Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Việc kịp thời đính chính Điều 38 Thông tư 28 Bộ Công An là rất tốt, nhưng chưa phải đã bình yên!

Thời gian vừa qua, BCN Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, phản ánh của anh chị em luật sư trong Đoàn về việc bị cản trở trong hoạt động nghề nghiệp luật sư từ phía Cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng. BCN luôn kịp thời có ý kiến, không e ngại, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.
Vấn đề đặt ra là: khi có sự cố xẩy ra, ai bên cạnh luật sư để xác định khách quan vụ việc? gọi Viện kiểm sát ư ? thật sự rất khó !. Bị can bị cáo làm chứng ư? Đang bị giam giữ có giám nói sự thật không? Cán bộ quản lý trại tạm giữ, tạm giam ư? cùng đơn vị, cùng ngành có khách quan không?
Như vậy, để giải quyết tốt vấn đề này thì Liên đoàn luật sư VN cần phải ban hành Quy chế phối hợp giữa Các Đoàn luật sư kịp thời hổ trợ trong những tình huống này; Liên Đoàn và các Đoàn phải có đường giây điện thoại nóng để kịp thời cử luật sư hỗ trợ nhằm giải quyết vụ việc được đúng pháp luật - thiết nghĩ đây cũng là trách nhiệm của Liên Đoàn và Đoàn với luật sư; vì anh em đã đóng phí để có ngôi nhà chung đỡ cô đơn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
Hôm nay, Tôi tiếp tục nhận được đơn của Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu - Văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự - Đoàn luật sư Thành phố Hà nội, tiếp tục khiếu nại về 1 vụ việc ở Quảng Ninh.Tôi xin đăng toàn văn đơn của LS Châu để anh chị em luật sư đồng nghiệp cùng trao đổi tìm giải pháp đúng cho nền tư pháp nước nhà.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*****
Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2014
Kính thưa các Quý Vị có thẩm quyền!
Tôi là: Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu
Nơi công tác: Văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự - Đoàn luật sư Thành phố Hà nội.
Địa chỉ: Số 521 Trương Định – Phường Tân Mai – Quận Hoàng Mai – Hà Nội; Điện thoại: 04.38644419/0904521558; email: minhchau153@gmail.com.
Là người bào chữa cho bị can Đỗ Văn Dũng và Đỗ Văn Dương là hai anh em (đều thường trú tại: Xóm Bấc, xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Vụ án đang do Công an thị xã Quảng Yên thụ lý giải quyết. Đỗ Văn Dương là ngư dân nghèo hiền lành không biết đọc, đang kêu oan nên tôi nhận bào chữa miễn phí. Trong khi “bị hại” là Đỗ Văn Chuẩn, theo phản ánh của bà con nhân dân địa phương, Chuẩn là đối tượng nghiện hút, chuyên đi đòi nợ thuê, đã có tiền án tiền sự.
Trong quá trình tham gia tố tụng tại giai đoạn điều tra, tôi thấy quyền hành nghề của mình đã bị điều tra viên Nguyễn Kiên Cường và ông Nguyễn Quang Dũng - Đội trưởng đội cảnh sát điều tra công an thị xã Quảng Yên xâm phạm nghiêm trọng. Cụ thể là trong quá trình hỏi cung bị can, thấy điều tra viên có hành vi mớm cung, dụ cung ép cung, tôi đã có ý kiến phản đối, ngăn cản thì bị quy chụp là “xen ngang”, “xúi dục” bị can không ký bản cung (vì không được đọc bản cung trước khi ký), sau đó bị tịch thu tài liệu và đe dọa tịch thu điện thoại trái pháp luật.
Ngày 30/6/2014 tôi có đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi luật sư gửi Lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam và Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội yêu cầu can thiệp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của tôi tại cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Tôi xin gửi kèm theo đơn này).
Ngày 4/7/2014 tôi nhận được công văn số 150/LĐLSVN ngày 3/7/2014 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Quảng Yên, cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên đề nghị các cơ quan này “có ý kiến chỉ đạo người tiến hành tố tụng thực hiện đúng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án này, tạo điều kiện cho Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu tiếp tục tham dự các buổi làm việc với bị can, chấm dứt các hành vi cản trở, đe dọa xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.
