Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Học để thất nghiệp

PGS.TS.Trần Văn Tùng
272013totnghiepthatnghiep-1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Sự khác biệt căn bản nhất trong cạnh tranh kinh tế trước đây và thời đại ngày nay ở chỗ con người đang tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhiều quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên lại có cơ hội tốt cho việc phát triển các ngành công nghiệp nhờ vào sức mạnh trí tuệ. Thành công tại Đông Á là một thí dụ được nhắc tới nhiều lần trong các công trình nghiên cứu của các tổ chức quốc tế. Lester Thurow(2003), một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Hoa Kỳ cho rằng: Vũ khí cạnh tranh quyết định trong thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng của người lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam “học để thất nghiệp” là một hiện tượng đáng quan tâm.
Theo tôi có mấy nguyên nhân.
1. Mất cân đối cơ cấu giáo dục đại học.
Chúng ta có thể thấy cơ cấu giáo dục đại học của Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Theo số liệu năm 2005 của Bộ Giáo dục và đào tạo thì ngành kinh tế, luật chiếm tới 43% số sinh viên, trong khi đó khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mỗi ngành chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Nông lâm, ngư nghiệp, một ngành được coi là chủ lực của kinh tế Việt Nam chỉ chiếm 3,1% số sinh viên. Hiện tượng thừa cử nhân luật, kinh tế đang là phổ biến. Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ không có lợi, bởi vì thiếu lực lượng lao động khoa học công nghệ sẽ là vật cản lớn cho quá trình tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, không thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Hậu quả, người Việt Nam trở thành lực lượng lao động làm thuê, bị lệ thuộc lâu dài.

Trong các thập kỷ 1970, 1980 tại sao các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hồng Kông lại tập trung nhiều hơn cho giáo dục khoa học công nghệ? Bởi vì, thứ nhất khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh. Thứ hai, khoa học công nghệ là động lực cho quá trình đổi mới các công ty, tạo ra các sản phẩm trí tuệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Thứ ba, xuất khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài thu được nguồn lợi lớn. Khi lực lượng lao động có kỹ năng dồi dào, Nhật Bản, Hàn Quốc đã mau chóng tiếp thu, cải tiến công nghệ nhập khẩu từ các nước phương Tây và mau chóng chuyển đổi từ những ngành gia công như dệt may, giày dép sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, leo lên nấc thang mới trong quá trình toàn cầu hoá, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu nhờ việc sản xuất ra các hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao . Công nghiệp điện tử, ô tô, đóng tàu, có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trái với Nhật Bản, Hàn Quốc thì Malayxia và Thái Lan do trình độ nhân lực thấp, trong các thập kỷ 1970, 1980 dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước này chậm chạp. Do đó các nước này phải nhập khẩu lao động có kỹ năng, Malayxia là thí dụ điển hình, hàng năm phải nhập khẩu gần 1 triệu kỹ sư điện tử, chế tạo máy, năng lượng điện, dệt may… từ Ấn Độ,Trung Quốc và Philippines để thu hút đầu tư nước ngoài.
Các nghiên cứu trước đây về kinh tế Đông Á đều cho rằng, lợi ích thu được từ hệ thống giáo dục là do đầu tư ngân sách quốc gia ở mức cao. Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi vì theo Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp quốc năm 2001, thì định hướng phát triển giáo dục khoa học công nghệ mang lại lợi ích không kém so với ngân sách đầu tư cho giáo dục. Nhiều quốc gia đang xem xét lại chính sách đầu tư phát triển giáo dục theo cơ cấu ngành nghề và bậc học.
