Đặng Xương Hùng
“…Kịch bản này có thể mô tả một cách sơ lược là: ve vãn Mỹ, để
không bị o ép mạnh trong quan hệ với Trung Quốc như trước đây, làm lắng
dịu tình hình căng thẳng do dàn khoan gây ra. Được giới lãnh đạo Việt
Nam vẫn luôn tự hào như là một « đường lối mềm dẻo, khôn khéo »…”.
«Có những thời điểm mà lịch sử chạy nhanh hơn bình thường. Tôi
thậm chí dám khẳng định rằng có khả năng Việt Nam bước vào giai đoạn
chính trị có tính quyết định nhất kể từ sau 1975». Đây là nhận định khá lý thú, đáng được quan tâm của Giáo sư Jonathan London, trường Đại học Hồng Công.
Tuy nhiên, tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu, vẫn còn là câu hỏi rất
khó với bất cứ ai quan tâm, lo lắng cho đất nước này. Nó khó như giải
một phương trình gồm nhiều ẩn số. Trong đó, ẩn số quan trọng nhất, khó
phán đoán nhất là các tính toán và cân nhắc của giới lãnh đạo đảng và
nhà nước Việt Nam hiện nay.
Điều đó khẳng định rằng tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của giới lãnh đạo.Cơ
hội đã đến, mọi cánh cửa đã mở. Tiếp tục lối mòn xưa hay chuyển hướng
đưa đất nước vào con đường phát triển theo văn minh của nhân loại.
Dựa trên sự phán đoán các tính toán và cân nhắc của giới lãnh đạo,
có thể phác thảo ra ba kịch bản chính cho tương lai Việt Nam, như sau:
1. Trò chơi cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc tiếp tục được áp dụng.
Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất. Nó dựa trên sự suy luận rằng giữ chế
độ là nhu cầu lớn nhất của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Theo kịch bản này, quan hệ Việt - Trung không còn ở mức «4 tốt, 16
chữ vàng» nữa, nhưng vẫn giữ ở mức «hai bên cùng có lợi». Lãnh đạo Việt
Nam không đặt vấn để thoát hẳn ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà lợi
dụng mối quan hệ này để củng cố chế độ. Đổi lại Trung Quốc không có
thêm sự khiêu khích lộ liễu nào nữa ngoài Biển Đông, hoặc nếu có cũng
dựa trên những thỏa thuận ngầm với lãnh đạo Việt Nam và được hai bên giữ
kín. Trung Quốc không «làm xấu mặt» Việt Nam thêm nữa, để đổi lấy việc
làm ngơ trước các kế hoạch xác định chủ quyền ở những khu vực Trung Quốc
đã chiếm. Đợi một thời gian im ắng, Trung Quốc lại tiếp tục xây phi
trường và căn cứ quân sự ở Gạc Ma, xây các ngọn hải đăng tại quần đảo
Hoàng Sa.
Hai bên Việt-Trung tiếp tục chủ trương «gác tranh chấp, cùng khai
thác». Việt Nam dựa vào ưu thế của Trung Quốc để gỡ gạc những lợi ích
tối đa nhất, trong hành xử với các nước láng giềng tranh chấp. Hai bên
tiếp tục giữ tuyên bố «các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc
đàm phán song phương giữ các bên liên quan trực tiếp». Đề án kiện Trung
Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế được cất kỹ trong ngăn kéo.
Trong khi đó, những bước xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam chỉ
giữ ở mức «đủ để cân bằng với Trung Quốc». Mỹ được đáp ứng để thỏa mãn
là Trung Quốc không hung hăng thêm nữa. Tình hình «nguyên trạng» như
trước giàn khoan được cam kết giữ, đủ để hài lòng cả ba bên Mỹ, Trung,
Việt. Cả Mỹ và Trung Quốc đều ngầm hiểu «mi không đụng đến lợi ích của
ta, thì ta không đụng đến lợi ích của mi» như phương châm đã hình thành
từ thời Thượng Hải 1972.
Một số lĩnh vực trong quan hệ Mỹ-Việt có thể tiến bộ nhất định.