Ngày 22/7/2014 tôi tiếp tục nhận được Công văn số 296/KH-ĐLS đề ngày 18/7/2014 của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội gửi Thanh tra Bộ Công an, vụ pháp chế Bộ Công an, Ban nội chính tỉnh Quảng Ninh, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam với ý kiến:
“Qua đơn phản ánh của luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, nếu làm rõ là sự thật thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng của 02 điều tra viên trên, cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Đoàn luật sư TP.Hà Nội xin chuyển đơn và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và xử lý; kết quả xin thông báo về Đoàn Luật sư TP. Hà Nội”.
Ngày 20/8/2014 tôi được Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chuyển tới công văn số 255/TL-ĐKN đề ngày 25/7/2014 của Công an thị xã Quảng Yên (gọi tắt là công văn số 255) trả lời 2 công văn của lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. (dấu công văn đến của Đoàn luật sư Hà Nội đề số 306/08/8/2014). Qua xem xét tôi thấy nội dung công văn số 255 thể hiện thái độ thiếu cầu thị, bao biện và bẻ cong sự thật nhằm bao che cho những hành vi sai trái của cán bộ thuộc cấp của mình nhằm chống chế đối phó với đơn khiếu nại của tôi.
Nội dung văn bản đã hoàn toàn dựa vào báo cáo gian dối của Điều tra viên Nguyễn Kiên Cường bao biện hành vi vi phạm của mình một cách vụng về, trắng trợn quy chụp tôi cùng ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà nội một cách vô căn cứ. Nhằm ngụy biện bao che cho những hành vi sai trái của cán bộ thuộc cấp của mình với thái độ thiếu cầu thị.
Trong khuôn khổ của văn bản này, tôi chỉ đơn cử cụ thể một số vấn đề nổi cộm có trong nội dung công văn số 255 này để chứng minh sự gian dối, ngụy biện và quy chụp vô căn cứ của Công an thị xã Quảng yên như sau:
CÔNG VĂN SỐ 255 QUY CHỤP LUẬT SƯ, BAO BIỆN BAO CHE CHO HÀNH VI SAI TRÁI CỦA ĐIỀU TRA VIÊN NGUYỄN KIÊN CƯỜNG CÙNG CƠ QUAN CSĐT CÔNG AN THỊ XÃ QUẢNG YÊN.
1-Công văn 255 khẳng định việc CƠ QUAN CSĐT CÔNG AN THỊ XÃ QUẢNG YÊN đã tạo điều kiện cho luật sư được thực hiện quyền của mình đúng với quy định của pháp luật là sai sự thật.
Tôi xin chứng minh:
Công văn số 255 nêu: “ Đến ngày 23/6/2014 các bị can Đỗ Văn Dũng và Đỗ Văn Dương có mời người bào chữa là bà Nguyễn Thị Minh Châu là luật sư thuộc văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà Châu là người bào chữa cho các bị can Đỗ Văn Dương và Đỗ Văn Dũng theo đúng quy định của pháp luật”. (Dòng 12-16 từ trên xuống, trang 2 công văn số 255)
Thực tế điều tra viên Cường đã làm ngược lại như những gì đã báo cáo. Điều tra viên Nguyễn Kiên Cường không những không làm đúng pháp luật mà còn vi phạm tố tụng né tránh cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Tôi xin chứng minh:
Ngày 2/6/2014, ông Đỗ Văn Vẻ đã có đơn yêu cầu luật sư mời đích danh tôi làm người bào chữa cho con trai Đỗ Văn Dũng đang bị khởi tố và bị tạm giam. Ngay hôm sau tôi có gọi điện cho điều tra viên Cường theo số máy….để trao đổi về việc làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can Dũng. Qua trao đổi, điều tra viên Cường thống nhất với tôi chỉ cần gửi hồ sơ theo đường bưu điện rồi sau đó ông Cường sẽ gửi lại cho tôi giấy chứng nhận người bào chữa theo đường bưu điện đúng thời hạn như quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự là trong vòng 3 ngày sẽ cấp giấy cho tôi. Đợi được hơn chục ngày không thấy, tôi gọi điện hỏi thì ông Cường nói chưa nhận được ??? Những ngày sau tôi hỏi thì ông Cường khi thì nói chưa hỏi bị can (mặc dù bị can đang tạm giam ngay trong nhà tạm giữ của công an thị xã Quảng Yên), khi thì nói thủ trưởng bận chưa ký giấy…?