2. Lực lượng lao động khoa học và công nghệ thiếu hụt.
Nhiều quốc gia đang đặc biệt chú ý tới công nghệ thông tin. Ấn Độ là một thí dụ điển hình. Sự cất cánh của công nghệ Ấn Độ là một hiện tượng thần kỳ và đang đe doạ tới nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin. Năm 2000 Ấn Độ mới xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD sản phẩm phần mềm máy tính, thì đến năm 2010, con số đó là hơn 70 tỷ USD, chiếm tới 33% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Hiện tại đã có hơn 300 công ty xuyên quốc gia trong số 500 công ty lớn nhất trên thế giới có hợp đồng mua sản phẩm phần mềm của Ấn Độ. Trí tuệ Ấn Độ đang có giá, làm cho tỷ lệ kỹ sư phần mềm của Hoa Kỳ thất nghiệp tăng gấp đôi, hiện là 4,6%, kỹ sư quản trị mạng thất nghiệp lên tới 7,7% vào năm 2011. Số lượng kỹ sư công nghệ thông tin của Ấn Độ làm việc tại Bangalore là 150.000 người, nhiều hơn cả thung lũng Silicon của Hoa Kỳ hiện là 120.000 người vào năm 2011, ít nhất 1/3 sản lượng của ngành công nghệ thông tin của Hoa Kỳ được thực hiện tại nước ngoài mà chủ yếu từ Ấn Độ. Ấn Độ đang tiếp quản nhiều việc làm từ các quốc gia khác, bởi vì lương kỹ sư công nghệ của Ấn Độ hàng năm là 10.000 USD, bằng 1/8 mức lương của đồng nghiệp Hoa Kỳ. Chính nguồn chất xám, chỉ số IQ cao, chi phí thấp, nói tiếng Anh thành thạo giúp cho Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng với Hoa Kỳ, ít nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chưa bao giờ Hoa Kỳ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt như bây giờ trước đối thủ nước ngoài. Ấn Độ đang nỗ lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động trí thức trong nước và cả nước ngoài trong tương lai. Ngoài công nghệ thông tin, lĩnh vực phân tích tài chính cũng là thế mạnh của các chuyên gia Ấn Độ. Các công ty chứng khoán phố Wall đã chuyển giao nhiều hợp đồng phân tích tài chính cho các trung tâm thuộc miền Nam Ấn Độ. Bởi vì nguồn nhân lực Ấn Độ được hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao về toán, khoa học cơ bản và công nghệ. Những năm gần đây, nhân lực công nghệ thông tin qua đào tạo của Việt Nam tăng đáng kể. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu phần mềm của Việt Nam chủ yếu từ FPT chỉ khoảng hơn 80 triệu USD, chủ yếu là gia công cho Nhật Bản. Không biết bao giờ có sản phẩm”Made in Việt Nam”. Nhân lưc khoa học, công nghệ trong các ngành cơ khí, luyện kim, vật liệu, hóa dầu, điện tử…đều thiếu hụt. Dẫn đến công nghiệp phụ trợ không thể phát triển được. FDI vào Việt Nam phải chịu giá mua công nghệ quá cao từ các nhà đầu tư, trong số đó hầu hết là công nghệ lạc hậu trung gian. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng có tới nay hơn 65% giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp là hàng gia công lắp ráp. Công nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là gia công lắp ráp sử dụng nhiều lao động, sản phẩm chế tạo chiếm tỷ lệ thấp.
Ở Việt Nam, giáo dục từ xưa đến nay được thừa nhận là cơ chế để lựa chọn nhân tài. Nhiều năm trôi qua, tình hình đổi khác, đáng buồn là không ít sinh viên học giỏi thực sự lại không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo. Đó là nguyên nhân thôi thúc dòng người có trình độ chuyên môn cao ở Việt Nam tiếp tục tới Hoa Kỳ và một số quốc gia công nghiệp khác. Bởi vì lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao chỉ có thể phát huy được trong môi trường công nghệ luôn thay đổi, nói khác đi là tại các quốc gia thực hiện chính sách mở cửa thị trường. Các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới cho rằng kinh tế Đông Á tiếp tục tăng trưởng cao trong các thập kỷ 1970 - 1980 là do đóng góp của công nghệ nhập khẩu. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ làm chủ được công nghệ nhập khẩu.
3. Không nhận thức đúng vai trò và chính sách sử dụng trí thức bất hợp lý.
Lý thuyết tăng trưởng kinh tế chứng minh rằng khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, thì đội ngũ trí thức phải được coi trọng hơn. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho thấy trí thức Việt Nam rất yêu nước. Tuy nhiên chính sách sử dụng dường như đang đi trái với quy luật phát triển. Bởi vì ai muốn được bổ nhiệm chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước thì người đó phải là đảng viên, phải qua các lớp học chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chúng ta thiếu cán bộ có năng lực là do không bổ nhiệm những người ngoài đảng. Chế độ lương bổng, điều kiện làm việc và phân biệt đối xử đã hạn chế khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuyển dụng công chức không công khai, nếu công khai thì lộ đề,chạy tiền. Quê tôi ở Nghệ An đất học,về quê mấy đứa cháu tốt nghiệp đại học loại khá không xin được việc. Chúng nó bảo phải đút lót hàng trăm triệu may ra mới có một chỗ làm việc. Dân nghèo thì lấy tiền đâu, do đó cơ quan nhà nước lại chỉ là con cháu quan chức hoặc con cháu người có tiền toàn một lũ dốt nát. Ai hiểu cho nỗi khổ của các gia đình nông dân vay nợ cho con học đại học, học xong lại về quê cày ruộng? Tệ hại hơn, những trí thức có tên tuổi nêu nhiều ý kiến đổi mới theo xu thế phát triển muốn phá bỏ hệ thống giáo dục nô dịch khác với nghị quyết của đảng CSVN luôn bị gây khó khăn, bị buộc tội có âm mưu lật đổ chính quyền.
