Nguyệt Quỳnh
Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
Sáng mai khua thức nhiều nhớ thương
Sáng mai khua thức nhiều nhớ thương
(Bài ngợi ca tình yêu – Thanh Tâm Tuyền)
Thi sĩ Bắc Phong đã có lần mơ thấy ánh mắt bà Trưng Nhị nhìn ông đằm
thắm, để rồi trong giấc mơ của cuộc hạnh ngộ đó ông từ một viên lính
quản tượng bỗng được “cất nhắc” để trở thành quan chép sử cho hai Bà.
Tôi không lãng mạn và mơ mộng như Bắc Phong nhưng tôi cảm được những
rung động của thi sĩ, vì thực lòng cũng như ông tôi thấy người phụ nữ VN
đẹp lạ lùng. Nếu bạn được nghe Đỗ Thị Minh Hạnh hát trong những buổi
trò chuyện với anh Phùng Mai thuộc Quỹ Tù Nhân Lương Tâm hay cô Trà Mi
của đài VOA bạn sẽ thấy như tôi. Họ là tứ thơ của Thanh Tâm Tuyền, họ
dịu dàng tươi mát như lá biếc như mây cao như tiếng hát, nhưng suốt
trong chặng đường gian khó của tổ quốc, đối với quân xâm lược họ là
những địch thủ đáng gờm. Đôi lúc họ xuất hiện dữ dội như hình ảnh nữ
tướng Bùi Thị Xuân, mình mặc áo chẽn đỏ, cỡi voi trận xông pha trong lửa
khói của đồn Ngọc Hồi, có lúc lại đằm thắm vững chãi như bà Linh Từ
Trần Thị Dung vợ Thái sư Trần Thủ Độ. Điểm đáng nói ở những người phụ nữ
này là họ có mặt khi đất nước cần, rồi thầm lặng đi vào đời thường.
Khiến ta cứ ngỡ như họ hiện diện ở mọi thời khắc khó khăn nhất rồi biến
mất. Thật ra họ vẫn luôn có mặt, miên viễn nối tiếp nhau từ đời này qua
đời khác.
Xin cùng đọc câu chuyện về phu nhân của danh tướng Nguyễn Chích, vị
tướng được xem là một khai quốc công thần của nhà Lê. Dưới thời nhà Minh
đô hộ nước ta, danh tướng Nguyễn Chích phụng mạng Lê Lợi chiêu mộ thêm
nghĩa quân ở Nông Cống – Thanh Hoá. Một buổi sáng đẹp trời có một tráng
sĩ mặt đẹp như trăng rằm đến xin đầu quân. Trông dáng dấp anh ta nhỏ
nhắn Nguyễn Chích có ý muốn đưa anh ta vào đội tuần cảnh, nhưng thấy
người tráng sĩ tỏ thái độ không bằng lòng ông liền cho mở cuộc thi võ
nghệ để phân tài cao thấp. Trong cuộc thi này, nhiều tướng giỏi của Lam
Sơn đã bị người tráng sĩ này hạ gục. Tướng quân Nguyễn Chích rất hài
lòng bèn phong cho anh ta làm phó tướng. Sau này viên phó tướng ấy đánh
ngã luôn trái tim của danh tướng Nguyễn Chích, anh ta chính là một thiếu
nữ giả trai để về đầu quân dưới trướng của Lam Sơn. Sau này hai người
kết hôn với nhau, bà là người giúp chồng chiêu mộ quân sĩ, tích trữ
lương thảo, rèn luyện nghĩa quân. Gặp lúc quân Minh vây hãm Lê Lợi ở Lam
Sơn, cũng chính bà đã chỉ huy một đội quân góp phần giải vây cho chủ
tướng. Khi đất nước ca khúc khải hoàn, có lẽ bà lui về giữ tròn vai trò
hiền phụ trong gia đình, không thấy sử sách nhắc đến tên của bà sau này
nữa.
Khi đất nước suy vong người phụ nữ Việt Nam ngày nay đã không còn coi
trách nhiệm cứu nước là bổn phận riêng của nam giới nữa. Thiên chức của
một người vợ, người mẹ, đã khiến các chị cảm được sâu xa nhất về nỗi
nhục của dân tộc và về những tai hoạ trước mắt. Số phụ nữ tham gia đấu
tranh ở giai đoạn này đã lên đến con số đáng kể, cả những người trực
tiếp hoặc gián tiếp. Sống sát cạnh những oan trái, khổ đau hàng ngày đã
khiến các chị phải lên tiếng, không nhất thiết vì bản thân mình mà vì
những uất ức, những bất công mà nhiều người chung quanh đang phải gánh
chịu. Những phụ nữ này đến từ mọi ngõ ngách của cuộc đời, từ tiến sĩ
kinh tế Phạm Chi Lan, đến nhà văn Võ Thị Hảo, luật sư Lê Thị Công Nhân,
nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, công nhân Trần thị Thuý Nga, cựu đại úy công an
Tạ Phong Tần,…
Họ góp mặt trong hầu hết mọi lãnh vực, từ đấu tranh cho tự do tôn
giáo như chị Mai Thị Dung, chị Trần thị Hồng vợ Mục sư Nguyễn Công
Chính, đến đấu tranh cho dân oan như chị Trần thị Thuý, bà Lê thị Ngọc
Đa, chị Hồ thị Bích Khương. Đặc biệt trong cuộc đấu tranh cho tiền đồ
đất nước, chống lại bước chân xâm lược của Trung Quốc. Tên của họ có thể
ghép thành một bản trường ca đẹp nhất nối tiếp bản trường ca của lịch
sử dân tộc. Những Trần thị Hài, Bùi thị Minh Hằng, Phương Bích, Đặng
Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Lê thị Phương Anh, Nguyễn Phương Uyên,
Phạm Thanh Nghiên… Những phụ nữ này xuống đường bất kể thái độ hung hãn
trấn áp của công an, bất kể họ có thể bị ném vào các trại tù, trại "phục
hồi nhân phẩm". Và khi ở trại giam, dù bị đánh đập, bị hành hạ nhưng
dũng cảm lạ lùng, ba chữ HS.TS.VN lại ngạo nghễ xuất hiện, lại vẫn lấp
lánh trong nắng, trên những nón lá của những người nữ tù nhân này.
