Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Kinh Doanh Bằng Tiền Người Khác (OPM)

Alan Phan

"Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là trước sau gì chúng ta cũng xài hết tiền của người khác – The problem with socialism is that you eventually run out of other people’s money (OPM)" – Margaret Thatcher
Trong một hội thảo tuần rồi, một câu nói “ngây thơ” của tôi lại gây nhiều tranh cãi trong những doanh nhân hiện diện. Đó là việc chúng ta nên… ”kinh doanh bằng OPM (other people’s money – tiền người khác) càng nhiều càng tốt”.
Nó có vẻ mâu thuẫn với những tệ trạng OPM mà tôi thường phê phán và một bình luận tóm tắt đề tài này thật đơn giản, ” ở Việt Nam này, chuyện sử dụng OPM là chuyện phổ thông, các doanh nhân đều là sư phụ trong lĩnh vực này, bác khỏi tốn công rao giảng…”
Vậy cho tôi nói rõ hơn về OPM.
Ăn cắp và hiếp dâm…
OPM chỉ là một phương tiện, như tư bản, như nhân lực, như tài sản, như lợi thế cạnh tranh. Không có OPM tốt hay xấu, chỉ có cách lấy và sử dụng mới là tốt hay xấu.
Dù sống tại một xứ Mỹ tự do và dân chủ, tôi thường chỉ trích gay gắt những thủ thuật lấy tiền thuế của người dân (OPM) để đi làm những chính sách mà người dân không bỏ phiếu để chấp thuận. Tôi cho rằng những khoản tiền chánh phủ vay mượn hay những QE do Fed phát hành đều là những vi phạm hiến pháp quốc gia. Kể cả những ngân sách hay chi tiêu do quốc hội thông qua bằng những trao đổi ngầm sau hậu trường. Một chánh quyền thực sự dân chủ phải minh bạch hóa mọi chi tiêu và ngân sách (từ liên bang đến xã quận) và phải được đa số cử tri chấp thuận qua một trưng cầu dân ý (không phải số phiếu từ quốc hội).

