Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Theo Nga và chuyện những luận án TSKH

Nguyễn Trần Sâm
Vào những năm đầu của “công cuộc đổi mới” ở VN, một câu hỏi xuất hiện cả trong dân chúng lẫn các nhà lãnh đạo: Vì sao trong chính sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, ở thời kỳ trước, người ta lại mắc những sai lầm ấu trĩ như vậy?
Thời đó, trong những buổi nói chuyện, các nhà lãnh đạo hay viện đến những câu bắt đầu bằng những từ “Trước đây TA cứ tưởng”.
Trước đây TA cứ tưởng cứ ra lệnh là người công nhân, nông dân sẽ ra sức làm việc để đóng góp sức mình xây dựng CNXH. Trước đây TA cứ tưởng những lời kêu gọi là động lực để người lao động làm việc. Trước đây TA cứ tưởng quản lý xã hội thời bình cũng giống thời chiến… Bây giờ mới vỡ lẽ ra là muốn người lao động làm việc hăng say thì dứt khoát phải làm cho họ quan tâm đến thành quả lao động, nghĩa là khi làm, họ phải biết được sau đó họ sẽ được nhận cái gì và bao nhiêu.
Những điều này thực ra là người có chút nhận thức thì ai cũng biết. Tuy nhiên, những con người bị ám (giống như ma ám, chính xác là như vậy!) bởi các thứ tín điều thì không thể nào nhận ra nổi!
Một kiểu giải thích khác đến từ miệng các quan tuyên huấn. Với nhiệm vụ cao cả bảo vệ thượng cấp, họ tự nghĩ ra cách nói (sao cho khi sếp có biết thì vẫn vừa lòng). Họ đổ những cái sai cho… Liên Xô! Họ nói rất hay, nhưng nếu dùng ngôn từ dân dã thì có thể diễn đạt thế này: “Tao (nói nhân danh sếp) đâu có ngu! Tại cái thằng Nga chứ. Nó mới ngu. Tao chỉ làm theo nó thôi mà. Đấy, xem lại những việc nó làm và tao làm coi, có gì tao làm khác nó đâu!”

Xin không bàn ở đây thằng nào ngu hơn trong hai thằng, thằng đi trước hay thằng theo sau. Chỉ xin nói rằng đúng là VN đã học theo anh Nga rất nhiều thứ. Những việc như phát minh khoa học thì không theo được, nhưng mà hệ thống quản lý xã hội, các chiêu bài tuyên huấn hay những luận điểm trong các khoa học xã hội thì rất giống nhau. Bắt chước nhau cả việc đặt những danh hiệu và tên gọi (nhà giáo nhân dân, nghệ sỹ nhân dân, hội đồng bộ trưởng,…).
Xin nêu một ví dụ rất điển hình về việc “học mót thằng ngu” vào thời kỳ được gọi là “bao cấp”. Một lần vào khoảng năm 1974 gì đó, tôi được làm quen với một người vừa đi Nga về. Vị này đã ở bên đó khá nhiều năm. Bảy năm cuối, vị ấy làm thực tập sinh cao cấp (TTSCC), hơi giống như làm habilitation ở vài nước Tây Âu, để lấy bằng tiến sỹ (tức TSKH bây giờ) về kinh tế học. Nói đến TS khi đó, tôi khá ngưỡng mộ (chứ không như các vị PTS mà bà con gọi là “cái gì” đi Tây cũng thành). Nhìn điệu bộ trịnh trọng, tôi đoán chắc vị này nghiên cứu vấn đề gì cao siêu lắm. Sau vài lần gặp, tôi lân la hỏi về nội dung công trình của nhà khoa học này, và được vị ấy tiết lộ. Bây giờ tôi không nhớ được chính xác những ngôn từ khoa học kêu rổn rảng, nhưng nhớ đại ý là trong suốt 7 năm trời, vị ấy đi các nhà máy, các cơ quan nghiên cứu và quản lý thị trường để tìm hiểu các thông số, và sau đó dùng các phương pháp nghiên cứu khoa học rất “tân tiến” để xác định tổng chi phí để sản xuất ra một hộp sữa cô đặc. Vị ấy nói rằng việc đó nhắm tới một mục tiêu có tính thực tế rất cao là trình lên TW đảng CSLX để các đồng chí trên đó điều chỉnh giá bán cho phù hợp!!!
Mặc dù thời đó, nhiều cái ngu không thể nhận diện được, nhưng cái ngu này thì làm tôi thấy choáng luôn! Và càng ngẫm nghĩ, tôi càng sửng sốt, có lúc cứ lẩm bẩm “đ.m.”! Một luận án TSKH làm trong 7 năm mà mới nghiên cứu được tổng chi phí để sản xuất một hộp sữa! Mà nghiên cứu xong rồi có được các đồng chí lãnh đạo lườm tới để tham khảo trước khi điều chỉnh giá bán không? Và giả sử được, vậy còn hàng triệu mặt hàng khác, lấy đâu ra hàng triệu TSKH hay TTSCC để nghiên cứu định giá? Và định giá xong rồi, nếu kinh tế biến động thì vẫn cứ giữ nguyên cái giá đó đến 7 năm sau, khi có công trình mới thì mới chỉnh sang giá khác hay sao?...
Trong khi đó, với thị trường tự do, ở ngoài chợ hai mụ đàn bà cãi nhau một lúc là ra giá ngay à, chẳng cần đến vị TSKH nào. Mà cái giá của các mụ tự điều chỉnh rất linh hoạt. (Xin lỗi, tôi nói “mụ đàn bà” không có ý xem thường phải yếu, vì cũng sẵn sàng gọi mình là thằng đàn ông hay thằng già, he he!)
Một chuyện khác cũng liên quan đến luận án TSKH, lần này thì ở lĩnh vực kỹ thuật dân dụng. Vị TSKH này nghiên cứu mạch điện của radio. Luận án đầy những hệ phương trình vi phân phức tạp với hàng chục, hàng trăm biến. Giải chính xác không được, đành phải dùng đến những công cụ tính gần đúng với cả thứ gọi là lý thuyết nhiễu loạn. Trước đó cũng đã có hàng trăm chuyên gia làm những việc như vậy rồi, nhưng đây là bài toán cho một mô hình radio khác. Tôi phục tài làm toán của các bác này, nhưng vẫn thấy khôi hài vì cái radio Liên Xô mấy người mang về nó nhanh hỏng và ngốn pin kinh khủng. Chín cục pin Con Thỏ đấu thành một cọc dài tới nửa mét, không thể đút vào bên trong cái radio được, đành để bên ngoài, mà mở cho nó nói liên tục thì cỡ vài ngày là hết. Thời bao cấp có không xót thì cũng chẳng có tiền mua pin để nghe đài thường xuyên. Cái đài để đó khoảng hơn tháng thì hỏng toi. Trong khi đó, cái bọn Nhật nó không cần giải phương trình vi phân, nhưng cái đài của nó xài hàng chục năm không hỏng. Hai cục pin, thậm chí một, cho vào trong cái đài nhỏ nhỏ xinh xinh, nghe oang oang liên tục, vài tháng mới hết.
Tôi biết rằng ở Nga có những nhà bác học thực sự lỗi lạc, đặc biệt trong toán học. Nhưng cái cách ứng dụng các nghiên cứu cơ bản ở Nga vào cuộc sống thì quá kỳ. Nó sặc mùi XHCN.
Còn về những anh ngu theo Nga thì xin các vị tự đánh giá lấy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"