Nhưng không đạt đến mức Mỹ mong đợi, do Việt Nam không đáp ứng được đầy
đủ những điều kiện mà phía Mỹ đưa ra. Những tiến bộ được giữ ở mức đủ để
Mỹ đừng buông tay. Nhịp điệu «bắt thả» rất nhịp nhàng để đổi lấy việc
thực hiện cam kết của Mỹ.
Những tiến bộ về dân chủ và nhân quyền, nếu có thì chỉ là hình thức
bề ngoài. Tư tưởng đi theo Mỹ là mất đảng, là mắc mưu «diễn biến hòa
bình» ít nhiều vẫn đang còn tồn tại trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện
nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vừa tuyên bố tại Bộ Công an: «Dứt
khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức chống đối phá hoại đất
nước». Tuyên bố này đi ngược phát biểu dân chủ đầu năm, đã được ngài
John Mc Cain «biểu dương» trong chuyến thăm vừa rồi tại Việt Nam.
Kịch bản này có thể mô tả một cách sơ lược là: ve vãn Mỹ, để không
bị o ép mạnh trong quan hệ với Trung Quốc như trước đây, làm lắng dịu
tình hình căng thẳng do giàn khoan gây ra. Được giới lãnh đạo Việt Nam
vẫn luôn tự hào như là một «đường lối mềm dẻo, khôn khéo». Kịch bản này
có thể xảy ra từ nay đến Đại hội đảng XII, có thể kéo dài được thêm một
vài năm sau đó, trước khi dẫn đến thất bại, đổ vỡ.
2. «Đường lối mềm dẻo, khôn khéo» bị thất bại. Việt Nam bị kẹt
trong xung đột về chủ trương của Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ Việt-Trung
dần trở nên căng thẳng. Quan hệ Việt-Mỹ được thúc đẩy nhưng không đủ để
Mỹ can dự trực tiếp. Có khả năng đụng độ trên Biển Đông, trong đó Việt
Nam được hậu thuẫn bởi vũ khí của Mỹ.
Kịch bản này khả năng ít nhưng vẫn có thể xảy ra. Nó dựa trên suy
luận là một nước nhỏ như Việt Nam hiện nay không đủ tài và lực để cùng
lúc lèo lái hai cường quốc hòng trục lợi cho riêng mình.
Kịch bản này là hậu quả chính sách «mềm dẻo, khôn khéo», trong khi Mỹ và Trung Quốc đều có tính toán riêng của mình.
Với Trung Quốc, sự kiện đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam là một phần của kế hoạch của Trung Quốc vươn ra
biển khơi, độc chiếm Biển Đông, hợp pháp hóa đường lưỡi bò và kiểm soát
các đường hàng hải huyết mạch.
Trước đó, Trung Quốc đã âm thầm, lặng lẽ, xây dựng các công trình
như sân bay, đảo nhân tạo, đặt căn cứ quân sự ở Trường Sa. Trên đất
liền, xây dựng các đặc khu kinh tế Vũng Áng - Hà tĩnh, dự án Bô xít Tân
Rai và Nhân Cơ - Đắc Nông. Từ đó, hình thành tam giác với đảo Hải Nam và
đảo Tam Sa (Hoàng Sa), chia cắt và dễ dàng khống chế Việt Nam khi tình
huống xảy ra.
Những hành động mới đây của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ làm Trung
Quốc rất nóng mắt. Họ tiếp tục tiến hành đồng loạt các biện pháp vừa hăm
dọa, cưỡng ép và bắt chẹt đối với Việt Nam. Họ không muốn Việt Nam ngả
quá nhiều với Mỹ để ngăn cản chủ trương trên của họ.
Thời gian tới, họ tiếp tục gây sức ép lên giới lãnh đạo để Việt Nam
tiếp tục trấn áp các hoạt động chống Trung Quốc, gây rối làm bất ổn cả
về kinh tế lẫn xã hội ở Việt Nam, làm các nhà đầu tư nước ngoài không
dám tiếp tục đầu tư, dùng các biện pháp về tài chính và thương mại để
khống chế Việt Nam chặt chẽ hơn.
