Người Buôn Gió
Trước đây toà án nhà nước CS VN đã từng xét xử rất nhiều người với tội danh chống lại nhà nước. Từ những năm 50 của thế kỷ trước kéo dài đến những năm cuối cùng của thế kỷ, hầu hết các vụ xử án của toà án CS đều diễn ra trong sự sợ hãi của người dân và thân nhân những người bị xử.
Thậm chí có những vụ xử mà thân nhân trong gia đình đứng ra làm người bị hại để tố cáo bị cáo là anh, là cha, mẹ của mình như trong cải cách ruộng đất. Hay có những vụ toà án CS xử cha, nhưng con cái vẫn một lòng ca ngợi Cộng sản hết lời như dạng nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhiều tín đồ trung thành mù quáng của chế độ cộng sản vẫn mơ ước có được những phiên toà như ngày xưa. Những phiên toà mà dân chúng khép nép, sợ hãi, cúi gằm mặt khi bị lùa đến xem xử. Không ai dám nhìn bị cáo, ai cũng muốn chứng minh mình không có liên quan gì đến những bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Nỗi sợ hãi ngự trị và lan tràn đến tận giường ngủ và nhà bếp.
Nguyên nhân sâu xa ca ngợi chế độ Bắc Hàn của đám dư luân viên Trần Nhật Quang còn là ước vọng trong lòng mong thấy một chế độ hà khắc, chế độ có những phiên toà xử người bất đồng chính kiến mà reo rắc được sự hãi khắp dân chúng như trước kia. Bởi theo nghĩa chúng hiểu đó là nghiêm minh và trật tự. Vì thế chúng nỗ lực gào hét những ai chê trách chế độ Trung, Triều. Chúng luôn miệng ca ngợi và muốn đất nước Việt Nam gắn bó với những mô hình nhà nước như vậy. Bởi một chế độ như vậy thì không cần tài năng, cần đức độ. Chỉ cần trung thành cuồng tín là những kẻ như chúng có đất tung hoành.
Sự sợ hãi quyền uy của dân chúng đối với chúng ngày một giảm đi. Vì thế chúng càng cay cú, điên cuồng kêu gào thiết lập lại một xã hội trật tự. Tức một xã hội luôn khiếp đảm trước mọi lời nói, hành động của chúng. Chúng định nghĩa đó là từ ''ổn định''.Trật tự và ổn định không phải xây dựng bằng sự bàn bạc, thống nhất, hài hoà giữa với nhau. Trật tự và ổn định của chúng là, chúng nói thế nào tất cả phải nghe thế. Nếu ai không nghe theo thế, là gây mất trật tự và ổn định.
Thời của những người như Phạm Tuyên đã xa rồi. Ngày nay cứ mỗi phiên xử người bất đồng chính kiến nào, thì lại nảy ra một tình huống là có thêm vài người bất đồng chính kiến nữa ra đời. Trường hợp của Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Hữu Vinh, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên ..giáo dân Thái Hà, giáo dân Vinh, dân oan Dương Nội...
Người thân thích vì ruột thịt bênh nhau đã đành, giờ thì cả người dân cũng bênh vực họ.
Chế độ xử người chống lại nó, mà nó phải huy động người đi từng nhà doạ nạt, nhắn nhe từng người dân là đừng nên đi xem. Đừng đi ủng hộ bị cáo. Bằng mọi thủ đoạn cấm đoán, triệu tập, dùng áp lực chỗ làm...mọi thứ để ngăn người dân không đi được đến phiên toà.
Trước kia nó huy động người ta đi xem những phiên toà có tên là chống lại nhà nước nhân dân để người ta thấy sợ, người ta không dám làm như bị cáo. Giờ thì nó lại sợ người ta đi xem, người ta sẽ làm theo bị cáo. Phiên toà ngày xưa nó mở giữa sân đình, giữa chợ, giữa thành phố bắc loa cho dân chúng nghe các diễn biến phiên toà. Nó lôi những người nào mà nó nghĩ có vấn đề cần giáo dục, có tư tưởng lệch lạc ra ngồi dự phiên toà để răn đe họ.
Giờ thì nó cấm tiệt người có vấn đề cần giáo dục đi xem, thậm chí là cả nhân chứng khi có giấy mời của toà cũng bị khuyến cáo là không nên đi. Khi xử, nó cho người của nó đóng giả dân xem ngồi chật cái phòng xử tí ti để lấy cớ không còn chỗ ngồi. Nó không cho loa phát ra đường phố nữa, đã thế nó cho báo chí ngồi phòng bên, xem qua màn hình , khi nào bị có nói thì dùng tiểu xảo để âm thanh không rõ. Rồi nó ngăn những con đường đến phiên toà. Dưới cái danh là kiểm tra đăng ký tạm trú, nó sục vào từng nhà dân, nhà nghỉ, khách sạn để tìm những ai ở xa muốn đến chứng kiến phiên toà, để chặn người ta lại bằng lý do hành chính , theo nghị định, thông tư nào đó.
Giờ thì người ta công khai tuyên bố ủng hộ những bị cáo, người ta đến trước cổng toà không hề che dấu thái độ bênh vực cho bị cáo, người ta giơ những dòng chữ nội dung bênh vực bị cáo. Người ta khẳng định bị cáo vô tội... việc mà 20 năm về trước chưa bao giờ xảy ra.
Nếu phiên toà tới đây, không biết mức án thế nào, nhưng nếu toàn án Đồng Tháp để 3 người trong vụ án Bùi Thị Minh Hằng không phải tiếp tục ngồi tù. Có lẽ là khôn ngoan, bởi nó đưa sự giận dữ của người dân thế hụt hẫng. Nó cũng làm cho các đòi hỏi ngoại giao của các nhà nước quan tâm trên thế giới ngẩn ngơ không biết nói thế nào trước một phán quyết tù không ra tù, tự do không ra tự do. Đây là một vụ án với cái tên gọi là '' gây rối trật tự công cộng ''. Cố tình xử tù giam có nghĩa đã cố tình khiến sự việc trầm trọng thành những mưu toan chính trị, vì ai cũng hiểu những bị cáo là người thế nào. Ai cũng thấy bản cáo trạng, kết luận điều tra sơ hở do chủ quan áp đặt thế nào.
Với một tình huống bày ra để khép người ta vào tội gây rối, giam giữ họ đến hơn nửa năm trời mới mang ra xử. Hồ sơ , nhân chứng, chứng cứ không có thuyết phục, về lý cũng như về tình như vụ án này. Thì toà án Đồng Tháp phán quyết mức án sao cho hợp thức hoá được những sai sót do các bộ phận trước đó làm đã là điều khó. Còn nếu như cay cú để đẩy thành một mức án tù giam trong trường hợp này, trái lại đó là thất bại. Vì nó khiến sự giân dữ của dân chúng sâu sắc thêm, khiến gia đình , thân nhân, bạn bè của những bị cáo có lý do thấy chế độ này là một chế độ bất công, họ cần phải tranh đấu tiếp tục cho sự công bằng của người thân. Nó cũng khiến cho các nhà ngoại giao quốc tế thấy họ bị đánh giá tầm thường ra sao trong quan hệ với chế độ này.
Tôi thì không biết những kẻ chủ mưu vụ án này có khôn như vậy không.? Có những thế lực vẫn ảo tưởng muốn đưa VN thành Bắc Hàn, vẫn thèm khát có nỗi sợ hãi gieo rắc khắp dân chúng qua những phiên toà như cách đây 50 năm về trước.
Thế nên khó mà biết được.