Ngày 20/6/2014, bị can Đỗ Văn Dương tiếp tục mời tôi làm người bào chữa cho bị can. Ngày 23/6/2014 tôi đến tận nơi để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho cả 2 bị can Đỗ Văn Dũng và Đỗ Văn Dương. Trên đường đi, lúc gần đến nơi tôi có gọi điện cho ông Cường để xin gặp và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa luôn thể cho cả 2 bị can Dũng và Dương thì điều tra viên Cường thoái thác rằng ông ta bận đi công tác xa không về làm việc với tôi được. Tôi có nói lại là đằng nào tôi cũng đã đi 200 km đến nơi rồi, không thể quay về được, nếu không gặp được điều tra viên thì tôi lên gặp thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Quảng Yên để liên hệ xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho khỏi phí phạm thời gian. Nghe tôi nói thế ông Cường đã phải chấp nhận tiếp tôi. Tôi đến 10 giờ sáng thì ông Cường hẹn chiều đến sẽ cấp luôn cho tôi cả 2 giấy chứng nhận người bào chữa.
Như vậy, trong khi cán bộ dưới quyền của mình vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự trong việc gây khó khăn trong quá trình cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư (quy định trong vòng 3 ngày) thì công văn số 255 lại dựa hoàn toàn vào báo cáo gian dối của ông Cường để khẳng định “Cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà Châu là người bào chữa cho các bị can Đỗ Văn Dương và Đỗ Văn Dũng theo đúng quy định của pháp luật” ?
Giả sử tôi không nhận bào chữa miễn phí cho Đỗ Văn Dương và không đột ngột xuất hiện ở công an thị xã Quảng Yên vào ngày 23/6/2014 thì thử hỏi bao giờ tôi mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Đỗ Văn Dũng ? Vậy thì công văn số 255 có đáng tin cậy hay không ?
Kèm theo đơn này, tôi xin gửi các chứng cứ gồm: đơn mời luật sư của ông Đỗ Văn Vẻ đề ngày 3/6/2014, biên lai bưu điện và phiếu báo phát hồ sơ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa của tôi gửi ngày 5/6/2014 và Giấy chứng nhận người bào chữa của tôi cho Đỗ Văn Dũng đề ngày 23/6/2014 để chứng minh cho sự báo cáo gian dối của ông Cường, cũng như sự quan liêu, bao che, bao biện cho cán bộ cấp dưới của cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên. Cho thấy mức độ trung thực và cầu thị của công văn số 255 đến đâu.
2-Công văn số 255 đã dựa hoàn toàn vào báo cáo gian dối của ông Cường, bằng cách trắng trợn quy chụp cho tôi vi phạm Khoản 2 Điều 58 bộ luật TTHS khi bịa đặt rằng tôi “chen ngang” lời điều tra viên trong lúc hỏi cung bị can để ngụy biện nhằm đậy điệm cho hành vi vi phạm của thuộc cấp của mình đã mớm cung, dụ cung, ép cung bị can.
Tôi xin chứng minh:
Công văn số 255 nêu: “Nhưng khi điều tra viên hỏi cung bị can Đỗ Văn Dương, luật sư Châu vẫn cố tình nhắc bị can Dương và can thiệp vào việc hỏi cung” (dòng 11-13 từ dưới lên trang 2 công văn 255).
