Luật Sư Cao Xuân Bái
Lúc còn đương kim Phó thủ tướng, ông Nguyễn Công Tạn phát biểu một
câu mà theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Ông là hiện thân của tư
tưởng đổi mới, tiến bộ, là thủ lĩnh, là ngọn cờ đầu của công cuộc cải
cách lập pháp. Ông nói rằng phải ghi rõ “nghị định này không cần thông tư hướng dẫn”.
Quan điểm của Ông mạnh dạn vứt bỏ một quy trình đã lỗi thời, không
giống ai nhưng lại có tính di truyền mạnh mẽ: Luật ban ra phải có nghị
định hướng dẫn, nghị định ban ra phải có thông tư hướng dẫn. Khi thông
tư ban ra mà cảm thấy “chưa yên” thì có công văn hướng dẫn. Nếu công văn
ban ra mà vẫn còn chút “lăn tăn” thì sẽ có … thông báo hướng dẫn ! Tôi
dám quả quyết rằng những vị “to nhất” trong các cơ quan bảo vệ pháp luật
của Việt Nam như Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng bộ công an cũng không thể nắm được
trong khoảng mười năm trở lại đây đã có bao nhiêu nghị định, thông tư
(các lĩnh vực) được ban hành, ngoại trừ có sự giúp đỡ của trợ lý, thư ký
riêng hoặc chuyên viên thuộc quyền.
Danh chính ngôn thuận thì thông tư có nhiệm vụ chính là để “hướng
dẫn” thi hành một loại văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nó. Nhưng trên
thực tế văn bản “cao hơn” nhiều khi phải ngậm ngùi nhìn “thằng em” vuốt
mặt mà không thèm nể mũi. Tại Khoản 2, Điều 4 Luật thuế TNCN quy định
điều kiện để được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản là “cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất”
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN cũng không hề
chỉnh sửa gì thêm. Thế nhưng Thông tư số 111/2013/TT-BTC, ngày 15 tháng 8
năm 2013 của Bộ tài chính lại “có sáng kiến” thêm điều kiện: Phải đủ
183 ngày trở lên, tính từ lúc được cấp giấy chứng nhận cho đến lúc muốn
bán, mới được miễn thuế. Nếu ai ngoan cố bán sớm sẽ phải è cổ chịu thuế.
Trong khi theo Luật thuế TNCN thì không có “điều kiện” này. Luật ban
hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Văn bản do cấp dưới ban hành
không được trái với văn bản của cấp trên. Thông tư có “nghĩa vụ” phục
tùng nghị định, luật. Còn theo truyền thống văn hóa Việt, thì “thằng em”
phải biết phục tùng “thằng anh” mới được gọi là gia đình có nề nếp, có
văn hóa.
Gần đây nhất là Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07 tháng 7 năm 2014
của Bộ công an gây phản ứng dữ dội trong dư luận, nhất là trong giới
luật sư. Ở “mục” viện dẫn căn cứ pháp lý, người ta cũng ghi đầy đủ,
chẳng thiếu cái gì:
- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
- Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
- Căn cứ Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, năm 2009);
Nhưng trong nội dung, tại Điều 38, người ta tỉnh bơ, chẳng thấy căn
cứ vào điều, khoản nào của luật để cho điều tra viên có quyền “xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự …”, bằng
cách lập biên bản, ghi âm, ghi hình, hoặc bằng những cách khác rồi báo
cáo với thủ trưởng của mình để ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận
tham gia tố tụng của luật sư. Trong khi đó, tại Điều 35 Bộ luật TTHS chỉ “cho” điều tra viên những quyền sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
b) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người
làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;
c) Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng;
d) Thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản;
đ) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;
e) Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ
quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Luật chỉ “cho” có vậy thôi, chứ không “cho” quyền xử lý luật sư !
Điều 2 Bộ luật TTHS còn nhấn mạnh “Mọi
hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Rõ ràng Thông tư 28/2014/TT-BCA ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ công an là trái pháp luật.
Trong vụ án hình sự, nếu nhìn dưới góc độ của một … “quan sát viên”
thì dễ dàng nhận thấy điều tra viên và luật sư là hai phía của “chiến
tuyến”. Bên này có nhiệm vụ tìm chứng cứ để buộc tội nghi can, bị can
thì bên kia có nhiệm vụ tìm chứng cứ để gỡ tội. Công lý có được bảo vệ
hay không, lẽ phải có được bảo vệ hay không chính là nhờ một phần lớn ở
…“trận tuyến” này.
Nhìn lại vụ án 5 công an đánh chết người tại Phú Yên, nếu Thông tư 28 ra đời sớm hơn một chút, thì luật sư Võ An Đôn đã bị điều tra viên “phát hiện thấy người bào chữacó hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra …… cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ...”. Và
sẽ bị “truất quyền thi đấu”. Nhưng vì Thông tư 28 ra đời hơi trễ nên
kiến nghị của luật sư Võ An Đôn về việc khởi tố thượng tá Lê Đức Hoàn,
Phó trưởng công an TP Tuy Hòa lại trở nên … có căn cứ ! Nó có căn cứ bởi
vì nó phù hợp với kết luận của 2 phái đoàn công tác của Tòa án NDTC và
Viện kiểm sát NDTC vào Phú Yên làm việc, sau khi có chỉ thị xem xét lại
vụ án của Chủ tịch nước. Thế mới biết quan điểm “luận tội” của luật sư
Đôn sáng ngời như chân lý.
Trong buổi thăm và làm việc mới đây của Chủ tịch Trương Tấn Sang với
Liên đoàn LSVN, ông nói “bảo vệ công lý cũng là bảo vệ chế độ”. Vì vậy,
xin các ông, các bà đừng coi giới luật sư là “thế lực thù địch”. Hãy
cùng giới luật sư làm tốt nhiệm vụ mà Nhà nước, xã hội và nhân dân đã
giao phó.
Nhân sự kiện ra đời của Thông tư 28, Đoàn luật sư TP Hà Nội có kế
hoạch tổ chức cuộc hội thảo để lấy ý kiến của giới luật sư Thủ đô. Nhưng
đến giờ phút chót phải hủy bỏ chỉ vì có sự can thiệp của Bộ công an (theo luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội – Dẫn lời của phía cơ quan cho thuê hội trường).
Sự việc này càng làm dấy lên nỗi hoài nghi về mục đích, động cơ khi ban
hành Thông tư 28. Đoàn LS TP.Hà Nội là một tổ chức hợp pháp, được thành
lập theo pháp luật Việt Nam và bởi các cơ quan có thẩm quyền của Nhà
nước Việt Nam. Việc cản trở các hoạt động bình thường của tổ chức này là
có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Rồi đây, chưa rõ Đoàn LS TP.Hà Nội có
làm đơn tố cáo Bộ công an để gửi lên … Bộ công an hay không ?