Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Biểu tình và bạo động ở Ferguson nổ ra như thế nào?

Athena, cộng tác viên Dân Luận
Khoảng hơn một tuần trở lại đây, người dân tại thành phố Ferguson thuộc tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ liên tục gây ra các cuộc bạo động và biểu tình phản đối xung quanh việc nhân viên cảnh sát địa phương đã bắn chết một thanh niên 18 tuổi người Mỹ gốc Phi với 6 phát súng, trong đó có 2 phát ở đầu. Vậy thực hư vụ việc này là như thế nào?

Chuyện gì đã xảy ra vào ngày 9 tháng 8?

Thành phố Ferguson, với dân cư khoảng 22.000 người, đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi một nhân viên cảnh sát da trắng, được xác định là Darren Wilson, 28 tuổi, đã bắn chết Michael Brown, một thanh niên 18 tuổi khi người này đang đi cùng bạn trên đường vào ngày 9/8 vừa qua.
Dorian Johnson, người đi cùng Michael Brown ngày hôm đó, kể rằng khi họ đang đi bộ giữa lòng đường thì một viên cảnh sát da trắng bất ngờ dừng xe trước mặt họ và quát họ phải đi lên vỉa hè (“get the f*** on sidewalk”). Cả hai người đều trả lời họ sẽ lập tức làm theo lời viên cảnh sát.
Người cảnh sát này lái xe rời đi nhưng sau đó dừng xe và lùi lại, gần như đâm vào Johnson và Brown. “Cái xe ở rất gần chúng tôi, chỉ cách có vài inch, anh ta mở cửa xe đầy thô bạo khiến cánh cửa đập mạnh vào tôi và Brown,” Johnson nói.
Cánh cửa đập vào hai người rồi nảy bật lại vào Wilson khiến viên cảnh sát tức giận. Wilson đã tóm lấy cổ của Brown, và Brown cố trốn thoát. Wilson rút súng và bắn Brown. Lúc này Johnson và người bạn của mình cố chạy thoát nhưng cảnh sát (đã ra khỏi xe) vẫn tiếp tục nổ súng ngay cả khi Brown đã quay người lại và giơ hai tay ra phía sau để chứng minh rằng mình không hề có vũ khí.
Nhân chứng Tiffany Mitchell, người chứng kiến vụ việc cũng đồng ý rằng Michael Brown đã giơ tay đầu hàng, “tuy nhiên cảnh sát chỉ ngừng bắn khi thấy cậu thanh niên ấy ngã xuống lòng đường.” Nhân chứng Piaget Crenshaw cũng nói rằng cô nhìn thấy Wilson cố gắng bắt Brown vào xe. Khi Brown bỏ chạy, quay lưng lại viên cảnh sát, Wilson đã bắn vài phát vào người Brown. Khi bị trúng đạn, Brown đã quay lại, đứng im và đưa hai tay lên trời. Wilson tiếp tục bắn ngay cả khi cậu thiếu niên đã đầu hàng, và Brown gục xuống.

Phía cảnh sát nói gì?

Ông Jon Belmar, cảnh sát trưởng hạt Saint Louis đã xác nhận Michael Brown không hề mang vũ khí theo người. Tuy nhiên ông nói rằng Wilson cố gắng bước ra khỏi xe, và Brown đã đẩy viên cảnh sát trở lại trong xe. Sau đó Brown đã tấn công viên cảnh sát và cố cướp súng của người này. Viên cảnh sát đã bắn Brown, khiến Brown bỏ chạy. Nhưng sau đó Brown lại quay lại và tiến về phía Wilson, khiến viên cảnh sát lo sợ tiếp tục bị tấn công và đã bắn tiếp. Wilson bắn và giết chết Brown ở khoảng cách 10 mét cách xe cảnh sát. Wilson được cho là đã bị thương khi xô xát với Brown, một bên má trái bị sưng.
Cũng theo ông Thomas Jackson, cảnh sát trưởng thành phố Ferguson, thì Brown và Johnson đã cướp hộp thuốc lá (trị giá 48,99usd) từ cửa hàng bách hóa trước vụ đụng độ với Wilson. Tuy nhiên Wilson không biết điều này, mà chỉ dừng để nhắc nhở Johnson và Brown đi lên vỉa hè. Sau đó Wilson để ý đến hộp thuốc lá trên tay Brown và nghi ngờ anh ta là thủ phạm của vụ cướp.
Hiện tại nhân viên cảnh sát Wilson, 28 tuổi, đã tạm thời nghỉ việc, được canh giữ ở nơi an toàn và phải trải qua hai bài đánh giá tâm lý sau khi vụ việc xảy ra.