Khi người dân không biết hay không được hỏi ý kiến, tôi cho đây là một hành vi ăn cắp hay biển thủ.
Còn ở một chế độ độc tài nơi ngân sách và thu nhập chi tiêu đôi khi được coi là “bí mật quốc gia” hay được thông báo trên căn bản dối trá, các nhà phân tích độc lập không thể kiểm chứng…thì hành vi phạm pháp này này ngang hàng với trấn lột hay hiếp dâm.
Cùng xếp hạng vào hành vi trên là việc lấy tiền OPM của người dân đi đầu tư vào những công ty do mình kiểm soát. Tiền kiếm được cho vào túi riêng của phe nhóm, tiền lỗ lã để ngân sách hứng chịu. Đây là thủ đoạn lưu manh lớn nhất trong việc rút ruột tài sản quốc gia.
Lường gạt và bịp bợm
Với những doanh nghiệp tư nhân, sự sử dụng OPM phi pháp bao gồm việc dấu diếm hay chỉnh sửa báo cáo hoạt động hay tài chánh, hoán chuyển mục đích đầu tư mà không có thỏa thuận của người chủ OPM, lấy tiền OPM để làm chuyện riêng của cá nhân gia đình mình, ngay cả dùng những ngáo ộp quyền lực hay hứa hẹn tầm phào… để thu tiền OPM.
Một thị trường nghiêm minh pháp trị như Mỹ cũng đầy dẫy những siêu lừa như Bernie Madoff, Allen Stanford, Jordan Belfort (nên coi cuốn phim hay sách The Wolf of Wall Street),…thì các thị trường tư bản sơ khai, dựa trên quan hệ và pháp luật rừng rú, như Trung Quốc hay Việt Nam chắc chắn phải là nơi tụ tập nhiều “sư phụ” về OPM.
Minh bạch và trung thực
Trong khi đó, những doanh nhân thực sự tài năng, bản lĩnh và muốn “đội núi vá trời” thì lại cần tất cả đòn bẫy mà họ có thể lợi dụng. Đòn bẫy quan trọng nhất là TIỀN. Của OPM.
Tất cả những thành công ngoạn mục gần đây đều phát xuất từ những doanh nhân khởi nghiệp từ garage. Bill Gates, Mark Zuckerburg, Larry Ellison, Larry Page…và nếu không có OPM thì họ đã chẳng làm nên cơm cháo gì.
Với minh bạch và trung thực, OPM là một win-win cho người bỏ tiền và người kinh doanh. Cả hai bên cùng lợi khi mục tiêu của OPM thành tựu. Đó là việc tăng giá trị của sản phẩm, công nghệ, đội ngũ, thị trường…để cuối cùng, tăng giá trị của công ty. Miễn là khi lấy tiền OPM, người nhận tiền có đạo đức tối thiểu để báo cáo đầy đủ và kịp thời mọi hoạt động kinh doanh để người bỏ tiền có cái nhìn trung thực về tiến bộ hay lùi bước của quy trình gia tăng giá trị.
Đó cũng là lý do chính Sở Chứng Khoán Mỹ (SEC) không đặt ra bất cứ điều kiện gì để doanh nghiệp trở thành công ty niêm yết ngoài việc nộp một cáo bạch (prospectus) (và sau đó mỗi quý, mỗi năm) nói rõ về tình hình kinh doanh, sản phẩm công nghệ, ban quản trị, cơ sở, thị trường, báo cáo tài chánh, lịch sử…và quan trọng nhất là tất cả các yếu tố rủi ro trong hoạt động. Nếu ai có tiền, đánh giá công ty phù hợp với nhu cầu thu lãi qua đầu tư của mình, thì mua hay bán cổ phiếu hoặc trái phiếu. Chính phủ qua SEC chỉ truy tố những sai phạm như nói dối, nói không hết 100% sự thật, lạm dụng OPM cho cá nhân…Chuyện công ty lỗ lời là chuyện giữa người bỏ và nhận tiền.
Nhu cầu của OPM
Thú thực, ngoài những thời gian còn trẻ, lạc quan, tham lam và thích khoe, tôi đã trầm tĩnh mà nhận ra rằng những ý tưởng lớn luôn cần những dòng tiền lớn. Và tôi cũng đủ khôn ngoan để tránh xa những món nợ mà tôi nghĩ tỷ lệ rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Ngoài ra, tôi nhận thấy khi kinh doanh với OPM, tôi rất bảo thủ, không dám vung tay như tiền của mình. Mọi quyết định đều được cân nhắc, chia sẻ qua sự đóng góp của các đồng nghiệp và tư vấn.
Khoảng 20 năm vừa qua, hai chuyện tôi không làm trong những dự án đầu tư: bỏ tiền túi của mình và vay nợ ngân hàng. Tôi nhận ra rằng dòng tiền đầu tư trên thế giới đang tràn ngập mọi kênh, mọi thị trường, mọi phương cách. Tiền túi của tôi không nghĩa lý gì. Nếu dự án tôi trình bày không đủ sức hấp dẫn một số rất tiền rất nhỏ so với lưu lượng đang dịch chuyển ngoài kia, thì đó là một dự án tôi không nên theo đuổi. Còn vay nợ? Trừ khi công ty có một dòng cash flow bền vững, tôi sẽ nói KHÔNG với mọi mời chào. Lý do là những tình huống bất ngờ luôn chầu chực và chỉ một thay đổi nhỏ trên thị trường hay công nghệ hay quản lý, doanh nghiệp có thể bị tụt hậu và suy sụp.
OPM là một đòn bẫy vô cùng quan trọng cho mọi doanh nhân. Sử dụng OPM trong cẩn trọng, minh bạch và trung thực sẽ tạo vũ khí “uy tín” để hổ trợ và kéo dài sự nghiệp của bạn. Không uy tín trong làm ăn là chụp giựt, nhất thời và khôn vặt.
Hãy trở thành một doanh nhân “đúng nghĩa” với OPM.
Alan Phan

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"