“Trong quá trình điều tra viên hỏi cung bị can Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cố tình tự ý hỏi, nhắc, xúi dục bị can Đỗ Văn Dương khi chưa được sự đồng ý của điều tra viên” (Dòng cuối cùng trang 2 và dòng đầu tiên trang 3)
Sự thật là trong suốt quá trình ông Cường hỏi cung bị can, tôi thực hiện đúng chức năng của mình, tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật là không được hỏi hay nói gì về nội dung vụ án. Nhưng khi nhận thấy ông Cường có hành vi dụ cung, ép cung, mớm cung bị can nên tôi buộc phải ý kiến phản đổi nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của điều tra viên. Ấy là tôi thực hiện đúng chức năng của mình nhằm đảm bảo thủ tục lấy lời khai của bị can được thực hiện đúng pháp luật, tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật là không được tự ý hỏi hay nói gì về nội dung vụ án mà không hỏi ý kiến điều tra viên. Lời nói của tôi khi đó nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm tố tụng của điều tra viên, thì lại bị “tố ngược” tôi là “chen ngang” và quy chụp là “xúi dục”, thậm chí còn dựng đứng rằng tôi “cố tình tự ý hỏi, nhắc, xúi dục bị can” Phải chăng sự quy chụp này của điều tra viên nhằm ngụy biện, lấp liếm cho hành vi ép cung, dụ cung, mớm cung của mình đã bị tôi phản đối ngăn chặn ?
3- Công văn số 255 bịa đặt một cách trắng trợn nhằm bao che cho hành vi cản chở bị can được biết nội dung ghi chép bản cung trước khi ký.
Tôi xin chứng minh:
Công văn số 255 nêu: “Điều tra viên Cường đã đọc lại biên bản cho bị can và luật sư Châu cùng nghe, bị can Dương tự đọc lại biên bản hỏi cung và đồng ý, không có ý kiến gì. Khi bị can Dương chuẩn bị ký biên bản thì luật sư Châu có hành vi cầm biên bản hỏi cung và xúi dục bị can Đỗ Văn Dương không được ký” (dòng 4-7 từ trên xuống trang 3 công văn 255)
Đến đây thì sự thật đã được bẻ cong một cách ngoạn mục nhằm lấp liếm cho hành vi bưng bít không cho bị can được biết biên bản hỏi cung trước khi ký của Điều tra viên Nguyễn Kiên Cường. Bằng báo cáo gian dối của mình, và được sự bao che của cấp trên ông Cường đã vu khống luật sư “Xúi dục” bị can không ký bản cung.
Sự thật là gì ? Như đơn khiếu nại đề ngày 30/6/2014 tôi đã trình bày rõ: Thực tế trước khi ký biên bản bị can Dương không thể tự đọc lại biên bản hỏi cung và đồng ý, không có ý kiến gì. Như công văn 255 đã bịa đặt mà chính xác là bị can Dương vốn là ngư dân thất học, tái mù chữ trong khi chữ điều tra viên quá xấu bị can không đọc được nên đã yêu cầu điều tra viên cho phép luật sư đọc lại biên bản hỏi cung cho bị can nghe trước khi ký vào bản cung giống như hôm trước (26/6/2014) đã thực hiện, nhưng lần này điều tra viên không đồng ý mà tự ông ta đọc bản cung cho luật sư và bị can cùng nghe rồi bắt mọi người cùng ký. Một điều tra viên như thế thì thử hỏi có ai dám chắc tin cậy rằng ông ta đọc cho nghe một cách trung thực những gì ông ta viết trong bản cung hay không ? Tôi kiên quyết phản đối vì tôi chưa được tự mình đọc bản cung. Tranh luận một hồi, có sự chen ngang của ông Dũng đội trưởng, đuối lý với luật sư, đội trưởng Dũng lệnh cho điều tra viên đưa lại bản cung cho tôi, ông Cường và bắt tôi chỉ được đọc thầm mà không cho phép đọc lại cho bị can nghe với lý do là trước đó bị can đã được nghe điều tra viên đọc cho nghe bản cung rồi. Tôi dứt khoát không đồng ý vì như thế bị can không được tự mình hoặc được nghe luật sư của mình đọc bản cung mà chỉ được biết nội dung biên bản hỏi cung thông qua điều tra viên.
