Phạm Đình Trọng
Đầu giờ làm việc buổi chiều ông Thành trở lại gặp tôi. Thấy trên chiếc
bàn con cạnh chỗ tôi ngồi suất cơm hộp và chai nước La Vie còn nguyên,
ông Thanh giục tôi ăn cơm kẻo đói, mệt. Tôi bảo rằng tôi không ăn để
phản đối họ bắt tôi phi pháp. Họ bắt giữ tôi một ngày, tôi không ăn cơm
một ngày. Họ bắt giữ tôi cả tháng, tôi sẽ tuyệt thực cả tháng. Ông Thành
nói: Các anh đó vừa nói với tôi rằng nếu anh hứa không đi đâu ra khỏi
nhà, các anh sẽ đưa tôi về nhà ngay. Tôi bảo: Quyền đi lại cũng như
quyền được sống, quyền cư trú là quyền đương nhiên, cơ bản của con
người. Quyền đó đã được ghi rõ trong Hiến pháp: Công dân có quyền tự do
cư trú, tự do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi không thể từ bỏ quyền
con người đương nhiên đó được. Đi dự phiên tòa công khai cũng là quyền
hợp pháp của tôi.
NGÀY THỨ NHẤT
Chợ nhà đất đìu hiu nên khu căn hộ cao tầng nơi tôi ở còn dải đất
rộng bỏ hoang. Người dân ở trong những cái hộp bê tông chồng lên nhau
cao chót vót, ít khi được đặt chân xuống mặt đất liền xin mượn mảnh đất
của cỏ dại hoang vu, chia nhau mỗi nhà một vạt đất con con trồng rau,
vừa có thêm rau sạch cho bữa ăn, vừa có dịp tiếp xúc với đất cát, cỏ
cây, vừa có dịp vận động chân tay, cân bằng lại trạng thái hoạt động của
cơ thể.
Quần lửng, áo may ô, đầu đội mũ vải rộng vành, sáng thứ bảy cuối
tháng tám thất thường mưa nắng, mùa mưa và mùa khô còn đang dùng dằng
tranh chấp này tôi vừa xuống mảnh vườn nhỏ của tôi cuối bãi đất, xa
đường nhất, đang lúi húi cắm mấy ngọn rau lang thì người đàn ông ngoài
ba mươi tuổi áo sơ mi dài tay bỏ trong quần phẳng phiu, nghiêm chỉnh,
đến đầu luống đất tôi đang làm hỏi tôi những câu vu vơ. Nhìn khuôn mặt
lạ, tôi hỏi: Anh không phải người trong khu nhà này? Đáp: Vâng. Cháu đi
qua thấy vườn rau xanh vào xem. Tôi hỏi ngay: Anh là công an phải không?
Vâng. Cháu là công an.
Nhắc đến công an tôi nhớ ngay đến mới ba tháng trước, trong buổi sáng
tháng năm rất đẹp, những tia nắng rực rỡ hình rẻ quạt, xuyên qua vòm lá
lao xao, lọc trong sương sớm bảng lảng, rải những vạt sáng lung linh
xuống thảm cỏ, xuống lối đi trong vườn cây cổ thụ lớn và đẹp ở trung tâm
Sài Gòn. Chân thong thả bước, mắt đắm nhìn thiên nhiên, tôi đang thả
hồn trong buổi sớm trong lành và bình yên đó thì hai cánh tay như hai
gọng thép từ phía sau thọc vào hai nách tôi và bàn tay nung núc chắc
nịch bịt chặt miệng tôi, lôi tôi từ cuối vườn cây đẹp ra đường Lê Duẩn
trước dinh Độc Lập, tống tôi vào ô tô, chạy ra Cần Giờ. Trong ô tô, hai
thanh niên trẻ khỏe kẹp chặt hai bên sườn tôi. Tay họ thọc vào túi quần
tôi lấy điện thoại và máy ảnh của tôi. Miệng họ quát tháo thóa mạ và đe
dọa tôi. Bằng lời nói họ tự nhận là công an, cấm tôi ra khỏi nhà tham
gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược. Nhưng ngôn ngữ họ dùng là thứ
ngôn ngữ anh chị, mạt sát, dằn mặt, khủng bố và hành xử của họ là của xã
hội đen. Sự việc này tôi đã viết trong bài Đẹp Lòng Kẻ Xâm Lược, Nỗi
Đau Của Nhân Dân, Của Lịch Sử Việt Nam đã đăng trên nhiều trang mạng lề
Dân.
