Hòa Ái - Phóng viên RFA
Dự án Luật Bầu Cử được đệ trình lên Uỷ Ban Thường Vụ Quốc hội xem
xét với nội dung chưa cho phép tự vận động tranh cử ở VN hồi trung tuần
tháng 8 trong khi các “con ông cháu cha” (COCC) đang được sắp xếp cho 1
cuộc “tiến cử” trở thành những nhà lãnh đạo mới.
Con ông cháu cha
Người dân có hy vọng gì với giới lãnh đạo trẻ này? Liệu rằng họ sẽ làm tốt vai trò của mình để đáp ứng mong mỏi của người dân?
Trong những ngày tháng 8 này, câu tục ngữ “con vua thì lại làm vua”
được cư dân mạng cũng như dân chúng ở VN đề cập đến như một điều hiển
nhiên khi đón nhận thông tin các lãnh đạo trẻ tuổi được chỉ định, bổ
nhiệm vào nhiều chức vụ trong bộ máy Nhà nước và Ban soạn thảo dự án
Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đề nghị
không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động tranh
cử.
Trong đợt luân chuyển 19 thứ trưởng về địa phương hồi tháng 3/2014,
dư luận đặc biệt chú ý đến ông Thứ trưởng Xây dựng, 38 tuổi, tên Nguyễn
Thanh Nghị, được điều động về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, kiêm
giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang qua một cuộc họp
bất thường, tổ chức vào chiều ngày 28 tháng 3. Ông Nguyễn Thanh Nghị
được quan tâm, bàn tán nhiều không phải vì những thành tích ông đạt được
trong quá trình công tác ngắn ngủi, chưa đầy 1 thập kỷ, kể từ năm 2006,
sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington ở Hoa Kỳ mà vì
ông là con trai trưởng của Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng.
Dư luận cũng xôn xao về tin ông Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, được chỉ
định làm ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng trong tháng 8. Truyền
thông trong nước đăng tải là cán bộ trẻ nhất, có bằng thạc sĩ ở nước
ngoài nằm trong danh sách Ban chấp hành Đảng bộ của thành phố. Nhiều
người dân trong nước mà đài RFA tiếp xúc cho biết cũng không có gì mới
mẻ đối với thông tin này nhưng “hiện tượng” ông Nguyễn Bá Cảnh có lời ra
tiếng vào vì không lâu trước đó, thân phụ của ông Cảnh là ông Nguyễn Bá
Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, lớn tiếng chỉ trích cán bộ đưa
người thân gồm con, cháu, dâu, rể vào cơ quan Nhà nước tại buổi nói
chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở TP. Đà Nẵng.
Trao đổi với Hòa Ái, anh Khương, thế hệ 8X, cựu sinh viên trường Đại
học Ngoại Thương, hiện đang làm việc cho 1 công ty nước ngoài ở Hà Nội,
cho biết bản thân anh không có hy vọng gì khi những nhân vật trẻ
tuổi-tài cao, “con ông cháu cha” hay còn gọi là “COCC” như ông Nguyễn
Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương
lai của VN. Anh Khương nói:
Thế hệ lãnh đạo trẻ học nước ngoài
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn bi quan vào sự chỉ định,
bổ nhiệm chức vụ cho những người thuộc diện “con ông cháu cha”, Nhà báo
Lê Hải ở Đà Nẵng, một người quan tâm đến thời cuộc đất nước, chia sẻ suy
nghĩ của mình:
“Anh Nguyễn Bá Cảnh thật sự là nhân vật có tài. Người cũng được
đào tạo đi học ở nước ngoài. Không phải chỉ riêng trường hợp anh Nguyễn
Bá Cảnh, có nhiều anh. Trong đó có nhiều anh như con ông Nguyễn Tấn
Dũng, con ông Trần Đức Lương, con ông này ông kia…Tôi có nhận xét chung
như vầy: hầu như những anh con cán bộ lãnh đạo cao cấp như thế thường
thường được đi học ở Anh, ở Mỹ. Như vậy trình độ thực sự cũng chưa biết
đến đâu nhưng các anh mà đi ra học nước ngoài thì được tiếp xúc với
những kiến thức khoa học-xã hội của nước ngoài và đặc biệt được sống
trong môi trường dân chủ-nhân quyền, mỗi người đều có quyền tự do hết
thì ít ra trong suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng những điều đó”.
Cũng có những ý kiến tán đồng với suy luận của nhà báo Lê Hải, cho
rằng sự hiểu biết kiến thức và sự tiếp thu nếp sống xã hội dân chủ văn
minh của các lãnh đạo trẻ thế hệ kế tiếp sẽ mang lại tương lai sáng lạng
cho VN trong những ngày sắp tới. Dù biết rằng hiện trạng xã hội VN có
nhiều ưu đãi thậm chí là quá mức dành cho những người thuộc diện “COCC”
nhưng cũng không có gì là quá ảo tưởng khi vẫn còn đâu đó niềm tin vào
những người tài ba thật sự, xuất thân trong gia đình có truyền thống
chính trị, làm tốt vai trò lãnh đạo vì “con nhà tông không giống lông
cũng giống cánh”. Tuy vậy, phần đông trong số 90 triệu người Việt trong
nước lại tỏ ra nghi ngại tình hình đất nước sẽ ra sao một khi quyền lực
do những người trẻ, có trình độ và quyền lực trong tay? Anh Khương bày
tỏ:
“Có thể không thể tốt hơn. Có nghĩa cha ông họ do trình độ có hạn
đưa đất nước như thế này, đến bờ vực như hiện nay. Còn họ có trình độ
thì chưa chắc sẽ đưa đất nước khá hơn. Thậm chí người tài giỏi đưa vào
trong cơ chế độc tài-độc đảng có thể còn nguy hiểm hơn nữa”.
Câu hỏi đặt ra nếu thế hệ lãnh đạo trẻ trong tương lai gần không làm
tròn trách nhiệm và bổn phận với dân với nước theo như nghi ngại của
nhiều người thì phản ứng của dân chúng sẽ ra sao? Anh Sơn, người đồng
trang lứa với ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh, từ Sài Gòn
nói là giới lãnh đạo trẻ nên khôn ngoan lấy dân làm “gốc”, không phải hô
hào khẩu hiệu như hiện nay mà phải tận tụy trong vai trò lãnh đạo để
đời sống của người dân được ấm no thực sự, được hưởng những quyền căn
bản nhất gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do bầu cử. Anh Sơn
khẳng định người dân sẽ không lặng im như đã từng trong suốt 70 năm qua
kể từ ngày ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày mùng
2/9/1945:
“Chắc chắn họ không chịu đựng được nữa đâu. Bởi vì thế hệ này họ
đã chịu đựng quá nhiều rồi. Bây giờ lòng dân đang gọi là bất mãn, căm
phẫn tới đỉnh điểm. Nếu thế hệ lãnh đạo tiếp nối làm thay đổi tình hình
tốt hơn thì còn chấp nhận chứ nếu tệ hại hơn thì chắc chắn là không
được”.
Qua những biến chuyển trong những năm gần đây cho thấy dấu chỉ dù
con vua vẫn được làm vua trong chế độ do Đảng CSVN lãnh đạo nhưng con
sãi ở chùa sẽ không chịu khuất phục để cam phận mãi quét lá đa.