Vậy mà công văn số 255 lại bịa đặt rằng “ bị can Dương tự đọc lại biên bản hỏi cung và đồng ý, không có ý kiến gì” ?
4- Công văn số 255 quy chụp tôi cầm biên bản hỏi cung cho vào túi xách cá nhân bỏ về nhằm che đậy cho hành vi của điều tra viên Nguyễn Kiên Cương tịch thu tài liệu của tôi một cách trái pháp luật:
Công văn 255 thể hiện: “Sau khi luật sư Châu biết đồng chí Dũng phát hiện hành vi vi phạm của mình thì cất ngay máy điện thoại của mình dấu vào túi xách và cầm biên bản hỏi cung bị can Đỗ Văn Dương cho vào túi xách cá nhân rồi bỏ chạy ra phía cổng công an thị xã Quảng Yên. Điều tra Cường yêu cầu luật sư trả lại biên bản hỏi cung thì luật sư Châu mới mở túi xách và lấy biên bản hỏi cung trả lại cho điều tra viên Cường rồi lên xe bỏ đi”. Ở đây sự thật đã bị bóp méo nhằm lấp liếm cho hành vi của điều tra viên Cường đã thu giữ trái phép tài liệu của luật sư. A dua theo lời hô hoán của ông Dũng tịch thu điện thoại của luật sư, ông Cường cũng hô theo và chụp lấy thu giữ tập tài liệu của luật sư để ở trước mặt với lý do: “Luật sư ghi chép trong buổi hỏi cung”. Thấy tài liệu của mình bị thu giữ trái pháp luật, tôi nhào tới lấy lại tập hồ sơ của mình vô tình vơ lẫn biên bản hỏi cung ông Cường để dưới tập tài liệu của tôi. Chả thế mà khi tôi ra về ông Cường có đuổi theo hỏi lấy lại biên bản tôi mới trả lời ngạc nhiên là “Biên bản nào ? Khi ông Cường khẳng định là tôi có lấy biên bản hỏi cung khi cầm hồ sơ của mình lại thì tôi mới lục tìm túi xách và trả lại cho ông Cường. Sự thật là như thế nhưng công văn số 255 lại dựa theo sự ngụy biện gian dối của ông Cường bóp méo, bẻ cong sự thật, biến cái sai của điều tra viên để quy chụp cho tôi nhằm bao che cho hành vi trái pháp luật của điều tra viên khi thu giữ tài liệu của luật sư.
CÔNG VĂN SỐ 255 BAO BIỆN MỘT CÁCH VỤNG VỀ CHO HÀNH VI SAI PHÁP LUẬT CỦA ÔNG NGUYỄN QUANG DŨNG – ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI CSĐT CÔNG AN THỊ XÃ QUẢNG YÊN.
Văn bản nêu: “Đúng lúc đó, đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH công an thị xã Quảng Yên đi trinh sát về qua phòng hỏi cung thì phát hiện thấy luật sư đang tranh cãi gay gắt với điều tra viên và nhìn thấy luật sư Châu giằng bản cung lại đọc khi bị can chuẩn bị ký. Đồng chí Dũng phòng hỏi cung sau khi giới thiệu họ tên, chức danh và xin có một số ý kiến góp ý với luật sư Châu về những hành vi câu nói hành động nêu trên trong khi điều tra viên đang hỏi cung bị can là vi phạm quy định của pháp luật. Điều tra viên yêu cầu bà Nguyễn Thị Minh Châu khi tham gia hỏi cung cùng điều tra viên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu điều tra viên Cường kiểm tra chiếc điện thoại (của luật sư) đang để trên mặt bàn làm việc của điều tra viên với bị can xem có phải đang thực hiện việc ghi âm cuộc hỏi cung của điều tra viên Đỗ Văn Dương hay không, nếu phải thì lập biên bản tạm giữ để giải quyết. Sau khi luật sư Châu biết đồng chí Dũng phát hiện hành vi vi phạm của mình thì cất ngay máy điện thoại của mình dấu vào túi xách và cầm biên bản hỏi cung bị can Đỗ Văn Dương cho vào túi xách cá nhân rồi bỏ chạy ra phía cổng công an thị xã Quảng Yên. Điều tra Cường yêu cầu luật sư trả lại biên bản hỏi cung thì luật sư Châu mới mở túi xách và lấy biên bản hỏi cung trả lại cho điều tra viên Cường rồi lên xe bỏ đi, khi đó luật sư và bị can Đỗ Văn Dương đều chưa ký biên bản…”. (dòng 9-28 từ trên xuống trang 3 công văn số 255).
