Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Việt Nam có nguy cơ bị “hồi tố” vào CPC

Viết Lê Quân
CPC (Country of Particular Concern), tức danh sách các “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” do “thành tích” đàn áp tôn giáo một cách trầm trọng.
Tháng 11/2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Đó cũng là thời gian mà Nhà nước Việt Nam thể hiện một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo, cũng đồng thời với tương lai tham gia vào WTO mở ra trước mắt họ.
Nhưng sau chuyến làm việc 11 ngày ở Việt Nam vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, ông Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo, cơ hội bị “hồi tố” về CPC lại bất chợt hiện ra đối với Nhà nước Việt Nam.

Ông Bielefeldt gặp Hội đồng liên tôn tại DCCT Sài Gòn, ngày 25.07.2014. Ảnh: DCCT.
Kết quả sau 11 ngày tận mắt chứng kiến ngay cả bản thân cũng bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan an ninh Việt Nam đã khiến ông Heiner Bielefeldt phải tổ chức một cuộc họp báo, công bố về “những sai phạm nghiêm trọng” của nhà cầm quyền Việt Nam đối với điều được nhà nước này gọi là “tự do tôn giáo” khi ngăn chặn rất lộ liễu và thô bạo nhiều chứng nhân mà ông muốn gặp.

CPC là gì?
Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nào nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo. Theo định nghĩa trong luật Hoa Kỳ, vi phạm tự do tôn giáo là các hành vi cấm đoán, hạn chế hay trừng phạt việc tụ tập ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc tuỳ tiện bắt “đăng ký” sinh hoạt tôn giáo; việc tự do phát biểu về tôn giáo của mình; quyền đổi tôn giáo hay tín ngưỡng; quyền dưỡng dục con theo niềm tin tôn giáo riêng. Hiện nay đang có dự thảo tu chính để cộng thêm hành động phá hay xúc phạm các nghĩa trang tôn giáo.
Theo định nghĩa của luật, vi phạm “đặc biệt trầm trọng” có nghĩa là “mang tính hệ thống, đang tiếp diễn, và nghiêm trọng” và bao gồm các hành động như bỏ tù, giam giữ dài hạn mà không quy tội, bắt đi mất tích, đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức tái định cư số đông, hoặc “khước từ trắng trợn quyền được sống, được tự do, hoặc được an toàn bản thân”.


23 giờ đêm ngày 09/06/2014, đã có khoảng từ 300 đến 500 người bao gồm công an, chính quyền các cấp, dân phòng, kể cả cùng côn đồ được thuê mướn, đã kéo tới đập phá cổng trụ sở Giáo hội Mennonite tại đường D10, Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: SBTN.
Các biện pháp chế tài
Theo luật Hoa Kỳ, quốc gia trong danh sách CPC phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang: phản đối; cảnh cáo; hoãn hay đình chỉ các trao đổi văn hoá hay khoa học; hoãn, đình chỉ hay huỷ bỏ các chuyến công du; chấm dứt, hạn chế hay đình chỉ các khoản viện trợ; yêu cầu các định chế tài chánh tư và quốc tế hạn chế tiền cho vay và không tài trợ; cấm bán hay chuyển vũ khí và kỹ thuật cho quốc gia đó; cấm các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ không ký các hiệp ước xuất nhập cảng với quốc gia đó.
Đồng thời luật cũng trừng phạt các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về sự đàn áp tôn giáo bằng cách không cấp visa vào Hoa Kỳ cho đương sự và các người trong gia đình.
Nói cách khác, các biện pháp chế tài trong dự thảo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam và Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam thực ra đều có sẵn, ở mức độ nhiều hay ít, trong Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
Việt Nam sẽ mất gì?
Theo bình luận của tờ Mạch Sống ở Mỹ, nếu bị chỉ định CPC, Việt Nam sẽ hoàn toàn mất triển vọng mua hoặc nhận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ. Triển vọng tham gia Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương về mậu dịch cũng sẽ khép lại. Đó là chưa kể những khoản viện trợ đang nhận sẽ bị cắt giảm hay chấm dứt, và triển vọng vay vốn từ các định chế tài chánh quốc tế sẽ trở nên khó khăn.
Đó là lý do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tránh không đưa Việt Nam vào danh sách CPC, mặc dù Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế do Quốc Hội thiết lập liên tục đề nghị CPC cho Việt Nam trong suốt 7 năm qua. Hành Pháp Hoa Kỳ không muốn làm “trật đường rầy” chính sách đối ngoại của họ không những đối với Việt Nam mà còn là đối với toàn vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Và đó cũng là lý do Bộ Ngoại Giao đã giảm nhẹ khi báo cáo vi phạm trong bản phúc trình gửi Quốc Hội hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nếu báo cáo đúng mức thì Bộ Ngoại Giao khó tránh né việc chỉ định Việt Nam là CPC.
Oái oăm cho Bộ Ngoại Giao là vừa gửi bản phúc trình cho Quốc Hội được 3 hôm thì ông Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, họp báo ở Hà Nội trong ngày cuối của chuyến thị sát Việt Nam. Ông Bielefeldt đã vạch trần thực trạng khống chế tôn giáo và đàn áp những người hoạt động tôn giáo độc lập. Các hành động theo dõi, nghe lén, thu băng nhắm vào phái đoàn LHQ của Ông Bielefeldt, và sự cản chặn, sách nhiễu, hăm doạ nhắm vào các nhân chứng lại càng thể hiện rõ ràng hơn nữa bản chất của chế độ và thực trạng tôn giáo ở Việt Nam.
Không chỉ chính quyền Việt Nam lúng túng, mà cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đang lúng túng vì không biết giải thích làm sao những khác biệt căn bản giữa bản phúc trình mà họ vừa nộp cho Quốc Hội và tuyên bố báo chí của người có thẩm quyền nhất của LHQ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Không thể phủ nhận các khám phá của ông Bielefeldt, Bộ Ngoại Giao chỉ có một trong hai cách giải thích: Biết nhưng không báo cáo, hoặc không biết nên đã không báo cáo. Giải thích cách nào cũng không ổn với Quốc Hội.
Chỉ còn mỗi một cách để giúp Việt Nam tránh CPC và các hệ luỵ của nó là ép chính quyền Việt Nam phải thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, và phải chứng tỏ điều này trước cuối năm nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"