Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Con bà Bùi Hằng trao thư ngỏ ngay tại Tòa Lãnh Sự VN San Francisco


Ngọc Lan & Kalynh Ngô/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) - “Nếu có thể làm gì đó cho mẹ và những người bạn, con sẽ làm hết sức mình! Nếu có thể góp gì đó cho những người trong nước con sẽ góp hết sức! Nếu phải làm gì đó trong thời điểm hiện tại, dù chỉ là rất nhỏ nhưng con nhất định sẽ làm cho mẹ và mọi người!”

Nhiều người đọc được những dòng chữ này trên Facebook của "Bo Trung," tức Trần Bùi Trung, 23 tuổi, con trai bà Bùi Thị Minh Hằng, và đã cùng anh có mặt tại Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco vào sáng Thứ Sáu, 22 Tháng Tám, 2014 để gửi thư phản kháng CSVN giam giữ người trái pháp luật và kêu gọi trả tự do cho mẹ anh.
Tuy nhiên, việc người thanh niên 23 tuổi này đường hoàng đến văn phòng Lãnh Sự Quán để gửi thư đã gặp phải sự đón tiếp rất “lạ lùng” của cơ quan đại diện Việt Nam tại đất nước Cờ Hoa này.

Trần Bùi Trung trước cửa Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francissco. (Hình: Lý Trí Anh)

***
Trần Bùi Trung đến Hoa Kỳ từ ngày 4 Tháng Tám, 2014 bắt đầu hành trình đến Quốc Hội Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới vận động để nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho mẹ anh.
Sau một số buổi điều trần tại Washington DC, theo kế hoạch Trung sẽ sang Úc để gửi lời thỉnh nguyện lên Quốc Hội Úc. Tuy nhiên, do một số trục trặc về giấy tờ, Trung ở lại Mỹ và quyết định đến Lãnh sự quán Việt Nam đặt tại San Francissco gửi thư kêu oan cho mẹ.
Đọc được ý định này của Trung từ trên Facebook, nhiều người đã “hỗ trợ và đồng hành với Trung đi kêu oan cho mẹ em,” như lời anh Nguyễn Thiện Thành, một cư dân sống ở Anaheim, miền Nam California, cho biết.
Anh Thành cùng 7 người nữa, từ Little Saigon, khởi hành từ đêm Thứ Năm để sáng sớm Thứ Sáu có mặt cùng con trai bà Bùi Hằng trước tòa nhà Lãnh sự quán Việt Nam.
Không chỉ vậy, nhiều người từ San Diego, từ San Jose, từ Portland cũng lái xe đến San Francisco để “ủng hộ tinh thần cho người con trai đi tìm công lý cho mẹ, cũng là để cho Trung nhìn thấy được nghĩa tình của đồng bào hải ngoại dành cho những người yêu nước.”
Cuộc tập họp của nhóm người này không hề có “cờ vàng cờ đỏ” mà “chỉ có tình thương yêu mẹ của người cậu bé đơn độc đi tìm công bằng cho mẹ mình.”
Hơn 10 giờ sáng, khi nhóm người chuẩn bị băng qua đường để tiến vào bên trong tòa nhà đặt văn phòng Lãnh sự quán Việt Nam ở số 1700 California thì một người đàn ông da trắng mặc thường phục xuất hiện, hỏi mọi người đang làm gì, sau khi móc ví và hé mở cho đoàn người nhìn thấy chiếc huy hiệu có hình logo của cảnh sát Hoa Kỳ.
Nghe lý do về sự có mặt của mọi người, viên “cảnh sát chìm” nhắc nhở “cần làm việc trong ôn hòa.”
Đoàn người cùng Trung tiến vào bên trong tòa nhà thì một nhân viên bảo vệ yêu cầu “để thư lại, sẽ có người của lãnh sự quán xuống nhận.”
Trung cùng những người đi cùng không đồng ý.
Trần Bùi Trung (cầm biểu ngữ) và những đồng hương hải ngoại đến ủng hộ anh 
tại Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francissco. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Sau khi thuyết phục, nhân viên bảo vệ đưa Bùi Trung cùng anh Thiện Thành vào nơi ghi “Vietnam Visa Office.”
Khi đó là 10 giờ 30 sáng. Trước văn phòng này đang treo bảng “OPEN” (Mở cửa). Đồng thời trên cửa cũng ghi giờ làm việc từ “Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 8 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa và từ 2 giờ 30 đến 4 giờ chiều.”
“Tuy nhiên, bảo vệ đưa tay mở cửa thì thấy cửa bị khóa. Anh ta bèn lấy chìa khóa mở nhưng vẫn không đẩy được cửa vào. Bảo vệ nói 'cửa đã bị khóa từ bên trong.'” Trung kể.
“Người bảo vệ này chỉ tụi tôi nên nhét lá thư vào khe cửa. Trung làm theo và tôi dùng điện thoại để quay lại cảnh này cho mọi người cùng thấy sự hèn nhát của Lãnh sự quán Việt Nam đã không dám ra tiếp nhận thư phản kháng của đứa con trai từ Việt Nam lặn lội sang tận đây để đi tìm kiếm sự công bằng cho mẹ của mình.” Anh Thành nói thêm.