Đây là sự bịa đặt, vu khống, bẻ cong sự thật một cách trắng trợn. Mức độ đã lên đến đỉnh điểm của sự đổi trắng thay đen. Tôi xin mổ xẻ từng câu để chứng minh sự đổi trắng thay đen một cách vụng về của công văn số 255 như sau:
1-Hành vi bao biện cho hành vi vi phạm điều lệnh công an nhân dân của ông Nguyễn Quang Dũng: “đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH công an thị xã Quảng Yên đi trinh sát về”. Với chức danh là đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH, có bằng tiến sỹ hay thạc sỹ như ông Dũng đã khoe khoang lẽ nào ông Dũng lại “nhiệt tình” thực hiện nhiệm vụ của một chiến sỹ trinh sát ?
2- Thực tế việc hỏi cung Đỗ Văn Dương vào các ngày 26 và 27/6/2014 thực hiện tại phòng làm việc chung của đội CSĐT công an thị xã Quảng Yên nơi có nhiều điều tra viên trong đội do ông Dũng phụ trách cùng làm việc, chứ không phải là phòng hỏi cung, vậy mà công văn 255 lại nêu ông Dũng “đi trinh sát qua phòng hỏi cung”là sai sự thật.
3- Thực tế việc hỏi cung Đỗ Văn Dương vào các ngày 26 và 27/6/2014 thực hiện tại phòng làm việc chung của đội CSĐT công an thị xã Quảng yên nơi có nhiều điều tra viên trong đội do ông Dũng phụ trách cùng làm việc, ông Dũng vào làm việc tại phòng làm việc của đội do mình phụ trách chứ không chỉ đi qua phòng hỏi cung. Vậy mà công văn 255 lại nêu ông Dũng “đi trinh sát về qua phòng hỏi cung thì phát hiện thấy luật sư đang tranh cãi gay gắt với điều tra viên” là sai sự thật. Nếu quả thực ông Dũng chỉ “đi qua” phòng hỏi cung và chỉ chứng kiến cuộc tranh cãi giữa luật sư và điều tra viên ở giai đoạn kết thúc hỏi cung, hai bên tranh cãi việc đọc bản cung trước ki ký thì làm sao ông hiểu được quá trình diễn biến cuộc hỏi cung để mà “nhắc nhở” những “vi phạm” của luật sư như đã nêu ở dòng 14-18 từ dưới lên trang 3 công văn 255 rằng: ông Dũng đã “xin có một số ý kiến góp ý với luật sư Châu về những hành vi câu nói hành động nêu trên trong khi điều tra viên đang hỏi cung bị can là vi phạm quy định của pháp luật. Điều tra viên yêu cầu bà Nguyễn Thị Minh Châu khi tham gia hỏi cung cùng điều tra viên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.” ? Cùng một đoạn văn sao trên nói một đằng, dưới lại thể hiện một nẻo ?
4- Sau khi đuối lý trước lập luận của tôi khi không đồng ý với cách làm việc sai trái của điều tra viên khi chỉ cho luật sư và bị can được nghe ông ta đọc bản cung mà không được tự mình đọc bản cung hoặc bị can được người bào chữa của mình đọc cho nghe lại bản cung, chính ông Dũng đã phải miễn cưỡng ra lệnh cho điều tra viên Cường đưa bản cung cho tôi để tôi đọc cho bị can nghe vậy mà công văn số 255 lại bịa đặt trắng trợn rằng ông Dũng “nhìn thấy luật sư Châu giằng bản cung lại đọc khi bị can chuẩn bị ký”.