Nhớ đến những công an hành xử phi pháp, vô lối với tôi như vậy, tôi
bừng bừng phẫn nộ, căng giọng nói: Người dân đóng thuế nuôi công an để
công an bảo vệ pháp luật, bảo vệ cuộc sống bình yên, bảo đảm quyền con
người, quyền công dân của người dân. Nhưng công an lại chỉ biết có đảng.
Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình. Đảng chỉ có ba triệu
người, chỉ nhất thời. Nhân dân là chín mươi triệu người làm nên dân tộc
Việt Nam, làm nên lịch sử Việt Nam, làm nên sự vĩnh hằng Việt Nam. Tự
đặt mình là công cụ của đảng phái, công an đã coi người dân trung thực
nói lên sự thật khác biệt với tiếng nói của đảng đều là thế lực thù địch
và thẳng tay trấn áp, ngang nhiên tước đoạt quyền con người, quyền công
dân của người dân.
Không hiểu sao viên công an trẻ lại mang gia đình ra kể: Gia đình
cháu là gia đình cách mạng. Bố cháu tham gia cách mạng từ năm mười bốn
tuổi, đã có đóng góp... Tôi ngắt lời: Tôi không cách mạng à? Gia đình
tôi không cách mạng à? Cả tuổi trẻ của tôi đã chiến đấu cho sự sống còn
của nhà nước này, không là đóng góp à? Máu của người dân đã dựng lên nhà
nước này nhưng có chính quyền, có nhà nước trong tay, đảng cộng sản đã
phản bội lại những dòng máu ơn nghĩa đó, đã tước đoạt những giá trị làm
người của người dân. Cả những quyền con người, quyền công dân bình
thường, người dân cũng không có. Một đảng chính trị chỉ có thể tồn tại
bởi hai lẽ. Một là có lí tưởng đúng. Hai là mang lại những điều tốt đẹp
cho cuộc sống. Chủ nghĩa Mác Lê nin, lí tưởng Xã hội chủ nghĩa của đảng
cộng sản đã sụp đổ, đã bị thực tế chứng minh là sai trái, đã bị lịch sử
loại bỏ. Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa nhân dân Việt Nam đến hết sai lầm
này đến sai lầm khác như sai lầm đẫm máu trong cải cách ruộng đất. Bây
giờ đảng cộng sản Việt Nam đang kìm hãm, cản trở sự phát triển đất nước,
làm cho đất nước càng ngày càng tụt lại phía sau trong sự phát triển
của thế giới. Vì thế đảng cộng sản chỉ còn tồn tại bằng bạo lực của công
an các anh, bạo lực chuyên chính vô sản.
Chợt nhận ra vì sao công an theo chân tôi ra tận mảnh vườn này, tôi
nói: Tôi biết từ nay đến ngày phiên tòa xử chị Bùi Thị Minh Hằng, các
anh sẽ theo sát tôi từng bước. Viên công an hỏi: Chú thấy bà Hằng là
người thế nào? Đó là người phụ nữ Việt Nam đẹp, con cháu của bà Trưng bà
Triệu. Chú có biết năm chín mốt (1991) bà ấy quan hệ bất chính. Năm
chín bảy (1997) bà ấy chiếm đoạt tài sản của người khác không? Quan hệ
tình cảm là chuyện riêng tư. Chiếm đoạt tài sản của người khác là tội
hình sự phải do tòa án xét xử và định tội. Tôi không thấy có phiên tòa
nào xử chị Hằng tội chiếm đoạt tài sản. Chỉ có chuyện chị Hằng kiện đòi
lại tài sản mà thôi. Không có phiên tòa định tội chị Hằng chiếm đoạt tài
sản mà nói như vậy là vu khống.
Viên công an lại khoe rằng vẫn đọc facebook của tôi và bảo: Hôm nào
mời chú đi uống cà phê với cháu. Cảm ơn anh, tôi bận lắm không có thời
gian ngồi uống cà phê với anh. Tôi tỏ ra không muốn tiếp tục câu chuyện
bằng cách không trả lời những câu hỏi chỉ để có chuyện thì người thứ hai
cũng mặc đồ dân sự và trẻ hơn người thứ nhất, đến. Người thứ nhất nói
năng nhẹ nhàng, từ tốn bao nhiêu thì người thứ hai hùng hổ bấy nhiêu.