4. Chương trình đào lạc hậu, không phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các loại bằng cấp của Việt Nam chỉ có giá trị nội địa và không được các nước khác công nhận? Có thể trả lời ngay đó là do chất lượng đào tạo thấp và không theo các chuẩn mực quốc tế.
Tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam yếu hơn sinh viên các nước khác không phải hoàn toàn do phương pháp giảng dạy mà là do giáo trình được dùng để giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học lạc hậu.
Thời kỳ 1960-1970, Khoa Toán - Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội nơi tôi từng học là khoa đào tạo có chất lượng tốt. Có thể hồi đó Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội áp dụng chương trình và giáo trình của Khoa Toán - Cơ Đại học quốc gia Maxcơva mang tên Lomonoxov. Giáo trình là công cụ rất quan trọng ở các trường đại học phương Tây để giúp cho sinh viên tự nghiên cứu. Thời kỳ Việt Nam chưa mở cửa, các sinh viên khoa kinh tế của các trường đại học Việt Nam muốn hiểu sâu lý thuyết kinh tế thì không có cách nào khác là phải đào sâu học thuyết Mác. Học thuyết Mac với giá trị cốt lõi của nó là thặng dư lao động, đấu tranh giai cấp, công hữu hóa làm việc theo năng lực hưởng theo nhu cầu không còn đúng. Paul Samuelson người được giải thưởng Nobel kinh tế cho rằng Mác sai lầm khi cho rằng công nhân bị các nhà tư bản bóc lột thậm tệ, không nhận thấy đóng góp của công nghệ, tri thức quản lý trong giá trị thặng dư lao động nên Mác đề xướng luận điểm đấu tranh giai cấp, công hữu hóa (Todd R.Buchholz, New Ideas from dead Economics, 1989). Tuy nhiên, cho tới ngày nay nó vẫn còn đất sống, ngăn chặn quá trình phát triển những quốc gia theo con đường xã hội chủ nghĩa. Hệ thống trường đảng mở ra khắp các thành phố, các tỉnh tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân, nhưng không có đóng góp đáng kể cho phát triển nguồn nhân lực khoa hoc công nghệ, trong khi nhiều lý thuyết của Adam Smith, Ricardo, Keynns, Lucas, Romer nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, vốn nhân lực đối với tăng trưởng và cạnh tranh kinh tế lại ít được truyền bá ở Việt Nam.. Phương pháp giáo dục của Việt Nam vừa giáo điều lại vừa bị đóng khung trong khuôn khổ ý thức hệ chính trị Mác-Lênin, đã hạn chế khả năng sáng tạo của sinh viên, không giúp họ nhận biết được xu thế phát triển của thời đại. Tệ hại hơn chỉ biết nói theo, làm theo.
Như vậy để đánh giá chất lượng và so sánh quốc tế về chất lượng giáo dục đại học cần phải có chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực đó là dựa vào chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp đào tạo đã được nhiều trường đại học trên thế giới sử dụng.
Những năm chiến tranh, lúc đó ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học Việt Nam được UNESCO đánh giá cao. Sau nhiều năm, qua bao đời bộ trưởng họ đã đưa ra các quyết định cải cách giáo dục. Có người triển khai việc thay đổi chữ viết, có người sao chép mô hình đại học hai giai đoạn, có người hô hào xã hội hoá giáo dục cho mở trường dân lập, có người yêu cầu tăng đầu tư, có người phát động một số phong trào, đề ra chiến lược mới trong khi chiến lược cũ chưa được thực hiện và chưa tổng kết. Bộ giáo dục đào tạo không có biện pháp điều chỉnh cơ cấu giáo dục đại học, sinh viên về khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ thấp, nhưng các trường đại học công và tư vẫn đua nhau thu hút sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh… những ngành dễ học, học những kiến thức chung chung không được thực hành. Hậu quả là hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ ra trường không có việc làm. So với GS Tạ Quang Bửu thì các vị bộ trưởng đời sau kém xa ông về tầm nhìn và động cơ trong sáng khi đưa ra các quyết định phát triển giáo dục. Do dó, người dân không an tâm khi cho con em đến trường, khi mà đủ thứ gian dối không được ngăn chặn, khi phải tiếp tục đón nhận các thông tin cải cách giáo dục nửa vời và nhận thấy chất luợng giáo dục không tương xứng với mức đầu tư.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"