Phạm Chí Dũng
“Phe lợi ích” - một khái niệm mới chu toàn từ năm 2013 lồng trong
hiện tình chính trị và các phe phái bằng mặt không bằng lòng ở Việt Nam,
vừa bất chợt xuất hiện những dấu hiệu bị suy giảm quyền lực từ giữa
tháng 7/2014.
Tín hiệu từ Petrolimex
Không phải vô cớ mà Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) chấp
nhận đến ba lần giảm giá xăng chỉ trong vòng hai chục ngày, tạo nên một
kỷ lục hiếm thấy hoặc chưa từng thấy trong lịch sử kinh doanh độc quyền
của tập đoàn đầy tính “thân hữu” này.
Dù với tổng mức giảm khiêm tốn 1.430 đồng/lít cho đến ngày 18/8/2014,
giá xăng đã trở về gần mức đầu năm 2014. Một tín hiệu “hồi tâm” của
Petrolimex? Hay có thể hiểu khác hơn - một dấu hiệu suy giảm quyền lực
của “Phe lợi ích” mà Petrolimex luôn là một đại diện tiêu biểu và xứng
đáng?
Nhưng đã chưa từng diễn ra một trải nghiệm xứng đáng nào từ
Petrolimex suốt từ năm 2007 - lúc kinh tế được coi là “hoàng kim” cho
đến thời suy thoái kinh tế bắt đầu từ năm 2008 và tiếp dẫn đến cuối quý
2/2014. Đặc biệt trong bối cảnh hàng trăm ngàn doanh nghiệp “chết” vào
năm 2012 và tiếp tục ít nhất 60.00 doanh nghiệp khác “tử vong” vào năm
2013, trong đó có không ít doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu vẫn tăng
tiến đều đặn.
Có chăng, giá chỉ tạm “giải lao” vào lúc Quốc hội Việt Nam không
giải lao. Mặt bằng giá xăng dầu cũng bởi thế luôn tiến chiếm hết kỷ lục
này đến kỷ lục khác, khiến bầu không khí tiêu dùng tại đất nước “Thơ tôi
khóc, lệ rơi hình chữ S” luôn quằn quại trong vô vàn bức bối và phẫn
nộ.
Đó cũng là bối cảnh mà các chuyên gia phản biện, báo giới và người
dân than vãn và kêu gào không ngớt trên tất cả các diễn đàn công luận và
trong dư luận. Nhiều bài viết đã phân tích tường tận, cặn kẽ về các cơ
sở có thể để kéo giảm giá xăng dầu. Rất nhiều trường hợp giá dầu quốc tế
giảm nhưng Petrolimex vẫn kiên định tư tưởng giá xăng Việt Nam chỉ có
tiến chứ không lùi. Thảng hoặc phải nhận lãnh phản ứng trực tiếp từ đại
biểu quốc hội, Petrolimex lại thực thi chiến thuật “lùi một tiến hai”.
Trong suốt thời gian những năm nền kinh tế chìm vào tồi tệ, các kiến
nghị của hội đoàn tới tấp bay về tổng hành dinh bộ ngành liên quan.
Thái độ phẫn nộ của những người tiêu dùng nghèo khó nhất như xe ôm cũng
cũng đã phải bật lên… Tuy nhiên, mọi tiếng kêu la đều như vấp phải một
bức tường đặc sệt não bộ và cực kỳ vô cảm.
Thậm chí một số quan chức của Bộ Công thương và Bộ Tài chính - hai
cơ quan liên đới trực tiếp và gián tiếp đến việc tăng giá xăng dầu - còn
biểu lộ phát ngôn rằng xăng dầu tăng giá hoàn toàn không làm ảnh hưởng
lớn đến chỉ số tiêu dùng và đời sống người dân (!?).
Trong bối cảnh u ám đầy bất nhẫn như thế, điểm ngoặt có vẻ khá kỳ lạ
lại khởi nguồn từ khoảng trung tuần tháng 7/2014. Một số vụ việc vốn
chìm sâu trong lẩn khuất của giới ngân hàng - nhóm lợi ích được xem là
thao túng mặc tình và ghê gớm nhất Việt Nam - “bỗng dưng” phát lộ.
Vụ bắt một hơi ba quan chức cao cấp của Ngân hàng Xây dựng - tổ chức
tín dụng được một số dư luận xem là “ruột rà” với Ngân hàng nhà nước -
đã khơi dậy một tín hiệu về đòn tấn công của một lực lượng chính trị nào
đó nhắm vào “Phe lợi ích”.