Với Mỹ, các chuyến đi liên tiếp vừa rồi đến Việt Nam của
Thượng nghị sĩ John Mc Cain và của Tướng George Martin Dempsey chứng tỏ
Mỹ đã cảm thấy quá muộn trong những biện pháp ngăn chặn sự trỗi dậy hung
hăng của Trung Quốc. Việc các quan chức Mỹ có những phát biểu đầy
«khích lệ» cho quan hệ Mỹ- Việt chứng tỏ Mỹ thật sự mong muốn có hậu
thuẫn cho Việt Nam là mắt xích yếu nhất, nhưng đồng thời cũng là đối
tượng chống lại Trung Quốc hiệu quả nhất, nếu được tăng cường sức mạnh.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết một trong những yếu tố
«thú vị» trong quan hệ Mỹ - Việt là «tâm lý chống Trung Quốc sâu sắc» ở
Việt Nam.
Người Mỹ có thể hào phóng nhưng rất thực dụng. Một mặt, họ ra sức ca
ngợi và cổ vũ cho một «đối tác chiến lược» trong tương lai của quan hệ
Mỹ-Việt, với những cam kết kế hoạch giúp đỡ khá rõ ràng. Nhưng mặt khác
họ không quên đưa ra những điều kiện ràng buộc và giới hạn để thực hiện
theo một tiến trình nhất định. Hầu như người Mỹ đã rút ra bài học «No
more Vietnam» của cố Tổng thống Richard Nixon. Họ có thể tiêu tốn tiền
bạc và vũ khí trong tình huống này, nhưng để đổi lại họ có thể «dùng
cộng sản chống lại cộng sản ở Biển Đông».
Kịch bản hai xảy ra khi Việt Nam bị nằm ở thế, trên thì bị Trung
Quốc o ép không thoát ra khỏi được vòng kiểm tỏa, ở dưới thì bị Mỹ thúc
ép «có hành động thêm nữa về dân chủ và nhân quyền». Kịch bản này có thể
đi kèm với tình trạng giới lãnh đạo Việt Nam bị chia rẽ một cách sâu
sắc bởi hai phe cải cách và bảo thủ, nhưng không bên nào giành thắng
thế.
3. Lãnh đạo Việt Nam buộc phải thay đổi với một kịch bản tương tự như đã diễn ra ở Miến Điện.
Ít có khả năng giới lãnh đạo Việt Nam tự nguyện thay đổi. Kịch bản
này có thể xảy ra khi kịch bản đầu thất bại hoặc do một tác động bên
ngoài như: sự nổi dậy của nhân dân, vỡ nợ hoặc sụp đổ về kinh tế, một
biện pháp trừng phạt của các nước lớn (thí dụ như dự luật chế tài về
nhân quyền Ed Royce HR4254).
Đây là kịch bản duy nhất có lợi cho nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Kịch bản này cũng dựa trên suy luận rằng, có một nhân vật hoặc một
nhóm lãnh đạo, có tư tưởng cải cách, tập hợp đủ lực lượng tạo ra một
diễn biến như đã từng xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu.
Tóm lại, phán đoán các kịch bản cho tương lai Việt Nam hầu tìm ra
được mấu chốt quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình thay đổi, mau chóng
đến với đất nước Việt Nam.
Là nhà lãnh đạo thì nhận cho mình trọng trách cao nhất đối với vận
mệnh đất nước. Phải có đủ lòng dũng cảm và thành tâm chính trị, lãnh đạo
quốc gia phải thực sự vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, chứ không
thể vì lợi ích của một đảng, một phe nhóm hoặc chỉ vì lợi ích cá nhân.
Là con dân Việt Nam, thì việc đòi hỏi để có được một cuộc sống tự
do, ấm no, hạnh phúc trong một quốc gia thịnh vượng, không thể chỉ còn
là một lời thỉnh cầu mà phải ý thức tự đứng lên giành lấy nó. Xây dựng
một xã hội dân sự mà trong đó mọi công dân Việt Nam quan tâm đến các tổ
chức lãnh đạo đang điều hành đất đất nước, hiểu được cơ chế mà nó đang
hoạt động, nắm được những biện pháp, chính sách mà các cơ quan này đang
tiến hành. Tương lai, vận mệnh của mình nằm trong đó.
Việt Nam đang có cơ hội tốt để hướng tới một tương lai thực sự độc lập, dân chủ và tự do.