Trong "Thư ngỏ về vụ án Bùi Thị Minh Hằng" mà Bùi Trung gửi cho ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco nhưng phải "nhét qua khe cửa", có đoạn: "Trong suốt thời gian bị giam giữ, mẹ tôi đã trải qua 4 lần tuyệt thực, sức khỏe rất yếu, nhưng vẫn không được gặp gia đình. Mãi cho đến ngày 19/8, tức là hơn sáu tháng sau ngày bị bắt, mẹ tôi mới được gặp chị gái tôi là Đặng Thị Quỳnh Anh, chỉ trong vòng 15 phút.

Vụ án cũng còn rất nhiều điểm không minh bạch, cho thấy có khả năng sự việc đã được cơ quan an ninh phối hợp với công an địa phương dàn dựng ngay từ đầu. Cơ quan an ninh điều tra còn có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự khi chậm trễ trong việc gửi kết luận điều tra cho luật sư bào chữa, gây khó khăn rất lớn cho công việc của luật sư.

Quan trọng nhất là, mẹ tôi là một nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến. Bà luôn sát cánh cùng nông dân nghèo để bảo vệ quyền đất đai của họ, sát cánh bên những người biểu tình để cùng thực thi và bảo vệ quyền ngôn luận của công dân. Vì lý do đó, bà đã liên tục bị cơ quan công an theo dõi, đe dọa, sách nhiễu, bị côn đồ khủng bố thường xuyên."

Trung cho rằng anh “Rất thất vọng vì Lãnh sự quán Việt Nam ở Mỹ cũng sợ, không dám trực tiếp nhận thư.”
“Em cám ơn đồng bào hải ngoại đã luôn có mặt bên cạnh em để em không cảm thấy đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Em cũng muốn nói với mẹ em rằng 'Mẹ ơi, hãy kiên cường, trong bất kỳ tình huống nào, con cũng ở bên mẹ.” Trung nói với phóng viên Người Việt.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, sinh năm 1964, mẹ của Trần Bùi Trung, được biết đến là một người tham gia tích cực trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua. Và đây chính cũng là nguyên nhân khiến bà bị bắt đưa vào trại cải tạo Thanh Hà ở tỉnh Vĩnh Phúc hồi Tháng 11 năm 2011, nhưng lại bị chính quyền Việt Nam gán cho tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà được thả ra vào cuối Tháng 4, 2012.
Vào ngày 11 Tháng Hai năm nay, bà Hằng lại bị bắt khi đang cùng 20 người khác đến thăm nhà cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Một ngày sau, 18 người trong số này được trả tự do, ngoại trừ bà Hằng cùng hai người khác là cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, sinh năm 1986 và anh Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1980.
Ngày 28 Tháng Hai, công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và Nguyễn Văn Minh về hành vi “Chống người thi hành công vụ.”
Bà Hằng phản đối hành động bị bắt giam của mình bằng cách tuyệt thực trong trại giam suốt 50 ngày. Sức khỏe của người phụ nữ này trở nên suy yếu từ đó.
Ngày 2 Tháng Bảy, 2014, công an Đồng Tháp đã đưa ra bản “Kết luận điều tra vụ án,” trong đó qui cả bà Hằng, cô Quỳnh và anh Minh vào tội danh “Gây rối trật tự công cộng.”
Ngày 26 Tháng Tám tới đây, bà Hằng sẽ được đưa ra xét xử tại Đồng Tháp.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"