Vừa đến, anh ta nói ngay: Tôi nói cho chú biết. Chú không được đi đâu ra
khỏi nhà. Tôi nhìn anh ta: Với tư cách gì mà anh nói với tôi như vậy?
Buông ra câu: Tư cách người dân rồi anh ta bước theo người thứ nhất rời
khỏi mảnh vườn.
Đi qua mảnh sân trở về nhà, tôi thấy hai người vừa ra vườn rau gặp
tôi đang cùng người thứ ba túm tụm cạnh chốt thường trực của nhân viên
bảo vệ tòa nhà. người đứng, người ngồi trên yên xe máy.
NGÀY THỨ HAI
Chỉ gặp hai ông công an một lúc nhưng bóng công an chỉ biết còn đảng
còn mình, không biết đến pháp luật đã phủ bóng u ám, nặng nề trùm xuống
cả ngày thứ bảy cuối tuần của tôi. Ngày chủ nhật mấy ông bạn tuổi trẻ đã
qua, cái tàn tạ già nua đang tới với chúng tôi thường hẹn nhau đi ăn
sáng để điểm mặt nhau, dông dài chuyện gần chuyện xa. Tưởng sẽ có buổi
sáng chủ nhật thong thả, êm đềm, vui vẻ xóa đi ngày thứ bảy u ám. Nhưng
ngồi trên xe máy, tôi vừa đi cách nhà hơn trăm mét thì bốn, năm chiếc xe
máy ập đến chặn đầu xe tôi cùng tiếng quát: Đi đâu! Quay về!
Biết rằng lại gặp những hung thần không cần biết đến pháp luật, tôi
lùi xe, vì phía trước đã bị chặn, để quay về thì đụng vào chiếc ô tô du
lịch đã khóa lối về của tôi. Một bàn tay nhanh như chớp rút chìa khóa xe
máy của tôi. Những bàn tay thành thạo nắn túi áo, túi quần tôi lấy điện
thoại và máy ảnh của tôi. Những nắm tay cứng như gọng kìm lôi tôi rời
khỏi xe máy, tống tôi vào ghế sau chiếc ô tô du lịch. Đến trụ sở công an
xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, tôi bị dẫn vào một phòng nhỏ với bốn chiếc
tủ sắt đựng hồ sơ chiếm mất nửa diện tích phòng, với ba chiếc ghế bụi
bặm.
Ở đây tôi gặp lại những gương mặt đã từng tiếp xúc với tôi. Ông Sang
đã làm việc với tôi về những bài viết của tôi. Ông Tâm, người chỉ huy
nhóm công an bắt tôi ở vườn cây trước dinh Độc Lập rồi nhét tôi vào ô tô
chạy ra Cần Giờ ba tháng trước. Và viên công an trẻ ngồi kè bên tôi
trên chiếc ô tô đó. Tên Sang, tên Tâm là họ tự giới thiệu với tôi nhưng
tôi không tin rằng đó là tên thật của họ. Có đến sáu, bảy gương mặt lần
đầu tôi gặp, trong đó có ba người trẻ, cơ bấp chắc nịch, vẻ mặt lầm lì.
Ông Tâm chỉ thoáng vào phòng hỏi tôi một câu rồi mất hút luôn. Những
người khác lần lượt vào phòng mạt sát, răn đe tôi rồi vô lối đưa ra cái
lệnh phi pháp: Cấm tôi không được đi đâu. Tôi nói với họ rằng người dân
chỉ có thể bị bắt khi phạm pháp quả tang hoặc là bị can trong vụ án đã
có lệnh truy tố và lệnh bắt giam. Vô cớ tước đoạt quyền tự do của tôi là
phi pháp và họ đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Họ liền lớn tiếng
át lời tôi và đe đánh tôi. Một ông còn trẻ mắng tôi già rồi còn sống
được bao lâu nữa, không biết thân ở nhà nghỉ ngơi mà cứ xông xáo cho
khổ. Tôi nói với ông ta rằng con người không phải chỉ biết sống cho bản
thân mình mà còn có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quốc gia hưng
vong, thất phu hữu trách . . . Tôi vừa nhắc đến câu thành ngữ Hán Việt
rất hay và rất quen thuộc đó, ông công an trẻ liền cắt lời tôi: Thơ của
chú là thơ con cóc, lủng củng những hữu trách với vô trách!