Quy luật song hành và bổ trợ giữa kinh tế và chính trị không bao giờ
là lạc hậu, đặc biệt trong những điều kiện hết sức “đặc thù” ở Việt
Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà sau quá nhiều năm tháng nhóm ngân hàng hầu
như không bị suy xuyển, mà chỉ đến bây giờ mới lộ diện những Agribank
ngập ngụa nợ xấu và nợ rất có thể không cánh mà bay, về ít nhất 8 ngân
hàng khác thuộc loại “top ten” cũng bất chợt bị tung hê nợ xấu, về những
quan chức ngân hàng dắt dây với nhau và có thể cả với một số chính
khách nào đó, về khối tài sản đồ sộ của nguyên Tổng thanh tra chính phủ
Trần Văn Truyền như được ai đó “bật đèn xanh” để báo chí làm công tác
“thống kê”…
Thành thật mà nói, chưa bao giờ Petrolimex tỏ ra “thâm tình” như lúc
này trong việc kéo giá xăng dầu xuống “cùng với đà giảm giá dầu quốc
tế”.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam?
Cùng với chuyển động “hồi tâm” của Petrolimex và hàng loạt vụ việc
đang được khơi gợi trong ngành ngân hàng, một liên tưởng êm dịu cũng dẫn
tới việc so sánh về tính thời điểm và sự kiện, khi có vẻ như chiến dịch
“diệt ruồi” trong các ngân hàng Việt Nam tiếp liền sau chuyến đi của
Dương Khiết Trì - ủy viên quốc vụ viện Trung Hoa - đến Việt Nam, một
hành động được coi là mang hàm ý “lên dây cót” cho những quan chức có
quan điểm gần gũi với Bắc Kinh.
Cùng thời gian này, đất nước Trung Hoa như lên cơn sốt với chiến dịch “Diệt cả hổ lẫn ruồi” của Tập Cận Bình.
Dường như sau lần chịu việt vị bởi giàn khoan HD981 ở Biển Đông, Tập
Cận Bình đã chấp nhận chừa ra một khoảng dung sai nào đó cho những
“đồng chí tốt” ở Hà Nội, thay vì gia tăng siết bức mà có thể khiến Trung
Quốc bị ảnh hưởng lợi ích giao thương Trung - Việt và còn phải đối phó
với một hình ảnh liên minh quân sự “phản Trung” đang hình thành gấp rút
tại vòng cung châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian cuối tháng 7/2014 lại chứng kiến một sự kiện, tuy âm thầm
nhưng dường như không sút kém tính quan trọng so với chuyến đi của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington vào tháng Bảy năm ngoái: đại
biểu Quốc hội Phạm Quang Nghị hiện diện cũng tại Hoa Thịnh Đốn.
Những gì diễn ra tiếp sau chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị thì hầu
hết mọi người đều biết. Đó là chuyến công du đột ngột không kém đến Việt
Nam của Thượng nghị sĩ John McCain và sau đó là chuyến “giao lưu hải
quân” của Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng
liên quân Mỹ.
Thậm chí còn diễn ra cuộc gặp giữa Martin Dempsey với Nguyễn Phú
Trọng, để sau đó khi người đứng đầu đảng tuyên bố “Mỹ là đối tác quan
trọng hàng đầu của Việt Nam”, thì Martin Dempsey cũng không kém cạnh:
“Việt Nam có thể trở thành người bạn tốt nhất của Hoa Kỳ”.
Chỉ trong khoảng ba tuần lễ, dường như những người trong “Phe bảo
thủ” đã vượt lên một nhịp so với “Phe lợi ích”, khi trước đó thế giằng
co là tương quan nổi trội tưởng như còn kéo dài đến tận Đại hội Đảng 12.
Ưu thế về chính trị đối ngoại lại dẫn đến ưu điểm về công tác đối nội
và tạo ra hiệu ứng toàn diện tới từng từng tế bào của các nhóm lợi ích,
trong đó đương nhiên có cả các tế bào doanh nghiệp và những nhân vật
“trung kiên” với lợi ích nhóm.
Bất chấp dân tình khổ sở vì thu nhập eo hẹp nhưng vẫn phải oằn vai
gánh số lỗ hơn 10.000 tỷ đồng cho mình, Petrolimex chẳng có lý do nào để
“hồi tâm” bằng ba lần giảm giá xăng liên tiếp.
Chỉ có thể một mệnh lệnh thầm kín và khẩn cấp nào đó được truyền
xuống từ “Thủ trưởng” mới có thể làm cho con tim tê liệt của tập đoàn
xăng dầu độc tôn và độc quyền này phải rung động, khiến họ bắt đầu phải
tính đến “hậu sự”, nhằm tránh thoát những đòn roi hiểm hóc có thể phát
ra bởi một chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” - ngộ nhỡ sẽ xảy ra đến mức xáo
trộn đời sống chính trị ở Việt Nam ngay trong thời gian tới.
Lại nhớ về thời điểm sau trung tuần tháng 7/2014 một chút, Carl
Thayer - một trong số ít chuyên gia quốc tế được coi là thạo tin về nội
tình triều chính Việt Nam - đã bật ra một nhận định mà có lẽ khiến nhiều người sửng sốt: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể bị gạt sang một bên”…