Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Án tù cho 3 nhà hoạt động Việt Nam

Nguyên Thọ, cộng tác viên Dân Luận
10449492_852285201451083_4618128447153062310_n.jpg
Lúc 18h50 ngày 26/8, tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án vụ án Bùi Hằng cùng 2 đồng sự, với các bản án nặng nề như sau:
1) Bùi Thị Minh Hằng: 3 năm tù giam.
2) Nguyễn Văn Minh: 2,5 năm tù giam.
3) Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: 2 năm tù giam.
Phiên tòa bắt đầu từ 7h30 và kéo dài đến 10 tiếng sau mới kết thúc. Diễn biến trong phiên tòa được Luật sư Trần Thu Nam cho là có lợi cho nhà cầm quyền, khi những nhân chứng mà các luật sư yêu cầu triệu tập đã không có mặt, một số bị ngăn chặn, một số bị bắt giữ tai các đồn công an thuộc thành phố Cao Lãnh. Vì lẽ này mà các luật sư đã yêu cầu dừng phiên tòa nhưng không được chủ tọa đồng ý.

Bắt bớ trước và trong phiên tòa
Đêm trước phiên tòa, cả thành phố Cao Lãnh náo loạn vì các lực lượng công an được tung ra lùng sục khắp các nhà nghỉ trên địa bàn, hòng tìm kiếm những người đang đấu tranh cho nhân quyền.
Đã có ít nhất 5 người bị bắt ngay đêm 25/8 là Hoàng Dũng, Trương Dũng, Phương Dung, Mai Thảo, Tiến Hưng. Có 3 nhóm khác với gần 20 người bị giam lỏng trong các khách sạn và nhà nghỉ khác nhau trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong phiên tòa lần này công an tỏ ra là người chủ động trong các việc giăng bẫy, đón lõng và vồ chụp con mồi.
Khi phiên tòa diễn ra lúc 7h30 26/8 tại trụ sở tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thì các lực lượng công an kết hợp với an ninh thường phục hoạt động tích cực hơn. Gần 100 người đến tham dự phiên tòa công khai bị bắt, nhưng chúng tôi chỉ có được danh tính của hơn 60 trường hợp.
Dư luận sau phiên tòa
Sau khi thông tin về bản án của Bùi Hằng cùng 2 đồng sự được chính luật sư Trần Thu Nam xác nhận, trên mạng xã hội Facebook tràn ngập sự phẫn nộ đến từ những người dân.
+Facebook Adam Đặng thốt lên:
Thật cay đắng thay cho những người con dân Việt, muốn tìm lẽ phải... tìm công lý...tìm sự thật của cội nguồn dân chủ. Tự do quả thật nhiêu khê...
+Facebook Hung Le Khanh liên tưởng đến chuyến đi sứ của ông Lê Hồng Anh, đặc sứ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc và đặt câu hỏi:
Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là cống vật mà đặc sứ dâng lên thiên triều?
Một bản án và một phiên toà chỉ thể hiện sự bất lực và sợ hãi của một chế độ độc tài, khát máu. Ở bất cứ một quốc gia nào lực lượng an ninh cũng là để bảo vệ dân còn nước ta, an ninh là để đàn áp đánh đập dân, trong khi dân là những người không có một tấc sắt trong tay và đáng thương hơn họ là những người phụ nữ chân yếu tay mềm.
Hôm nay nhìn mẹ từ xa
Tay còng , tóc rũ sương pha bạc màu
Chiếc nón lá ấy còn đâu
Rơi vào tay giặc nát nhầu quê hương !
+Luật sư nhân quyền Trần Thu Nam là luật sư của bà Bùi Hằng đã tâm sự:
TẠM BIỆT CAO LÃNH VỚI NỖI BUỒN VÔ HẠN
Nhớ món canh cá Linh, nhớ tà áo dài và nhớ không khí của Cao Lãnh. Đặc biệt, quà mang về là nỗi thất vọng, nỗi buồn vô hạn của phiên toà. Tiếng gào thét của vợ một bị cáo (Nguyễn Văn Minh) sau khi nghe Toà tuyên án chồng mình 30 tháng tù giam "Chồng tôi vô tội, lấy súng bắn chết tôi đi" làm ám ảnh các Luật sư chúng tôi. Ôi nền tư pháp VN, công lý kiểu VN, nhà nước pháp quyền kiểu VN sao buồn! Chắc không làm luật sư nữa, đi làm nghề khác vậy.
Một vụ án mà nhà cầm quyền vi phạm pháp luật ngay từ đầu