Người duy nhất chuyện trò bình thường với tôi là ông Thành, phó ban
an ninh ấp Ba, xã Phước Kiển, địa bàn có khu căn hộ tôi ở. Ông nói quê
ông ở Long An. Từ năm 1955, bố ông ra Sài Gòn làm thợ. Mảnh đất Phước
Kiển là quê ngoại của ông. Ông đã có hơn mười năm sống trong quân ngũ.
Năm 1980, đang có cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, đơn vị ông được
điều ra Bắc. Nhưng ra đến Nam Hà lại được lệnh quay về. Vợ ông là em
ruột nhà thơ Từ Kế Tường. Nhà thơ họ Từ thứ ba và vợ ông thứ Năm.
Đầu giờ làm việc buổi chiều ông Thành trở lại gặp tôi. Thấy trên
chiếc bàn con cạnh chỗ tôi ngồi suất cơm hộp và chai nước La Vie còn
nguyên, ông Thanh giục tôi ăn cơm kẻo đói, mệt. Tôi bảo rằng tôi không
ăn để phản đối họ bắt tôi phi pháp. Họ bắt giữ tôi một ngày, tôi không
ăn cơm một ngày. Họ bắt giữ tôi cả tháng, tôi sẽ tuyệt thực cả tháng.
Ông Thành nói: Các anh đó vừa nói với tôi rằng nếu anh hứa không đi đâu
ra khỏi nhà, các anh sẽ đưa tôi về nhà ngay. Tôi bảo: Quyền đi lại cũng
như quyền được sống, quyền cư trú là quyền đương nhiên, cơ bản của con
người. Quyền đó đã được ghi rõ trong Hiến pháp: Công dân có quyền tự do
cư trú, tự do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi không thể từ bỏ quyền
con người đương nhiên đó được. Đi dự phiên tòa công khai cũng là quyền
hợp pháp của tôi. Tuy nhiên với sự phong tỏa dày đặc, sự ngăn cản quyết
liệt một cách phi pháp của công an đối với tôi, tôi có muốn đi Cao Lãnh
dự phiên tòa công khai xử người phụ nữ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Minh
Hằng, tôi cũng không thể đi được. Vì thế tôi chỉ có thể xác định rằng
tôi sẽ không đi Cao Lãnh dự phiên tòa đó. Còn tôi không thể hứa không đi
đâu ra khỏi nhà. Tôi không thể tự tước bỏ quyền con người chính đáng
của tôi.
Ông Thành bắt tay tôi rồi lui ra. Lúc đó là 13 giờ 40. Từ đó không ai
đến sừng sộ, răn đe tôi nữa. 15 giờ 35 tôi được dẫn ra ô tô. Chiếc ô
chạy ngược lại hướng chạy ban sáng. Người nói giọng Thanh Hóa ngồi kè
cạnh tôi lớn tiếng: Ông già rồi, sống vài năm nữa rồi chết. Nhưng việc
ông làm để lụy cho dòng họ, để lụy cho con cháu. Con cháu khổ vì ông,
ông biết không? Tôi bảo: Mọi việc tôi làm đều đúng pháp luật, không có
gì sai. Chỉ có các anh làm sai. Giọng Thanh Hóa quát cùng cánh tay rắn
chắc ấn vào sườn tôi: Ông im đi. Ông nói nữa tôi đánh. Ông muốn thay đổi
chế độ này à? Một ngàn năm mới có cuộc sống này. Chế độ này sẽ còn mãi
cho con cháu mai sau!
Chiếc ô tô dừng lại trước khối nhà tôi ở. Họ đưa trả lại tôi điện
thoại, máy ảnh. Tôi hỏi chiếc xe máy của tôi, họ bảo đã đưa xuống hầm để
xe. Kiểm tra những thứ họ thu giữ của tôi thì máy ảnh bật lên, màn hình
đen thui, máy ảnh không còn sử dụng được nữa. Bánh sau xe máy hết kiệt
hơi. Sáng tôi đi, xe còn căng hơi và tôi mới đi được hơn trăm mét thì bị
bắt. Những công an chỉ biết còn đảng còn mình không phải chỉ xúc phạm
thân xác và danh dự tôi, một nhà văn khắc khoải cùng nỗi đau với dân với
nước mà họ còn hủy hoại cả những vật dụng thiết thân của tôi!
Tối thứ ba, 26.8.2014, phiên tòa hốt hoảng hãm hại những khí phách
Việt Nam làm nên thời đại mới Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh,
Nguyễn Văn Minh đã khép lại nhưng trước ngôi nhà tôi ở vẫn có đến năm
công an chốt chặn.