỏ qua vì cho đó là chuyện xa vời. Đó là căn bệnh của triều đình nhà Nguyễn, cũng là căn bệnh chung muốn yên ổn mà cai trị, truyền ngôi báu đời của Nho giáo Việt Nam.
Sự bó buộc về mặt tư tưởng đã không ủng hộ những cái đầu óc thực nghiệp. Vì thế nên mới có chuyện khi Phan Thanh Giản (vốn thuộc phe chủ hòa, đại thần triều Nguyễn) cùng đoàn đi đàm phán với Pháp trở về (1863), ông cũng nhanh chóng tâu những điều tai nghe – mắt thấy, đồng thời lấy ý xin canh tân, nhưng bị quần thần cho là “tâng bốc người ngoại quốc và làm giảm uy thế của mình”. Để rồi, ông phải xót xa: “Kêu tình đồng bang mau kịp bước. Hết lời năn nỉ, chẳng ai tin”.
Bi kịch của trí thức như Phan Thanh Giản, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Xuân Bảng, Phạm Phú Thứ, Trương Vĩnh Ký, Đặng Huy Trứ, Trương Gia Mô… “Nguyễn Trường Tộ chính là đã ở vào một thời đại với một ông vua nhu nhược, với những quan lại vô trách nhiệm, với một tầng lớp sĩ phu lỗi thời, lạc hậu” [6]. Họ không thiếu kiến thức thực tế, không thiếu tầm nhìn, không thiếu cả lòng yêu nước. Chính những điều này khiến họ thức thời mà cố gắng không ngừng trong việc tấu mối họa lẫn cơ hội đến từ trời Tây. Nhưng nền tư tưởng Nho giáo vào cuối thế kỷ 19 dù đã lạc hậu, thậm chí phản động nhưng lại sống dai dẳng khi được đa số vua quan thủ cựu bám víu lấy, để duy trì sự ổn định của hệ thống chuyên quyền.
Hệ thống chính trị quân chủ chuyên chế đã không cho những trí thức đó được một điểm tựa nào cả ngoài sự vận động của chính bản thân. Nhưng bản thân những nhà trí thức ấy lại gặp phải một mâu thuẫn nội tại – đó là khuôn phép Nho giáo với đạo Vua-Tôi. Tôn quân, trung vua là ái quốc (Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung). Vua là thánh nhân, lời vua là thánh chỉ. Cái quan điểm đó dẫn đến một thể chế cực đoan, bảo thủ “ngoài áp chế không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tòng, không có gì là nghĩ xa”. Thành ra, tư tưởng dù có đi xa, dù được phép cựa quậy, nhưng lại không thể thoát ra được. Thành ra, lúc này cũng chưa có sự phê phán “Trung quân” (mãi đến đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân dưới sự lãnh đạo của Phan Chu Trinh mới bắt đầu đả phá nó).
Mọi tấu sớ, điều trần dù hay đến đâu cũng là chờ vua đề ngự, thành ra chủ động ban đầu lại biến thành bị động về sau. Trong khi số người được phái ra nước ngoài công cán ít hơn rất nhiều với số quần thần chỉ ngày ngày chăm bẵm việc trị trong nước. Vì thế giỏi như Tự Đức, cũng chỉ là ông vua hay chữ mà thôi. Khuynh hướng thực nghiệp thất thế trước mớ chữ Vàng của đám vua quan thủ cựu. Và những trí thức thời kỳ này hiểu về thời thế bao nhiêu, văn minh Tây Âu bao nhiêu lại bị Nho giáo làm vướng víu, khiến cho họ trở nên cô độc, lạc lõng giữa thời thế bấy nhiêu.
Đó là bi kịch của thể chế ràng buộc, trí tuệ - sự nhạy cảm bị co hẹp vào chữ Trung. Thành ra, hao tâm, tổn sức, kỳ vọng sự đổi mới, nhưng khi lâm chung, cũng chỉ biết uất hận. Nhất là, trước mắt họ: “…yến tước xử đường, mẫu tử tương bộ, hú hú nhiên kỳ tương lạc, tự dĩ vi an …” [7] (nhà cháy đến nơi mà mẹ con chim én, chim sẻ ở góc đầu nhà vẫn mớm cho nhau, ra chiều vui vẻ tự cho là yên ổn lắm). Kết quả nước nhà bị mất vào tay Pháp.
Bi kịch thứ hai của giới trí thức là họ nhìn ra hướng đi bền vững cho dân tộc nhưng quần chúng không theo.
Ngay những kiến nghị, điều trần của giới trí thức cuối thế kỷ 19 bị triều đình Huế bỏ ngoài tai. Khiến cho nước nhà lần lượt mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (1861), 3 tỉnh miền Tây Nam Kì (1867) rồi đến Hòa ước Harmand (1883) và cuối cùng là Hòa ước Patenotre (1884) - chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam. Nhà Nguyễn với vua quan chuộng hư văn, chê thực nghiệp, ruồng bỏ những “Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch”, nay co cụm lại vùng đất kinh kỳ và hoàn toàn mất tính thực quyền.