5- Văn bản nêu hành vi của ông Dũng khi thấy điện thoại của tôi để trên bàn như sau: “Đồng thời yêu cầu điều tra viên Cường kiểm tra chiếc điện thoại (của luật sư) đang để trên mặt bàn làm việc của điều tra viên với bị can xem có phải đang thực hiện việc ghi âm cuộc hỏi cung của điều tra viên Đỗ Văn Dương hay không, nếu phải thì lập biên bản tạm giữ để giải quyết”. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tài sản của người khác một cách trái pháp luật. Cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên căn cứ vào quy định nào của pháp luật để tùy tiện kiểm tra và thu giữ tài sản riêng của luật sư ? Hành vi vi phạm đã rõ ràng mà còn chụp mũ cho luật sư mang tài sản phương tiện kỹ thuật số vào nơi làm việcI là "vi phạm" ? Phòng làm việc chung của Đội CSĐT công an thị xã Quảng Yên là nơi điều tra viên Cường thực hiện hỏi cung bị can Dương. Khi đó trong phòng có nhiều cán bộ công an làm công việc của mình, các đương sự của họ ra vào liên hệ làm việc, trong đó giải quyết cả những vụ tai nạn giao thông, các đương sự là nạn nhân, người nhà nạn nhân hay người vị phạm giao gây tai nạn lũ lượt ra vào phòng làm việc hết vụ này đến vụ khác. Vậy thì việc tôi có mang phương tiện kỹ thuật cao vào một nơi như thế là hoàn toàn hợp pháp. Thậm chí giả sử có ghi âm hay ghi hình cũng không thể bị coi là vi phạm vì đó là nơi làm việc chung của cả đội người lạ ra vào bình thường tự do sử dụng điện thoai. Nơi này cũng không có biển đề cấm sử dụng điện thoại. Việc cho rằng tôi mang điện thoại vào vị trí đó là “vi phạm” đã là sự quy chụp, nhưng lấy cái quy chụp đó để làm cái cớ tiếp diễn một hành vi vi phạm khác nữa là tịch thu tài sản của luật sư mà vẫn ngang nhiên cho rằng mình đúng để bao biện đối phó với khiếu nại của luật sư để đổi trắng thay đen.
TRONG KHI CHÍNH CÔNG VĂN SỐ 255 ĐÃ CHỈ DỰA VÀO Ý KIẾN MỘT CHIỀU CỦA ÔNG NGUYỄN KIÊN CƯỜNG VÀ ÔNG NGUYỄN QUANG DŨNG ĐỂ BẺ CONG SỰ THẬT THIẾU THIỆN CHÍ THÌ LẠI TƯ PHÊ PHÁN ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI “CHỈ NGHE PHẢN ÁNH MỘT CHIỀU THIẾU THIỆN CHÍ”
Công văn số 255 nêu: “Nội dung công văn số 296/KH-ĐLS Ngày 18/7/2014 của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho thấy Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thiếu thiện chí khi chưa cử cán bộ phối hợp, xác minh đến làm việc trao đổi cụ thể với cơ quang CSĐT Công an thị xã Quảng Yên mà chỉ nghe phản ánh một chiều, sai sự thật từ luật sư Nguyễn Thị Minh Châu đã gửi đơn đến nhiều cơ quan đề nghị bảo vệ quyền lợi của luật sư khi quyền lợi đó chưa bị xâm hại”.
Từ những câu chữ nêu trên đã thể hiện rõ chính tác giả công văn số 255 thiếu thiện chí trong khi ngược lại Đoàn luật sư Hà Nội thể hiện rõ thiện chí của mình khi nêu tóm tắt nội dung đơn khiếu nại của luật sư, và thận trọng nêu ý kiến của mình mà không hề quy chụp:
“Qua đơn phản ánh của luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, nếu làm rõ là sự thật thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng của 02 điều tra viên trên, cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.