Và không chỉ ở VN, không chỉ ở những cuộc biểu tình rầm rộ nhiều
người biết đến. Ở Tháp đôi Kuala Lumpur tại Mã Lai, một phụ nữ Việt nhỏ
bé đã đứng một mình ở nhà ga với một biểu ngữ trên tay. Biểu ngữ có hình
ảnh một giàn khoan bị gạch chéo cùng hàng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là
của Việt Nam”. Chị đứng đó giữa một đất nước xa lạ, trước những ánh mắt
tò mò, và đặc biệt giữa một cộng đồng đông đảo người Hoa sinh sống tại
đây. Tại nhà ga, một người đàn ông lạ, tỏ vẻ kính phục đã đến hỏi chị
rằng chị có thấy ngượng nghịu và sợ hãi không khi đứng một mình như vậy?
Người phụ nữ có tên Liberty đó đã chia sẻ với ông rằng chính những gì
đang xảy ra cho tổ quốc của chị đã giúp chị vượt qua mọi nỗi sợ hãi và
ngượng ngùng.
Ôi! Những Liberty và Lê Thị Tuyết Mai, họ chỉ là những người phụ nữ
bình thường, vô danh không ai biết đến, nhưng họ tiêu biểu cho người phụ
nữ ngàn đời của đất nước tôi. Một người biểu tình đơn độc ở Tháp đôi
Kuala Lumpur, một người tự thiêu trước cổng trụ sở quan quyền. Cả hai đã
nói những lời mạnh mẽ, tha thiết nhất với tổ quốc của mình. Ai đó, có
thể ái ngại nhìn họ như những người đàn bà bé nhỏ và cô đơn, thực ra họ
không hề cô đơn. Khi chọn đồng hành với vận mệnh của đất nước, họ nhìn
thấy bên cạnh mình có rất nhiều người, dù không hiện diện, cả những
người đã khuất. Điều đó giải thích tại sao những nữ tù nhân lương tâm
hiện nay dù yếu đuối về thể chất lại có thể trở thành những quặng thép
trong các trại tù. Dù cho công an dùng đủ loại thủ thuật để đàn áp, đặc
biệt là trò ép tù đánh tù, nhưng sau cùng, sự dũng cảm của các chị đã
làm cho cả trại giam phải tâm phục. Và sau đó, khi vừa bước ra khỏi trại
giam, đa số còn mang đầy tật bệnh trong người, nhưng họ lại tiếp tục
nhập dòng đấu tranh. Đặc biệt là đấu tranh cho những nữ tù chính trị còn
trong trại giam.
Con đường giải nạn cho cả dân tộc còn dài. Trên con đường đó, có rất
nhiều người phụ nữ đã bước qua tù ngục trong quá khứ, đang trả giá tù
ngục hiện nay và còn chấp nhận tù ngục trong tương lai. Những lời ngợi
khen, những mỹ từ như “liệt nữ” “anh thư” bỗng trở thành nhỏ bé trước
tâm hồn dung dị của những người phụ nữ Việt Nam này. Tôi tự hỏi vào
những ngày trước khi tự thiêu bà Lê Thị Tuyết Mai đã nghĩ gì? Có lẽ bà
không hề nghĩ đến mình, đến cái gia đình nhỏ bé của bà, và chắc chắn bà
không hề nghĩ đến những lời ngợi khen hay ca tụng về hành động của bà.
Điều duy nhất mà bà nghĩ đến chỉ có thể là niềm ước mong cả dân tộc đang
khiếp nhược của bà sẽ cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi, cùng nhau đoàn kết
đứng lên thì mới mong bảo vệ được tổ quốc, mới mong có ngày đóng hẳn
những đau thương cho cả dân tộc. Chỉ chừng ấy thôi đã khiến người phụ nữ
bình thường đó sẵn sàng khép lại cuộc đời mình bằng một lời tâm sự được
viết bằng tay trên một tấm biểu ngữ: “Đốt ánh sáng soi đường cho những người yêu nước”.
Trong cuộc chiến sống còn để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc, người
phụ nữ luôn luôn hiện diện. Họ góp mặt trọn vẹn, bằng tất cả nét tươi
đẹp và đức tính hiếm quý của người phụ nữ Việt. Tôi tự hỏi trong mười
năm Lam Sơn gian khổ nếu Tướng Quân Nguyễn Chích không gặp được phu nhân
của ông, nếu Phó Tướng Trần Quang Diệu không tình cờ được cô thiếu nữ
Bùi Thị Xuân đánh cọp cứu thoát, nếu người anh hùng Hùm thiêng Yên Thế
Hoàng Hoa Thám không bất ngờ gặp được cô Nhu nơi bìa rừng nọ, thì có lẽ
chúng ta, chứ không ai khác sẽ rưng rưng nuối tiếc như thi sĩ Phạm Thiên
Thư – “leo lên cành bưởi tiếc người rưng rưng.”