Cũng vào đầu thế kỷ 20, ở Đông Á đang diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đó là với sự vận động Duy Tân ở Trung Quốc và một nước Nhật Bản hùng cường đã được các trí thức cuối thế kỷ 19 – đầu 20 hướng đến. Lại thêm sách báo (tân thư) với nội dung cổ xúy tư tưởng dân chủ phương Tây truyền vào Việt Nam (trào lưu dân chủ tư sản) khiến cho tinh thần lớp tri thức như “nắng hạn được mưa”, họ hồ hởi đón nhận luồng gió mới từ Tây Âu qua Nhật Bản, Trung Quốc mà giới trí thức trước từng một thời tiếp cận nhỏ giọt. Một trong số các trí thức tiêu biểu bị lôi cuốn trong sự vận động đó chính là Phan Châu Trinh, một nhà thơ, văn, chí sĩ thời cận đại.
Bản thân ông nhận thức rằng, “không thể như trăm năm trước nữa cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước” [8], do đó, các ông liên tục phê phán tư tưởng nội hạ ngoại di của Nho giáo. Thậm chí, “Tây Hồ (tức Phan Châu Trinh) hết sức vạch trần tội ác của bọn vua chúa... hại dân hại nước” [9].
Trong đó, ông thực hiện sự phê phán vào cái ngôi quyền Nho giáo, điều mà trước đây, những nhà Nho yêu nước cuối thế kỷ 19 vẫn chưa làm được: “Tám mươi năm trở lại đây, vua thì dốt nát ở trên, bầy tôi thì nịnh hót ở dưới; hình pháp dữ dội, luật lệ rối loạn, làm cho dân không còn biết sống theo cách nào” [10].
Sự vạch trần đó giúp ông đoạn tuyệt với Nho giáo, ông cùng với các trí thức cùng thời như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân để thay đổi gốc rễ văn hóa, ý thức hệ, để khắc phục và triệt tiêu những “nhược điểm trong nền văn minh và trong con người Việt Nam”, thực hiện quá trình dân chủ, tự cường rồi mưa cầu độc lập qua khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vì thế mà phong trào đã “Duy Tân” ở mọi góc cạnh của đời sống, từ bỏ lối học khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy tiếng Việt, Pháp, Hán văn cho đến chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học…
Sự ra đời của Đông Kinh Nghĩa Thục – mô hình trường học cải cách, cổ động yêu nước cũng từ phong trào này ra. Sự nảy sinh này cũng là để “biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý, thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.” [11] Biết đó để “tự lực khai hóa”.
Tuy nhiên, dù nỗ lực để Canh Tân quốc gia, trong đó trọng điểm là thực hiện vấn đề Chấn dân khí, tức là nâng cao dân trí - ý thức của dân chúng, tuy nhiên cho đến cuối đời, những nỗ lực “Duy Tân” của ông cũng không giúp cho dân tộc thay đổi thời cuộc. Vấn đề thất bại ngoài sự chống phá của chính quyền Pháp, thì còn một lý do thuộc về chính người dân, mà Huỳnh Thúc Kháng trong Điếu văn đưa tiễn Phan Châu Trinh đã từng nhắc đến: “Tiếc cho người nước mình còn đang mê mộng, đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người. Vì vậy mà tấm lòng bị phân hóa ra uất ức, uất ức hóa nên đại bệnh huống gì những điều mắt thấy tai nghe dể làm cho tiên sinh cảm xúc mà đau được, chết được, thương ôi!” [12]
Điều này cũng được nhà văn Nguyên Ngọc đồng cảm khi ông “nghĩ có thể người cùng thời cũng chưa hoàn toàn hiểu hết tư tưởng của ông và từ đó cả chủ trương của ông - đó cũng là một bi kịch trong đời ông và có thể cũng là bi kịch của dân tộc - nhưng ít nhiều họ cũng đã cảm nhận ra dù chưa thật rõ rệt cái mới đó” [13].
Như vậy, phong trào thất bại ngoài yếu tố Pháp ra còn có cả yếu tố lịch sử cũng như thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Khiến cho quần chúng hứng khởi nhưng vì chưa quen thuộc đối với nhận thức, thói quen, phong cách sống của hơn 1.000 năm tích tụ, từ lối tư duy “trọng nông ức thương” chuyển sang “quốc thương”; từ “tầm chương trích cú” chuyển sang “Văn minh tân học sách” rồi lại phê phán lề lối cũ, hô hào diễn thuyết, lập hội… quay ngoắt 180 độ lại với cửa Khổng sân Trình, đoạn tuyệt tư tưởng “trung quân – ái quốc” nên lại hóa lạ, lại không theo ngay được. Chứ không phải là ông không vươn tới ý thức hệ tư sản, vượt qua ranh giới ý thức hệ như các bài giảng lịch sử đã nêu.
Cũng bởi “Cái nông nỗi mất nước của ta chính là một tấn kịch nhỏ trong tấn kịch Ðông - Tây xung đột nhau..” [14]
Tuy nhiên, sự nhiệt thành của ông và những người bạn đã tích cực góp phần vào việc khơi dậy tư tưởng dân chủ, mở ra cách nhìn mới về vấn đề dân tộc, dân chủ, dân quyền. Thúc đẩy yêu cầu về thực nghiệp đến lớp trí thức loại ông nghè, ông cống. Lan tỏa giá trị đổi mới về văn hóa, gốc con người. Phong trào cũng đã kịp tạo ra những cá nhân yêu nước thương nòi, trọng nghĩa đồng bào, chuộng thực nghiệp, dám mạo hiểm vì quốc gia – dân tộc.
Liên Sơn
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"