- Một vụ ngụy tạo từ đầu đến cuối,khi khởi nguyên chỉ là có 2 chiếc xe máy chạy song song trên đường, 1 chiếc nữa của ai đó chạy phía trong, thì bị tính là xe chạy hàng ba. Không có bằng chứng cho thấy bà Bùi Hằng và 2 đồng sự đã tấn công những người làm nhiệm vụ, hoặc gây rối trật tự công cộng. Thậm chí trong bản cáo trạng con nêu rõ anh Minh đánh vào tay một người công an một cái, lẽ dĩ nhiên khi con người tấn công một ai đó đích đến không phải là tay mà là mặt, hoặc bộ phận khác dễ tổn thương.
- Vi phạm thời hạn điều tra:
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho biết: Theo Điều 119, Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định như sau: Không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 1 lần không quá 2 tháng; đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Đối với vụ án "Lấp Vò" thì ngày bắt giữ là ngày 11-2, nhưng đến ngày 10-7 mới kết thúc điều tra, tức là phải gần 5 tháng sau mới xong. Và 1 tháng sau mới đưa ra tòa. Nhà cầm quyền Việt Nam đang vi phạm trắng trợn cả những luật lệ mà họ đặt ra.
- Vi phạm quyền được xét xử công khai và minh bạch, đúng trình tự pháp luật:
Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp có nêu rõ: vụ án xét xử công khai. Vậy mà chỉ có 2,3 nhân chứng trong tổng số 17 nhân chứng của vụ án được vào trong phiên xử. Những nguồn tin từ Dân Luận cho chúng ta thấy các nhân chứng bị bắt giữ, đánh đập và đưa trả về nhà hoặc giam giữ tại các đồn công an.
- Vi phạm khi bắt giữ người tham dự phiên tòa trái pháp luật:
Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 (BLHS), quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Công an đã bắt giữ những người tham dự một cách thô bạo mà không trưng ra bất kỳ một lý do chính đáng, một văn bản nào liên quan đến sự bắt giữ!
- Vi phạm quyền tự do ngôn luận, thông tin của người dân:
Một nguồn tin khác cho Dân Luận biết việc: "hễ có ai giơ máy điện thoại lên chụp hình là bị cướp máy ảnh, bị đánh". Pháp luật quy định rõ: Công an là lực lượng thi hành nhiệm vụ của nhà nước một cách công khai, người dân quay phim là để giám sát việc thi hành công vụ. Cho nên việc ngăn chặn người dân quay phim chụp ảnh của người dân là hành động vi phạm pháp luật.
Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Gần như ngay lập tức sau phiên tòa vi phạm pháp luật này, tòa đại sứ Mỹ đã có bản Thông cáo báo chí tuyên bố:
Về quyết định của Chính phủ Việt Nam kết án các nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh và Nguyễn Văn Minh
Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết án và phạt tù các nhà hoạt động là bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thuý Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh 36 tháng, 24 tháng, và 30 tháng, theo thứ tự, tù giam theo Điều 245, về “trật tự công cộng”. Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một các ôn hoà là điều đáng báo động.
Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả vô điều kiện ba cá nhân này, cũng như các tù nhân lương tâm khác, và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ.
(Hết tuyên bố)
Một phiên tòa hình sự công khai, nhưng việc tham dự là xa xỉ đối với các nhà hoạt động. Có những người còn bị đánh đập khi phiên tòa đã xong như là một sự trả đũa cho những vất vả mà công an, an ninh, côn đồ phải chịu đựng hai ngày qua. Một phiên tòa được tuyên với 7,5 năm tù giam, liệu có đủ thời gian cho 3 nhà hoạt động của chúng ta thụ án? Đó là câu hỏi và cũng là động lực để chúng ta biến "đau thương" thành "hành động".

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"