Wilson có được phép bắn Brown?

Vào những năm 1980, có hai phán quyết của tòa án Tối Cao - Tennessee vs. Garner và Graham vs. Connor – đã thiết lập một khuôn khổ để xác định khi nào cảnh sát bắn chết người là “hợp lý”.
Theo hiến pháp, “cảnh sát được bắn trong hai trường hợp”, ông David Klinger, giáo sư trường Đại học Missouri-St. Louis, chuyên nghiên cứu về sử dụng vũ lực của cảnh sát, cho biết. Trường hợp thứ nhất là “để bảo vệ tính mạng của người dân vô tội khác” – hay còn gọi là tiêu chuẩn “bảo vệ tính mạng”. Trường hợp thứ hai là để ngăn cản đối tượng chạy trốn, và chỉ trong trường hợp viên cảnh sát có lý do để nghi ngờ rằng đối tượng đã phạm tội hình sự nghiêm trọng.
Vụ Tennessee vs Garner liên quan đến 2 viên cảnh sát bắn một thiếu niên 15 tuổi khi cậu ta chạy trốn sau vụ ăn trộm (với số tiền 10usd và một chiếc ví). Tòa đã phán xử rằng cảnh sát không được phép bắn bất kỳ đối tượng nào đang tìm cách trốn. Tuy nhiên David Klinger nói: “Họ đã nói rằng nhiệm vụ của cảnh sát là bảo vệ người dân khỏi bạo lực, và nếu một người có khả năng gây bạo lực chạy trốn, thì cảnh sát có thể bắn để ngăn cản”.
Khi xem xét trường hợp “bảo vệ tính mạng” và “đối tượng nguy hiểm chạy trốn”, quan tòa sẽ không cân nhắc tới việc mối đe dọa dẫn tới phải sử dụng súng có thực sự hiện hữu hay không, mà họ đánh giá niềm tin của người cảnh sát rằng mối đe dọa là có thực có “khách quan và hợp lý” hay không.
Niềm tin “khách quan và hợp lý” đó thay đổi theo thời gian và theo diễn biến sự việc. “Khi đối tượng không còn khả năng tạo ra nguy hiểm, thì cảnh sát phải ngừng bắn”. Theo lời của cảnh sát hạt St. Louis thì Wilson bắn 1 viên đạn từ trong xe cảnh sát. Nhưng Brown bị bắn chết ở khoảng cách 10 mét cách xe cảnh sát bởi vài loạt đạn sau đó. Cảnh sát Wilson sẽ phải giải thích lý do bắn những loạt đạn sau này: Anh ta phải chứng minh được rằng cho tới viên đạn cuối cùng, anh ta vẫn có niềm tin khách quan và hợp lý rằng Brown tiếp tục là một mối đe dọa tới mạng sống của anh ta.