Bằng công văn của mình, Lãnh đạo Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ quyền hành nghề của luật sư, làm trong sạch nền tư pháp Việt Nam, họ đã rất thận trong khi nêu nội dung phản ánh trong đơn luật sư, yêu cầu các cơ quan có lien quan xác minh làm rõ, nếu thấy đúng thì xử lý chứ không hề có kết luận mang tính cáo buộc một cách vô căn cứ.
Riêng đối với cá nhân tôi, qua nhiều năm làm việc, tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp kỳ quặc tương tự tình huống như trong nội dung đơn tôi đã khiếu nại. Sự việc sai trái của điều tra viên Nguyễn Kiên Cường và ông đội trưởng đội CSĐT công an thị xã Quảng Yên Nguyễn Quang Dũng quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền hành nghề của tôi, buộc lòng tôi phải làm đơn khiếu nại yêu cầu sự can thiệp của Lãnh đạo Liên Đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Không lẽ tôi, một người phụ nữ đã có tuổi, có thâm niên nghề nghiệp lại có những “vi phạm” ngớ ngẩn như công văn số 255 đã quy chụp để rồi bỏ thời gian làm đơn bịa đặt, khiếu nại một cách vô căn cứ ??? Trong khi tôi biết quá rõ với những con người không có sự cầu thị thì hậu quả có thể ảnh hưởng xấu đến thân chủ của mình, thậm chí còn nguy hại đến an ninh của cá nhân tôi khi tham gia vụ án tại địa bàn thị xã Quảng Yên nói riêng và ngay cả những nơi khác nói chung. Khi mà trong vụ án này có lờ mờ bóng dáng của xã hội đen.
Thực tế đã chứng minh rõ ràng rằng thân chủ mà tôi nhận bào chữa miễn phí - anh Đỗ Văn Dương, một ngư dân nghèo thất học, một công dân lương thiện đang kêu oan trong vụ án (đã được tại ngoại và thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú) thì ngay sau khi tôi có đơn, có sự can thiệp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cơ quan CSĐT thị xã Quảng Yên bất ngờ ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách bắt tạm giam khi anh Dương không có gì vi phạm. Cho đến nay đã gần một tháng trôi qua kể từ khi bị can Dương bị bắt tạm giam, tôi không hể nhận được bất cứ thông báo nào của cơ quan này về việc tham gia hỏi cung bị can mặc dầu trước đó tôi đã có ý kiện với điều tra viên theo nguyện vọng của bị can là khi lấy lời khai nhất thiết có mặt luật sư.
Phải chăng việc làm này nhằm đáp trả, thách thức với ý kiến của lãnh đạo tổ chức luật sư toàn quốc. Đây có phải là việc làm thiện chí, cầu thị mà Cơ quan CSĐT công an thị xã Quảng Yên muốn “nhắc nhở” Đoàn luật sư Hà Nội ?
Thưa Quý Vị có thẩm quyền !
Tôi cho rằng sự việc này không còn là vấn đề cá nhân tôi, mà còn liên quan đến quyền hành nghề của các đồng nghiệp tại địa bàn thị xã Quảng Yên, nếu không được chấn chỉnh thì các đồng nghiệp sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với cách hành xử tương tự như tôi đã phải gánh chịu. Việc làm của tôi những mong làm trong sạch nền tư pháp Việt Nam đúng với tinh thần đổi mới và cải cách tư pháp được thể hiện tại các Nghị Quyết số 08 và Nghị Quyết só 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tôi xin khẳng định và cam đoan rằng, nội dung đơn của tôi đề ngày 30/6/2014 và những gì tôi nêu ở đơn này là hoàn toàn trung thực, có căn cứ và chịu trách nhiệm về sự xác thực đối với những thông tin mà tôi đã cung cấp.
Kính mong các Quý vị can thiệp theo thẩm quyền, để bảo đảm quyền hành nghề của tôi đang bị xâm hại.
Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"