Bạo động nổ ra tại Ferguson

Vào ngày chủ nhật 10/8, hàng nghìn người dân ở thành phố Ferguson đã xuống đường biểu tình đòi công lý cho Michael Brown vì họ cho rằng đây là hành động mang tính phân biệt chủng tộc khi Michael Brown là người da đen còn cảnh sát Darren Wilson là người da trắng. Theo thống kê cho thấy sở cảnh sát Ferguson có 53 nhân viên cảnh sát nhưng trong đó chỉ có 3 nhân viên là người da đen.
Những người biểu tình vừa giơ tay lên cao vừa hét vang “Chúng ta là Michael Brown”. Những người khác cầm khẩu hiệu và nói “Không có công lý, không có hòa bình”. Một số người quá khích thậm chí còn yêu cầu “Giết chết tên cảnh sát đi!”
Cuộc biểu tình đã nhanh chóng trở thành bạo động lan ra toàn thành phố. Một trạm xăng đã bị cướp phá và cảnh sát buộc phải gọi thêm đơn vị hỗ trợ, Brian Schellman – phát ngôn viên của sở cảnh sát hạt St.Louis cho biết.
Rất nhiều người trong đoàn biểu tình đã ném đá, chai lọ và rượu về phía cảnh sát trong sự phẫn nộ khiến lực lượng này phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để trấn áp những kẻ quá khích. Ít nhất 80 người đã bị bắt trong cuộc bạo động.
Vào ngày thứ Bảy 16/8 vừa qua, thống đốc bang Missouri đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Ferguson, theo đó giờ giới nghiêm được quy định là từ nửa đêm cho đến 5h sáng hôm sau.
Cuộc bạo động bắt nguồn từ cái chết của Michael Brown, nhưng đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Nguyên nhân chủ yếu của nó là căng thẳng về chủng tộc đã diễn ra nhiều năm giữa cộng đồng da đen (chiếm đa số) và chính quyền và cảnh sát địa phương, vốn đa số là người da trắng. Theo thống kê thì 67% dân thành phố Ferguson là người da đen, tuy nhiên thị trưởng và cảnh sát trưởng là người da trắng, chỉ có 1 trong số 6 thành viên hội đồng nhân dân thành phố là người da đen, 3 trong số 53 cảnh sát viên của thành phố là người da đen, và toàn bộ thành viên hội đồng giáo dục thành phố là người da trắng. Khoảng 93% những vụ bắt giữ trong năm 2013 là dành cho đối tượng người da đen. Lý do để người da trắng chiếm đa số trong chính quyền địa phương có thể là vì đa phần người da đen không đi bỏ phiếu, vì số lượng người đi bỏ phiếu ở đây rất thấp, chỉ khoảng 12,3%.

Những người ủng hộ Darren Wilson

Trong khi cả nước đang tập trung vào sự giận dữ của những người đòi công lý cho Michael Brown thì một số khác lại lên tiếng ủng hộ cảnh sát Darren Wilson, người đã nổ súng bắn chết Michael Brown trong vụ xô xát.
Khoảng hơn 100 người đã tổ chức cuộc mít tinh tại hạt St.Louis vào thứ Bảy vừa qua để bày tỏ sự ủng hộ Wilson. Thậm chí có hai trang facebook đã thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông mặc dù mới lập được ít ngày. Lượt likes ở hai trang này lên đến hàng chục nghìn người. Một bài đăng gần đây nhất trên trang cũng nói họ đã chuẩn bị cho các buổi mít tinh tiếp theo. Rất nhiều là vợ của các nhân viên cảnh sát đã chia sẻ việc chồng họ thường xuyên phải đối mặt với các tình huống tương tự khi thực thi pháp luật và họ hoàn toàn thông cảm cho hành động của cảnh sát Wilson.
Một chiến dịch quyên góp tiền để ủng hộ Wilson đã được tiến hành thông qua các website. Trang web của chiến dịch này gofundme.com đã gây quỹ được 10.000USD trong vòng 24 giờ và hiện tại con số này đã lên đến hơn 100.000USD. Một chiến dịch khác có tên Teespring đã bán được 1007 chiếc áo để gây quỹ, phá kỷ lục 1000 chiếc trước đây của tổ chức này.
453575526.0.jpg
Cảnh sát được trang bị vũ khí đang quan sát đoàn biểu tình
453575456.0.jpg
"Đầu hàng, đừng bắn" là biểu tượng của cuộc biểu tình ở Ferguson
453681886.0.jpg
Những người biểu tình diễu hành phản đối với hai tay giơ lên trời.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"